Một đời đi tìm người

09:09 | 11/09/2011

297 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Giá kể có cơ hội được gặp cụ Trần Ngôn Hoạt từ dăm bảy năm trước, khi cụ còn khỏe mạnh, thì tốt biết mấy. Chả hiểu sao ý nghĩ này cứ xuýt xoa tiếc nuối trở đi trở lại trong đầu tôi khi ngồi đối diện với cụ tại ngôi nhà trong một ngõ khuất đường Võ Thị Sáu, tôi cứ muốn hỏi ngay rằng, lão thành như cụ (cán bộ lão thành cách mạng, hơn sáu mươi năm tuổi Đảng), từng là bậc tiền bối trong ngành Dầu khí, lại làm công tác tổ chức nhiều ơn huệ mà sao chịu chọn một góc “hơi bị” khiêm tốn như vậy.

Trở lại với sự tiếc nuối, tôi có lý do để tiếc, nhất là sau khi ngồi nghe cụ kể một cách chật vật những chuyện không chỉ của riêng cá nhân một con người mà kiểu gì thì nó cũng mang dáng dấp của những tư liệu lịch sử quý giá, về một thời đang lùi xa vào quá khứ. Tôi tiếc trước hết vì khi tôi gặp cụ thì thời gian, năm tháng, những kỷ niệm vui, buồn… đã không còn chiếm nhiều sự quan tâm của cụ nữa. Tất cả đã là quá vãng. Cụ chỉ còn mong muốn được thanh thản nữa thôi. Thanh thản sống với con cháu. Thanh thản trước mọi việc mình làm. Thành ra tôi trở thành kẻ nhiễu sự một người đi lại, ăn uống đã bắt đầu khó khăn. Nhưng tôi để ý cụ thường cố gắng tự mình làm lấy mọi việc có thể chứ chưa chịu phiền con cái. Nó cho thấy ý chí mạnh mẽ của lớp người lập nghiệp, lập thân, lập danh từ hai bàn tay trắng và còn mãi là tấm gương cho những người đi sau.

Cũng còn may cho tôi, cụ Hoạt không chỉ vẫn rất minh mẫn mà còn rộng lòng khoan dung. Làm công tác tổ chức – như cụ nói – mà không khoan dung thì chả tìm được ai cả. Sẽ chỉ thấy toàn mặt xấu của người khác thôi hoặc bị những ác cảm cá nhân làm cho cái nhìn của anh trở nên lệch lạc. Biết tôi nóng lòng muốn tìm hiểu những năm tháng gian nan của ngành Dầu khí, cụ tỏ ra sẵn sàng chia sẻ. Đáng ghi lại lắm – cụ bảo thế. Nó có những cái mốc không thể nào quên. Bây giờ, khi mỗi năm chúng ta có 20 triệu tấn dầu thô quy đổi, thuộc hàng thứ ba trong các quốc gia dầu mỏ ở Đông Nam Á, mát mặt với bạn bè, đem về cho quốc gia không chỉ nhiều tỉ USD mà cả vị thế đi kèm là tiếng nói có trọng lượng trong nhiều vấn đề. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền xưa nay ở đâu cũng thế. Tôi có dầu, nghĩa là tôi có tiềm lực, có thứ thế chấp cho niềm tin hoặc nói như dân gian là có quyền “tinh tướng” về mặt tài chính… Xem ra chỉ còn việc tổ chức khai thác làm sao cho hiệu quả; bàn bạc với nhau tìm cách tăng sản lượng, thăm dò để có nguồn dự trữ, tận dụng tối đa tiềm năng để mở rộng quan hệ, tất nhiên là trên thế thượng phong… chứ 30 năm trước chỉ dám mơ công sức bỏ ra đừng có thành công cốc cũng là tốt lắm rồi. Nào đã ai thấy dầu bao giờ. Người Pháp với chính sách bòn mót thuộc địa, thèm dầu chết cha mà loay hoay mãi cũng đành bó tay. Tất cả đều còn nằm trong dự báo, dự đoán, hy vọng…

Nhưng mà khát dầu là một trong những cơn khát cháy bỏng nhất hồi ấy. Đất nước sau chiến tranh nghèo không còn có thể nghèo hơn. Các ngành sản xuất đều chắp vá, không hy vọng gì bốc ngay lên được. Muốn có tiền, mà lại là ngoại tệ mạnh cho nhu cầu hiện đại hóa đất nước; muốn mau chóng nâng vị thế quốc gia lên; muốn có vật thế chấp trong vay mượn quốc tế… thì chỉ có dầu mỏ là đáp ứng nhanh nhất tất cả những cái “muốn” ấy. Nhìn người ta được trời ưu đãi mà thèm. Có một giai thoại rất nổi tiếng thời ấy kể rằng người dân Côoét quanh năm lo việc chơi bời, hết tiền lúc nào thì chỉ việc chọc một lỗ lấy dầu lên đem bán là lại xông xênh. Còn ở ta thì sao, ngoài một vài tài liệu ít ỏi của các nhà địa chất thực dân được biết đến từ những kho tư liệu cũ và sau này chủ yếu là của các chuyên gia địa chất Liên Xô dự đoán Việt Nam có dầu, ở đất liền, ngoài thềm lục địa, hay giữa đại dương chưa ai biết, còn thì đều mù mịt như nhìn ra biển vào những ngày xấu trời vậy. Mơ thì mơ vậy thôi chứ biết bao giờ mới tận mắt nhìn thấy dầu. Còn hơn cả bóng chim tăm cá. Những thăm dò hạn chế ở vùng châu thổ sông Hồng chưa đủ hâm nóng bất cứ niềm hy vọng nào. Một vài lỗ có khí nhưng phụt lên được một thời gian là lại tắt lịm hoặc không bõ để đầu tư khai thác. Cứ chỉ toàn mừng hụt thôi. Ấy thế mà Nhà nước vẫn quyết định thành lập ngành Dầu khí ngay sau khi chiến thanh kết thúc, tổ quốc thống nhất đủ thấy những nhà lãnh đạo bấy giờ có một tầm nhìn chiến lược như thế nào. Chính là lúc mà cụ Trần Ngôn Hoạt được vời ra làm công tác xây dựng bộ khung, đặt nền móng ban đầu về mặt con người cho ngành Dầu khí hùng mạnh bây giờ.

Trước đó cụ từng bôn ba khắp nơi, làm đủ mọi công việc, từ Chủ tịch lâm thời huyện Hải An, Bí thư huyện An Dương, cán bộ văn phòng Quân khu Ba, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện Nho Quan, Tỉnh ủy viên tỉnh Ninh Bình đến làm Giám đốc các nhà máy điện Vinh, Hòn Gai, Nhà máy Điện cơ thời kỳ công nghiệp hóa. Nhưng trước sau cụ Trần Ngôn Hoạt vẫn có duyên với công tác tổ chức hơn cả. Hoặc nói như cụ, là công việc đi tìm người. Đương nhiên là phải tìm những người có đức, có tài, có lòng nhiệt huyết cách mạng. Cụ Hoạt đã lựa chọn ở lại gây dựng ngành Dầu khí rủi nhiều may ít. Phải nói thật là, đa số những người như cụ Hoạt hồi ấy sống bằng tâm trạng làm thì cứ làm thôi chứ trong lòng không hề tin đất nước lại có dầu. Có lẽ vì mong ước quá lớn dễ khiến người ta bi quan, nhưng quả là khó mà nghĩ khác khi tất cả còn trắng tay. Đến ngay như việc tìm một nơi đóng đô cho bộ máy mấy chục con người cũng còn là vấn đề.

Ban đầu trụ sở của cơ quan đầu não chính là ngôi nhà phải mượn của một cơ quan khác nhờ vào uy tín cá nhân. Ăn ở, làm việc đều tạm bợ. Sau chỉ vì chật chội quá mới xin chuyển về Nguyễn Thái Học, rồi Nguyễn Du. Cũng đâu có được ở tập trung mà phải xé lẻ làm hai ba nơi. Cơ sở vật chất thì cứ lo dần dần, dù sao cũng phải có thời gian gây dựng. Nhưng việc cấp bách là phải tìm được người. Không có người xứng đáng đặt vào đúng vị trí thì sẽ khó mà hoàn tất sự hình thành một bộ máy. Sau đó lại phải làm cho bộ máy ấy hoạt động mạnh mẽ, hiệu quả, đúng hướng mới mong đặt nền móng vững chắc cho một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước. Bây giờ ngồi nói về những chuyện ấy cụ Trần Ngôn Hoạt bảo nó giống như nhớ lại những kỷ niệm. Có kỷ niệm vui, có kỷ niệm buồn, nhưng vui hay buồn thì cũng đều được thời gian ngọt ngào hóa để trở nên thi vị. Còn tại thời điểm của 30 năm trước thì là cả một công việc ghê gớm. Nhân lực phần lớn chuyển từ quân đội sang. Mấy chục năm chiến tranh chỉ tôi luyện cho con người lòng can trường, ý chí vượt khó mà nói thẳng ra là chịu khổ thế nào cũng được. Nhưng làm kinh tế thì can trường, chịu khổ giỏi chưa phải là phẩm chất quan trọng nhất. Phẩm chất quan trọng nhất của một cán bộ thời bình là phải có đầu óc tổ chức sản xuất kinh doanh.

Cuối cùng thì cũng tìm ra cách. Đó là tận dụng thế mạnh của từng người và bổ sung cho nhau. Chẳng hạn số anh em từ quân đội ra được đặt vào những vị trí sao cho khả năng vượt khó, thói quen tôn trọng kỷ luật của họ được phát huy tốt nhất, trong khi đó, những công việc đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn thì dành cho số anh em chuyển từ các liên đoàn sang. Việc thuyên chuyển cán bộ cũng là cả một vấn đề nan giải. Cụ Hoạt bảo, ngày nay cứ nói đến các địa danh của ngành Dầu khí dễ khiến người ta liên tưởng đến một thứ “thiên đường” về mọi khía cạnh. Mà thật ra nghĩ như vậy cũng có cơ sở của nó. Ngành Dầu khí đương nhiên phải hiện đại, phải thể hiện ở bất cứ đâu mình là người làm ra tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Cho nên nghĩ về sự giàu có của ngành Dầu khí là bình thường. Tiện thể cụ Hoạt muốn nói thêm một tâm sự gan ruột.

Theo cụ ngành Dầu khí ngày nay nắm trong tay nguồn tài lực khổng lồ của đất nước, thuộc ngành làm ra nhiều tiền bạc nhất, thậm chí có thể gọi không ngoa là con bò sữa của đất nước. Tiền của chảy từ lòng biển lên dễ làm cho một số người nghĩ khôn nghĩ dại. Những người nghĩ khôn thì khỏi phải nói, họ sẽ tận dụng mọi cơ hội, nghĩ ra đủ mọi cách để làm giàu cho đất nước. Còn những người nghĩ dại thì cho rằng, mình làm ra tiền mà không chấm mút được tí chút coi như bị thiệt. Thế là họ làm cho ngành Dầu khí mang tai mang tiếng chung mà cụ ngồi một chỗ cũng nghe được. Cụ chỉ không có cơ hội thanh minh cho số đông anh em trong ngành. Họ làm được nhiều việc hay lắm. Đãi ngộ cho họ còn chưa xứng đáng đâu. Phần lớn anh em vẫn sống vất vả. Chỉ có điều đã bị cái tiếng xấu át đi rồi thì bao nhiêu việc tốt tự nhiên chả được ai biết đến.

Đồng chí Trần Ngôn Hoạt (thứ nhất bên trái) đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Tập đoàn

Tôi không muốn làm một cụ già hơn 80 bận tâm vào những chuyện đau đầu nên vội lái câu chuyện trở lại mạch chính.

- Ngoài tìm người ra thì bác còn làm việc gì nữa?

- Ối dào, một anh Vụ trưởng Vụ Tổ chức thì còn thiếu gì việc nếu không muốn nói là việc gì chả phải chạm tay vào. Sau khi có cái khung nhân sự cho Tổng cục thì phải thành lập các phòng ban, vụ, viện… anh còn lạ gì cơ cấu bộ máy quản lý của ta. Thiếu một bộ phận là coi như guồng máy chưa vận hành. Thế là phải lo tìm người cho đủ. Chẳng hạn Vụ Lao động – Kế hoạch, Viện Thiết kế… rồi nào là văn phòng, rồi nào là các công ty… cứ hãng có cái vỏ đã. Và chỗ nào cũng cần người, đương nhiên. Cho nên ngành Dầu khí có một cuốn sách ghi lại các sự kiện từ ngày đầu, thậm chí từ trước khi có Tổng cục, thông qua các nhân chứng là rất quý cho công tác giáo dục truyền thống. Muộn còn hơn không. Đừng để thời gian xóa nhòa tất cả. Tôi hoan nghênh ý tưởng đầy tinh thần nhân văn ấy. Sống với nhau phải có tình, có nghĩa, có người trước thì mới có người sau, có ngày hôm nay lớn mạnh, giàu có là nhờ những khi nhà lá lụp xụp, cơm rau, cơm mắm vẫn hừng hực nhiệt huyết tìm dầu. Những người như tôi vẫn cứ là may chán. Nhiều anh em đến chết vẫn chưa trông thấy dầu chứ nói gì được hưởng tí chút gọi là thành quả.

Phải chứng kiến cảnh anh em sáng mắt lên nhìn lọ dầu đựng trong chiếc lọ thủy tinh do ông Hồ Tế đem về mới thấy hết ý nghĩa của những thành quả hôm nay. Mà ban nãy anh hỏi tôi chuyện hoàn tất công việc tìm người là chưa hiểu đâu, công việc tìm người đâu có đoạn kết thúc. Nó luôn tiếp tục. Bây giờ vẫn phải đi tìm. Có thể nói nó giống như đãi cát tìm vàng ấy. May thì gặp. Còn không thì phải lần từ vỉa đá kiến tạo của nó. Đương nhiên không thể so vàng với người, nhất là những người giỏi. Nhưng đúng là phải tìm như tìm vàng. Phải kỳ công lắm. Trước khi ông Đinh Đức Thiện sang làm Bộ trưởng phụ trách dầu khí, mọi việc mới suôn sẻ. Tôi nghiệm ra rằng, tấm lòng con người ta mà trong sáng thì khó xảy ra sai lầm lắm, hoặc có xảy ra cũng dễ sửa chữa. Ông Đinh Đức Thiện là có công lớn với ngành Dầu khí Việt Nam.

Trong ánh mắt của cụ già đã có gần 70 năm tham gia cách mạng, từng là tù nhân Hỏa Lò và chỉ nhờ biến cố Nhật đảo chính hất cẳng Pháp mới thoát, luôn chứa đựng những điều sâu xa hơn rất nhiều cái gọi là kinh nghiệm. Bỗng cụ nhìn tôi cười, một nụ cười cũng khó khăn như khi cụ kể về cuộc đời cu:

- Tôi nghĩ khi về dầu khí là tôi được đặt đúng chỗ, có thời cơ để thể hiện năng lực của mình. Tôi thích làm từ đầu, gây dựng từ lúc khó khăn rách nát nhất. Tuy nhiên, mình tôi thì chả thể nên trò trống gì. Mỗi người góp một chút, trong đó có công sức của mình. Trong cuộc đời tôi đã từng làm ở những nơi khó khăn, gian khổ nhưng chỉ ở dầu khí tôi mới thật sự cảm nhận hết sứ mạng của mình – nếu có thể nói như vậy. Hồi đó chả riêng gì tôi, các anh em khác cũng thế, giao nhiệm vụ là làm, làm tới bến luôn, làm không so đo tính toán. Nghèo khổ nhưng tự trọng, không bon chen, không vụ lợi, không tính toán cá nhân. Khi tôi chọn một ai đó tôi không bao giờ nghĩ mình đang gia ơn cho họ mà là mình đang làm bổn phận của một anh cán bộ. Chọn được người tức là mình gặp may, hoàn thành nhiệm vụ, cũng tức là mình không vô dụng. Phải cảm ơn người mình chọn nữa ấy chứ. Nói thế bây giờ nghe thật buồn cười nhưng thời ấy thì đúng như vậy. Nếu có thể gọi là kinh nghiệm thì chỉ thế này: Tôi không căn cứ vào lời nói, mà căn cứ vào việc làm. Anh nói thánh nói tướng gì cũng mặc anh. Tôi chỉ tin vào việc anh làm thôi. Anh hãy cứ làm đi xem nào. Anh làm được thì muốn nói gì cũng được, cũng có người nghe. Còn ngược lại thì càng nói anh càng lộ ra cái yếu kém của mình. Tôi luôn tâm niệm, một người tài giỏi thì chắc chắn phải trung thực, khiêm tốn, sống có trách nhiệm với mọi người và với chính anh ta.

Tôi thưa với cụ:

- Vậy chứ đã khi nào cụ chọn nhầm người chưa, tức là cái anh cán bộ do cụ chọn với rất nhiều hy vọng nhưng cuối cùng hóa ra chả nên cơm cháo gì cả?

- Xem nào, để tôi nghĩ đã.

Một lát sau cụ Trần Ngôn Hoạt lắc đầu một cách quả quyết:

- Không, tôi không tìm ra một người nào như thế cả. Có thể do tôi gặp may. Thực ra cũng chẳng phải do tôi tài giỏi gì đâu mà hồi đó anh nào kém cỏi lộ ra ngay. Không lộ chỗ này, với người này thì cũng lộ ra ở chỗ khác, với người khác. Anh cán bộ tổ chức chỉ cần công tâm và vô tư, thêm vào đó một chút tinh ý và cái chính là không được hẹp hòi. Bây giờ đâu đâu người ta cũng hay tìm cách cất nhắc nhau lên để tạo ê-kíp, kéo bè kéo cánh chứ thời của tôi làm cán bộ là làm những việc khổ nhất, thiệt thòi nhất chứ sung sướng gì đâu. Những người do tôi tìm và bố trí làm cán bộ có thể trình độ năng lực từng người khác nhau nhưng phần lớn số họ đều thành đạt, đều có đóng góp xứng đáng cho ngành Dầu khí và đều thanh thản khi về nghỉ. Điều đó khiến tôi rất tự hào.

- Đấy, chuyện chỉ có thế – cụ Hoạt cười, nụ cười khá hóm hỉnh, nó khiến gương mặt già nua của cụ bỗng trở nên sinh động – Tôi gắn bó với ngành Dầu khí nên tôi nhớ nhất chuyện này – cụ quay sang hỏi tôi: Anh có biết loại nước khoáng có nhãn Tiền Hải không? Khi tôi đáp rằng đó là loại nước khoáng mà tôi rất thích, Cụ Hoạt chờ tôi trả lời xong mới tủm tỉm cười: – Nó chính là sản phẩm không mong muốn của việc khoan thăm dò dầu khí đấy. Thực chất là người ta đi tìm dầu. Không vì mong có dầu thì chẳng ai bỏ ra nhiều tiền thế để khoan. Nhưng cất công đi tìm dầu mà lại thấy nước thì còn gì chán bằng, nhưng hóa ra không được dầu chưa phải là không được gì. Không được dầu nhưng được một mỏ nước khoáng có chất lượng tốt, nổi tiếng và cũng cho ra tiền bạc. Ngẫm lại từ câu chuyện trên tôi thấy hình như chính thiên nhiên đã sẵn ngụ ý bài học cho con người. Đừng vội tuyệt vọng trong bất kể tình huống nào, kể cả khi chỉ thấy nước thay vì đúng ra phải thấy dầu hay khí. Ngành Dầu khí càng phải thấm thía điều sâu xa đó. Riêng người làm công việc chiêu hiền đãi sĩ phải nhìn thấy ở người khác những mặt tốt rồi bố trí sao cho để họ có thể biến nó thành sở trường.

Cụ già ngoài 80 lại cười, tuy mệt nhưng có phần sảng khoái. Từ đầu tôi đã để ý thấy cụ, mặc dù đi lại khó khăn, nói năng không còn lưu loát nhưng vẫn cực kỳ minh mẫn, vẫn kiểm soát mọi điều mình nói ra và như đã kể ở trên, vẫn tự làm những việc phục vụ nhu cầu cá nhân của mình.

…Thấm thoát đã hơn 6 năm kể từ cuộc trò chuyện với cụ Hoạt. Kỷ niệm 50 năm ngành Dầu khí lần này vắng cụ. Cụ đã về cõi ngày 27/3/2009, hưởng thọ 87 tuổi. Xin thắp một nén nhang tưởng nhớ cụ Trần Ngôn Hoạt, một cậy đại thụ của ngành… Thưa cụ, sự nghiệp dầu khí của cụ vẫn phát triển rực rỡ như cụ hằng mong mỏi!

C.Q

DMCA.com Protection Status