Nghĩa tình người dầu khí

07:00 | 28/01/2014

693 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Năm 2013, mặc dù nền kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự phát triển bền vững của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn vẫn dành hàng trăm tỉ đồng cho công tác an sinh xã hội (ASXH), mang hơi ấm người dầu khí đến với người nghèo.

Năng lượng Mới số Xuân Giáp Ngọ 2014

Theo ghi nhận của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, PVN là tập đoàn kinh tế Nhà nước có đóng góp cho ASXH lớn nhất trong vòng 5 năm qua, đạt gần 3.000 tỉ đồng. Các chương trình ASXH của PVN tập trung chủ yếu vào hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết; hỗ trợ giáo dục và xây dựng trường học; hỗ trợ y tế và xây dựng bệnh viện, trạm xá; các chương trình đền ơn đáp nghĩa ủng hộ từ thiện thông qua các quỹ, hội; ủng hộ đồng bào thiên tai bão lũ.

Tổng kinh phí PVN thực hiện ASXH năm 2013 là 500 tỉ đồng, trong đó Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) mỗi đơn vị thực hiện 100 tỉ đồng. Đây là những kinh phí được trích ra từ nguồn lợi nhuận của các đơn vị.

Trong chương trình hỗ trợ 62 huyện nghèo của cả nước, PVN đã tích cực tham gia đóng góp các chương trình ASXH tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc PVN cho biết: “Với quyết tâm cao của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động ngành Dầu khí đã phát huy truyền thống đạo lý “tương thân tương ai” của dân tộc Việt Nam, thực hiện tốt hơn nữa các chương trình ASXH và Nghị quyết 30a của Chính phủ trong năm 2013 và những năm tiếp theo”.

Lãnh đạo PVFCCo trao học bổng cho sinh viên

Ông Trịnh Dũng, Phó trưởng ban Tổ chức Nhân sự PVN kể một câu chuyện xúc động: PVN xây dựng nhà lưu trú cho học sinh ở Trường Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Lao Chải (Mù Cang Chải, Yên Bái) để phục vụ cho 126 học sinh. Tuy nhiên, khi trường đi vào hoạt động năm 2012, số lượng học sinh xin đến học đã tăng lên 400 em. Điều đó cho thấy, công tác ASXH của PVN đã đạt hiệu quả tốt, người dân đang rất cần những công trình như thế. Đồng thời, PVN cũng sẽ quan tâm hơn nữa đến con em vùng sâu, vùng xa. Họ thực sự đang cần giúp đỡ.

Tại PVN, các tổ chức chính trị như Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội Cựu chiến binh PVN, Đoàn Thanh niên PVN cũng đóng góp nhiều vào các chương trình ASXH. Hằng năm, CBCNVC-NLĐ toàn ngành Dầu khí làm thêm 4 ngày nghỉ cuối tuần để ủng hộ các quỹ như Quỹ Vì thế thệ trẻ của Đoàn Thanh niên Tập đoàn, Quỹ Nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu chiến binh Tập đoàn, Quỹ Tương trợ Dầu khí và cho công tác ASXH khác. Đối với các cán bộ hưu trí trong ngành, Công đoàn Dầu khí Việt Nam cũng dành nhiều sự quan tâm, nhất là những cán bộ khó khăn về nhà ở. Số tiền ủng hộ cho đối tượng này mỗi năm cũng vài tỉ đồng…

Đoàn Thanh niên PVN là tổ chức tập hợp hơn 26 nghìn đoàn viên luôn xung kích, tình nguyện tham gia các hoạt động như xây nhà tình nghĩa, giúp đỡ thanh niên nghèo, chăm lo các em học sinh vùng sâu, vùng xa. Tại các nơi như Dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2, Đoàn Tập đoàn đã phát động Tháng Thanh niên và phối hợp cùng Đại học Y Hà Nội khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân xung quanh nhà máy. Chúng tôi từng nghe các cụ già của xã Mỹ Lộc, nơi có nhà máy tâm sự: “Nếu không có thuốc do thanh niên dầu khí phát, chúng tôi cũng chẳng dám đi mua. Bệnh thì đầy người nhưng tiền không có”.

Các đơn vị thành viên của PVN cũng rất tích cực thực hiện các chương trình ASXH, coi đó vừa là trách nhiệm với cộng đồng, vừa là tình cảm của những người lao động dầu khí mong muốn cuộc sống của những nơi khó khăn ngày một cải thiện hơn.

Là cơ quan ngôn luận của Hội Dầu khí Việt Nam, Báo Năng lượng Mới không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền mà còn rất tích cực tham gia hoạt động ASXH. Trước tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Báo Năng lượng Mới đã tổ chức chuyến hành trình từ thiện đến với đồng bào 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Báo đã đứng ra tổ chức, kêu gọi các đơn vị trong PVN đóng góp, gồm 1.000 chăn bông, 500 lít dầu ăn, 500 gói bánh xốp Hải Châu, 500 gói kẹo, 500 gói bột canh, 5 bộ máy tính, 1 máy ảnh với tổng số triền tài trợ là 470 triệu đồng. Đây là những nghĩa cử cao đẹp của người dầu khí muốn mang cái tết đầm ấm hơn cho đồng bào dân tộc các tỉnh Tây Bắc.

Năm nay, Báo Năng lượng Mới tiếp tục thực hiện chương trình này đến với bà con tỉnh Điện Biên và bà con sống xung quanh Thủy điện Hủa Na (Nghệ An). Giữa năm 2013, sau loạt bài phóng sự: “Phận thanh niên xung phong thời hậu chiến”, phản ánh chân thực hoàn cảnh sống vô cùng khó khăn của các cựu thanh niên xung phong (TNXP) ở Thái Bình, Báo Năng lượng Mới đã triển khai chương trình “Xoa dịu nỗi đau cựu TNXP Thái Bình”. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức đoàn thể, các đơn vị thành viên trong PVN với tổng số tiền tài trợ lên đến trên 500 triệu đồng.

PVFCCo là đơn vị luôn xác định bên cạnh việc sản xuất kinh doanh có lãi, phải đem đến cho nông dân, học sinh nghèo chất lượng cuộc sống tốt hơn. Tại những vùng rốn lũ ở miền Trung, sau khi nước rút, cán bộ PVFCCo lại đến giúp người nông dân khôi phục sản xuất, cấp phát đạm Phú Mỹ miễn phí để họ yên tâm sản xuất.

Chương trình học bổng Đạm Phú Mỹ trao tháng 12/2013 cho các sinh viên nghèo, học giỏi vừa giúp các em yên tâm học tập, vừa tạo động lực để bố mẹ các em yên tâm cống hiến cho PVFCCo. Cùng với đó, trước năm học mới 2013, PVFCCo triển khai chương trình “Hỗ trợ con nông dân đến trường” với hơn 17.500 suất quà cho các em là con nông dân có hoàn cảnh gia đình khó khăn tại 19 tỉnh là các vùng nông nghiệp trọng điểm trên cả nước. Mỗi phần quà cho đi là cứu được một tương lai của các em nhỏ đang có nguy cơ bỏ học vì nghèo.

Đặc biệt, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đợt cơn bão Haiyan (bão số 14) quét dọc miền Trung hồi tháng 11/2013; cán bộ, công nhân nhà máy đã phối hợp cùng lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Ngãi đưa 8.000 dân vào trú bão trong nhà máy. Đây là việc làm hết sức cần kíp, bởi cứu dân trong cơn hoạn nạn cũng chính là một phần của công tác ASXH: đảm bảo tính mạng, yên ổn cuộc sống cho người dân vùng khó khăn.

Ngay sau cơn bão đó, miền Trung bị lụt nặng, trong đó có Quảng Ngãi; từng chuyến hàng của nhà máy lại vượt lũ dữ đi vào từng ngõ xóm để phân phát đồ ăn, áo mưa, nước uống cho người dân. Những việc làm nhân văn ấy, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi rất cảm động và mong muốn Nhà máy Lọc dầu Dung Quất không chỉ đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh mà còn tham gia nhiều hơn nữa cùng tỉnh giúp đỡ bà con vùng khó khăn, thiên tai, bão lụt.

Trước kia, khi còn quan niệm cũ là làm ASXH là đến những vùng sâu, vùng xa, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai thì hiện nay, công tác ASXH là đem lại cho người dân một cuộc sống tốt hơn: xây nhà kiên cố tránh bão, trường học, bệnh viện để nhân dân vươn lên trong cuộc sống. Hầu hết những món quà đều được người lao động dầu khí trao đến tận tay người được nhận, từ đó sẽ mang lại hiệu quả bền vững cho từng chương trình ASXH mà PVN đã thực hiện trong năm qua.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status