Khoản vay hơn 7.000 tỉ của “bầu” Kiên tại ACB có tài sản đảm bảo

18:53 | 16/04/2013

1,274 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) vừa chính thức công bố Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012.

 

"Bầu" Kiên là nỗi đau lớn nhất của ACB trong năm 2012.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012, lợi nhuận sau thuế của ACB đã giảm tới 77% so với năm 2011, xuống còn 737,5 tỉ đồng so với 3.194 tỉ đồng. Và theo lý giải được đưa ra tại bản Báo cáo, sự sụt giảm này là do khoản lỗ lên tới 1.863 tỉ đồng từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng cùng với khoản chi phí hoạt động lên tới 4.105 tỉ đồng.

Cũng theo báo cáo trên, tổng tài sản của ACB tại thời điểm cuối năm 2012 chỉ còn 176.196 tỉ đồng, giảm hơn 100 nghìn tỷ so với mức 278.855 tỉ ở thời điểm đầu năm 2012.

Đáng lưu ý, bản Báo cáo cũng cho biết, 6 công ty mà ông Nguyễn Đức Kiên (hay “bầu” Kiên) – nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB – là Chủ tịch hoặc là thành viên Hội đồng Quản trị đã vay hơn 3.500 tỉ đồng.

Ngoài ra, ACB còn có số dư đầu tư vào chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn và khoản phải thu khác với các công ty của bầu Kiên lên tới 3.617 tỉ đồng.

Trong Báo cáo còn đề cập tới một khoản nợ khác của nhóm các công ty của bầu Kiên là khoản lãi phải thu từ trái phiếu do 3 công ty trong 6 công ty phát hành lên tới 287 tỉ đồng.

Như vậy, tổng cộng dư nợ từ các khoản cho vay và phải thu liên quan đến nhóm 6 công ty của bầu Kiên là 7.415 tỉ đồng. Bản Báo cáo cũng cho biết khoản tiền vay này đều có tài sản thế chấp trong đó cổ phiếu của tổ chức tín dụng khác là 3.458 tỉ đồng; cổ phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết là 1.989 tỉ đồng; góp vốn vào doanh nghiệp 925 tỉ đồng và bảo lãnh của ngân hàng khác 750 tỉ.

Được biết, để xử lý khoản nợ trên, sau khi Nhóm 6 công ty của bầu Kiên bầu ra Ban lãnh đạo mới và hoạt động đi vào ổn định, ACB đã ký thỏa thuận với cả 6 công ty này về 3 vấn đề.

Thứ nhất, mọi giao dịch tài chính, giao dịch thanh toán, nhận thanh toán của các công ty phải thực hiện qua tài khoản của các công ty tại ACB.

Thứ hai, ACB có quyền yêu cầu các công ty bán, chuyển nhượng tài sản đảm bảo khi giá trị tài sản đảm bảo tại thời điểm chuyển nhượng cao hơn tại thời điểm thế chấp.

Thứ ba, thu nhập từ danh mục đầu tư của các công ty, bao gồm cả những khoản đầu tư không thế chấp tại ACB sẽ được dùng để thanh toán nghĩa vụ nợ của công ty với ngân hàng.

Trong phần lưu ý của kiểm toán, công ty kiểm toán PWC đã đề cập tới 3 vấn đề trong báo cáo tài chính với cổ đông ACB là:

Thứ nhất, về khoản tiền gửi 718,9 tỉ đồng có kỳ hạn và 36,5 tỉ đồng lãi phải thu mà ACB đã ủy thác cho nhân viên gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) đã quá hạn.

Thứ hai, về khoản tiền gửi 1.095 tỉ đồng có kỳ hạn tại một ngân hàng thương mại trong nước. Theo thuyết minh báo cáo của ACB, cho đến ngày phê duyệt báo cáo tài chính riêng này, ngân hàng nói trên đã trả một phần số dư nợ gốc và toàn bộ lãi phải thu đến ngày 31/12/2012, lần lượt là 323 tỉ đồng và 47,4 tỉ đồng.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động của ACB từ tháng 9/2012. PWC cho rằng, một trong các mục tiêu chính của cuộc thanh tra này là nhằm điều tra số dư của ACB với 6 công ty liên quan tới ông Nguyễn Đức Kiên.

Thanh Ngọc

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps