TP HCM xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường

15:31 | 15/04/2014

797 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong năm 2014, TP HCM sẽ không sử dụng vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường mà thực hiện xã hội hóa thông qua hình thức kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng lãi suất hợp lý.

Theo Sở Công Thương TP HCM, trong năm 2014 có 8 ngân hàng trên địa bàn thành phố đăng ký cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn vay vốn lãi suất ưu đãi với tổng hạn mức 8.300 tỷ đồng.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết: Sở dĩ TP HCM có thể kêu gọi thành công xã hội hóa chương trình bình ổn thị trường là vì bên cạnh việc yêu cầu doanh nghiệp tham gia chương trình phải bán sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% thì doanh nghiệp cũng được hỗ trợ về nhiều mặt như: đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối của chương trình, đổi mới công nghệ, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Hàng bình ổn giá bán tại hệ thống siêu thị TP HCM

Năm 2014, TP HCM có 76 doanh nghiệp tham gia vào chương trình bình ổn thị trường, thực hiện bình ổn giá 4 nhóm hàng hóa gồm: lương thực thực phẩm thiết yếu, dụng cụ học sinh, sữa và dược phẩm. Theo đó, mặt hàng lương thực, thực phẩm bình ổn chiếm khoảng 25% - 30% nhu cầu thị trường; hàng hóa mùa khai trường chiếm 35 - 40% nhu cầu; sữa chiếm 48% nhu cầu và dược phẩm sẽ chiếm 50% các thuốc thiết yếu.

Các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn được bán giá thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 5% và nhiều nhất là 15%. Đặc biệt, đối với mặt hàng sữa doanh nghiệp phải kê khai giá và cam kết bán đúng giá quy định đã được Sở Tài chính phê duyệt. Doanh nghiệp muốn điều chỉnh giá phải được Sở Tài chính thẩm định, chấp thuận bằng văn bản.

Điểm mới của chương trình bình ổn năm nay là hàng hóa thuộc chương trình bình ổn sẽ được gắn logo riêng, giúp người tiêu dùng dễ nhận diện và phân biệt với hàng hóa không thuộc chương trình; tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp.

Bà Lê Ngọc Đào cho biết: Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP HCM ngày càng tạo được uy tín và niềm tin của người tiêu dùng. Mạng lưới bán hàng bình ổn triển khai rộng khắp cả 24 quận huyện trên địa bàn. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là đưa hàng bình ổn vào chợ truyền thống còn nhiều khó khăn. Do hàng bình ổn phải bán giá thấp hơn giá thị trường ít nhất 5% nên chiết khấu thấp, các tiểu thương ngại bán hàng bình ổn vì lợi nhuận thấp.

Mai Phương