Kinh tế 2015 sẽ có màu gì?

07:00 | 09/11/2014

916 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trong một buổi hội thảo về triển vọng kinh tế năm tới. Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đại diện của Công ty Chứng khoán VPBS, các chuyên gia kinh tế đã có những tranh luận và phản biện sôi nổi, tựu chung để giải đáp câu hỏi: Kinh tế 2015 sẽ có màu gì?

Năng lượng Mới số 372

Sanjay Kalra - Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF

Hai năm qua, dù kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn nhưng có thể khẳng định Việt Nam đã thay đổi tốt và bền vững. Điều này thể hiện ở niềm tin của các nhà đầu tư và cả xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Còn một số vấn đề như nợ xấu hay tổng cầu giảm, tuy nhiên các cơ quan của Việt Nam đã và đang làm việc rất tích cực.

Nhưng phải nói rằng, những khó khăn trong năm 2015 tới đây sẽ có thể phải kéo dài sang tận 2017 hoặc lâu hơn nữa. Tôi tin đây không chỉ là thách thức cho Việt Nam mà toàn cầu nói chung.

Barry Weisblatt - Giám đốc Khối Phân tích VPBS

Tôi cho rằng các lĩnh vực chủ chốt của Việt Nam như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều có những tăng trưởng trong thời gian qua và triển vọng vẫn còn rất tốt. Sau khi gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Dĩ nhiên chúng ta không thể bỏ qua khó khăn vào những năm trước và cả thời gian sau này, nhưng phải khẳng định rằng kinh tế Việt Nam hiện giờ đang rất ổn định. Tỷ giá và dự trữ ngoại hối thể hiện một cách chính xác những nỗ lực của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước.

Sản xuất tại Công ty May 10

PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Tôi thấy các chuyên gia nước ngoài “tô hồng” quá. Cả một giai đoạn khó khăn trong mấy năm qua thì không dễ gì chuyển biến hay có bước ngoặt trong thời gian ngắn như trong năm 2015. Tôi đồng ý rằng xu hướng sẽ là tươi sáng, lạc quan và sẽ có những chuyển biến tích cực.

Nhưng từ góc độ hơi tiêu cực thì mọi chuyện không “ngon” thế. Kinh tế có phục hồi đấy nhưng vẫn còn rất mong manh. Chúng ta phải có đánh giá cụ thể về động lực tăng trưởng. Đầu tiên là tỷ trọng đóng góp cho GDP. Công nghiệp giờ chiếm tỉ trọng lớn - là điều tốt, nhưng vấn đề là động lực tăng trưởng toàn thấy các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp nội thì vẫn yếu quá. Tôi thấy điều này là đáng lo ngại và dẫn đến câu hỏi lớn cho sự tăng trưởng bền vững. Rồi thì tăng trưởng tín dụng vẫn quá thấp, nhưng GDP vẫn tăng theo kế hoạch, càng phải hỏi là động lực tăng trưởng ở đâu mà ra. Còn nữa, với GDP tăng không cao, còn đóng góp từ FDI quá lớn, tăng quá nhanh thì chắc chắn phần đóng góp của doanh nghiệp nội là giảm đi rồi. Đây là cảnh báo cho chúng ta.

Còn chuyện lãi suất nữa, giảm là tốt, mà giảm cùng với lạm phát thì càng tốt hơn. Điều này cho thấy những nỗ lực của Chính phủ và NHNN có hiệu quả. Nhưng lãi suất hiện nay vẫn cao so với tương quan sức khỏe của doanh nghiệp. Thời điểm này làm ăn để lãi ra trên 10% là rất khó rồi, còn gánh thêm lãi ngân hàng cao gần thế thì càng khó hơn. Nếu muốn lãi giảm hơn nữa để đẩy mạnh quá trình phục hồi thì phải giải quyết dứt điểm nợ xấu. Cơ thể đã yếu rồi mà máu không lưu thông được thì không ổn.

Điều nữa, chúng ta đang trong thời kỳ khó khăn, nếu hội nhập mạnh quá thì có phải là tốt. Chúng ta coi đây là thời cơ, là bước ngoặt, nhưng đó là cách nhìn tươi sáng quá. Có những thứ sẽ trở thành rào cản cho quá trình hội nhập mà chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Đầu tiên là mô hình tăng trưởng quá cũ kỹ rồi: khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp mãi thì không thể phát triển được. Cái này phải thay đổi trước hết. Sau đó là phân bổ nguồn lực, tôn trọng thị trường, doanh nghiệp lớn hay nhỏ, FDI hay nội địa đều phải có sự bình đẳng. Thứ 3, cái này thì đã có biển chuyển mạnh mẽ từ các hành động của Chính phủ: đó là các cơ quan quản lý Nhà nước  đang thay đổi tư duy và cách làm việc.

GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI

Nhiều người cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam mà khoảng 5-6% là dưới tiềm năng. Tôi hoàn toàn đồng ý. Nhìn từ cuối thập niên 90 đến khoảng 2008 thì thấy. Tăng trưởng 8% là hoàn toàn trong tầm tay chúng ta.

Còn về tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo, tôi cho rằng đóng góp của FDI sẽ tiếp tục chiếm chiếm tỷ trọng lớn và chúng ta phải tìm cách để đẩy mạnh ở khu vực này bởi đang có đà phát triển rồi. Đồng thời là phải khôi phục khu vực các doanh nghiệp tư nhân. Phải nói rằng, các doanh nghiệp FDI “ăn nên làm ra” thì sẽ tạo được hiệu ứng lan tỏa ra cả nền kinh tế hiện nay. Những năm tới thì triển vọng còn tốt hơn nữa khi mà Intel, Samsung và Nokia đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Nguồn vốn có khối lượng lớn, chất lượng thì càng không phải bàn sẽ mang lại xu hướng rất tích cực.

Tuy nhiên, chúng ta phải tận dụng 2 tháng còn lại của 2014 để tạo tiền đề kích hoạt cho năm 2015. Trước hết, Chính phủ nên kiên quyết cắt giảm các dự án đầu tư công mà không hiệu quả và trong tương lai phải có hội đồng thẩm định và cả những định mức đầu tư để đưa việc này vào khuôn khổ. Thứ hai, ngân hàng cần quan tâm đặc biệt tới doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2015 phải là năm ngân hàng phục vụ doanh nghiệp. Thứ ba, Chính phủ đã thay đổi một cách ngoạn mục. Hãy nhìn từ việc cắt giảm giờ nộp thuế cho doanh nghiệp: đã không còn lối so sánh giữa chúng ta của ngày hôm qua và chúng ta của ngày hôm nay, xong mà báo cáo thành tích. Phải so với các chuẩn quốc tế để thấy chúng ta đang đứng ở đâu. Điều này Chính phủ đã làm được. Rồi cả chuyện chuyển từ trách nhiệm tập thể sang trách nhiệm cá nhân: Bộ Giao thông Vận tải đã làm và thấy ngay được những kết quả khả quan.

TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương

Tôi thấy có 2 luồng ý kiến hoặc thận trọng hoặc lạc quan. Như IMF bảo rằng, chúng ta tăng trưởng dưới 6% thì không nên lo lắng. Nhưng có người lại bảo bao nhiêu năm trước chúng ta toàn đi 8%, giờ còn có 5-6 thì sao lại không lo được; rồi thì với tốc độ tăng trưởng thế thì bao nhiêu năm nữa mới sánh ngang được với các quốc gia khác?

Còn năm sau, tôi thấy cũng có thể lạc quan được, nhưng còn mù mờ lắm. Những thuận lợi còn đang ở “thì tương lai”: như môi trường kinh doanh được cải thiện, cổ phần hóa các DNNN, các hiệp định FTA, TPP… mọi thứ còn đang chờ đợi. Riêng có cải cách thủ tục hành chính và các luật thì đã được triển khai một cách mạnh mẽ.

Nhiều thuận lợi thế nhưng bất lợi thì chỉ có 1, và chúng ta thấy rõ ràng ngay: đó là nguồn lực của chúng ta quá hạn chế. Trong ngắn hạn, năm sau và một vài năm tới, chúng ta lại mục tiêu làm đến 3 việc cần rất nhiều nguồn lực: ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế và cải cách thể chế chính trị. Như vậy có quá sức với tình hình hiện nay không?

Cũng trong 1-2 năm tới, khó có thể hy vọng được sức bật từ FDI. Họ có thể đầu tư vào nhiều hơn, nhưng cơ sở để chúng ta hấp thụ được vốn thì chưa có sự thay đổi căn bản. Cơ sở ở đây là gì: là đường sá, dịch vụ, nguồn lao động… Chúng ta đang tới hạn rồi và chưa có sự chuyển biến tích cực nào, dẫn đến đóng góp của FDI sẽ chỉ loanh quanh hơn bây giờ một chút.

Bảo Sơn (lược ghi)