Hạ thủy thành công giàn khoan lớn nhất Việt Nam

08:52 | 16/05/2011

3,906 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Phóng viên Năng Lượng Mới có mặt trên công trình vào thời khắc quan trọng nhất để ghi lại những dấu ấn diệu kỳ của sự kiện này…

Những ngày trung tuần tháng 5 đã diễn ra một sự kiện đáng tự hào của ngành Dầu khí Việt Nam, khi khối chân đế nặng kỷ lục 4.900 tấn của giàn khoan Đại Hùng 02 (chân đế giàn khoan lớn nhất từ trước đến nay, do chính các nhà thầu Việt Nam chế tạo) được các công nhân kỹ sư của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tiến hành lai dắt và lắp đặt cố định tại mỏ Đại Hùng 02 ở độ sâu 112m nước (ngoài khơi biển Vũng Tàu) theo công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Công trình này được lãnh đạo PVN ra Quyết định là một trong những công trình trọng điểm trong năm 2011 được gắn biển chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.

Phóng viên Năng Lượng Mới có mặt trên công trình vào thời khắc quan trọng nhất để ghi lại những dấu ấn diệu kỳ của sự kiện này…

Trao đổi công tác launching qua máy bộ đàm.

Trưa 7-5-2011, sau hồi lệnh xuất phát, chiếc xà lan VSP-05 được kéo bằng tàu Sao Mai-01 đã rời khỏi cảng Vietsopetro (Vũng Tàu) chở theo khối chân đế giàn khoan Đại Hùng 02 (WHP DH-2) nặng kỷ lục 4.900 tấn, bắt đầu hành trình lai dắt trên quãng đường biển 250km ra mỏ Đại Hùng 02, do Công ty TNHH MTV Điều hành thăm dò khai thác Dầu khí trong nước (PVEP POC) làm chủ đầu tư để lắp đặt tại khu vực đã định vị từ trước. Nhìn khối chân đế sừng sững ấy “nằm” chễm chệ trên chiếc xà lan, nhiều người không khỏi ngạc nhiên nó có chiều cao đến 128m, tương đương một tòa cao ốc 34 tầng lầu ở TP HCM.

Không khí căng thẳng ở bến cảng Vietsopetro lùi dần trong niềm hân hoan khi các công đoạn khởi hành đã hoàn tất. Trên chiếc canô chở theo đoàn phóng viên ghi hình công đoạn lai dắt khối chân đế, chúng tôi chứng kiến chiếc xà lan khởi hành di chuyển chầm chậm ra xa dần khu bến cảng. Tốc độ di chuyển của xà lan lúc đầu khá chậm nhằm căn chỉnh hợp lý, đảm bảo an toàn, rồi dần dần di chuyển với vận tốc nhanh hơn để về khu vực phao số 0, hướng thẳng đến mục tiêu “con gấu lớn” Đại Hùng.

Thời tiết ngoài khơi biển Vũng Tàu thời điểm này rất tốt, biển lặng, sóng êm, nên các công đoạn lai dắt diễn ra khá thuận tiện, không vướng phải bất cứ trở ngại nào. Sau gần 2 ngày lai dắt trên biển, đến đầu giờ chiều 9-5, xà lan chở theo khối chân đế đã về tới khu vực xây lắp tại mỏ Đại Hùng 02 và tiến hành móc cáp neo giữ khối chân đế với 4 chiếc tàu kéo của nhà thầu Vietsopetro là Pearl, Svay, Vũng Tàu-02, Vũng Tàu-03 theo đúng như tính toán ban đầu.

Ngay sau đó, đơn vị bảo đảm an toàn hàng hải MWS đã đến nghiệm thu quá trình vận chuyển và cấp giấy chứng nhận cho phép tiến hành launching khối chân đế (phương pháp đánh chìm khối chân đế bằng biện pháp launching – phóng chân đế từ xà lan xuống biển, là công nghệ mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam). Được biết việc lắp đặt chân đế ngoài biển lần này đã có nhiều thay đổi, không dùng theo phương pháp truyền thống tàu cẩu để nâng – hạ chân đế xuống biển mà dùng phương pháp mới là phóng chân đế từ xà lan xuống biển. Để thực hiện công nghệ mới này, nhà thầu Vietsopetro (VSP) đã tiến hành hoán cải xà lan VSP-05 để vận chuyển và đánh chìm khối chân đế giàn WHP DH-2.

Trên chuyến bay từ thành phố Vũng Tàu ra giàn khoan Đại Hùng để bám theo chân đoàn tàu lai dắt khối chân đế giàn khoan WHP DH-2, chúng tôi đã kịp có mặt để tiếp tục chứng kiến thời khắc quan trọng nhất của giai đoạn 1 dự án – tiến hành launching khối chân đế.

Lai dắt giàn khoan WP DH2 trên vùng biển Vũng Tàu.

Thời tiết trên khu vực mỏ Đại Hùng những ngày này khá đẹp, dễ chịu, nước biển bồng bềnh, xanh thẳm, không có sóng to, gió lớn. Với điều kiện thời tiết lý tưởng như vậy, hàng trăm cán bộ kỹ sư công nhân của chủ đầu tư PVEP POC (thành viên của Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí – PVEP thuộc PVN) và tổng thầu Vietsopetro (thuộc PVN) đã giảm bớt được mối lo về điều kiện thời tiết, yên tâm dốc hết sức mình cho một công trình xây lắp cực kỳ quan trọng trên biển.

4giờ ngày 10-5, khi trời chưa kịp sáng, trên giàn khoan Đại Hùng 01, không khí chuẩn bị cho kế hoạch lắp đặt khối chân đế đã rộn ràng. Từ trên giàn khoan, ban lãnh đạo PVEP POC và các kỹ sư khẩn trương xuống tàu chỉ huy để tiếp cận khu vực công trình mỏ Đại Hùng 02 (cách giàn Đại Hùng 01 khoảng 6km). Ở đây, một “hạm đội” các tàu kéo, xà lan, tàu cẩu… đang sẵn sàng cho thời khắc lắp đặt chân đế giàn khoan theo công nghệ tiên tiến nhất.

5 giờ 30 phút, như kế hoạch đã định từ trước, trên xà lan VSP-05, các kỹ sư công nhân bắt đầu tiến hành cắt Sea fastening (hệ thống ống chống để neo giữ khối chân đế trên xà lan) và dằn nước vào các khoang xà lan theo đúng như thiết kế từ trước để xà lan chìm ở phần đuôi, khiến cho khối chân đế trượt xuống nước. Tuy nhiên, do trường hợp Jacket khối chân đế không tự trượt xuống nước nên các công nhân tiếp tục dằn nước vào các khoang của xà lan VSP-05 theo từng bước 0.5độ, đồng thời kích hoạt hệ thống tời kéo và kích đẩy khối chân đế trượt xuống nước.

Đứng trên tàu chỉ huy giám sát, ông Hoàng Bá Cường, Tổng giám đốc PVEP POC cũng sốt ruột, đi đi lại lại theo dõi từng độ chìm của xà lan. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ thì chiếc xà lan mới chìm đuôi được 3độ đúng như dự tính ban đầu. Theo yêu cầu của người chỉ huy, các công nhân lập tức cắt toàn bộ Sea fastening và 2 tấm mã trượt.

Đúng 7 giờ 55 phút, giây phút lịch sử đã đến, giờ G đã điểm, khối chân đế từ từ trượt xuống nước và trong tích tắc phóng thẳng xuống mặt nước biển, bọt tung trắng xóa. Khối chân đế khi ấy chỉ còn nổi một phần tự do trên mặt nước. Thật là một khoảnh khắc diệu kỳ! Có mặt ở chiếc tàu chỉ huy, chúng tôi thấy rõ niềm vui rạng ngời trên gương mặt của các anh em kỹ sư công nhân dầu khí, những tiếng vỗ tay vang dài, cho dù lưng áo ai nấy đẫm mồ hôi. Lao động liên tục không nghỉ trong nhiều giờ đồng hồ, quên cả cơn khát trong cái nắng chói chang giữa biển, họ đã làm việc với tinh thần dầu khí khi thực hiện thành công hạng mục cực kỳ quan trọng này.

Chẳng phải đợi lâu hơn, ngay khi khối chân đế được phóng trượt xuống nước một cách an toàn, 4 chiếc tàu kéo đã tổ chức lai dắt khối chân đế về phía đuôi tàu cẩu Magnificent neo đậu sẵn cách vị trí lắp đặt giàn 150m. Khối chân đế nhanh chóng được tiến hành móc cáp vào cẩu của tàu Magnificent. Dưới sự tập trung cao độ của các kỹ sư, công nhân, họ vừa sử dụng cẩu đồng thời với việc tiến hành dằn nước vào các ống của khối chân đế và xoay khối chân đế về vị trí thẳng đứng. Sau khi khối chân đế đã đứng thẳng, tàu cẩu đưa khối chân đế về vị trí xây dựng rồi lồng khối chân đế vào 2 ống cọc của đế khoan ngầm và đặt khối chân đế ổn định tại vị trí xây dựng dưới đáy biển có độ sâu 112m. Một thiết bị lăn tự động (ROV) có nhiệm vụ quan sát nhằm giúp điều chỉnh, định hướng việc lắp đặt cho chính xác.

Tàu cẩu Magnificent đưa khối chân đế về vị trí lắp đặt.

Trực tiếp có mặt tại công trình để theo dõi sự thành công bước đầu của giai đoạn 1 lắp đặt chân đế giàn WHP DH-2, Tổng giám đốc Hoàng Bá Cường không giấu được nỗi vui mừng khôn tả. Ông đánh giá rất cao sự nỗ lực cố gắng của tổng thầu Vietsopetro trong quá trình lai dắt và lắp đặt chân đế giàn WHP DH-2 thuộc giai đoạn 1 của dự án mỏ Đại Hùng 02.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, ông Hoàng Bá Cường cho biết, đây là lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua, các kỹ sư, công nhân ngành Dầu khí Việt Nam được tham gia thực hiện công trình xây lắp và khai thác dầu khí lớn về quy mô, kích thước, trọng lượng và đòi hỏi công nghệ thi công cao. “Chúng tôi rất vui mừng và tự hào vì đã thực hiện thành công giai đoạn 1 của một công trình mang dấu ấn quan trọng trong Dự án phát triển mỏ Đại Hùng. Nhân đây, chúng tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sự tin tưởng, quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo PVN và PVEP đối với PVEP POC trong việc tạo điều kiện, phân cấp, ủy quyền cho PVEP POC đầu tư thực hiện công trình này. Chúng tôi cũng cảm ơn sự nỗ lực của các kỹ sư công nhân của tổng thầu Vietsopetro góp phần thực hiện thành công giai đoạn 1 của công trình”, ông Cường phấn khởi nói.

Gặp chúng tôi, kỹ sư Trần Văn Dũng, người trực tiếp giám sát bộ phận thi công xây lắp giàn khoan Đại Hùng 02, vui vẻ bày tỏ cảm xúc: “Chúng tôi rất tự hào vì thành quả bước đầu đạt được, đáp ứng được kỳ vọng của Ban lãnh đạo PVEP POC và PVEP đã tin tưởng giao nhiệm vụ giám sát thi công giàn khoan biển nước sâu đầu tiên tại Việt Nam với độ sâu 112m nước và công nghệ thi công biển hoàn toàn mới. Đây là nhiệm vụ đầy thử thách và là cơ hội lớn để chúng tôi phát triển, tích lũy những kinh nghiệm về thi công các công trình biển nước sâu, xa bờ, khẳng định năng lực nội địa của các kỹ sư ngành Dầu khí Việt Nam”.

Tổng giám đốc Hoàng Bá Cường cho biết thêm những công việc tiếp theo trong công tác lắp đặt giàn khoan Đại Hùng 02, trước hết là kiểm tra mặt bằng khối chân đế trước khi đóng cọc. Sau đó tiến hành đóng 8 cọc cố định khối chân đế, đồng thời căn chỉnh mặt bằng khối chân đế bằng hệ thống Gripper (dự kiến hoàn thành vào ngày 22-5 và bơm trám xi măng để liên kết khối chân đế với các ống cọc). Sau đó, sẽ lắp 2 bến cập tàu (Boat Landing) bằng tàu cẩu Magnificent.

Theo dự kiến, sau khi quá trình lắp đặt khối chân đế giàn WHP DH-2 hoàn thành, đến ngày 28-5 sẽ tiến hành lắp đặt khối cấu trúc thượng tầng lên chân đế và hàn cố định những mối nối, đấu nối các đường ống công nghệ trên khối thượng tầng của giàn. Dự kiến giàn khoan WHP-DH2 hoàn thành việc thi công trên biển vào ngày 12-6-2011, và sẵn sàng cho việc đưa giàn khoan PV Drilling – II (của Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí-PV Drilling thuộc PVN) cập vào giàn để làm kết nối và thực hiện công tác hoàn thiện giếng khoan. Sau đó, PVEP POC sẽ tổ chức kiểm tra, thử hoạt động của toàn hệ thống và dự kiến bắt đầu khai thác dòng dầu đầu tiên từ giàn Đại Hùng 02 vào cuối tháng 8-2011.

Được biết giàn WHP-DH2 được thiết kế với quy mô gồm khối chân đế nặng 4.900 tấn và 2.000 tấn ống cọc. Khối chân đế có chiều cao 128m và cải hoán ngoài khơi giàn Đại Hùng 01 để kết nối giàn Đại Hùng 02 về giàn Đại Hùng 01. Giàn khoan WHP DH-2 có quy mô và trọng lượng gấp 3 lần giàn khoan khai thác thông thường ở mỏ Bạch Hổ. Khối chân đế WHP DH-2 phục vụ công tác khoan khai thác cho tối đa 12 giếng khoan, có 6 ống J-tubes để kết nối 2 giếng ngầm trong tương lai và 2 ống Risers vận chuyển dầu về giàn Đại Hùng 01 (cách khoảng 6km). Còn khối thượng tầng nặng 1.200 tấn bao gồm 3 sàn để bố trí các thiết bị của giàn, 1 kết cấu sân bay, 1 cần đuốc…

Đến với công trình xây lắp giàn khoan mỏ Đại Hùng 02 để chứng kiến những thời khắc diệu kỳ này của “con gấu lớn” Đại Hùng, chúng tôi càng hãnh diện về những thành công bước đầu của dự án và của ngành Dầu khí Việt Nam. Nó không chỉ mang ý nghĩa to lớn khi khẳng định khả năng làm chủ công nghệ, kỹ thuật xây lắp công trình khai thác dầu khí biển nói chung và cho vùng nước sâu nói riêng của các kỹ sư ngành Dầu khí Việt Nam mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc về việc khẳng định chủ quyền, an ninh quốc phòng của nước ta trên vùng biển Đông.

Bài, ảnh: Thế Vinh

DMCA.com Protection Status