Sâu nặng nghĩa tình

08:26 | 05/07/2011

446 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhân Kỷ niệm 30 năm Ngày ký Hiệp định Liên Chính phủ về việc thành lập XNLD Vietsovpetro (19/6/1981 19/6/2011), Báo Năng lượng Mới xin trích đăng bài viết của ông Trần Lê Đông, nguyên Tổng giám đốc Vietsovpetro từ 20022009.

Trần Lê Đông

Ngay từ năm 1979, khi Bộ Chính trị có chủ trương đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí bằng việc kêu gọi hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài, đặc biệt là đối tác truyền thống Liên bang Xôviết, Trung ương Đảng đã sáng suốt khẳng định: “Dầu khí trở thành một vấn đề kinh tế và chính trị có ý nghĩa chiến lược cần được Nhà nước coi là một trọng điểm ưu tiên trong kế hoạch kinh tế tài chính và khoa học kỹ thuật” (NQ 244-NQTW). Các đồng chí Tư Hy, Tư Thành lãnh đạo Đảng bộ Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo thời kỳ đầu mới tách ra từ tỉnh Đồng Nai để trực thuộc Trung ương cũng đã khẳng định chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng: “Vì sự nghiệp dầu khí mới thành lập đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Đảng bộ và nhân dân đặc khu phải hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ dầu khí, phải chân thành hợp tác với Liên Xô, làm việc vì tương lai dầu khí của đất nước” (Lê Quang Thành – “Những năm tháng đầu phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí”). Từ thời điểm cột mốc lịch sử ấy đến nay lãnh đạo và nhân dân Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã dành cho sự nghiệp dầu khí, cho Vietsovpetro những sự hỗ trợ nhiệt tình và hiệu quả nhất, sự chỉ đạo và hợp tác chặt chẽ nhất.

Trong những năm tháng đầu tiên gian khó, khi lực lượng dầu khí đông đảo từ mọi miền đất nước và từ Liên bang Xôviết hội tụ về Vũng Tàu, Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo dành cho dầu khí những điều kiện tốt nhất: Các công trình, cơ sở đã có sẵn để làm trụ sở cơ quan, khách sạn, khu nghỉ mát và làm nhà ở cho cán bộ, công nhân viên dầu khí, rồi đất đai để xây dựng hạ tầng, đường sá, bến cảng, kho bãi, các khu nhà tập thể, đã đáp ứng tối đa các yêu cầu về nhân lực, điện, nước, lương thực, thực phẩm…

Triển khai "Dự án thu gom khí đồng hành và gaslift mỏ Rồng - Đồi Mồi" được ký kết giữa Vietsovpetro và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo và Tổng cục Dầu khí, TP Vũng Tàu trở thành công trường thi đua nhộn nhịp có quy mô lớn nhất trong cả nước với sự tham gia của tất cả các binh chủng, ngành nghề từ mọi miền và các bộ, ngành, kể cả các binh đoàn bộ đội được điều động đặc biệt đột xuất…

Từ những vùng đất còn ngổn ngang dấu vết của chiến tranh và trên thềm lục địa Việt Nam, các công trình dầu khí đồ sộ và hiện đại từng tháng, từng năm sừng sững mọc lên. Thật khó có ai, kể cả người trong cuộc có thể tin vào mắt mình, vào sự đổi thay và phát triển không ngờ của thành phố trên biển, TP Vũng Tàu nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung.

Ngoài những công trình dầu khí liên hoàn bảo đảm cho sự phát triển vượt bậc về khai thác dầu khí (đưa Việt Nam với ngành Dầu khí non trẻ nhất bước vào hàng ngũ các nước xuất khẩu dầu thô và đứng vào hàng thứ 3 về xuất khẩu dầu ở Đông Nam Á), hàng loạt khu liên hợp các công trình phục vụ dân sinh cũng được hoàn thành và đưa vào sử dụng (Nhà máy Khí hóa lỏng Dinh Cố, các tổ hợp điện Phú Mỹ và Bà Rịa, Nhà máy Đạm Phú Mỹ…), nhiều công trình (DK) phục vụ cho quân đội trong việc bảo vệ vùng biển của Tổ quốc cũng được hoàn thành.

Vẫn biết rằng, thành quả của ngày hôm nay có được là từ định hướng chiến lược của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, công sức của nhân dân cả nước, tất cả ưu tiên cho sự nghiệp phát triển dầu khí… đối với những người làm dầu khí, với cán bộ, công nhân viên Vietsovpetro, TP Vũng Tàu và nhân dân Vũng Tàu – những người đã cùng kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ trong những năm tháng khó khăn nhất đã để lại những kỷ niệm, những dấu ấn của nghĩa tình sâu nặng không bao giờ phai.

Không phụ lòng tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, sự hỗ trợ giúp đỡ mọi mặt của TP Vũng Tàu, cán bộ, công nhân viên Vietsovpetro đã lập nên những chiến công đáng tự hào:

1. Chỉ sau 3 năm kể từ khi giếng khoan đầu tiên phát hiện dầu (giếng khoan số 5 – Bạch Hổ – 1984) đã khai thác tấn dầu đầu tiên năm 1986 và nhanh chóng đưa sản lượng dầu khai thác đạt 50 triệu tấn vào năm 1997, lên 100 triệu tấn vào năm 2001 và khai thác tấn dầu thứ 150 triệu vào cuối năm 2005.

Từ ngày khai thác tấn dầu đầu tiên đến hết tháng 1/2005, Vietsovpetro đã khai thác hơn 141 triệu tấn dầu với tổng doanh thu là 24,451 tỉ USD, đã nộp vào ngân sách Nhà nước Việt Nam 14,63 tỉ USD, phần thu của đối tác Nga là 4,27 tỉ USD. Do giá dầu tăng mạnh, riêng năm 2004, doanh thu của Vietsovpetro đạt mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 3,5 tỉ USD, chiếm 62% tổng giá trị xuất khẩu dầu của toàn ngành (5,65 tỉ USD). Từ nhiều năm nay, dầu khí luôn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực số một của Việt Nam, luôn chiếm tỉ lệ 20-30% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

2. Vietsovpetro cũng là công ty dầu khí đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á phát hiện ra các trữ lượng lớn và khai thác dầu từ tầng đá móng. Ở bồn trũng Cửu Long, sau mỏ Bạch Hổ (lớn nhất Việt Nam), đã phát hiện dầu thương mại từ tầng đá móng ở các mỏ Đông Rồng (năm 1993), Đông Nam Rồng (năm 1995), Đông Bắc Rồng (năm 2003), Yên Ngựa Rồng (năm 2004). Đặc biệt, Vietsovpetro cũng là công ty dầu khí đầu tiên phát hiện dầu có giá trị thương mại trong tầng đá móng ở mỏ Đại Hùng thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn, nơi các công ty nước ngoài đã thi công gần 100 giếng khoan tìm kiếm – thăm dò. Thành công này, ngoài ý nghĩa khoa học rất lớn lao, còn có những giá trị thực tiễn vô cùng quan trọng: Khẳng định tiềm năng dầu khí phong phú của thềm lục địa Tổ quốc, tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà thầu dầu khí nước ngoài (cho đến nay Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã ký gần 50 hợp đồng tìm kiếm – thăm dò và khai thác dầu khí với các công ty dầu khí nước ngoài).

Trên thực tế, từ những kết quả và kinh nghiệm của Vietsovpetro, nhiều công ty dầu khí nước ngoài như: JVPC (Nhật), Petronas Carigali (Malaysia), Conoco (Mỹ), KNOC (Hàn Quốc)… đã có những thành công đáng khích lệ trong việc thăm dò và khai thác tầng móng trên các mỏ Rạng Đông, Hồng Ngọc, Sư Tử Đen… Chúng ta hy vọng những thành công trên thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt trên bồn trũng Nam Côn Sơn và các bồn trũng mới sẽ được nhân lên, góp phần cho sự phát triển liên tục của ngành Dầu khí nước nhà.

3. Cho đến nay, Vietsovpetro là cơ sở dầu khí duy nhất ở trong ngành và ở Việt Nam có cơ sở kỹ thuật và con người để trực tiếp tiến hành các công việc chính trong quy trình của các hoạt động dầu khí… Ngoài việc tự phục vụ cho các công trình của mình, Vietsovpetro đã tham gia thực hiện các dịch vụ dầu khí cho các nhà thầu nước ngoài JVPC (Nhật), Petronas Carigali (Malaysia), VRJ (Nga)… và trong nước (PIDC, PVEP…) trong các lĩnh vực khoan, xây lắp các công trình biển, đo carota và bắn mìn thử vỉa các tầng sản phẩm…

Có thể khẳng định rằng, Vietsovpetro đã trở thành nơi đào tạo cán bộ, công nhân lành nghề, bảo đảm cho ngành khả năng tác chiến và hoạt động độc lập trong các lĩnh vực của hoạt động dầu khí của Việt Nam. Cho đến nay, rất nhiều cán bộ chủ chốt của ngành Dầu khí nước nhà đã trưởng thành từ cái nôi ban đầu là XNLD Vietsovpetro – TP Vũng Tàu.

Song song với những hoạt động và công trình công nghiệp, tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro còn thường xuyên phối hợp với lãnh đạo TP Vũng Tàu và các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể của địa phương để thực hiện nhiều hoạt động phong phú, góp phần tăng cường sự hiểu biết và gắn bó lẫn nhau.

Giàn khai thác dầu khí của XNLD Vietsovpetro

XNLD Vietsovpetro đã trích từ quỹ của mình hàng chục triệu USD để góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Vietsovpetro cũng đóng góp mỗi năm hàng trăm nghìn USD để hưởng ứng tích cực các chương trình xóa đói giảm nghèo, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ các cơ sở giáo dục, y tế, ủng hộ đồng bào các vùng bị thiên tai, đóng góp cho Quỹ vì người nghèo, Quỹ bảo trợ trẻ em, ủng hộ các thương binh ở Trung tâm Điều dưỡng Long Hải…

Từ năm 1999, theo đề xuất của UBND TP Vũng Tàu, Vietsovpetro đã nhận hỗ trợ và đầu tư vào xã đảo Long Sơn, là nơi có nhiều gia đình thuộc đối tượng chính sách để xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, các công trình cấp nước sạch, hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ, các sinh viên đại học và phổ thông của các gia đình nghèo. Số tiền do cán bộ, công nhân viên đóng góp là 1,5 tỉ đồng trong 3 năm từ năm 1999 đến 2001. XNLD Vietsovpetro cũng hỗ trợ xây dựng trung tâm y tế của xã đảo trị giá 100.000USD (tương đương trên 1,5 tỉ đồng). Cán bộ, công nhân viên người Nga cũng đóng góp riêng 12.000USD để xây nhà cho các thầy, cô giáo. Trong năm 2004, Vietsovpetro cũng đã chuyển 100.000USD để xây dựng nhà mẫu giáo cho xã đảo…

Đường Ba Cu cũng như tượng đài kỷ niệm “Những người đầu tiên chinh phục thềm lục địa Việt Nam” tại TP Vũng Tàu sẽ mãi mãi là biểu tượng và dấu ấn của sự hợp tác Việt – Nga, của sự hợp tác Vũng Tàu – Dầu khí trong những năm đầu phát triển của dầu khí Việt Nam.

Năm 1959, 16 năm trước khi Tổ quốc được thống nhất, khi đi thăm thành phố dầu Bacu trên biển Caspian thuộc Liên bang Xôviết (cũ), Bác Hồ đã khẳng định với “bé Phương” (cô sinh viên 21 tuổi học ở Nga được cử đi theo Bác Hồ để giúp phiên dịch): “Dầu quý lắm, nước nào có dầu là giàu lên ngay”. Bác Hồ còn nói thêm: 2 từ “dầu” và “giàu” người Hà Nội phát âm giống nhau nhưng xứ Nghệ của Bác phát âm khác đấy! (Phạm Thị Xuân Phương – “Niềm hạnh phúc bất ngờ”).

Sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của ngành Dầu khí – của con chim đầu đàn Vietsovpetro của ngành ở TP Vũng Tàu đã khẳng định tầm nhìn sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng ta về vai trò của ngành Dầu khí đối với tương lai của đất nước.

Trong 5 năm qua, từ sau sự kiện 11/9/2001, các cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Iraq, các mâu thuẫn nóng bỏng ở Venezuela, Iran, Liban, Syria, vùng biển Đông Á, Đông Nam Á… đều có nguồn gốc sâu xa từ lợi ích và tham vọng của các tập đoàn đế quốc và các nước lớn đối với tài nguyên dầu mỏ. Điều đó càng khẳng định ý nghĩa chiến lược của dầu mỏ đối với sự phát triển của đất nước Việt Nam.

Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng, vì tương lai của đất nước, từ những thắng lợi đã được khẳng định, từ đường lối sáng suốt của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta những năm qua, ngành Dầu khí nói chung và Vietsovpetro nói riêng sẽ tiếp tục được Đảng, Nhà nước giành cho sự quan tâm đặc biệt để trưởng thành và phát triển. TP Vũng Tàu sẽ tiếp tục kề vai, sát cánh với Vietsovpetro, với ngành Dầu khí để phát triển và xứng đáng là thành phố – “thủ đô Dầu khí” đáng tự hào của đất nước.

Chúng ta nhớ ngày 23/7/1959, khi đi thăm thành phố dầu Bacu trên biển Caspian (có đồng chí Vũ Kỳ và cô sinh viên học ở Nga, Phạm Thị Xuân Phương), Bác Hồ đã tâm sự với lãnh đạo và những người làm dầu khí ở Bacu: “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu nhưng đang chiến tranh chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu” (Phạm Thị Xuân Phương – “Niềm hạnh phúc bất ngờ”).

Hôm nay những người làm dầu khí và nhân dân TP Vũng Tàu có thể vui mừng và thành kính báo cáo với Bác: “Những điều Bác đã tin tưởng và hy vọng, những người làm dầu khí và nhân dân TP Vũng Tàu, với sự hỗ trợ của cả nước, của các đồng nghiệp Liên Xô và Cộng hòa Liên bang Nga đã biến thành hiện thực” và cùng thắp hương dâng Bác, kể Bác nghe về những năm tháng làm dầu khí đã qua, nhiều gian nan vất vả và sâu nặng nghĩa tình…

Theo Năng lượng Mới

DMCA.com Protection Status