Chưa thực hiện đấu thầu đường nhập khẩu

14:38 | 07/08/2012

979 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Bà Phan Thị Diệu Hà – Phó Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết: Ngày 6/8, lãnh đạo Bộ Công Thương vừa ký Thông tư số 22 quy định việc nhập khẩu các mặt hàng đường, muối, trứng gia cầm theo hạn ngạch 2012. Theo đó, tiếp tục thực hiện phân bổ hạn ngạch đường chứ không thực hiện phương thức đấu thầu.

Theo thông tư trên, sẽ tổ chức phân bổ ngay 70.000 tấn đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho các doanh nghiệp. Cụ thể, phân bổ 50.000 tấn đường tinh luyện và đường thô cho các doanh nghiệp, thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và 20.000 tấn đường thô cho thương nhân sản xuất đường để tinh luyện cung cấp phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

Lý giải về việc thực hiện phân bổ hạn ngạch chứ không thực hiện phương thức đấu thầu như đề xuất của Hiệp hội mía đường Việt Nam trước đó, bà Phan Thị Diệu Hà cho biết: Theo cam kết WTO phương thức quản lý nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan là phương thức A, tức là phân bổ hạn ngạch cho các đơn vị trực tiếp sử dụng đường (doanh nghiệp). Nếu muốn thay đổi phương thức phân bổ hạn ngạch sang phương thức đấu thầu hạn ngạch cần phải đàm phán lại với các nước thành viên WTO. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng với Vụ chính sách thương mại đa biên nghiên cứu về vấn đề này.

Chưa thực hiện đấu thầu đường nhập khẩu theo hạn ngạch

Theo báo cáo của Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản, nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), sản lượng đường liên vụ 2011 -  2012 chính thức kết thúc vào cuối tháng 6/2012, sản lượng cả nước đạt 1,3 triệu tấn, thấp hơn 100.000 tấn đường so với dự báo và cao hơn vụ 2010 - 2011 khoảng 150.000 tấn. Từ 15/6 - 15/7, lượng đường các nhà máy bán ra là 74.100 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 10.000 tấn. Tồn kho tại các nhà máy đường đến ngày 15/7 là 239.400 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 54.000 tấn (một số nhà máy đường đã hết đường RE để bán).

Với lượng tồn kho đường đến ngày 15/7 khoảng 240.000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 53.000 tấn, trong khi đó năm nay không có nguồn nhập khẩu như năm trước và với mức tiêu thụ đường hàng tháng khoảng 110.000 - 120.000 tấn/tháng, thì lượng tồn kho này cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu sử dụng đường khoảng 2 tháng từ giữa 7 đến hết tháng 8. Mặt khác, trong những tháng tới thời tiết nắng nóng, tiêu thụ đường cao điểm vào tháng 7 – 8, phục vụ Tết Trung thu và chuẩn bị hàng cho Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, thời gian qua có 1 lượng xuất khẩu đường nhất định sang Trung Quốc (cả chính ngạch và đường lậu), nên nguồn cung đường khan hiếm hơn, dễ dẫn đến hiện tượng sốt nguồn cung, sốt giá, khi lượng đường luân chuyển gối vụ mỏng và chưa có đường vụ mới. Khả năng thiếu đường vào tháng giáp vụ (tháng 9, tháng 10) là hiện hữu. Theo đánh giá, có khả năng thiếu ít nhất khoảng 100.000 tấn đường (đặc biệt là đường RE, đường chất lượng cao) phục vụ sản xuất sữa, nước giải khát và một số loại bánh kẹo cao cấp.

Dự báo, giá đường còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới vì nguồn mua hàng trong khu vực có biểu hiện khan hiếm, dễ xảy ra sốt giá vào tháng 9, 10 và nguy cơ găm hàng, đầu cơ, đẩy giá lên cao. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp có giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đang nhập khẩu từ ASEAN (chủ yếu Thái Lan) với thuế NK CEPT năm 2010 là 5%.

Hiện nay, giá đường ở mức 19.000 - 20.000 đồng/kg, chênh lệch giá đường thế giới và giá đường trong nước từ 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Mai Phương