PVN - 3 năm thực hiện công tác pháp chế

10:24 | 29/10/2014

2,582 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(PetroTImes) - Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước đạt hiệu quả cao và mở rộng đầu tư ra nước ngoài, công tác pháp chế tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) luôn được chú trọng hoàn thiện và củng cố, trở thành một công cụ đắc lực giúp hạn chế và phòng ngừa rủi ro, góp phần đảm bảo cho hoạt động của Tập đoàn tiến hành đúng với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế.  

Năng lượng Mới số 369

Triển khai thực hiện

Đến nay, sau 3 năm thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 4/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, hoạt động pháp chế tại PVN và các đơn vị thành viên đã được kiện toàn. Lực lượng làm công tác pháp chế đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ và nâng cao uy tín của PVN cũng như hiệu quả hoạt động thực tế giải quyết các vấn đề pháp lý trong sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn; xây dựng PVN thành một đơn vị kinh tế hàng đầu của Việt Nam.

Ngay từ khi Nghị định 55 được ban hành, lãnh đạo PVN đã chỉ đạo các ban chuyên môn nghiên cứu để phổ biến và triển khai đến từng đơn vị thành viên. Ngày 17/1/2012 Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã ra Chỉ thị số 72-CT/ĐU về tăng cường triển khai thực hiện Nghị định số 55. Ngoài ra, căn cứ vào đặc thù của từng đơn vị thành viên, PVN đã có chỉ đạo cụ thể hướng dẫn triển khai Nghị định 55 và Chỉ thị số 72 cho phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.

PVN - 3 năm thực hiện công tác pháp chế

Trên cơ sở các quy định và các chương trình hành động công tác pháp chế hằng năm của PVN, Ban Pháp chế Tập đoàn là đầu mối chủ trì việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các nội dung đi vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, Ban Pháp chế là bộ phận chức năng chuyên trách đã tham mưu cho lãnh đạo Tập đoàn lồng ghép vào các nội dung cụ thể của các chương trình hành động về công tác pháp chế hằng năm của Tập đoàn, hoặc lồng ghép vào các đợt kiểm tra chung của Tập đoàn với hỗ trợ giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nghị định. Hằng năm, PVN yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả triển khai thực hiện nghị định, chỉ thị cũng như chương trình hành động của Tập đoàn. Ngoài ra, Tập đoàn còn tổ chức triển khai hưởng ứng các đợt vận động thực hiện “Ngày, tuần, tháng pháp luật” rộng rãi từ Tập đoàn đến các đơn vị để kỷ niệm “Ngày Pháp luật Việt Nam”.

Đánh giá kết quả hoạt động

Ban Pháp chế PVN có nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các văn bản pháp luật và tư vấn pháp lý cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Trên cơ sở quy định Nghị định 55 và Chỉ thị 72 cũng như các chương trình hành động pháp chế hằng năm của Tập đoàn, các đơn vị chủ động rà soát các tổ chức và nhân sự làm công tác pháp chế nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng mới, cũng như củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ phận pháp chế của đơn vị mình.

Với những chỉ đạo quyết liệt và sát sao của lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo nhiều đơn vị thành viên của PVN đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác pháp chế và vai trò của đội ngũ cán bộ pháp chế trong hoạt động của doanh nghiệp, quan tâm và tích cực chỉ đạo đơn vị xây dựng bộ phận pháp chế chuyên trách. Do vậy, hoạt động pháp chế được nâng cao một bước về chất, chủ động hơn và có kế hoạch, từng bước trở thành điểm tựa vững chắc, hỗ trợ thiết thực cho lãnh đạo đơn và đơn vị trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều khó khăn như những năm qua và hiện nay.

Về công tác chuyên môn, công tác theo dõi, kiểm tra tình hình thực thi pháp luật trong hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên đã đi vào nề nếp. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc soạn thảo, góp ý sửa đổi, bổ sung các luật, văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là những văn bản liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành Dầu khí; coi trọng và đưa công tác rà soát văn bản nội bộ, chủ trì xây dựng một số quy chế, quy định nội bộ liên quan đến công tác pháp chế; cử cán bộ tham gia soạn thảo và đóng góp ý kiến trước khi ban hành cho hầu hết các quy định nội bộ trong hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn, chủ trì hoặc tham gia xây dựng Hợp đồng mẫu về phân chia sản phẩm dầu khí, về mua bán khí, vận chuyển khí, về mua bán nhiên liệu lỏng...

Bên cạnh đó, bộ phận pháp chế luôn tham gia tích cực và hiệu quả vào đàm phán và hoàn thiện các văn bản hợp đồng, thỏa thuận của Tập đoàn với các đối tác trong và ngoài nước, tham gia giải quyết các vấn đề pháp lý của đề án tái cấu trúc, đề án đổi mới quản trị doanh nghiệp, mua bán cổ phần hay thoái vốn; trợ giúp tư vấn pháp lý cho các đơn vị thành viên của Tập đoàn trong việc triển khai các dự án đầu tư ra nước ngoài như Nga, Venezuela, Peru, Algerie, Angola, Kazakstan, Uzbekistan, Iran... trên cơ sở nghiên cứu luật pháp nước sở tại, tính ổn định của luật các nước tiếp nhận đầu tư và tham chiếu, so sánh luật pháp các nước và thông lệ quốc tế; tư vấn giải quyết các vấn đề tranh chấp, phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng, thỏa thuận với các đối tác.

Những bất cập cần tháo gỡ

Nghị định số 55/2011/NĐ-CP góp phần nâng cao ý thức coi trọng pháp luật của doanh nghiệp, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 55 tại PVN và các đơn vị thành viên còn gặp một số khó khăn, bất cập và hạn chế.

Do quy định về tổ chức pháp chế của doanh nghiệp mang tính chất tùy nghi khuyến khích áp dụng, nên tại một số doanh nghiệp chưa nhận thức được vai trò của công tác pháp chế, nên việc tăng về số lượng cán bộ nhân viên làm công tác pháp chế chưa phản ánh thực sự nhu cầu nội tại của doanh nghiệp. Trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế doanh nghiệp còn gặp những khó khăn bất cập. Hoạt động pháp chế tại doanh nghiệp thường xuyên trong trạng thái bị động, nhưng luôn phải kịp thời tư vấn đối với những tình huống pháp lý phức tạp phát sinh với thời gian xử lý gấp, cán bộ pháp chế sẽ phải chịu sức ép cao cả về tiến độ và chất lượng công việc, nhưng chưa được đánh giá đúng hiệu quả công việc.

Để Nghị định 55 thực sự đi vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo được sự chuyển biến cơ bản trong tổ chức và hoạt động của các tổ chức pháp chế tại PVN và các đơn vị thành viên, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong giai đoạn mới, PVN đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan khác sớm xây dựng, trình Chính phủ ban hành các hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác pháp chế doanh nghiệp nhằm thu hút cán bộ có năng lực, trình độ. Song song với đó, tiếp tục và chủ động đẩy mạnh và đổi mới hình thức hoạt động hỗ trợ pháp lý đi vào những vấn đề thiết thực của doanh nghiệp; có biện pháp quán triệt nhằm nâng cao nhận thức của các cán bộ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị, có chính sách để các doanh nghiệp tăng cường công tác đào tạo chuyên sâu cả ngắn hạn và dài hạn, trong nước và nước ngoài cho các cán bộ làm công tác pháp chế của doanh nghiệp.

Hiện nay quy mô hoạt động của PVN trong nhiều lĩnh vực, trải rộng trên nhiều địa bàn, các hợp đồng và giao dịch có giá trị rất lớn về tài chính và thời gian hoạt động rất dài. Do đó đòi hỏi người làm công tác pháp chế không những phải nắm chắc pháp luật Việt Nam mà còn phải nắm chắc luật pháp quốc tế để có thể tư vấn kịp thời với lãnh đạo đơn vị, hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro trong quá trình đầu tư. Việc kiện toàn bộ phận pháp chế đủ tự tin trước mọi tình huống, mọi vấn đề pháp luật vẫn là biện pháp tối ưu trong bối cảnh thị trường ngày càng minh bạch, công bằng và hội nhập quốc tế sâu rộng hơn.

Nguyễn Tiến Dũng

DMCA.com Protection Status