Khi Tây làm "anh hùng cứu mỹ nhân” ở Việt Nam...

11:46 | 29/09/2014

2,351 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong suy nghĩ của nhiều người thì những “ông Tây” vẫn được tiếng là “văn minh” “tôn trọng pháp luật”. Tuy nhiên, không ít người khi đến Việt Nam lại thể hiện ý thức chấp hành luật pháp rất kém. Việc ưu tiên cho người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch là điều rất cần thiết, nhưng cũng không thể vì thế mà xem nhẹ các quy phạm pháp luật.

Đau đầu vì những  “ông Tây” phạm pháp

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay có hơn 100 nghìn người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Đó là chưa kể đến lượng người ngoại quốc nhập cảnh vào nước ta trên danh nghĩa du lịch.

Hàng trăm nghìn con người đến từ nhiều nền văn hóa, nhiều đất nước khác nhau cũng đã kéo theo rất nhiều khó khăn trong việc chấp pháp. Ở một địa bàn có nhiều người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch như Hà Nội, việc giữ gìn trật tự là hết sức khó khăn.

Vụ gây rối xảy ra ngày 6-9-2014, tại phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một điển hình. Tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 4 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) làm nhiệm vụ tại ngã tư Tam Trinh - Minh Khai phát hiện một phụ nữ đi xe máy đi ngược chiều nên ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe, thông báo lỗi vi phạm và kiểm tra hành chính.

Làm gì với những  “ông Tây” phạm pháp?

Một khách du lịch người nước ngoài không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy ở Hà Nội

Khi đang làm việc, bỗng một người nước ngoài xuất hiện, tiến tới ngăn cản các chiến sĩ thi hành công vụ. Thanh niên này giữ tay cảnh sát và hô lớn: “Thả người ta ra, bắt gì mà bắt”. Lợi dụng lúc giằng co giữa cảnh sát và “ông Tây”, người phụ nữ vi phạm giao thông nhanh chân lên xe bỏ chạy.

Thấy hành vi cản trở người thi hành công vụ của ông Tây này, một CSGT trong tổ công tác hỗ trợ đồng đội liền bị người này hành hung. Thậm chí anh ta còn giật dùi cui của lực lượng thực thi công vụ vứt ra giữa đường. Trước hành vi chống người thi hành công vụ, tổ công tác đã tiến hành bắt giữ vị khách nước ngoài đưa về Công an phường Vĩnh Tuy để giải quyết.

Tại Cơ quan Công an, người nước ngoài này khai tên là River Ray - hiện là giáo viên của một trung tâm Anh ngữ tại Hà Nội, nhưng không xuất trình được giấy tờ tùy thân. Đồng thời cũng tỏ thái độ bất hợp tác với cơ quan Công an. Không những thế, anh ta còn la lối om sòm, bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Hành vi ngang ngược, bất chấp pháp luật của anh ta, được báo cáo lên Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Ngay sau đó, cán bộ Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự xã hội và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP Hà Nội) đã có mặt để phối hợp điều tra làm rõ. Suốt thời gian từ 16 đến 21 giờ, hỏi gì anh ta cũng không trả lời.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh đã làm rõ quá trình nhập cảnh vào Việt Nam của anh này. Qua dữ liệu cho thấy, người này có mặt tại Việt Nam từ năm 2012 và ra vào khá nhiều lần. Lần gần đây nhất là anh ta nhập cảnh vào Lào ngày 16-7-2014 và ngay sau đó xin Visa nhập cảnh vào Việt Nam.

 Tên đầy đủ của người ngoại quốc này là River Ray Webb Hopkins (24 tuổi, ở Virginia, Mỹ). Hiện River tạm trú tại phố Dương Quảng Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Anh ta hiện là giáo viên của một trung tâm Anh ngữ trên phố Thái Thịnh.

Sau nhiều giờ tiến hành vận động, thuyết phục, River Ray mới đồng ý viết bản tường trình về sự việc. Trong bản tường trình, anh này lập luận rất ngây ngô về hành động chống người thi hành công vụ của mình. River Ray nói đã nhiều lần hành động như vậy để “giải cứu” cho các cô gái dù không quen biết khi bị lực lượng CSGT xử phạt vi phạm.

Mặc dù chấp nhận viết tường trình, nhưng trong quá trình làm việc với Cơ quan Công an River Ray vẫn cởi áo, vạch đùi, vạch bẹn… chỉ vào những vết thương để đổ cho là bị đánh. Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ các chiến sĩ công an đã chỉ ra số đó đa phần là những vết thương cũ. Có vết thương mới ở trán thì do River Ray tự ngã. Được biết cách đây ít năm, River Ray đã từng gây hấn với Cảnh sát Mỹ và bị bắt giam.

Sang Việt Nam, River Ray xin được việc làm tại một số trung tâm Anh ngữ quốc tế. Đối với River Ray, cuộc sống ở Việt Nam rất dễ chịu và anh ta rất muốn ở lại lâu dài. Cuối bản tường trình, River Ray bày tỏ nguyện vọng không bị trục xuất.

Cách đây chưa lâu, cũng xảy ra một sự việc khiến lực lượng Cảnh sát phản ứng nhanh 113 Công an Hà Nội gặp phải một phen vất vả. Một lái xe taxi đang chở “ông Tây” trên đường Phạm Hùng thì bị ông ta gây sự. Sau một hồi giằng co thì lái xe taxi sợ quá vội bỏ chạy, quên cả chìa khóa trên xe. Người ngoại quốc này liền leo lên cabin, định lái thì tài xế kịp thời quay lại ngăn cản. Không đuổi được người tài xế, vị khách ngoại quốc đã xì hơi một bánh xe, bẻ gãy 2 cánh cửa xe và đấm nứt kính.

Khi lực lượng Công an có mặt, người nước ngoài này bất ngờ đập đầu vào chiếc taxi và giở trò ăn vạ. Sau khi xem giấy tờ tùy thân của vị khách này, các chiến sĩ cảnh sát yêu cầu ông ta đứng tại hiện trường đợi người đến đón. Tuy nhiên, “ông Tây” một mực bỏ đi.

Phát hiện ống kính máy quay hướng về phía mình, người này lập tức cúi gập người, tay chắp về sau như bị trói. Chỉ đến khi người dân quá bức xúc, đòi bắt giữ vị khách này mới quay trở lại và xin trốn vào xe của lực lượng cảnh sát.

Đó chỉ là một số vụ việc điển hình mà những “ông Tây” thích ra oai và không ngại hành hung luôn cả người bản địa, thậm chí là người thực thi công vụ.

Một vấn đề với người nước ngoài tại Việt Nam là việc chấp hành Luật Giao thông Đường bộ. Nhiều người tỏ ra khá hiểu biết khẳng định: Gần 100% khách du lịch điều khiển phương tiện đều vi phạm luật giao thông, kể cả họ có đội mũ bảo hiểm thì cũng không móc đâu ra giấy phép lái xe.

Theo quy định, người nước ngoài đang cư trú hoặc đang làm việc, học tập ở Việt Nam từ 3 tháng trở lên có thể dự học và thi xin cấp giấy phép lái xe. Nhưng hiện nay, nhiều du khách chỉ đến Việt Nam một thời gian ngắn như đi du lịch, công tác ngắn hạn, họ vẫn thuê xe máy để đi và tất nhiên là vi phạm Luật Giao thông Đường bộ vì không có giấy phép.

Bên cạnh đó, việc thuê xe ở nước ta vô cùng dễ dàng. Khách nước ngoài chỉ cần đến các điểm dịch vụ cho thuê xe, trình hộ chiếu, đặt cọc tiền là có thể thuê xe và tự điều khiển xe máy. Ngoài ra, không có bất cứ điều kiện gì khác như bằng lái, sức khỏe hay khả năng điều khiển xe máy của họ…

“Tây quậy” cũng xử lý

Ngoài việc vi phạm giao thông, hành hung, chống người thi hành công vụ, một số người nước ngoài còn phạm các tội nghiêm trọng khác trên lãnh thổ Việt Nam như: Dùng thẻ tín dụng chiếm đoạt tài sản ngân hàng, giết người, lừa đảo, buôn bán ma túy…

Trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới, Luật sư Lê Cao (Hãng luật Hợp danh FDVN) cho biết: Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Việc áp dụng hình phạt nào là theo quy định pháp luật, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của bị can, bị cáo và do cơ quan tố tụng quyết định, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Khi người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam, các cơ quan chức năng của địa phương phải tiến hành thủ tục điều tra, truy tố, xét xử đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về xử lý hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng nêu rõ cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật thuộc diện được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao thì không được bắt giữ hoặc có hành động xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm thân thể của họ. Những trường hợp này, sau khi lập biên bản vi phạm, cần liên hệ với cơ quan ngoại giao của nước đó ở Việt Nam để phối hợp xử lý.

Tuy nhiên, trường hợp được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao là rất ít và những người được hưởng quyền này lại thường ít khi có hành vi vi phạm pháp luật.

Thiên Minh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc