Phát triển nguồn nhân lực dầu khí chất lượng cao

07:00 | 28/11/2012

4,537 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Mục tiêu của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, khoa học - công nghệ và công nhân kỹ thuật dầu khí Việt Nam đủ mạnh, đồng bộ để tự điều hành các hoạt động dầu khí trong nước và nước ngoài với hiệu quả kinh tế cao; có đủ trình độ chuyên môn kỹ thuật, khoa học công nghệ, nghiệp vụ quản lý và điều hành ngang tầm quốc tế.

Tăng cường đào tạo chuyên ngành

Theo Chiến lược “Đào tạo và phát triển nhân lực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2025”: PVN sẽ tạo điều kiện tối đa cho người lao động được học tập dưới mọi hình thức và cống hiến tối đa năng lực, trí tuệ của mình cho sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí. Và hơn thế nữa, song song với đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng công việc, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được PVN chú trọng đầu tư, phát triển.

Bà Nguyễn Hồng Ngọc, Phó trưởng ban Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực PVN cho biết: Có thể hiểu nhân lực chất lượng cao là nhân lực được đào tạo cơ bản về dầu khí và chuyên ngành liên quan; có trình độ ngoại ngữ, kỹ năng xử lý và cách làm việc đáp ứng được yêu cầu công việc.

Tính đến năm 2011, số lượng sinh viên được Tập đoàn cử đi học tập tại nước ngoài là 735, cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao của Tập đoàn đã có sự chuẩn bị, có tính kế thừa.

Công nhân Vietsovpetro đang vận hành những cỗ máy phức tạp

Đồng thời, Tập đoàn cũng có nhiều chương trình nâng cao trình độ cho những người đang làm trong ngành. Nhiều hình thức đào tạo trong và ngoài nước đã được áp dụng từ đào tạo cơ bản, nâng cao, chuyên sâu đến đào tạo cao học, tiến sĩ. Tính trung bình, số lượng khóa đào tạo tổ chức trong nước chiếm hơn 80% tổng số các khóa học.

Tập đoàn cũng đã tổ chức 2 lần hội thi tay nghề dầu khí vào năm 2009 và 2011 với mục tiêu đẩy mạnh phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất cho công nhân trực tiếp sản xuất.

Đầu tháng 11/2012, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Đại học Quốc gia Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học giai đoạn 2012-2017. Không chỉ ở cấp Tập đoàn, cấp công ty trực thuộc Tập đoàn cũng có những chương trình hành động cụ thể như Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực với Trường đại học Cần Thơ.

Hiện tại, Tập đoàn có 3 cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là Viện Dầu khí Việt Nam: Đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học; Trường đại học Dầu khí đào tạo cử nhân, người lao động có tính kế cận và Trường cao đẳng Nghề Dầu khí đào tạo người lao động trực tiếp tham gia sản xuất kinh doanh. Trong năm học 2012-2013, theo kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực của PVN, Trường đại học Dầu khí tiến hành tuyển sinh khóa II, hệ đào tạo chính quy cho bốn chuyên ngành: Địa chất dầu khí, địa vật lý dầu khí, khoan - khai thác dầu khí và lọc hóa dầu. Và sau khi ra trường, các sinh viên sẽ hội tụ ba yếu tố cơ bản nhất: đạo đức nghề nghiệp; năng lực chuyên môn và vị trí nghề nghiệp; trình độ ngoại ngữ theo đúng tiêu chuẩn của Tập đoàn.

Những cách làm hay

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, bên cạnh chiến lược của Tập đoàn, các đơn vị thành viên cũng đã xây dựng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu tại đơn vị. Hiện tại, Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro), tỷ lệ có trình độ đại học trở lên chiếm 43,8% trong tổng số hơn 7.400 cán bộ, công nhân viên. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Vietsovpetro luôn đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Khoa học thuộc Vietsovpetro để tìm kiếm những nhà sáng kiến, sáng chế có những nghiên cứu thiết thực.

Mỗi năm, Vietsovpetro có 120-130 đơn đăng ký sáng kiến - sáng chế, thu hút khoảng 500 cán bộ, công nhân viên tham gia. Hiện các đơn vị của Vietsovpetro đã có hơn 1.200 giải pháp được công nhận là sáng kiến, bình quân mỗi sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục ngàn USD. Trong giai đoạn 2001 - 2010, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp cho Vietsovpetro 4 bằng độc quyền sáng chế. Đây là những sáng chế được đánh giá cao không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm thế giới. Nổi bật nhất là những thành tựu trong việc phát hiện và khai thác thân dầu trong đá móng nứt nẻ với sản lượng lớn, khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thành công ở lĩnh vực này. Đây là một đóng góp quan trọng của Việt Nam cho khoa học địa chất dầu khí thế giới.

Không chỉ đào tạo tốt, có cơ chế khuyến khích người lao động sáng tạo mà Vietsovpetro còn biết “giữ” người. Tình trạng “chảy máu chất xám” đã được chặn đứng trong năm 2010 bằng cách áp dụng đồng bộ các giải pháp về chính sách chế độ, cải thiện môi trường làm việc, tuyên truyền về hướng phát triển ổn định của Vietsovpetro trong tương lai. Năm 2006 có 141 người xin thôi việc thì đến năm 2010 chỉ còn 25 người xin thôi việc, chủ yếu là lý do hoàn cảnh gia đình. Hơn thế nữa, những năm qua có khoảng 30 người xin trở lại làm việc và nhiều kỹ sư giỏi, công nhân lành nghề của các trường đại học, trung tâm dạy nghề đến làm việc tại Vietsovpetro.

Đặc biệt, Vietsovpetro được áp dụng cơ chế đặc thù là trợ cấp ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên xin nghỉ hưu sớm với mức 3 tháng lương cho mỗi năm nghỉ việc còn lại đến tuổi về hưu. Nhờ đó, Vietsovpetro đã giảm được tuổi đời trung bình của cán bộ, công nhân viên cuối năm 2009 là 43,45 tuổi đến cuối năm 2010 là 41,94 tuổi. Đây là điều kiện để những nhân lực trẻ có cơ hội làm việc trong Vietsovpetro.

Hiện nay, Cửu Long JOC đang sử dụng một số tư vấn từ bên ngoài nhằm tăng tính hiệu quả cho công tác quản lý nhân sự như công nghệ trả lương theo “giá trị công việc” của Mercer Vietnam hay một số tổ chức kiểm toán nguồn nhân lực độc lập. Việc này sẽ thu hút được nhân lực chất lượng cao, đồng thời khuyến khích người lao động hăng say làm việc.

Trong khi đó, 10 năm qua, Ban Quản lý dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tổ chức hơn 1.000 khóa học cho hơn 12.000 lượt người. Chương trình đào tạo bắt đầu từ các khóa học tiếng Anh và các khóa học cơ bản tại Vũng Tàu. Tiếp sau đó là các khóa học vận hành chuyên sâu ở các nhà máy lọc dầu tại Indonesia, Nga, Rumania, Malaysia; các khóa đào tạo chuyển giao công nghệ của các nhà cung cấp thiết bị, bản quyền và sau cùng là khóa đào tạo trực tiếp tại công trường nhà máy lọc dầu. Ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công tác đào tạo tiếp tục được thực hiện thông qua công việc, đó là quá trình đào tạo kèm cặp theo công việc, bao gồm đào tạo kiến thức chuyên môn, quy trình làm việc, qua các nhiệm vụ được giao.

Đến nay, các chuyên gia, công nhân lành nghề Việt Nam đã tự đảm đương được những vị trí mà trước đây phải thuê người nước ngoài tại nhiều đơn vị trong ngành. Điều đó minh chứng một điều, nhân lực cho ngành Dầu khí đã tiệm cận với trình độ của khu vực và quốc tế.

Trong 10 năm qua, Tập đoàn đã tổ chức 12.830 khóa đào tạo cho 162.130 lượt người tham dự, trình độ cán bộ, nhân viên ngày càng được nâng cao với tổng số 151 tiến sĩ, 849 thạc sĩ, kỹ sư cử nhân 13.593 người và trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật là 12.757 người.


Đức Chính

DMCA.com Protection Status