Thị trường chứng khoán:

Giao dịch ký quỹ - Con dao hai lưỡi

08:02 | 10/11/2014

3,564 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lợi nhuận hấp dẫn từ các “con sóng” của thị trường chứng khoán thời gian qua khiến nhiều người đổ tiền vào các mã chứng khoán được kỳ vọng sinh lời mạnh. Không chỉ đầu tư bằng vốn của mình, họ còn được các công ty chứng khoán (CTCK) hỗ trợ tiền vay để mua thêm chứng khoán. Tỷ lệ được vay sẽ phụ thuộc từng mã chứng khoán và do từng CTCK quyết định. Được quảng cáo với những lợi ích vượt trội như nhanh chóng, lãi vay tối thiểu, kỳ hạn tối đa dài nhưng hình thức vay tiền mua chứng khoán này hiện đang là nỗi ám ảnh của nhiều nhà “lướt sóng” trên thị trường.

Giao dịch ký quỹ (Margin Trading hay gọi tắt là Margin) là giao dịch mua chứng khoán của khách hàng có sử dụng tiền vay của CTCK. Để đặt lệnh mua chứng khoán ký quỹ, khách hàng phải ký quỹ một khoản tiền nhất định theo tỷ lệ mà từng CTCK quy định. Chứng khoán trên tài khoản của khách hàng sẽ là tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ cho CTCK của khách hàng đó.

Theo quy định của Quy chế Hướng dẫn giao dịch ký quỹ do UBCKNN nước ta ban hànhlần đầu năm 2011 và sửa đổi năm 2013, tỷ lệ ký quỹ tối đa được áp dụng là 50%, tức là nhà đầu tư bỏ ra 50% và có thể vay từ CTCK tới 50% số tiền còn lại mua chứng khoán. Thời hạn cho vay tối đa là 3 tháng (và được gia hạn 1 lần tối đa 3 tháng).

Khi bán chứng khoán, nhà đầu tư sẽ có nghĩa vụ hoàn trả tiền vay và tiền lãi cho CTCK. Trong trường hợp tỷ lệ ký quỹ trong tài khoản Margin của khách hàng giảm xuống dưới mức quy định, khách hàng phải bổ sung tiền mặt hoặc chứng khoán để đảm bảo tỷ lệ ký quỹ duy trì.

Chẳng hạn, một nhà đầu tư có 60 triệu đồng để đầu tư vào chứng khoán XYZ. Bình thường, nhà đầu tư đó chỉ có thể mua tối đa 60 triệu đồng đó. Giả sử giá XYZ đang là 10.000 đồng/cp thì nhà đầu tư đó mua tối đa 6.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, do dự đoán giá XYZ sẽ tăng, nhà đầu tư đó sử dụng Margin, tức là vay thêm tiền của CTCK để mua, chẳng hạn vay thêm 40 triệu đồng từ CTCK thì nhà đầu tư đó có số tiền là 100 triệu đồng và sẽ mua được 10.000 cổ phiếu. Tỷ lệ ký quỹ thực tế của giao dịch bằng 60/100 = 60% (60% vốn tự có và 40% vốn đi vay). Khoản tiền vay 40 triệu đồng đó được bảo đảm bằng chính số chứng khoán đã mua.

Giao dịch ký quỹ - Con dao hai lưỡi

Khi đó, lợi nhuận nhà đầu tư đạt được là chênh lệch giữa giá bán và giá mua 10.000 cổ phiếu XYZ trừ đi phần lãi vay của CTCK.

Như vậy, nhà đầu tư chỉ sử dụng Margin khi dự báo giá chứng khoán tăng. Nếu giá chứng khoán tăng mạnh thì nhà đầu tư sẽ càng kiếm được nhiều lợi nhuận hơn vì tỷ lệ giữa mức tăng giá chứng khoán/tiền lãi phải trả càng lớn. Hình thức đầu tư này đặc biệt ưa thích đối với các nhà đầu tư ưa mạo hiểm, thích đón đầu các đợt sóng chứng khoán.

Margin thực chất là một hình thức sử dụng đòn bẩy tài chính trong đầu tư.

Lợi ích của nó chỉ mang lại cho nhà đầu tư khi họ dự đoán đúng xu hướng tăng giá của chứng khoán. Trường hợp giá chứng khoán giảm, họ sẽ phải chịu thua lỗ kép, tức là vừa mất giá trị đầu tư do mất giá chứng khoán, vừa phải trả lãi vay cho CTCK.

Để sử dụng Margin, nhà đầu tư cần ký hợp đồng và mở tài khoản giao dịch ký quỹ (khác với tài khoản giao dịch thông thường). Nhà đầu tư chỉ có thể sử dụng Margin đối với những mã chứng khoán nhất định với tỷ lệ cho vay do các CTCK công bố từng thời kỳ.

Margin là một cách để tăng thị phần và thu hút khách hàng của nhiều CTCK,nhà đầu tư mạo hiểm sẽ luôn tìm đến các CTCK có danh sách mã chứng khoán cho phép Margin đa dạng, tỷ lệ ký quỹ cao và lãi suất thấp.

Xét về tổng thể, giao dịch ký quỹ có một số lợi ích nổi bật như: Đối với nhà đầu tư là cơ hội để tăng lợi nhuận. Đối với CTCK là tăng khối lượng giao dịch, tăng hoa hồng, tăng thị phần. Đối với TTCK là tăng tính thanh khoản, khuyến khích thêm nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia thị trường, tiến gần hơn tới TTCK thế giới.

Giao dịch ký quỹ - Con dao hai lưỡi

Thực tế, lợi nhuận và thị phần của nhiều CTCK thời gian qua tăng mạnh cũng nhờ một phần của Margin. Báo cáo tài chính quý 3/2014 của 11 công ty chứng khoán (SSI, HSC, VCSC, VNDS, FPTS, SHS, MBS, BVSC, VCBS, BCS, Kim Eng) cho thấy, tính đến 30/9/2014, số tiền các công ty chứng khoản phải thu từ hoạt động margin lên tới hơn 10.300 tỷ đồng. Trong đó, số tiền một công ty chứng khoán phải thu từ Margin thấp nhất là 432 tỷ đồng và cao nhất trên 1.900 tỷ đồng. So với đầu năm nay, đa số các công ty đều tăng mạnh bơm tiền cho vay Margin, thậm chí tăng gấp đôi. Những công ty thống lĩnh thị trường ở mảng môi giới cổ phiếu cũng cho thấy đang đứng đầu về số tiền cho vay Margin. Trong cuộc đua thị phần, cái tên được nhắc tới nhiều nhất thời gian qua có lẽ là HSC khi công ty này mạnh tay tăng tỷ lệ Margin. Báo cáo tài chính quý 3/2014 của HSC cho thấy đến ngày 30/9/2014, khoản phải thu khách hàng về giao dịch margin là 1.884 tỷ đồng, tăng gần 83% so với số dư hồi đầu năm nay.Điều đó đã giúp cho thị phần của HSC luôn được duy trì trong top đầu (hiện thị phần môi giới HSC đứng đầu tại HNX và đứng thứ hai tại HSX).

Theo các chuyên gia chứng khoán, việc dùng Margin hay không phụ thuộc rất nhiều vào xu hướng thị trường. Tính tới thời điểm hiện tại, khi Vn-Index dao động quanh vùng 600 điểm, phần lớn nhà đầu tư hạn chế sử dụng margin hoặc dùng tỷ lệ thấp. Mặc dù mặt bằng giá nhiều cổ phiếu đã tăng cao hơn so với trước, do đó, nếu thị trường quý IV hồi phục và tăng trưởng lên các mốc điểm cao hơn như 650 - 670 điểm, lượng sử dụng margin của nhà đầu tư vẫn sẽ tăng thêm khoảng 30 - 40% nữa so với mặt bằng hiện tại. Tức thanh khoản chung của toàn thị trường có thể đạt tới 6.000 - 7.000 tỷ đồng.

Những mặt trái của Margin

Lệnh gọi yêu cầu ký quỹ bổ sung (hay còn gọi là Margin call) là là thông báo của CTCK gửi khách hàng đề nghị khách hàng nộp thêm tiền khi chứng khoán dùng làm tài sản bảo đảm cho khoản vay bị giảm giá tới một giới hạn nhất định.

Trường hợp này xảy ra khi tỷ lệ ký quỹ của khách hàng giảm xuống thấp hơn tỷ lệ ký quỹ duy trì, CTCK sẽ phát hành lệnh gọi ký quỹ bổ sung gửi tới khách hàng theo các phương thức liên hệ được thoả thuận trong Hợp đồng mở tài khoản ký quỹ. Khách hàng có nghĩa vụ bổ sung tài sản thế chấp trong thời hạn theo yêu cầu của công ty chứng khoán nhưng không quá ba ngày làm việc.

Căn cứ quy chế Hướng dẫn giao dịch ký quỹ, CTCK quy định tỷ lệ margin call đối với từng loại chứng khoán. Tỷ lệ thông dụng thường được áp dụng là 30%. Điều này có nghĩa là nếu chứng khoán giảm giá làm cho số tiền ký quỹ giảm xuống nhỏ hơn 30% tổng giá trị chứng khoán, CTCK sẽ yêu cầu bạn nộp thêm tiền để nâng tỷ lệ ký quỹ lên trên 30%.

Chẳng hạn, chứng khoán được XYZ được quy định tỷ lệ kỹ quỹ là 55%, tỷ lệ margin call là 30%. Nhà đầu tư có 60 triệu đồng và đặt lệnh mua chứng khoán này với tổng giá trị là 100 triệu đồng. Số tiền nhà đầu tư vay CTCK để thực hiện giao dịch sẽ là 40 triệu đồng. Tỷ lệ ký quỹ thực tế của giao dịch bằng 60/100 = 60%.

Giả sử chứng khoán XYZ bị giảm giá 50%, tổng giá trị chứng khoán còn lại bằng 50% x 100 triệu = 50 triệu đồng. Tiền của của nhà đầu tư do đó bị giảm xuống và bằng 50tr – 40tr = 10 triệu đồng. Tỷ lệ ký quỹ thực tế lúc này bằng 10/50 = 20%.

Trong trường hợp này, CTCK sẽ yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tối thiểu 5 triệu đồng để nâng tỷ lệ kỹ quỹ thực tế lên mức bằng 15/50 = 30%.

Trường hợp khi nhà đầu tư không bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ tài sản thế chấp trong thời hạn theo lệnh gọi ký quỹ bổ sung để nâng tỷ lệ ký quỹ lên, CTCK phải bán chứng khoán thế chấp trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.

Nếu trường hợp tổng tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng sau khi bán giải chấp không đủ bù đắp dư nợ ký quỹ, và khách hàng không thực hiện việc thanh toán phần nợ vay còn lại theo thỏa thuận tại Hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ, CTCK sẽ tiếp tục thực hiện việc thu hồi nợ theo phương thức thỏa thuận trong Hợp đồng mở tài khoản giao dịch ký quỹ.

Thông thường, do chủ động về việc quyết định thời điểm bán, các CTCK thường đặt ra mức giá “báo động” Margin call, tức là mức giá mà tại đó nếu bán hết cổ phiếu, CTCK sẽ thu hồi được nợ đã cho vay. Vì vậy, các CTCK thường chủ động bán cổ phiếu khi giá rơi xuống ngưỡng này mà các nhà đầu tư hầu tư mất hết cả vốn khi đã bị Margin call.

Theo các chuyên gia trên lĩnh vực chứng khoán, trên thực tế, nếu dùng margin đúng thời điểm là rất có lợi vì nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận lớn khi số vốn đầu tư ban đầu có hạn. Tuy nhiên, khi thị trường xấu,hình thức đầu tư này rất nguy hiểm, càng sử dụng margin nhiều thì số tiền thua lỗ càng nhanh.Một số công ty chứng khoán cho biết những nhà đầu tư dùng margin nhiều thường “đánh” theo các “đội lái” vì kỳ vọng lãi nhanh nhưng khi thị trường khó khăn, các “đội lái” thường tìm cách “bỏ chèo”. Lúc đó, những nhà đầu tư còn ôm hàng sẽ “chịu chết”.

Giao dịch ký quỹ - Con dao hai lưỡi

Một “biến thể” của Margin đang được khá nhiều các CTCK áp dụng thời gian gần đây là cho phép nhà đầu tư đánh T+, tức là có thể mua/bán với T+0, T+1, T+2 so với quy định là T+3. Đó là cách CTCK cho nhà đầu tư vay tiền mua chứng khoán mà không phải chịu lãi trong một số ngày nhất định. Với những “biến thể” kiểu như thế này, tỷ lệ Margin thực tế có thể bị đẩy lên cao hơn mức cho phép rất nhiều lần. Chính vì miếng mồi béo bở này mà nhiều nhà đầu tư đã dồn hết cả gia tài để đầu tư với tỷ lệ Margin tối đa. Giá lên thì đôi bên cùng có lợi, nhưng giá xuống thì ngay lập tức, nhà đầu tư đã phải đối mặt với thua lỗ nghiêm trọng, lỗ sẽ ăn cụt vào vốn của mình.

Một môi giới từng cho biết, hồi Vn-Index còn 550 điểm vài tháng trước, đã có người đôn margin lên tối đa 25:75 (25 vốn 75 vay) để mua cổ phiếu tại HNX, rồi sau đó mất trắng tài khoản lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trường hợp khác, nhiều khách hàng có tới hàng tỷ đồng để đầu tư chứng khoán. Vì thuộc dạng VIP nên các CTCK dễ dàng tư vấn sử dụng margin tỷ lệ cao, với nhiều ưu đãi cho khách hàng. Sau khi đánh vài mã với tỷ lệ thắng khá cao, nhà đầu tư tiếp tục dốc tiền vào mua thêm chứng khoán với tỷ lệ margin cao hơn. Bằng nhiều cách khác nhau, số tiền đầu tư lên tới hàng chục tỷ so với vốn gốc vài tỷ ban đầu. Thế nhưng, thị trường sụt giảm không phanh, giá trị tài khoản teo tóp dần, càng bán, giá càng giảm. Và đến khi giá trị cổ phiếu mà nhà đầu tư nắm giữ có giá trị thấp hơn khoản nợ với CTCK, nhà đầu tư buộc phải tháo thân phó mặc cho CTCK “tự xử” tài khoản của mình. Rất nhiều nhà đầu tư đã thành tay trắng khi sử dụng dịch vụ này để “đánh” chứng khoán.Điều này cho thấy rằng, hoạt động giao dịch ký quỹ là cực kỳ rủi ro và không phù hợp với số đông nhà đầu tư. Hoạt động này cũng được xem là “thủ phạm” kích hoạt đà bán tháo rất nhiều lần và khiến thị trường chứng khoán Việt Nam chao đảo.

Ngoài việc khiến nhà đầu tư thua lỗ kép, margin cũng khiến cho nhiều CTCK gặp khó khi vướng vào hàng loạt món nợ khó đòi. Trường hợp này xảy ra khi giá chứng khoán rơi quá nhanh, vượt qua cả ngưỡng “báo động” khiến CTCK không kịp trở tay, hoặc thanh khoản cổ phiếu không có. Ngoài ra, do CTCK và nhà đầu tư thỏa thuận nộp bổ sung tài sản nhưng vì nhiều nguyên nhân, nhà đầu tư không thể thực hiện được nghĩa vụ của mình và giá cổ phiếu đã rơi xuống mức quá thấp. Khi đó, khoản tiền và lãi cho vay trở thành khoản nợ khó đòi đối với CTCK. Khoản tiền này sẽ là rất lớn nếu thị trường có sự biến động giảm mạnh hoặc rơi tự do như trong quá khứ đã từng xảy ra.

Rủi ro khi sử dụng Margin là hoàn toàn dễ xảy ra, vì lợi nhuận chỉ có được khi giá chứng khoán tăng. Mà điều này chỉ là 50/50. Tuy nhiên, dù tăng hay giảm thì nhà đầu tư vẫn phải trả phí, thuế thu nhập và vốn, lãi vay cho CTCK.

Một rủi ro khác đối với hoạt động Margin là sự “tiếp tay” cho các hoạt động sai phạm khi cung cấp dịch vụ Margin của các CTCK. Mới đây, các CTCK An Bình, APEC,… đã bị UBCK phạt mỗi đơn vị vài trăm triệu đồng do vi phạm quy định về margin. Đó là những lỗi về vi phạm tỷ lệ margin, danh mục chứng khoán được phép sử dụng margin và không thực hiện giải chấp theo quy định.

Về vấn đề này, ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ quản lý kinh doanh chứng khoán, UBCKNN cho biết, cho vay ký quỹ là nghiệp vụ quan trọng, có tác động rất lớn đến thị trường, bởi vậy, UBCK luôn khuyến cáo với các CTCK và nhà đầu tư thận trọng, cân nhắc và có biện pháp kiểm soát rủi ro khi cung cấp và sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó, hàng năm, UBCK đều có các cuộc kiểm tra nghiệp vụ và kiểm tra đột xuất hoạt động cũng như việc tuân thủ các quy định pháp luật của khối CTCK. Trong quá trình thanh kiểm tra, nếu phát hiện CTCK vi phạm lỗi nào, UBCK nhắc nhở và xử phạt rất nghiêm khắc.

Thị trường chứng khoán thời gian qua có những đợt trồi sụt rất mạnh, kích thích dòng tiền của nhà đầu tư, trong đó có dòng tiền margin. Tuy vậy, margin được ví như con dao hai lưỡi, một mặt mang lại lợi nhuận cực lớn, mặt khác nó bào mòn vốn đối với các nhà đầu tư khi dự đoán sai diễn biến thị trường và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Điều đó đặt ra yêu cầu tuân thủ quy định của UBCKNN khi các CTCK cung cấp dịch vụ Margin và bản thân các CTCK phải đề ra nhiều biện pháp an toàn và kiểm soát rủi ro trong hoạt động này.

Margin bắt đầu được chính thức công nhận tại TTTCK Việt Nam từ năm 2011, với tỷ lệ 60% (nhà đầu tư sẽ ký quỹ 60% và vay 40% còn lại) và hiện đã được điều chỉnh tăng lên 50% (điều chỉnh vào năm 2013), tức là nhà đầu tư có thể vay CTCK được nhiều hơn.

Để mở tài khoản giao dịch ký quỹ, khách hàng phải ký quỹ một khoản tiền tối thiểu 10 triệu đồng. Mức cụ thể do công ty chứng khoán quy định.

Dựa trên cơ sở danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do Sở giao dịch chứng khoán công bố, CTCK lựa chọn danh sách chứng khoán được phép giao dịch ký quỹ và thông báo cho khách hàng.

Tỷ lệ ký quỹ (Margin) là tỷ lệ giữa tài sản thực có so với tổng tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường

Ngoài ra, CTCK sẽ yêu cầu tài khoản NĐT tỷ lệ ký quỹ duy trì, đó là là tỷ lệ tối thiểu giữa tài sản thực cóso với tổng tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường. Tỷ lệ này hiện quy định không thấp hơn 30%.

 

Thành Trung