Viện Dầu khí Việt Nam cần có cơ chế thu hút nhân tài

20:02 | 25/07/2014

378 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Chiều ngày 24/7/2014, đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đến thăm và làm việc với Viện Dầu khí Việt Nam (VPI).

Đây là chuyến thăm và làm việc đầu tiên với đơn vị thành viên sau khi đồng chí Nguyễn Xuân Sơn đảm nhận trọng trách Chủ tịch HĐTV Tập đoàn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ của ngành Dầu khí. Cùng đi với Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn có các đồng chí trong HĐTV, Ban Tổng giám đốc và đại diện các Ban chuyên môn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Tham dự buổi làm việc có tập thể lãnh đạo của VPI và các cán bộ, chuyên viên của VPI.

Tiến sỹ Phan Ngọc Trung, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VPI đã báo cáo tóm tắt với Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đoàn công tác về quá trình hoạt động, kết quả nghiên cứu VPI đạt được trong thời gian qua. Đến nay, với 3 Phó giáo sư, 40 tiến sỹ, 194 thạc sỹ trong tổng số 681 lao động và cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị đã từng bước được hiện đại hóa, đầu tư đồng bộ, VPI đã thực sự trở thành tổ chức khoa học và công nghệ hoàn chỉnh, đồng bộ, về quy mô, tính tổng hợp đứng đầu khu vực Đông Nam Á, có khả năng triển khai nghiên cứu phát triển và cung cấp dịch vụ khoa học - kỹ thuật cho toàn bộ chuỗi công nghiệp dầu khí. Mô hình hoạt động của Viện được chuyển đổi thành công sang cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP với hệ thống các quy chế quản lý tương đối đầy đủ, phù hợp; về cơ bản đã phá bỏ được tư tưởng bao cấp, trì trệ, nâng cao tính năng động, chủ động và giải phóng, phát huy tính sáng tạo và hiệu quả.

Viện Dầu khí Việt Nam.............

Đoàn công tác làm việc với VPI

Các kết quả nghiên cứu khoa học của VPI trong thời gian qua đã định hướng cho công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí trong nước; làm sáng tỏ các cấu trúc địa chất, đánh giá tiềm năng dầu khí các bể trầm tích trên đất liền và thềm lục địa Việt Nam cũng như ở nước ngoài, góp phần vào việc phát hiện dầu khí trong đá móng trước Kainozoi; tối ưu hoá công tác khoan, khai thác, bơm ép nước, nâng cao hệ số thu hồi dầu đảm bảo sản lượng khai thác. Viện đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về tính chất dầu thô, khí, condensate Việt Nam; nghiên cứu lựa chọn công nghệ, xúc tác, nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, chống ăn mòn phục vụ cho việc hoạt động ổn định và nâng cao hiệu quả của các nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí, giải quyết nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực an toàn và bảo vệ môi trường cũng như kinh tế và quản lý dầu khí...

Về định hướng nghiên cứu, phát triển KHCN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Tiến sỹ Phan Ngọc Trung cho biết, VPI đặt mục tiêu làm chủ các công nghệ tiên tiến, cải tiến, sáng tạo một số công nghệ bản quyền, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, nâng cao hiệu quả đầu tư cho các dự án thăm dò khai thác dầu khí của Tập đoàn. Đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình mô phỏng, nghiên cứu phân tích, quản lý khai thác để tư vấn cho Tập đoàn và tiến tới tư vấn, xây dựng báo cáo ODP, FDP hoàn chỉnh cho các nhà thầu dầu khí. Lập, tư vấn, triển khai các dự án EOR, phát triển và đưa vào khai thác các mỏ phức tạp (địa chất, CO2, H2S cao), mỏ nhỏ, mỏ cận biên trong nước và dự án nước ngoài. Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ gia tăng thu hồi dầu (EOR), chú trọng đến các nghiên cứu công nghệ mới (nano…) và có các giải pháp độc quyền. Triển khai nghiên cứu công nghệ khai thác dầu khí nước sâu và Tư vấn công nghệ, lập kế hoạch các dự án khai thác dầu khí nước sâu. Nghiên cứu đánh giá tổng thể các tài nguyên dầu khí phi truyền thống ở Việt Nam như gas hydrate, shale gas, CBM phục vụ cho công tác quy hoạch các hoạt động thăm dò và nghiên cứu định hướng khai thác…

Viện Dầu khí Việt Nam.............

Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn phát biểu chỉ đạo công tác đối với VPI

Trong lĩnh vực hóa chế biến dầu khí, Viện nắm bắt xu hướng thị trường, công nghệ thế giới, đề xuất dự án hiệu quả (IRR≥13%); làm chủ các công nghệ hiện có, ứng dụng công nghệ mới để tư vấn vận hành các nhà máy chế biến dầu khí an toàn, ổn định (PAF >95%), hiệu quả (EII, MEI trong nhóm dẫn đầu khu vực); cải tiến, sáng tạo công nghệ bản quyền để tạo lợi thế cạnh tranh về công nghệ. Nắm vững công nghệ tiên tiến, tiến tới làm chủ công nghệ thu gom, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng khí, đặc biệt là các nguồn khí có hàm lượng CO2, H2S cao, đủ khả năng tư vấn cho Tập đoàn về lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, FS, thiết kế công nghệ cho các dự án vận chuyển, tàng chứa, xử lý và phân phối khí. Tư vấn cho Tập đoàn trong việc ứng dụng công nghệ xử lý môi trường, công nghệ sản xuất sạch, quản lý rủi ro, giải pháp ứng phó sự cố tràn dầu, xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường dầu khí, tiến tới phát triển các sản phẩm, công nghệ bản quyền trong xử lý môi trường…

Viện Dầu khí Việt Nam.............

Đồng chí Phan Ngọc Trung báo cáo kết quả hoạt động của VPI với đoàn công tác

Lãnh đạo Viện Dầu khí Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận những mặt chưa đạt được như mức độ chuyên sâu chưa đồng đều, một số lĩnh vực chưa đạt được trình độ tiên tiến trong khu vực; các nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ, sản phẩm mới vẫn chỉ dừng ở quy mô nhỏ; công tác nghiên cứu cơ bản vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong hoạt động nghiên cứu khoa học; chưa thu hút được nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong thực tiễn sản xuất… Ngoài việc chủ động triển khai các giải pháp, Viện Dầu khí Việt Nam đề xuất Tập đoàn hàng năm giao một khoản kinh phí nhất định để chủ động triển khai các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu dài hạn có tính chiến lược như: nghiên cứu về Biển Đông, nghiên cứu sản xuất sạch hơn, nghiên cứu tài nguyên dầu khí phi truyền thống, nâng cao hệ số thu hồi dầu...

Viện Dầu khí Việt Nam.............

Đồng chí Phan Ngọc Trung tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Xuân Sơn nhân dịp đồng chí nhận trọng trách mới.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Xuân Sơn đánh giá cao vai trò quan trọng của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của ngành Dầu khí, đặc biệt là giữ vững sự ổn định và tăng trưởng trong điều kiện nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Lãnh đạo Tập đoàn khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, đồng thời yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phải nhận thức đầy đủ về vai trò của khoa học công nghệ, xây dựng chương trình sử dụng hiệu quả Quỹ phát triển khoa học công nghệ.

Chủ tịch Tập đoàn yêu cầu Viện Dầu khí Việt Nam nghiên cứu các vấn đề gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, nâng cao giá trị các sản phẩm dầu khí, đẩy mạnh sản xuất, nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ… Đồng thời, Viện cần xây dựng cơ chế thu hút và trọng dụng nhân tài, đào tạo cán bộ, chuyên gia giỏi cho Ngành; tăng cường đội ngũ nghiên cứu, đào tạo cán bộ lãnh đạo có năng lực, trí tuệ, bản lĩnh; đề xuất cơ chế thí điểm luân chuyển cán bộ đến các đơn vị sản xuất. Bên cạnh đó, Viện cần tăng cường công tác quảng bá hình ảnh và thương hiệu ra thị trường quốc tế, đề xuất Tập đoàn xem xét cơ chế khuyến khích cán bộ có công trình khoa học và bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Sơn mong các nhà khoa học Viện Dầu khí tiếp tục cống hiến trí tuệ cho sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Tập đoàn và các đơn vị trong Ngành hỗ trợ giúp Viện hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của Ngành ngày càng lớn mạnh, đưa Tập đoàn phát triển bền vững.

Ngân Hà

DMCA.com Protection Status