Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cuộc chiến không cân sức!

15:36 | 16/10/2014

1,163 lượt xem
|
"Tương lai của ngành bán lẻ Việt Nam sẽ đi đâu, về đâu?" là lo lắng của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trong bối cảnh ngành này đang có nhiều biến động mà chúng ta hầu như chưa có những chính sách, chiến lược cụ thể để ứng phó.

Từ năm 2015, khu vực kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ chính thức có hiệu lực, cho phép hơn 10.000 loại hàng hóa từ các nước thành viên được di chuyển tự do phi thuế quan trong nội khối. Dự kiến vào năm 2016, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có doanh thu lên đến 100 tỷ USD.

Năm 2009, khi Việt Nam gia nhập WTO được hơn một năm, trả lời phỏng vấn báo chí, đa số các nhận định của cơ quan, ban ngành và doanh nghiệp đều khá lạc quan cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn nằm trong sự kiểm soát của các doanh nghiệp trong nước.

Các ý kiến cho rằng, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ khó tìm được địa điểm đạt chuẩn với mức giá chấp nhận được ở nước ta. Vì trên thế giới, các đại gia bán lẻ thường thâm nhập vào phân khúc các siêu thị, trung tâm mua sắm lớn với diện tích tích trên 10.000 m2, mà những địa điểm như vậy giá thuê ở nước ta đắt hơn so với mặt bằng khu vực.

Cuộc đổ bộ của các đại gia bán lẻ

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy các nhận định trên là không chính xác khi các đại gia bán lẻ xuất hiện rầm rộ ở nước ta. Năm 2012, các hãng ngoại đã lấn lướt doanh nghiệp bán lẻ trong nước khi chiếm tới 40% thị phần so với 25% của các doanh nghiệp trong nước.

Lotte đã có nhiều trung tâm mua sắm ở nước ta

Cụ thể, có mặt tại Việt Nam năm 2008, đến nay Lotte đã sở hữu 12 công ty hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Hãng này đặt mục tiêu đến năm 2018 sẽ mở 50 trung tâm thương mại ở nước ta và đến năm 2020 là 60 trung tâm.

Đại gia bán lẻ quốc tế khác là Wall – Mart một đế chế toàn cầu với doanh thu ngất ngưởng lên đến 351 tỷ USD cũng khẳng định sẽ đầu tư mở hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Wall – Mart không chỉ đón đầu thị trường bán lẻ vào năm 2015 mà chuẩn bị để khai thác lợi thế của nhà nhập khẩu khi Việt Nam tham gia TPP. Với hệ thống siêu thị toàn cầu, mỗi năm Wall – Mart tiêu thụ khoảng 40 tỷ USD hàng Trung Quốc, nếu vào nước ta sẽ là đối thủ lớn cho các nhà bán lẻ khác.,

Gần đây, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan mua lại siêu thị Metro Việt Nam của với giá 879 triệu USD bao gồm 19 trung tâm phân phối trải dài trên cả nước. Đầu tháng 7/2014, Tập đoàn Mapletree có trụ sở ở Singapore cũng đã xuất hiện ở Việt nam với việc ký kết với một đối tác bán lẻ tại Việt Nam để chuẩn bị khai trương Trung tâm mua sắm SC Vivo City ở TP HCM; cửa hàng Robins của một nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan (Central Group) đã mở ở Hà Nội và dự tính sẽ khai trương cửa hàng thứ 2 tại TP HCM vào tháng 11 này; chiến lược thâm nhập của Central Group vào thị trường Việt Nam đang tiếp tục với kế hoạch đầu tư 9 trung tâm thương mại vào năm 2016...

Không riêng gì các đại gia bán lẻ Thái Lan, Hàn Quốc, các nhà bán lẻ Nhật Bản cũng đã và đang trên đường tiềm kiếm thị phần ở một thị trường tiềm năng như nước ta. Đầu tư vào Việt nam năm 2008, Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) cho biết, sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng trung tâm mua sắm tại Bình Dương và Hà Nội vào năm 2014 – 2015. Dự kiến, đến năm 2020, tập đoàn này sẽ có khoảng 20 trung tâm mua sắm ở nước ta... Thị trường bán lẻ Việt Nam sắp bị “thôn tính” là điều không thể tránh khỏi.

Bảo vệ thị trường nội địa

Theo bà Hồ Đức Minh, Chánh văn phòng Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC), ở nước ta, Chính phủ đã ban hành một số quy chế để hạn chế sự mở rộng của các nhà bán lẻ quốc tế. Tuy nhiên, những quy chế này còn chưa rõ ràng và các đại gia bán lẻ nước ngoài vào đều có cách “lách” để sống.

Mặc dù, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam vẫn bị coi là trên trời thì nước ta vẫn là một thị trường thu hút các nhà bán lẻ nước ngoài bởi nhiều yếu tố như: môi trường chính trị ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối tốt; dân số trẻ và tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng... là yếu tố thúc đẩy mua sắm. Các thành phố lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM đều nằm trong top 10 các thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có nhiều chính sách ưu đãi với doanh nghiệp FDI.

Co.op Mart là một trong số ít hệ thống bán lẻ nội địa thành công

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, chúng ta hiện quan tâm nhiều đến xúc tiến thương mại ở thị trường nước ngoài nhằm đưa hàng Việt ra thế giới. Tuy nhiên, lại ít quan tâm bảo vệ thị trường nội địa, trong khi đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa và người nông dân vẫn đang dùng thị trường nội địa làm cơ sở chính để tiêu thụ hàng hóa. Chính vì chúng ta còn bỏ trống thị trường nội địa nên doanh nghiệp nước ngoài mới tràn vào.

Theo bà Lan, hiện nay chúng ta không có đường lui trong việc thu lại chính sách mở cửa thị trường nội địa cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào, nên bắt buộc phải nâng cao sức cạnh tranh; phát triển thị trường nội địa, hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước để có được sản phẩm tốt, cạnh tranh được với hàng hóa bên ngoài.

“Đối với việc phát triển hệ thống phân phối nội địa cho các doanh nghiệp Việt, cần phải xác định rằng, hệ thống phân phối không chỉ để bán hàng mà đây còn là cầu nối để đưa hàng của những người sản xuất trong nước ra thị trường, giúp người tiêu dùng nhận ra sản phẩm trong nước và ủng hộ nhà sản xuất của mình. Những chương trình này cần có sự quan tâm của Nhà nước bằng chính sách. Các ngành, địa phương cũng cần có ý thức hỗ trợ tốt hơn cho những doanh nghiệp nội xây dựng hệ thống phân phối tại địa phương mình”, bà Lan nhận định.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC nhấn mạnh: Nhà nước cần quan tâm hơn đến thị trường bán lẻ trong nước; đưa ra những chính sách quản lý nghiêm ngặt nhà phân phối nước ngoài; đầu tư nghiêm túc, đúng mức cho lực lượng phân phối trong nước. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng chấn chỉnh những hội chứng có nguy cơ phương hại đến lĩnh vực phân phối như phong trào phá chợ xây trung tâm thương mại hoặc xây chợ theo chỉ tiêu, bất chấp các điều kiện không phù hợp.

Xét tổng thể thị trường bán lẻ Việt Nam, hiện nay, các chuyên gia kinh tế có cái nhìn khá bi quan. Bởi đây quả là một cuộc chiến không cân sức! Với trình độ tổ chức quản lý còn yếu kém, năng lực tài chính có hạn, chưa có được các chính sách hỗ trợ đúng mức, các nhà bán lẻ của ta khó có thể cạnh tranh với những tên tuổi bán lẻ đình đám của nước ngoài. Tuy nhiên, trong tình hình “còn nước còn tát”, chúng ta vẫn mong rằng sẽ có những chấn chỉnh kịp thời trong chính sách quản lý và điều tiết thị trường phân phối, bán lẻ trong nước. Sự liên kết, sát nhập của các doanh nghiệp trong nước cũng là điều cần thiết để thị trường bán lẻ của ta không bị rơi hoàn toàn vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Mai Phương