PVcomBank sau một năm hợp nhất:

Hướng tới một ngân hàng “Ba Nhất”!

07:05 | 01/03/2015

1,037 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, lại đang hoạt động trong thị trường ngân hàng, thời gian qua Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC) (trước đây) và Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) phải thực hiện cùng lúc hai đề án tái cơ cấu lớn của Chính phủ. Đó là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại trong chiến lược tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế. Việc cùng lúc phải thực hiện 2 đề án đã trở thành khối lượng công việc khổng lồ mà tổ chức này phải làm từ 3 năm trở lại đây…

Năng lượng Mới số 400

Quản trị thành công sự thay đổi

Hơn một năm sau hợp nhất (tháng 10/2013), khi được hỏi điều gì khiến PVcomBank cảm thấy phấn khởi và yên tâm nhất, đội ngũ lãnh đạo đều cho rằng, họ đã bước đầu quản trị thành công sự thay đổi. Thực tế của thị trường cho thấy, sau hợp nhất, sáp nhập, mua - bán thì nhân tố giúp hệ thống được hoạt động liên tục, an toàn tuyệt đối chính là đội ngũ cán bộ nhân viên cấp thấp nhấp. Nếu lực lượng này đủ chuyên môn, đủ tự tin và đặt niềm tin đầy đủ nơi bộ máy lãnh đạo thì chắc chắn mọi việc sẽ ổn.

PVcomBank được hợp nhất từ 2 đơn vị mà mô hình tổ chức và thực trạng hoạt động có sự khác biệt tương đối lớn. Do vậy, bên cạnh những lợi thế (là lý do quan trọng để 2 đơn vị tiến hành hợp nhất) thì ngay từ ngày đầu, Hội đồng Quản trị, Ban Điều hành PVcomBank đã nhìn nhận một cách thực tế rằng, có những khó khăn nội tại cần khắc phục về hệ thống, về nền tảng khách hàng và có những độ “vênh” nhất định giữa 2 định chế tài chính sau sáp nhập…

Phòng giao dịch PVcomBank Trung Yên (Ảnh: Hiền Anh)

Theo Phó tổng giám đốc Phạm Huy Tuyên, tâm lý của cán bộ, người lao động PVFC và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WTB) đều rất ổn định trước và sau khi PVcomBank ra mắt. Ngoài việc tuyên truyền để anh em hiểu: thay đổi là tất yếu, thay đổi là để làm mạnh, là để tốt thêm, thì thay đổi nhận thức, thái độ đối với công việc, với tập thể cũng được tiến hành song song. Thực tế không có bất cứ đơn thư khiếu nại, thắc mắc nào kể từ sau hợp nhất, đồng thời lượng khách hàng cá nhân tăng nhanh theo cấp số nhân nhờ “uy tín” của PVFC là các minh chứng hùng hồn nhất chứng tỏ sự ổn định của hệ thống PVcomBank.

Có một nội dung được Đảng ủy, Hội đồng Quản trị đặc biệt quan tâm, đó là đào tạo lại toàn bộ đội ngũ giao dịch viên, nhân viên, cán bộ của hai đơn vị (PVFC và WTB), để làm sao đáp ứng ngay những yêu cầu khắt khe của một ngân hàng thương mại cổ phần uy tín, nghiêm túc. Đây là công việc chung, gần như “luôn và ngay” của mọi tổ chức tín dụng sau khi sáp nhập hoặc hợp nhất. “Vấn đề nằm ở mức độ thành công của việc đào tạo, các khóa bổ túc nghiệp vụ có sát thực tế và phù hợp hay không thôi”, Phó tổng giám đốc Phạm Huy Tuyên chia sẻ. “Chúng tôi xác định nhân sự là chiến lược cốt lõi, lâu dài nhưng thường xuyên và liên tục. Có một thực tế, là cán bộ, người lao động PVFC mới chỉ bắt đầu vào công việc như một ngân hàng sau khi hợp nhất. Nói nôm na, dễ hiểu thì tư duy kinh doanh đã xoay chuyển 180 độ, từ bán buôn sang bán lẻ. Trước đây PVFC làm nhiệm vụ như kênh dẫn vốn cho các dự án của ngành Dầu khí, thì nay chúng tôi có thêm những mối quan tâm mới - đó là khách hàng cá nhân và số doanh nghiệp ngoài ngành Dầu khí”.

Với Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Lâm, chất lượng của những đợt đào tạo, huấn luyện đang hiển thị rõ nét hơn, bằng chứng là hệ thống PVcomBank hoạt động trơn tru, hiệu quả và đặc biệt an toàn. Tập thể lãnh đạo, người lao động xác định khó khăn, thách thức sẽ còn theo chân 3.400 cán bộ, người lao động PVcomBank ít nhất 2 năm nữa. Và họ chấp nhận sự thay đổi đó!

Vượt khó đi lên

Chia sẻ cùng Năng lượng Mới, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đình Lâm cho hay, sức cạnh tranh của thị trường lúc này là không phải bàn cãi. Nếu không sớm thay đổi, không tìm tòi những cái mới, xác định những mũi nhọn chiến lược thì việc bị loại thải thật khó tránh khỏi. “Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nền kinh tế đã bước qua những bước thăng trầm nhất. Người dân bây giờ cũng không nghĩ nhiều đến lãi suất, mà điều quan trọng là họ được gì đằng sau những cái hiển nhiên (lãi suất, quà tặng) khi tin tưởng mang tiền gửi đến một ngân hàng!?”, Chủ tịch Nguyễn Đình Lâm nhận định.

Cái khó của PVcomBank là ngân hàng… trẻ tuổi. Dù sau hợp nhất, tổng tài sản của PVcomBank lên tới trên 100 ngàn tỉ đồng, sở hữu gần 130 phòng giao dịch tại trên 30 tỉnh thành, thì cá thể WTB trước đây dẫu gì cũng là đối tượng phải tái cơ cấu theo tiêu chí của Ngân hàng Nhà nước. Xác định phải biến thách thức thành cơ hội, PVcomBank quyết định cậy nhờ những tổ chức tư vấn tài chính - ngân hàng lớn trên thế giới để “căn chỉnh” lại chiến lược, nhằm đón đầu thị trường nội địa chuẩn bị được ổn định trong 2-3 năm tới.

“Tôi không ngại chia sẻ mục tiêu của PVcomBank, đó là ngoài khách hàng lớn là ngành Dầu khí, chúng tôi sẽ hướng tới khách hàng cá nhân, với chất lượng phục vụ tốt nhất, tốc độ phục vụ nhanh nhất và tiện ích nhất. Tham vọng của 3.400 CBNV là đưa thương hiệu của PVcomBank trở thành ngân hàng có “ba cái nhất” trong tương lai”, Chủ tịch Nguyễn Đình Lâm nhấn mạnh. Ngay từ những động thái nhỏ như tháo bỏ tấm kính trên quầy giao dịch, nêu cao thái độ phục vụ khách hàng cùng slogan “Ngân hàng không khoảng cách”, tập trung vào tiện ích của thẻ ATM, e-banking… tất cả đều chứng minh, khách hàng với PVcomBank là số 1. Sẽ không có bất cứ khoảng cách nào giữa người cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, đặc biệt là kênh phân phối hiện đại (giao dịch qua internet, điện thoại, tin nhắn).

Ngay như trong nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia có hàng chục năm điều hành các định chế tài chính lớn trên thế giới thì thị trường khách hàng cá nhân còn rất rộng cửa ở Việt Nam, đặc biệt là trong 5 năm tới, khi hệ thống sẽ sạch bóng những “con bệnh” ốm yếu. Ngành ngân hàng có thể sẽ tăng trưởng gấp đôi, đạt gấp 2-3 lần tốc độ gia tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong đó chìa khóa cho sự tăng trưởng này chính là các dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Tuy vậy, chuyên gia này cũng tiết lộ, công nghệ thông tin phải đi trước một bước, tức là những phần mềm, ứng dụng hiện đại nhất đang được áp dụng trên thế giới cần được cập nhật dựa trên cơ sở hạ tầng đủ sức đảm đương. Dù mức độ đầu tư cũng như chiến thuật của mỗi ngân hàng là khác nhau, nhưng cơ bản dung mạo của dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam đang hiện rõ trên 2 khía cạnh. Đó là biến ngân hàng bán lẻ thành một “siêu thị tài chính” và khai thác triệt để người tiêu dùng có thu nhập ổn định.

Như vậy có thể hiểu, con đường PVcomBank hướng tới là khá “cập nhật” và đúng hướng. Cùng chính sách ưu đãi, đáp ứng nhu cầu cho phân khúc khách hàng cốt lõi, giàu tiềm năng là CBCNV ngành Dầu khí, chiến lược “Ba Nhất” của PVcomBank sẽ là nguồn lực mạnh mẽ để ngân hàng này vươn lên Top các ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất vào năm 2020.

Lê Tùng

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps