Hàng Việt được người Việt tin dùng ở mức nào?

09:53 | 19/07/2012

528 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hệ thống phân phối chưa rộng, thông tin đến người tiêu dùng chưa đồng đều, doanh nghiệp vẫn phải “tự bơi” và ngóng chờ các cơ chế của Nhà nước; đó là những hạn chế trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Bộ Công Thương tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm vào ngày 18/7.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động vào tháng 8/2009. Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 1.141.404 tỉ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ 2011. Để đạt được những kết quả tích cực như trên có đóng góp không nhỏ từ chủ trương của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Hiện nay ở chợ Đồng Xuân có đến 90% là hàng Trung Quốc, đây là một cản trở lớn cho Cuộc vận động.

Trước khi có Cuộc vận động (năm 2008), theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group (Hoa Kỳ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng hàng ngoại, 23% tin dùng các sản phẩm trong nước. Một năm sau Cuộc vận động (năm 2010), số liệu điều tra của Ban Tuyên giáo Trung ương cho thấy: có đến 59% người tiêu dùng tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam; 38% khuyên người thân nên mua hàng Việt Nam; 36% trước đây có thói quen mua hàng ngoại, nay đã dừng mua để thay thế hàng Việt Nam. Và hiện nay, có đến 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao.

Trong đó, 73% người tiêu dùng Hà Nội quyết định dùng hàng Việt, con số này ở TP Hồ Chí Minh xấp xỉ 60%.

Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưu chuộng hàng sản xuất trong nước. Tại các siêu thị, lượng hàng Việt Nam thường chiếm 80 – 90%.

Ở các địa phương, TP Hồ Chí Minh là nơi đạt được những kết quả rõ rệt nhất trong công tác đưa hàng Việt tới người tiêu dùng Việt. Trong năm 2012, TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện 4 chương trình bình ổn thị trường đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2012 – 2013; mặt hàng sữa và mặt hàng dược phẩm. Ông Huỳnh Khánh Hiệp, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, cả thành phố hiện có 880 điểm bán hàng bình ổn giá tại 151 chợ truyền thống, 350 điểm bán tại các khu vực quận ven huyện ngoại thành.

Sơ kết Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" 6 tháng đầu năm của Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, ở vùng nông thôn và ven đô thị là những nơi để hàng Việt Nam xâm nhập sâu nhưng hiện nay thị phần này đang bị tấn công bởi hàng Trung Quốc.

Đứng về phía Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội cho biết: Nếu hệ thống bán lẻ ở Việt Nam không phát triển và không đưa được hàng Việt vào hệ thống bán lẻ để phân phối đến người tiêu dùng thì nguy cơ rất lớn. Đó là, người lao động mất việc làm và phải nhập những mặt hàng mà Việt Nam có thể sản xuất được.

Bà Dương Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Vinatex Mart cho biết, Cuộc vận động đã khơi gợi lòng yêu nước và thông qua cuộc vận động đã thay đổi hành vi tiêu dùng của người Việt. Tuy nhiên cuộc vận động vẫn chưa có chiều sâu. Có nhiều quốc gia khi phát động một cuộc vận động tiêu dùng hàng trong nước thì có thể đẩy lùi hàng ngoại nhập. Ví dụ như Hàn Quốc, ý thức dân tộc của người dân Hàn Quốc rất cao nên một số nhà bán lẻ như Wal-Mart (hãng bán lẻ của Mỹ) cũng sống dở chết dở khi xâm nhập thị trường này. Tại sao Hàn Quốc có thể làm được? Bởi vì họ đã giáo dục được ý thức hệ cho người dân về việc tiêu dùng hàng trong nước.

Theo bà Dương Thị Ngọc Dung có 3 vấn đề cần giải quyết để Cuộc vận động có hiệu quả hơn. Thứ nhất, nhà sản xuất phải có ý thức cao khi làm ra sản phẩm. Các nhà sản xuất đừng nghĩ rằng sản xuất hàng hóa vì thương hiệu của chính họ mà là thương hiệu của cả quốc gia. Đồng thời, các nhà sản xuất phải đầu tư được khoa học kỹ thuật cao để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Thứ hai, phải làm cho hệ thống bán lẻ tiện ích hơn. Hình ảnh siêu thị mới có ở Việt Nam ít năm gần đây nhưng chưa đem lại tiện ích cho người tiêu dùng. Tiện ích ở đây được hiểu là số lượng siêu thị nhất định trên mật độ dân số. Ở Nhật Bản có 130 triệu dân và có tới 50.000 siêu thị mini và khoảng 15.000 siêu thị lớn. Còn ở Việt Nam số lượng siêu thị chỉ khoảng vài ngàn, một con số nhỏ so với gần 90 triệu dân. Bởi vậy người dân muốn mua hàng ở siêu thị phải di chuyển quãng đường xa, gây bất tiện trong di chuyển. Muốn hàng Việt được người Việt sử dụng nhiều hơn nữa thì các kênh phân phối phải thực sự đa dạng, gần đường xá và gần khu dân cư.

Thứ ba, cơ chế của nhà nước vừa khuyến khích mở rộng các kênh phân phối vừa tạo các cơ chế về giá và cải thiện chất lượng hàng hóa để người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng hàng Việt Nam.

Đức Chính