Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:

“Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của PVN...”

07:00 | 09/02/2013

428 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
(Petrotimes) - Nhân dịp đầu Xuân mới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã dành cho Báo Năng lượng Mới cuộc trả lời phỏng vấn. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, năm 2012 có thể nói là một năm có nhiều “rắc rối” trong lĩnh vực năng lượng và an ninh năng lượng quốc gia (giá xăng dầu, giá điện, giá than liên tục biến động; sự cố đập Thủy điện Sông Tranh 2; việc dừng một loạt các dự án thủy điện...). Những việc đó báo hiệu điều gì? Và liệu trong năm 2013, còn có những “rắc rối” như vậy không?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Năm 2012 đúng là một năm có nhiều sự kiện trong ngành năng lượng. Nhà báo gọi là “rắc rối” cũng được. Cái chính là cần hiểu đúng và có giải pháp đúng đối với các sự kiện đó để tạo ra được sự đồng thuận trong xã hội.

Những sự kiện đó có “báo hiệu” điều gì không? Theo tôi, cả những điều tốt và điều chưa tốt đều cho thấy một quá trình đi lên, phát triển của đất nước ta.

Thật vậy, trước hết là vấn đề năng lượng và an ninh năng lượng quốc gia đang được Chính phủ, xã hội và người dân hết sức quan tâm. Điều này là cần thiết vì năng lượng có vai trò quan trọng trong việc phát triển của bất cứ quốc gia nào, nó quyết định đến cả khả năng cạnh tranh cũng như phát triển bền vững của quốc gia. Nhất là, Việt Nam chúng ta là một quốc gia thiếu năng lượng, mặc dù hiện nay chúng ta vẫn còn ở vị trí xuất siêu về năng lượng nhưng không lâu nữa chúng ta sẽ trở thành nước nhập siêu về năng lượng. Cho nên việc quan tâm đầu tư đa dạng vào ngành năng lượng từ thượng nguồn đến hạ nguồn, từ các dạng năng lượng truyền thống đến năng lượng mới và tái tạo là đúng hướng vì chỉ có như vậy mới bảo đảm đáp ứng được nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng cho đất nước.

Năm 2012, sản lượng điện thương phẩm đạt trên 105 tỉ kWh, tăng trên 11%, tổng công suất các nguồn điện đạt 27.000MW, ngoài đáp ứng đủ cho nhu cầu điện, hệ thống đã có dự phòng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác được khoảng 16,5 triệu tấn dầu, trong đó đã có 1 triệu tấn dầu khai thác từ nước ngoài, 9 tỉ m3 khí đốt, cả dầu và khí đều tăng hơn so với năm trước, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được gần 6 triệu tấn các sản phẩm dầu, cùng với nhập khẩu, đã cung cấp đủ nhu cầu sản phẩm dầu cho nền kinh tế quốc dân; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã khai thác khoảng 44 triệu tấn than (than sạch 39,6 triệu tấn), ngoài đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước từ 24,5 - 24,6 triệu tấn, còn xuất khẩu được 14,3 - 14,4 triệu tấn.

Một trong những giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là hình thành thị trường cạnh tranh về năng lượng. Trong thị trường năng lượng, giá cả sẽ được thực hiện điều chỉnh theo giá thị trường, các tín hiệu về thị trường sẽ được đưa đến cho các nhà sản xuất và các hộ tiêu thụ, góp phần điều chỉnh sản xuất và tiêu thụ năng lượng, góp phần sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tránh sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên năng lượng; Nhà nước thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, không hỗ trợ tràn lan.

Để thực hiện định hướng đó, thị trường than đã cơ bản được hình thành và giá than đã được thực hiện theo thị trường. Thị trường điện cũng đã được xây dựng và đã đưa vào hoạt động cùng với quá trình tái cơ cấu ngành điện lực nhằm từng bước tạo ra thị trường cạnh tranh trong ngành (Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường, trong đó giá bán điện được điều chỉnh khi các thông số đầu vào cơ bản ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện năng thay đổi).

Đối với thị trường các sản phẩm dầu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trong đó doanh nghiệp xăng dầu được quyết định giá bán trên cơ sở giá xăng dầu thế giới, các chi phí và lợi nhuận hợp lý của các doanh nghiệp; Trong năm 2012, giá xăng dầu và giá bán điện được điều chỉnh theo các quy định trên; một đặc điểm lớn trong hai cơ chế thị trường nêu trên là vai trò giám sát của Nhà nước được nhấn mạnh để bảo đảm sự minh bạch, công bằng trên thị trường và can thiệp kịp thời khi biến động giá thế giới vượt quá sức chịu đựng của người tiêu dùng, của xã hội. Hiện các bộ, ngành cũng đang theo dõi để có những sửa đổi điều chỉnh các cơ chế này cho ngày càng phù hợp và hiệu quả hơn.

Tại Dự án Thủy điện Sông Tranh 2, lưu lượng thấm qua đập đã được đưa về dưới mức cho phép từ tháng 8/2012, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước được thuê đánh giá mức độ an toàn, ổn định đập Thủy điện Sông Tranh đều khẳng định đập an toàn và ổn định theo thiết kế ở mực nước dâng bình thường với động đất kích thích có gia tốc nền thiết kế. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình và hạ du, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chưa thực hiện tích nước để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá về động đất kích thích trong khu vực.

Về quy hoạch thủy điện, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát quy hoạch và đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên cả nước; Bộ đã có văn bản đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch một số dự án thủy điện (tổng công suất khoảng 1.000MW) có tác động lớn đến môi trường hoặc ảnh hưởng tới các quy hoạch khác và đề nghị không đưa vào quy hoạch các vị trí tiềm năng, chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định. UBND một số địa phương cũng đã rà soát quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn và cũng đã đưa ra khỏi quy hoạch những dự án không bảo đảm điều kiện về môi trường, điều kiện về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào tái định cư... Đây là những việc rất cần thiết và kịp thời đảm bảo sự phát triển hài hòa ngành năng lượng với sự phát triển bền vững của quốc gia.

Như vậy, những “rắc rối” quá trình phát triển của một ngành là một tất yếu, bên cạnh những việc làm được, ngành năng lượng cần phải tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của công luận để kịp thời điều chỉnh, sửa chữa và tránh được những sai lầm trong tương lai, có lẽ đấy là vấn đề quan trọng nhất mà ngành cần phải rút ra trong năm 2012 vừa qua.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (người đứng giữa) thăm giàn khoan PVD-39 ở Venezuela.

PV: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao những đóng góp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đối với nền kinh tế nước nhà. Nhưng có một điều không bình thường là một số báo chí vẫn gộp chung Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vào danh sách các tập đoàn Nhà nước làm ăn yếu kém. Phó Thủ tướng có ý kiến gì về vấn đề này?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Thứ nhất, vì PVN là Tập đoàn Nhà nước cho nên họ gọi chung là doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng không có gì là sai. Thứ hai, đúng là có nhiều ý kiến cho rằng, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang chiếm giữ một nguồn lực rất lớn của xã hội, nhưng sự đóng góp cho nền kinh tế không tương xứng, xét về tỷ trọng đóng góp cho GDP, giải quyết việc làm, hiệu quả sử dụng các yếu tố sản xuất (đất đai, tiền vốn, nguyên vật liệu…) kém hơn các loại hình doanh nghiệp khác; khả năng sinh lời của doanh nghiệp Nhà nước không cao, thậm chí thua lỗ. Điều này cũng đúng, tuy không phải tất cả DNNN đều không hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là bài học để các DNNN, trong đó có PVN phải nâng cao chất lượng quản lý để hoạt động tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Cũng cần nhìn nhận một cách khách quan, nhiều công trình công ích, công trình phúc lợi xã hội… chỉ có DNNN mới thực hiện được vì các công trình này có tỷ suất lợi nhuận thấp, thậm chí bị lỗ, đây cũng là một trong các nguyên nhân hiệu quả của các DNNN thấp hơn các loại hình doanh nghiệp khác.

Có thể đưa ra một số ví dụ: Trong năm 2010, do hạn hán, các nguồn thủy điện thiếu nước, để đáp ứng nhu cầu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã phải huy động hết khả năng các nguồn điện chạy dầu có giá thành sản xuất cao, để phát 1kWh, Tập đoàn bị lỗ 3.000 - 4.000 đồng/kWh; để thực hiện mục tiêu, kiềm chế lạm phát, trong nhiều thời gian, giá dầu thế giới tăng cao, các đơn vị kinh doanh xăng dầu bị lỗ do giá bán thấp hơn giá thành...

Đối với các loại hình doanh nghiệp khác, để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và kiềm chế lạm phát, Chính phủ phải sử dụng nguồn ngân sách để hỗ trợ; khi đó sẽ dẫn đến khó khăn trong cân đối ngân sách.

Trong các DNNN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất, xét cả về vốn, tài sản và đóng góp cho ngân sách Nhà nước, trong nhiều năm, đóng góp của Tập đoàn lên đến 30% tổng nguồn thu ngân sách. Tập đoàn cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia khi tham gia cung cấp các sản phẩm dầu, khí đốt và điện năng cho nhu cầu năng lượng của đất nước. Chính vì đó, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, cũng như nhiều tập đoàn Nhà nước khác, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đang thực hiện kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó có nhiều công ty con, công ty liên kết hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ... trong tình hình khó khăn chung của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực này, có thể sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thậm chí đang bị thua lỗ.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu các DNNN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tập trung vào lĩnh vực ngành, nghề sản xuất, kinh doanh chính của Tập đoàn gồm: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; chế biến dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao với mục tiêu xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, năng động, đạt hiệu quả kinh doanh cao, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Chính phủ về phát triển năng lượng sạch, trong đó cụ thể là sản xuất xăng ethanol (E5). Nhưng theo lộ trình, đến cuối năm 2015 mới bắt buộc sử dụng xăng ethanol trên toàn quốc. Vậy từ nay đến đó, các nhà máy sản xuất xăng ethanol Dung Quất, Bình Phước, Phú Thọ sẽ hoạt động ra sao? Phó Thủ tướng có chia sẻ về việc này?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Trước hết, phải nói rằng, phát triển nhiên liệu sinh học, một dạng năng lượng mới, tái tạo được để thay thế một phần sản phẩm xăng dầu truyền thống, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, trước hết là an ninh dầu mỏ và bảo vệ môi trường là chính sách nhất quán của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg phê duyệt lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống; trong đó, từ ngày 1/12/2014 loại xăng này sẽ được sử dụng cho các phương tiện tại 7 tỉnh, thành phố lớn, gồm: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi và Bà Rịa - Vũng Tàu, kể từ ngày 1/12/2015, xăng sinh học E5 sẽ được sử dụng rộng rãi cho các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên toàn quốc.

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2015, xăng E5 mới bắt buộc sử dụng trên toàn quốc vì cần phải có thời gian cho các bộ, cơ quan xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, công bố áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến quá trình sản xuất, tồn trữ, vận chuyển, phân phối sản phẩm nhiên liệu sinh học; thực hiện tăng cường hoạt động truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng nhiên liệu sinh học, vì thực tế xăng E5 đã đưa vào sử dụng tại Việt Nam từ năm 2010 đến nay, nhưng cũng chưa nhiều người dân biết đến lợi ích của loại nhiên liệu này; các đơn vị kinh doanh xăng dầu xây dựng các cơ sở tồn trữ, phối trộn, phân phối nhiên liệu sinh học...

Tuy nhiên, quyết định trên cũng quy định, trong thời gian chưa thực hiện áp dụng bắt buộc, vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, phối chế và kinh doanh xăng E5 và các nhiên liệu sinh học khác.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là một trong các doanh nghiệp đã đi đầu trong việc phát triển nhiên liệu sinh học, với việc đã thực hiện 3 dự án sản xuất ethanol tại Dung Quất, Bình Phước và Phú Thọ, trong đó nhà máy tại Dung Quất đã đi vào vận hành. Khi đưa vào vận hành toàn bộ, các nhà máy có tổng công suất khoảng 300 triệu lít/năm, bằng khoảng 3-4% nhu cầu xăng của Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015. Để phát huy hiệu quả của các dự án, Tập đoàn cần tăng cường phát triển vùng nguyên liệu, tạo đầu vào ổn định, tiết kiệm chi phí để sản xuất ra xăng E5 có giá cạnh tranh hơn nữa so với hiện nay, hiện giá xăng E5 thấp hơn 100 đồng/lít so với xăng A92, chưa thực sự khuyến khích người tiêu dùng và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

PV: Thưa Phó Thủ tướng, năm mới Quý Tỵ, Phó Thủ tướng có mong muốn gì ở ngành Dầu khí Việt Nam?

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Bước sang năm mới Quý Tỵ, ngành Dầu khí Việt Nam đang có những cơ hội rất lớn: Được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và an ninh của đất nước, là một trong các ngành mũi nhọn quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; có điều kiện tiếp cận thẳng với công nghệ tiên tiến hiện đại.

Sau hơn 50 năm xây dựng và phát triển, đã có tiền đề về cơ sở vật chất, nhân lực để phát triển toàn diện nhằm khai thác một cách có hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Ngành có điều kiện và khả năng tích lũy cho phát triển từ nguồn nội lực cũng như thu hút đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài; từng bước hội nhập bình đẳng vào cộng đồng dầu khí khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên, cũng gặp những thách thức không nhỏ: Tiềm năng dầu thô của Việt Nam còn hạn chế, nguồn dầu thô khai thác trong nước không vượt được mức 20 triệu tấn/năm đến năm 2015; tiềm năng dầu khí còn lại tập trung chủ yếu ở vùng nước sâu, xa bờ, các vùng có nhạy cảm về chính trị. Các vùng này chưa được đầu tư thỏa đáng để khẳng định tiềm năng do chưa thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Bối cảnh nền kinh tế thế giới đầy biến động, giá dầu thô không ổn định, sự sáp nhập các tập đoàn dầu khí xuyên quốc gia đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Nhiều nước mở thêm diện tích thăm dò, khai thác, kèm theo nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài sẽ cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam khi đầu tư ra nước ngoài.

Ngành Dầu khí Việt Nam cần nắm vững cơ hội, khắc phục những hạn chế, vượt qua những thách thức để có thể phát triển nhanh theo hướng đồng bộ, hiệu quả, trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế; phát triển trên cơ sở lựa chọn thế mạnh sẵn có và lợi thế so sánh để nhanh chóng hòa nhập và đứng vững trong môi trường cạnh tranh của thị trường khu vực và thế giới; phát triển không chỉ dựa vào nguồn tài nguyên có sẵn trong nước mà phải tính đến việc mở rộng hoạt động dầu khí ra nước ngoài để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước; phát triển toàn diện các khâu từ thượng nguồn đến trung nguồn và hạ nguồn; phát triển ngành Dầu khí đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái và tiết kiệm năng lượng cho sự phát triển bền vững.

Ngành Dầu khí cần nỗ lực để thực hiện được bốn mục tiêu phát triển đã được đề ra trong chiến lược phát triển ngành Dầu khí đó là:

- Đầu tư mạnh hơn nữa công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, nhằm duy trì và gia tăng sản lượng khai thác hợp lý. Đảm bảo gia tăng trữ lượng trung bình hằng năm khoảng 35-50 triệu tấn dầu quy đổi. Sản lượng khai thác dầu khí trong 5 năm tới đạt khoảng 140-150 triệu tấn dầu quy đổi.

- Tham gia phát triển thị trường trong nước đảm bảo khai thác và sử dụng 15 đến 20 tỉ m3 khí; xây dựng và vận hành hệ thống đường ống dẫn khí quốc gia, sẵn sàng kết nối với đường ống khí khu vực. 

- Đẩy mạnh khâu chế biến dầu khí nhằm từng bước đảm bảo an ninh nhiên liệu, liên kết xây dựng các nhà máy lọc dầu để từng bước đáp ứng đủ nhu cầu về sản phẩm xăng dầu trong nước.

- Và xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thành tập đoàn kinh tế mạnh ngang tầm với các tập đoàn dầu khí trong khu vực. Đẩy mạnh đầu tư để phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của ngành Dầu khí Việt Nam, sớm tiếp cận với trình độ chung của ngành Dầu khí quốc tế. Xây dựng một đội ngũ cán bộ, chuyên gia và công nhân dầu khí Việt Nam đủ mạnh về chất và lượng để tự điều hành các hoạt động dầu khí cả ở trong và ngoài nước.

Cuối cùng, chúc Báo Năng lượng Mới và các độc giả bước sang năm Quý Tỵ đạt nhiều thành công, tăng cường tuyên truyền, định hướng đúng đắn trong cộng đồng dân cư và xã hội, góp phần phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng. Thay mặt bạn đọc Báo Năng lượng Mới, xin kính chúc Phó Thủ tướng một năm mới dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.

Nguyễn Như Phong (thực hiện)

DMCA.com Protection Status