Sử dụng nhãn hiệu PVN phải trả phí không dưới 1 tỷ đồng/năm

18:21 | 12/05/2011

1,074 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Các đơn vị không được sử dụng toàn bộ hay một phần nhãn hiệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (bao gồm hình ngọn lửa và chữ Petrovietnam) để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của công ty mình, cũng như không được chuyển nhượng quyền sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn dưới bất kỳ hình thức nào.

Đó là nội dung Quy chế sử dụng Nhãn hiệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã được ban hành từ 30/6/2009. Tại Hội nghị về công tác pháp chế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày 15/4/2011, Trưởng Ban Luật và Quan hệ Quốc tế của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- Đinh Văn Sơn cho biết, việc xây dựng Quy chế quản lý nhãn hiệu Tập đoàn đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả và quy chuẩn theo quy định của pháp luật nhằm nâng cao uy tín và năng lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên ở trong nước cũng như trên trường quốc tế.

Theo Quy chế, Nhãn hiệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (bao gồm hình ngọn lửa và chữ Petrovietnam) là tài sản có giá trị, được định giá tài sản khi mua bán, góp vốn hoặc cổ phần hóa công ty, đồng thời góp phần tạo ra giá trị cho công ty. Đối với các đơn vị trực thuộc Tập đoàn, các cơ sở nghiên cứu khoa học, các cơ sở đào tạo 100% vốn của Tập đoàn, các công ty con của Tập đoàn, các đơn vị trực thuộc công ty con của Tập đoàn được miễn phí chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn. Còn các công ty khác sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn dầu khí Việt Nam phải trả mức phí không được thấp hơn 1 tỷ đồng/năm.

Đến nay, mới có 70/148 công ty sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký kết Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn. Một trong những nguyên nhân khiến một số đơn vị không ký kết Hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn Dầu khí là do họ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu công ty do sử dụng Nhãn hiệu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ.

Đối với những đơn vị này, ông Sơn cho biết, sẽ tiến hành thủ tục thu hồi nhãn hiệu đã được đăng ký và các công ty này sẽ phải làm “Hợp đồng chuyển quyền sử dụng Nhãn hiệu” với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và đăng ký hợp đồng này với Cục Sở hữu Trí tuệ.

Theo ông Sơn, việc chuyển nhượng các nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và chuyển nhượng các đơn đăng ký nhãn hiệu hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi của các đơn vị sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn, cũng như không gây xáo trộn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và các đơn vị.

Song song với việc tiến hành thủ tục thu hồi nhãn hiệu của các đơn vị đã sử đụng nhãn hiệu Tập đoàn (bao gồm hình ngọn lửa và chữ Petrovietnam) để đăng ký nhãn hiệu của mình tại Cục Sở hữu Trí tuệ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bộ sung điều khoản quy chế sử dụng nhãn hiệu Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho phù hợp với quy định của pháp luật và chủ trương thống nhất độc quyền quản lý nhãn hiệu Tập đoàn.

Theo Công Thương

DMCA.com Protection Status