Petrovietnam: Hội nhập đa tầng

07:40 | 22/10/2014

670 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Trong quá trình đổi mới, khi đất nước tích cực triển khai hội nhập kinh tế quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, đa phương, khu vực và song phương, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng chủ động mở rộng các hoạt động hợp tác với nhiều quốc gia, nhiều đối tác một cách năng động và hiệu quả.

Hệ thống liên kết kinh tế mới

Như chúng ta đã biết, từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam bắt đầu đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các đối tác. Lúc này, việc hợp tác và liên kết kinh tế trên cả bình diện toàn cầu cũng như khu vực đã có những thay đổi quan trọng.

Thương mại thế giới đã trở nên minh bạch hơn và công bằng hơn kể từ khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời năm 1995, đây là điều tối quan trọng đối với các nước đang phát triển, có quy mô kinh tế nhỏ như Việt Nam. WTO đã có những đóng góp quan trọng cho việc thiết lập cũng như vận hành các chuẩn mực thương mại đa phương với một hệ quy tắc điều chỉnh không chỉ các biện pháp tại biên giới mà còn cả các chính sách kinh tế sau biên giới như thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ v.v…

Có thể thấy, các hình thức hợp tác kinh tế khu vực, đã có sự phát triển mạnh mẽ kể từ sau năm 1995. Tính đến tháng 7-2013 đã có tới 575 thỏa thuận thương mại tự do (FTA) được công bố. Hầu hết các quốc gia có nền thương mại tương đối phát triển đều tham gia vào tiến trình này với đặc trưng là những FTA giữa các bên không có sự gần gũi về địa lý xuất hiện ngày càng nhiều; phạm vi cam kết ngày càng rộng và mức độ cam kết ngày càng sâu; khác với trước đây, đã dần dần xuất hiện các FTA giữa các “siêu cường thương mại”. Khối ASEAN không chỉ hướng tới việc tự do hóa thương mại và đầu tư trong nội bộ khối mà còn phát triển rộng hơn với các đối tác trong khu vực. Cơ chế hợp tác kinh tế khu vực đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc xây dựng các quy tắc mới về thương mại - đầu tư cũng như tăng cường quan hệ thương mại giữa các đối tác. Một hệ thống liên kết kinh tế đa tầng nấc đã hình thành.

PETROVIETNAM: Hội nhập đa tầng

Tại Algeria, dự án của Petrovietnam đang chuẩn bị cho dòng dầu thương mại đầu tiên

Việt Nam đối diện thách thức lớn

Trong một phát biểu mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tiếp tục khẳng định, với Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế là nội dung trọng tâm, xuyên suốt của công cuộc đổi mới. Việt Nam đã trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN và sau đó là Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) vào giữa thập niên 90; trở thành thành viên của WTO từ năm 2007. Việt Nam đã tham gia các thỏa thuận thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand; đã ký hàng loạt hiệp định quan trọng song phương như Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ, Hiệp định Đối tác kinh tế với Nhật Bản.

Cho đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 FTA (trong đó có 6 là hiệp định giữa ASEAN với các đối tác và 2 là hiệp định song phương với Nhật Bản và Chi Lê). Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán 7 FTA khác, nổi bật là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh thuế quan Nga, Belarusia, Kazakhstan và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU).

Việc Việt Nam hội nhập kinh tế đa tầng nấc như vậy một mặt thể hiện sự chủ động và tích cực của Việt Nam trong việc nắm bắt các cơ hội mới nhưng mặt khác cũng đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ. Hội nhập kinh tế quốc tế với phạm vi và mức độ liên kết ngày càng sâu và đa dạng sẽ hỗ trợ tích cực cho tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, giúp Việt Nam có được các lợi thế ở cả trong nước (cơ cấu kinh tế hợp lý hơn) và bên ngoài (tiếp cận thị trường tốt hơn) để thúc đẩy xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Các đối tác trong các FTA “thế hệ mới” không chỉ yêu cầu mức độ cam kết sâu hơn đối với những nội dung truyền thống như hàng hóa và dịch vụ mà còn yêu cầu cam kết cả những nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, lao động, môi trường, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhà nước v.v… Đây đều là các lĩnh vực mới và khó đối với Việt Nam.

Không để “bên ngoài” ép “bên trong”

Để vượt qua các thách thức này và nắm bắt các cơ hội mới, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp, cho dù được coi là không mới nhưng vẫn rất “nóng”. Đó là, chúng ta cần chuẩn bị một “cái gốc” thật chắc, trước hết cần có sự nhất quán cao độ về sự cần thiết của hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể là không hội nhập vị hội nhập mà hội nhập để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, phân bổ lại nguồn lực theo hướng hiệu quả hơn và minh bạch hơn. Bộ Công Thương cho rằng, cải cách kinh tế trong nước luôn phải là yếu tố quyết định và là nền tảng của hội nhập kinh tế quốc tế. Không nên dùng “bên ngoài” để ép “bên trong” vì dễ làm phát sinh tình trạng thực thi hình thức, thậm chí là phản ứng không thuận của xã hội, từ đó làm giảm hiệu quả của hội nhập kinh tế quốc tế và nếu tích tụ lâu ngày, sẽ làm xói mòn các nỗ lực cải cách kinh tế. Cần tiếp tục đưa cải cách kinh tế đi vào chiều sâu, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính - ngân hàng, đầu tư công và nông nghiệp bởi cải cách thành công trong những lĩnh vực này sẽ giúp Việt Nam tiếp cận với các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế cao hơn.

Trong môi trường đa tầng nấc, cần có chiến lược rõ ràng và bước đi phù hợp trọng việc lựa chọn đối tác cũng như cấp độ hội nhập. Cho tới nay, để phục vụ mục tiêu phát triển, các cấp độ hội nhập kinh tế quốc tế đều cho phép dành đối xử đặc biệt và khác biệt cho những nước đang phát triển như Việt Nam. Việt Nam có thể tận dụng nhưng không nên lạm dụng sự đối xử đặc biệt và khác biệt đó.

Các chuyên gia cho rằng, việc có được một thời gian chuyển đổi dài để duy trì một biện pháp hỗ trợ thiếu hiệu quả nào đó sẽ không tốt bằng việc chủ động tái cơ cấu và thúc đẩy tính cạnh tranh. Môi trường cạnh tranh, đến lượt nó, sẽ thúc đẩy việc nâng cao năng suất, nâng cao trình độ công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, những thành tố hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững trong dài hạn.

Việt Nam cần quan tâm hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật theo hướng đầy đủ và đồng bộ, bảo đảm minh bạch và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh. Lợi ích và chi phí của hội nhập kinh tế quốc tế thường được phân bổ không đồng đều, nhất là ở những nước đang phát triển như Việt Nam. Vì vậy, cần có giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế đối với những đối tượng bị tác động nhiều nhất và tạo cơ hội công bằng cho tất cả các đối tượng trong việc tiếp cận các thành quả của hội nhập. Chỉ có như vậy mới đảm bảo được đồng thuận xã hội, yếu tố quan trọng giúp hội nhập kinh tế quốc tế đa tầng nấc thành công.

PETROVIETNAM: Hội nhập đa tầng

Petrovietnam khai thác dầu có hiệu quả tại Nhennhetxky (Nga)

Petrovietnam mở rộng đầu tư hợp tác quốc tế

Thị trường năng lượng ngày nay đã dần xóa mờ các biên giới, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, cục diện chung cũng đã biến chuyển mạnh, tạo ra một kỳ vọng và xu hướng tất yếu là toàn cầu hóa nền tảng khai thác và kinh doanh dầu khí.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng bậc nhất mà Đảng và Chính phủ giao cho tập đoàn kinh tế hàng đầu của đất nước là bảo đảm an ninh năng lượng, từ nhiều năm qua, Petrovietnam đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác, đầu tư ra nước ngoài thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Có thể nói, ngoài việc bảo đảm khả năng tự tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong nước, Petrovietnam luôn là tập đoàn hội nhập quốc tế sớm nhất, sâu rộng và toàn diện nhất, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và mở rộng đầu tư ra nước ngoài trong việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và các dạng năng lượng khác bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt trong nước.

Hiện nay, Petrovietnam có 17 dự án đang hoạt động khai thác, tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ trên thế giới, ở hầu hết các khu vực tiềm năng. Trong đó 4 dự án tiêu biểu đang cho sản lượng là Nhennhexki (Liên bang Nga), PM 304 và SK 305 (Malaysia) và Lô 67 (Peru).

Sự đổi mới về công nghệ khai thác, sự chuyển đổi dạng thức xuất nhập khẩu, đòi hỏi của mức độ đầu tư, sự phân vùng của tài nguyên, nhu cầu chia sẻ rủi ro..., đã đưa ngành dầu khí thế giới sang một giai đoạn mới với luật chơi mới, đa dạng hóa về cấu trúc và tuân thủ các nguyên tắc của tự do hóa đầy đủ thị trường. Không một nước nào có thể “tự cung tự cấp” toàn bộ và lâu dài từ thượng ngồn đến hạ nguồn, vì vậy không có hợp tác quốc tế, không thể phát triển ngành đặc biệt này.

Cần phải nói rằng, Việt Nam tuy đi sau nhiều nước về công nghiệp dầu khí, nhưng đến nay, thế giới đã biết đến ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam vì Việt Nam lại có nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong thăm dò khai thác ở điều kiện địa chất phức tạp, đặc biệt việc tìm ra, đưa đối tượng dầu trong đá móng nứt nẻ vào khai thác, một đối tượng chứa dầu phi truyền thống, đã tạo ra lợi thế đặc biệt của Petrovietnam khi đàm phán hợp tác.

Petrovietnam hiện đã trở thành thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển, quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao. Nhiều nước tin tưởng vào năng lực, uy tín của Việt Nam muốn đặt vấn đề với chúng ta hỗ trợ họ để cùng nghiên cứu, tìm ra những đối tượng tương tự như vậy ở nước họ.

Đối với Petrovietnam, việc hội nhập quốc tế và hợp tác đầu tư là một trong những định hướng phát triển quan trọng trong những năm tới đây. Petrovietnam đang soạn thảo chiến lược đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ra nước ngoài đến năm 2025 và định hướng đến 2035 rất công phu với nội dung toàn diện các vấn đề và có tầm nhìn xa như: bối cảnh, quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, định hướng triển khai, kế hoạch thực hiện, nhu cầu đầu tư, dòng tiền, các giải pháp thực hiện và phần các điều kiện thực hiện chiến lược. Theo đó, ưu tiên hướng đến những khu vực ta đang phát triển, các quốc gia có quan hệ chính trị tốt với Việt Nam vì sẽ thuận lợi hơn về vấn đề tự điều hành các dự án; đầu tư cả “hai chân” trong nước và nước ngoài với mức độ tương xứng và hợp lý; đào tạo nguồn nhân lực giỏi, đặc biệt là người đứng đầu các dự án ở nước ngoài; xác định rõ hơn khái niệm và mục tiêu an ninh năng lượng và mục tiêu lợi nhuận của các dự án…

Trong nước, Petrovietnam đã có nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kêu gọi các công ty dầu khí quốc tế hợp tác đầu tư thông qua hình thức đấu thầu các dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí, các lô ở ngoài thềm lục địa Việt Nam, trong đó chấp thuận cả những trường hợp đấu thầu và đàm phán trực tiếp. Một số vùng khai thác nhạy cảm, Petrovietnam sẽ đứng ra đầu tư dẫn dắt và có thể đứng tên thay mặt cho các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn ban đầu.

Petrovietnam xác định đầu tư có trọng điểm vào những khu vực có trữ lượng dầu khí lớn và có quan hệ chính trị tốt, đồng thời đa dạng hóa hình thức đầu tư với các công ty dầu khí mạnh, vừa để tránh rủi ro, vừa để học tập, hội nhập quốc tế. Hoạt động đầu tư dầu khí ra nước ngoài tại Nga và các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập như Uzbekistan, Azerbaidjan, Kazakhstan… được Petrovietnam ưu tiên số 1 bởi đây là môi trường nhiều thuận lợi.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, trong mọi chuyến công du, tiếp kiến lãnh đạo các nước và trong các cuộc đàm phán, thương thảo ký kết hợp tác đầu tư với những quốc gia có tiềm năng về dầu khí, bao giờ cũng ưu tiên đặt vấn đề hợp tác về năng lượng, dầu khí lên hàng đầu. Về phần mình, Petrovietnam cũng đã thiết kế thành công mối quan hệ với nhiều tổ chức, công ty dầu khí quốc gia và tập đoàn dầu khí quốc tế lớn nhất, mạnh nhất như: Rosneft, Gazprom, Zarubezneft, KazMunaiGaz, ExxonMobil, Shell, Total, BP, Chevron, Petronas…

Ngoài ra, với hàng chục quốc gia khác ở khắc các châu lục, Petrovietnam cũng đang xúc tiến đàm phán ký kết các hợp tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, mua mỏ, triển khai dịch vụ dầu khí ở nước ngoài như Cuba, Tuynidi, Myanmar, Lào, Campuchia, Congo, Sudan, Qata, Kuweit...

Định hướng hội nhập

Hiện nay, trữ lượng dầu mỏ thế giới vào khoảng 1.688 tỉ thùng, trữ lượng khí khoảng 185,7 nghìn tỉ m3, đủ để khai thác trong vòng 50 năm tới. Trữ lượng lớn nhất nằm ở các khu vực Trung Đông, Trung Nam Mỹ, Bắc Mỹ rồi đến châu Âu, châu Á, châu Phi và Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là các khu vực tiềm năng cần quan tâm để đầu tư. Các xu hướng thăm dò khai thác dầu khí trong tương lai là nước sâu xa bờ, khu vực Bắc Cực, tái thăm dò các bể trên đất liền và khu vực nước nông truyền thống và đối tượng dầu khí phi truyền thống.

Hoạt động đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ra nước ngoài của Petrovietnam đã được triển khai phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Dầu khí đến 2015 và định hướng tới 2025, với tốc độ vừa phải, có sự phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và đã đạt được kết quả khả quan, bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, các chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, doanh thu, lợi nhuận còn hạn chế. Petrovietnam bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các dự án hiệu quả hiện nay, tập trung bảo đảm tiến độ các dự án phát triển mỏ, sớm đưa vào khai thác để có doanh thu, lợi nhuận thì sẽ đẩy mạnh đầu tư các dự án mới về tìm kiếm thăm dò và ưu tiên mua những mỏ đã có sản lượng khai thác và trữ lượng. Định hướng trong trung và dài hạn là tiếp tục theo đuổi các cơ hội dầu khí truyền thống, đầu tư vào các nguồn tài nguyên phi truyền thống và trở thành tập đoàn năng lượng tích hợp trên cơ sở phát huy các sở trường về dầu khí.

Chủ động và tích cực hội nhập thị trường dầu khí quốc tế đa tầng với nhiều giải pháp năng động, sáng tạo đã làm nên sức bật mới cho Petrovietnam. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh và những thách thức về nhiều mặt như vốn, nhân lực quản lý điều hành, các yếu tố địa chính trị, môi trường đầu tư, sự khắc nghiệt đặc thù về tự nhiên mà Petrovietnam phải đối diện là rất lớn. Đặc biệt là thủ tục, cơ chế đầu tư hiện nay còn nhiều vướng mắc, để đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả kinh tế, rất cần Chính phủ, Quốc hội xem xét để kịp thời điều chỉnh, tăng thẩm quyền quyết định đầu tư, tạo điều kiện thông thoáng, chủ động cao cho Petrovietnam.

Các dự án đầu tư tại Nga, Peru, Venezuela, Algeria với tiềm năng dầu khí lớn đã và đang chuẩn bị khai thác dầu thương mại, dự báo mang lại hiệu quả lớn trong tương lai đã giúp nâng thêm tầm vóc và khẳng định uy tín của Petrovietnam, khiến Petrovietnam hoàn toàn đủ tự tin bước vào thị trường thăm dò, khai thác dầu trên toàn thế giới.

Nguyễn Tiến Dũng

 

 

DMCA.com Protection Status