TP Hồ Chí Minh

Khi mại dâm bị "tháo cũi sổ lồng"

23:58 | 20/10/2012

1,913 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, theo đó, các đối tượng bán dâm khi bị bắt sẽ không bị đưa vào trại giáo dưỡng mà chỉ phải nộp tiền phạt. Trước thời điểm quy định này có hiệu lực, tại TP HCM - địa phương có tệ nạn mại dâm liên tục gia tăng trong những năm trở lại đây, các cơ quan quản lý đang lo lắng trước nguy cơ bùng phát mạnh và những hệ lụy tiếp theo của tệ nạn mại dâm.

Đau đầu vì nạn mại dâm

Thực tế cho thấy, tệ nạn mại dâm (TNMD) tại TP HCM từ lâu vốn đã khó kiểm soát, hàng năm con số về TNMD liên tục gia tăng dù các cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc nhưng số vụ việc phát hiện liên quan đến hoạt động này vẫn không hề thuyên giảm. Các đường dây mại dâm hoạt động tinh vi, biến tướng trá hình tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Theo Sở LĐ-TB&XH TP HCM, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay số vụ mại dâm đã tăng lên 170% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, các lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 567 đối tượng hoạt động mại dâm. Riêng đoàn kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội thành phố cũng đã kiểm tra và phát hiện gần 5.500 cơ sở vi phạm, trong đó 49 cơ sở có hoạt động mại dâm và 75 cơ sở có hành vi khiêu dâm, kích dục.

Hoạt động mại dâm trong thời gian tới có nguy cơ bùng phát

Sở LĐ-TB&XH nhận định: Từ đầu năm đến nay, hoạt động mại dâm không có chiều hướng suy giảm mà tiếp tục tăng cả về số vụ, lẫn số đối tượng. Đáng chú ý là hiện tại trên địa bàn toàn thành phố vẫn còn 70 tuyến đường và tụ điểm là điểm nóng của TNMD như: Ngô Văn Năm, Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận), Cộng Hòa (quận Tân Bình)…

Bên cạnh đó, hiện tượng mại dâm nam, mại dâm đồng tính, các hành vi khiêu dâm kích dục tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ và mại dâm trong giới người mẫu, diễn viên ngày càng gia tăng và mất kiểm soát. Minh chứng là vụ đường dây bán dâm của những tên tuổi trong giới người mẫu do hoa hậu Võ Thị Mỹ Xuân cầm đầu được lực lượng công an TP HCM phát giác vào đầu tháng 6 vừa qua.

Ông Nguyễn Minh Quang, một chuyên gia xã hội học tại TP HCM: “Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc các đối tượng gái mại dâm hành nghề càng trở nên dễ dàng hơn. Bởi những “bướm đêm” vi phạm thì chỉ bị phạt hành chính chứ không bị quản thúc, giáo dục như trước đây.

Vì thế, nhiều nhà chức trách cũng như người dân lo ngại về những vấn đề liên quan đến tội phạm mại dâm cũng là điều dễ hiểu. Trước đây, quy định về phòng chống bài trừ tệ nạn mại dâm khá gắt gao nhưng việc buôn bán phụ nữ và trẻ em vẫn diễn ra một cách tinh vi, khó phát hiện xử lý. Trong thời gian tới, khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được áp dụng thì những tội phạm liên quan đến mại dâm càng khó rà soát, thắt chặt”.

Xử phạt hành chính có đủ răn đe?

Trong khi TNMD vẫn đang “hành” các cơ quan chức năng thì việc sắp tới đây luật xử phạt hành chính có hiệu lực càng khiến TNMD ở TP HCM đứng trước nguy cơ bùng phát mạnh mẽ. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho rằng: “Nếu quy định này được áp dụng, tình hình mại dâm chắc sẽ tăng vọt và càng khó kiểm soát, kiềm chế. Bởi hiện nay nếu bị phát hiện, các đối tượng gái mại dâm ngoài việc bị xử phạt sẽ còn được đưa vào các trung tâm quản lý, giáo dục, vậy mà tệ nạn mại dâm vẫn tăng. Vì vậy, nếu tới đây theo quy định mới, gái mại dâm chỉ bị xử phạt hành chính từ vài trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng thì không đủ sức để răn đe và hạn chế tệ nạn này bùng phát”.

Cũng theo ông Minh, một điều đáng bàn là trong quy định mới, ngoài việc người bán dâm chỉ bị áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, thì chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tạo điều kiện để người bán dâm hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế các địa phương khó có thể giúp gái mại dâm trở về có công việc ổn định. Vẫn biết rằng, quy định mới thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với đối tượng lầm lỡ trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là, đa số gái mại dâm đều không có trình độ học vấn hoặc có trình độ rất thấp, nơi ở không có hoặc không ổn định. Vì vậy rất khó để địa phương có thể bố trí ngay cho các đối tượng trở về có công ăn việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, hiện nay thành phố còn quá ít các trung tâm tư vấn, hướng nghiệp để có thể đáp ứng nhu cầu của đối tượng gái mại dâm sau khi trở về địa phương. “Chúng tôi đang có ý định trình UBND thành phố thành lập một trung tâm công tác xã hội để có thể tập hợp đối tượng mại dâm tự nguyện vào đây để tư vấn, hướng nghiệp và tạo việc làm cho chị em. Vì vậy, khi luật xử phạt hành chính đi vào thực tiễn, thời gian đầu phương pháp tốt nhất vẫn là tuyên truyền, vận động và thường xuyên phát bao cao su cho gái mại dâm để hạn chế tình trạng lây truyền HIV cũng như các bệnh tình dục khác”, ông Nguyễn Văn Minh cho biết.

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố cho biết, họ cũng đang lo ngại những vấn đề phát sinh khi quy định mới có hiệu lực, vì trong số các đối tượng gái mại dâm mà đơn vị đang quản lý có đến 8% đối tượng nhiễm HIV. Khi các quy định của luật mới chưa hướng dẫn cụ thể thì số đối tượng nhiễm HIV có thể là nguy cơ lây lan bệnh tật cho xã hội sau khi họ trở về địa phương.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP HCM cho biết: “Chúng tôi đã lên phương án trình UBND thành phố về việc có kế hoạch và định hướng đưa những đối tượng này trở về tái hòa nhập cộng đồng”. Tuy nhiên, ông Thạch cũng lo ngại việc quy định mới sẽ tạo điều kiện cho tội phạm liên quan đến gái mại dâm (bảo kê, chăn dắt và đường dây, ổ nhóm mại dâm) lợi dụng để mở rộng quy mô hoạt động. Vì vậy Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố đã có kiến nghị đến các bộ, ngành, về những bất cập nếu quy định mới đưa vào thực hiện. Trong đó, có kiến nghị về việc cần phải xử lý cứng rắn hơn đối với người bán dâm, đặc biệt là các đối tượng gái mại dâm vốn là những người mẫu, hoa hậu.

Mặt khác, đối với người mua dâm cũng cần tăng nặng mức xử phạt đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, người thuộc lực lượng vũ trang nếu vi phạm về phòng chống mại dâm cơ quan xử phạt phải thông báo ngay cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức để quản lý… Còn các trường hợp khác, sau khi bị phạt sẽ thông báo về địa phương để giáo dục. Nếu tái phạm thì sẽ kiểm điểm tại tổ dân phố hoặc đoàn thể, nghề nghiệp mà người đó sinh hoạt. Như vậy, dù thời gian luật xử phạt hành chính còn xa nhưng trên thực tế đã lộ rõ những vấn đề bất cập có thể xảy ra trong khi áp dụng. Vì vậy Nhà nước cần có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn để hạn chế những hậu quả xấu có thể xảy ra trong quá trình luật đi vào thực hiện.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Bệnh viện Thủ Đức: “Một thống kê cho thấy, hiện có đến 70% phụ nữ bán dâm là do hoàn cảnh. Họ là nạn nhân của buôn bán phụ nữ, lừa đảo, bắt cóc. Họ là hệ quả của chuỗi các vấn đề xã hội...

Hệ lụy sự ngược đãi khiến gái bán dâm trở nên bất cần đời, dễ dính vào ma túy, nghiện ngập, nhiễm HIV. Và họ sẵn sàng trả thù đời bằng mọi cách khác nhau. Từ đó, những mầm bệnh thế kỷ cứ thế lan truyền, không biết được điểm dừng, gây nên những hệ lụy khôn lường cho cả một thế hệ”.

Thùy Trang

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc