Thị trường bán lẻ Việt Nam: Nông thôn vẫn rộng cửa

07:00 | 01/11/2014

1,694 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, dư địa của thị trường bán lẻ ở nông thôn vẫn còn nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước khai thác.

Bà Phạm Chi Lan, Chuyên gia kinh tế khuyến cáo: Địa phương nên dành địa điểm đẹp cho doanh nghiệp Việt!

Việc mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài cũng có cái tốt là thúc đẩy sự phát triển thị trường bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, nếu mở cửa không có kiểm soát sẽ gây khó cho người sản xuất trong nước và người tiêu dùng. Cụ thể, thời gian qua nhiều mặt hàng không đảm bảo chất lượng, thậm chí độc hại vẫn lọt vào thị trường bán lẻ cao cấp.

Để phát triển thị trường bán lẻ, nhiều nhà sản xuất trong nước đã ý thức rằng nếu không nỗ lực xây dựng thương hiệu, tìm chỗ đứng trên thị trường thì sẽ khó cạnh tranh được. Từ đó, doanh nghiệp đã cố gắng đi về nông thôn, ở các vùng miền khác nhau, không những là bán hàng mà còn là tìm hiểu nhu cầu của người tiêu dùng tại địa phương và xây dựng mạng lưới phân phối tại chỗ. Tuy nhiên, hiệu quả của công tác này vẫn còn nhiều hạn chế.

Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cuộc chiến không cân sức! (Kỳ cuối)

Khi doanh nghiệp đã có ý thức phát triển hệ thống phân phối đến vùng nông thôn thì các ngành, địa phương cần ý thức hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội xây dựng hệ thống tại đây. Tôi rất buồn khi đi về hầu hết các địa phương thấy những địa điểm đẹp về kinh doanh, kể cả những chỗ đang chuẩn bị xây dựng trung tâm thương mại thì ưu tiên của địa phương là chờ cho có nhà đầu tư nước ngoài vào làm chứ không cho các doanh nghiệp trong nước. Có những nhà phân phối lớn trong nước như: Saigon Co.op, Phú Thái… họ muốn phát triển hệ thống ở các địa phương nhưng lại khó khăn trong việc tìm địa điểm thuận lợi. Từ nhận thức như vậy ở các địa phương vô hình trung đã gạt hệ thống phân phối của Việt Nam ra ngoài cuộc, để cho hệ thống phân phối nước ngoài chiếm lĩnh những vị trí tốt nhất. Tôi cho rằng, Nhà nước cần có tiếng nói cảnh báo, nhắc nhở trong chuyện này.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ cho những nhà sản xuất trong nước, đặc biệt là những nhà sản xuất nhỏ. Bởi nếu không thúc đẩy được sản xuất hàng hóa công nghiệp ở nước ta thì khó tránh khỏi cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa bên ngoài vào. Với nông dân cũng vậy, cần có những chính sách để giúp nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm và bán được giá tốt hơn trên thị trường… Có nhiều điều phải làm một cách căn cơ từ đầu cho những người sản xuất Việt Nam thì mới giúp họ vượt lên được. Trên cơ sở của nền sản xuất tốt, hệ thống phân phối tốt thì chúng ta mới phát triển được kinh tế của mình, giữ được mức độ cân bằng, hợp lý giữa hội nhập quốc tế cho phép mở cửa thị trường để hàng nước ngoài vào và sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long Hưng: Thị trường nông thôn vẫn tương đối tốt

Thời điểm hội nhập cũng đã rất sát, cận kề rồi. Trước khi ký kết chúng ta thiếu sự chuẩn bị, đến khi ký kết rồi cũng thiếu sự chuẩn bị. Đáng lo nhất là hàng Thái Lan, vì giá cả tốt và nhiều hàng hóa đã được người Việt Nam mình tín nhiệm từ lâu. Cho nên khi hàng Thái Lan tràn vào thông qua hệ thống bán lẻ nước ngoài, tôi thấy hàng Việt Nam mình khó có thể cạnh tranh nổi.

Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cuộc chiến không cân sức! (Kỳ cuối)

Ngay thời điểm mở cửa, các doanh nghiệp ngoại rất quan tâm vấn đề vị trí địa lý. Ông bà ta thường nói, thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên họ ý thức sớm lắm trong việc tìm địa điểm thuận lợi. Ở những thành phố lớn, ở những khu vực đất đai tốt (vị trí vàng) thì trong thời gian qua họ đã mua hết rồi hoặc cũng đã có những doanh nghiệp lớn của ta chiếm lĩnh. Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Hiện nay họ vẫn trú trọng vào khu vực thành thị. Như vậy vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất nhiều cơ hội cho chúng ta. Cho nên, đối với lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ thì nên chú ý đến thị trường nông thôn. Đây là thị trường rất rộng lớn, chiếm 2/3 thị trường trong nước và khu vực này vẫn còn thị phần tương đối tốt để doanh nghiệp khai thác.

Bà Tô Hồng Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Liêu Thanh: Mối lo doanh nghiệp FDI cho hàng nội

Bây giờ, chúng ta có sự cạnh tranh khá mạnh với hàng Thái Lan, đó là thách thức lớn cho doanh nghiệp. Tôi thấy những sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam mình so với sản phẩm Thái Lan cũng như nhiều nước khác còn cần phải cải tiến nhiều về mẫu mã, chất lượng mới có thể cạnh tranh được.

Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cuộc chiến không cân sức! (Kỳ cuối)

Riêng về các siêu thị của nước ngoài mà công ty Việt Nam có thể thâm nhập vào thì chỉ có một số ít. Nhiều siêu thị họ nói thẳng là không nhận hàng của Việt Nam mà chỉ nhận hàng của nhà đầu tư của họ. Vì vậy, hiện nay cũng như sắp tới các doanh nghiệp của ta dễ dàng gặp phải tình trạng bị các đơn vị bán lẻ của nước ngoài từ chối hàng của mình. Như vậy, sẽ hạn chế hàng của ta đưa ra ngoài thị trường đến với người tiêu dùng.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp Việt cần chủ động vào thị trường

Để thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển thì cả doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và người tiêu dùng đều phải có nhận thức và hành động cụ thể. Rất nhiều người nhận định các doanh nghiệp Việt Nam thua trên sân nhà, tôi cho rằng điều đó không hẳn là chính xác. Ngay từ đầu, trong cuộc cạnh tranh này, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đã nhận định tuy thị trường bán lẻ nước ta rất hấp dẫn nhưng vẫn chưa thu hút được các doanh nghiệp. Đến nay, thị trường bán lẻ bắt đầu có sự cạnh tranh âm thầm giữa doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp Việt vẫn chủ động trên thị trường, vẫn phát triển mạng lưới các siêu thị, trung tâm thương mại.

Thị trường bán lẻ Việt Nam - Cuộc chiến không cân sức! (Kỳ cuối)

Hạ tầng cơ sở bán lẻ của chúng ta rất yếu, đặc biệt là khu vực nông thôn. Nhiều lần chúng tôi đã lên tiếng, hạ tầng thương mại nông thôn hiện nay hầu như trong tình trạng sơ khai, không có gì… Cho nên cần đầu tư rất lớn cho thị trường với sự kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước để làm việc này. Thị trường nông thôn là một tiềm năng mà rất nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đang để ý tới. Trong khi đó, cơ chế chính sách chưa có ưu tiên gì cụ thể cho việc phát triển hệ thống thương mại nông thôn, tiếp đến là năng lực tài chính của doanh nghiệp Việt Nam không đủ sức để xây dựng hệ thống bán lẻ ở đây, là vấn đề cần quan tâm.

Thói quen tiêu dùng của người dân hiện đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, giữa tiêu dùng truyền thống và hiện đại vẫn đan xen lẫn nhau. Như vừa qua, chúng ta cải tạo chợ truyền thống thành trung tâm thương mại, siêu thị, xây chợ mới… cũng gặp phải sự phản ứng của người dân do không đáp ứng đúng nhu cầu.

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp nên tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực cho mình và tổ chức hệ thống bán lẻ cho phù hợp với tình hình mới, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh khi chúng ta hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Doanh nghiệp không mong muốn Nhà nước hỗ trợ những gì lớn lao mà chủ yếu là làm thế nào cho môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Sắp tới, cần Chính phủ dẫn dắt, doanh nghiệp thực hiện và người dân ủng hộ thì thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đứng vững.

Mai Phương (thực hiện)