"Bầu" Kiên muốn tự bào chữa, không muốn bị cách ly

11:08 | 28/11/2014

1,574 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phiên xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên) cùng đồng phạm diễn ra muộn hơn so với dự kiến một giờ đồng hồ. Khi được phát biểu ý kiến, "bầu" Kiên đề nghị HĐXX không cách ly mình trong phần thẩm vấn và muốn được tự bào chữa...

Đúng 9h ngày 28/11, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội bắt đầu xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi, ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội) và các đồng phạm. Bà Đăng Ngọc Lan (vợ Kiên) với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nhưng đến dự tòa muộn.

Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Ngân hàng Vietinbank, đã bị kết án chung thân trong vụ án lừa đảo trước đó) cũng được triệu tập tới dự phiên tòa với tư cách người liên quan.

Có 11 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó riêng “bầu” Kiên có tới 4 luật sư bào chữa. Ngoài kháng cáo của 6 bị cáo, phiên tòa còn có kháng cáo của bị đơn dân sự là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại B&B.

Hai bị án Trần Ngọc Thanh (nguyên giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (nguyên kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) tuy không có kháng cáo nhưng vẫn có mặt tại tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Bầu Kiên mong muốn không bị HĐXX cách ly

"Bầu" Kiên trong phiên tòa ngày 28/11.

Phiên tòa phúc thẩm có mặt đại diện một số cơ quan nhà Nước như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Uỷ Ban chứng khoán Nhà nước, Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hồ Chí Minh. Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Công thương vắng mặt tại phiên tòa.

Thành phần HĐXX gồm thẩm phán Đặng Bảo Vĩnh (chủ tọa), thẩm phán Nguyễn Thị Hoài Linh, thẩm phán Nguyễn Vinh Quang và thẩm phán Nguyễn Minh Thu (dự khuyết). Đại diện Viện Kiểm sát Tối cao giữ quyền công tố tại tòa là ông Lê Tư Quỳnh và Nguyễn Hoài Nam.

Kết thúc phần thẩm tra căn cước, Luật sư Lưu Văn Tám (bào chữa bị cáo Lý Xuân Hải) đề nghị HĐXX cho các luật sư cùng một nhóm bào chữa được ngồi gần nhau. Bên cạnh đó, luật sư đề nghị trong giờ giải lao được trao đổi với thân chủ của mình và cho người nhà gặp bị cáo. Còn Luật sư Vũ Xuân Nam (bào chữa bị cáo Kiên) đề nghị HĐXX triệu tập một số người liên quan như ông Trần Mộng Hùng (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Á châu ACB) và đại diện Bộ Tư pháp. Bên cạnh đó, một số luật sư đề nghị HĐXX cho các luật sư mang máy tính, điện thoại vào phòng xét xử. Công tác bào chữa rất cần máy tính để tham khảo tài liệu.

Sau phần ý kiến luật sư, bị cáo Kiên đề nghị HĐXX tòa phúc thẩm giúp giải quyết nghĩa vụ thuế của Công ty Thiên Nam. Đến thời điểm hiện tại, bị cáo chưa tiếp cận văn bản của Tổng cục Thuế. Ngoài ra, HĐXX cần thay đổi tư cách của một số nhân chứng thành người có nghĩa vụ trong vụ án.

“Phòng Đăng ký Kinh doanh Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh.. là những nơi hướng dẫn và cấp phép cho 5 công ty của tôi. Đề nghị HĐXX triệu tập làm rõ nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan” - bị cáo Kiên nói.

Bên cạnh đó, bầu Kiên mong muốn được quyền tự bào chữa tại tòa theo quy định của pháp luật: "Tại phiên sơ thẩm, toàn bộ phần thẩm vấn tôi bị cách ly. Vì vậy, phiên phúc thẩm tôi đề nghị hạn chế cách ly trong quá trình xét xử. Là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì tôi phải được biết các bị các khác, luật sư nói gì trong vụ án".

Các bị cáo khác đều im lặng, không nêu ý kiến.

Thiên Minh