Gỡ nút thắt về vốn để tái cơ cấu hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước

07:40 | 06/02/2015

619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vấn đề tái cơ cấu hoạt động các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nhằm giúp các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả hơn đang được Chính phủ đẩy mạnh trong thời gian qua. Với việc cổ phần hóa (CPH) các DNNN, nhiều doanh nghiệp hoạt động đã hiệu quả hơn, có sức cạnh tranh cao hơn, thu nhập của người lao động được nâng cao. Tuy nhiên, thiếu vốn đang là một trong những nguyên nhân khiến DNNN sau CPH đang gặp nhiều khó khăn.

Năng lượng Mới số 395

Tái cơ cấu DNNN đạt được nhiều bước đột phá

Chủ trương tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới hoạt động của các DNNN đã được đề cập trong những định hướng, quyết sách quan trọng của Đảng và Nhà nước trong các kỳ Đại hội Đảng cũng như mục tiêu của Chính phủ.

Kể từ sau năm 1986, việc đẩy mạnh cải cách, tổ chức và sắp xếp lại hoạt động của các DNNN đã đạt được nhiều thành công. Về cơ bản đã xây dựng được các DNNN đủ mạnh, xóa bỏ tình trạng bao cấp trong hoạt động, giao quyền chủ động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quốc doanh.

Đặc biệt, sau Quyết định số 90/1994/QĐ-TTg và Quyết định số 91/1994/QĐ-TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh doanh đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh đánh giá, tổ chức sắp xếp lại DNNN của Chính phủ, số lượng DNNN đã giảm mạnh, từ 12.000 đơn vị (năm 1990) xuống còn khoảng 7.000 đơn vị (năm 1995). Trong giai đoạn này đã có 548 DNNN được CPH. Mặc dù giảm về số lượng nhưng chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp này đã được nâng lên, tỷ trọng GDP của DNNN đã tăng từ 32,5% năm 1990 lên 42,2% GDP vào năm 1995 đã thể hiện sự lấn át của DNNN đối với các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế ngày càng gia tăng.

Ngành điện đang tiến hành cổ phần hóa, từng bước xây dựng một thị trường điện phát triển đúng hướng

Theo báo cáo tổng kết của Bộ Tài chính tính tới cuối năm 2013, khối DNNN có gần 800 đơn vị với tổng tài sản hơn 2,85 triệu tỉ đồng, trong đó khối các tập đoàn, tổng công ty có tổng tài sản hơn 2,63 triệu tỉ đồng. So với năm 2012, vốn chủ sở hữu tăng 15%, đạt hơn 1,14 triệu tỉ đồng. Tổng doanh thu là hơn 1,7 triệu tỉ đồng, tăng 1%, lợi nhuận trước thuế đạt 181.530 tỉ đồng, tăng 15%, nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng 23%. Trong đó, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2013 là 16,47%. Một số tập đoàn, tổng công ty có tỷ suất này cao như PVN, Viettel, Cienco4, Khánh Việt, Tân Cảng Sài Gòn, Vinachem (có tỷ suất 20-42,7%). Dự kiến tổng doanh thu của các công ty mẹ trong năm 2014 đạt 917.570 tỉ đồng, tăng 22,08% so với kế hoạch và tăng 4,26% so với năm 2013. Tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn, tổng công ty đạt 107,16% so với kế hoạch đã đặt ra và bằng 83,39% số thực hiện năm trước. Nộp ngân sách tập đoàn, tổng công ty đạt 105,7% so với kế hoạch và đạt 90,2% so với thực hiện năm 2013.

Từ năm 2011 tới nay, trọng tâm của Chính phủ là tái cơ cấu về tổ chức; tái cơ cấu về tài chính và tái cơ cấu về quản trị các DNNN. Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, tính đến 25/12/2014, cả nước đã CPH 143 doanh nghiệp (gấp 2 lần năm 2013) trong tổng số 432 DNNN phải cổ phần hóa trong 2 năm 2014- 2015. Tiến trình cổ phần hóa đã diễn ra tích cực tại các tập đoàn, tổng công ty lớn như Vinatex, Vietnamairlines, VNPT,…Cùng với cổ phần hóa, việc các DNNN thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng mang lại lợi nhuận cho Nhà nước khi thoái hơn 6.050 tỉ đồng giá trị sổ sách (chiếm 30% tổng số vốn phải thoái và gấp 6 lần năm 2013) thì thu về hơn 8.000 tỉ đồng. Đây là nguồn đóng góp không nhỏ cho NSNN trong giai đoạn bội chi ngân sách đang tăng cao như hiện nay.

Hầu hết các doanh nghiệp sau CPH có tốc độ tăng trưởng khá, hoạt động hiệu quả hơn. Sự ra đời của các công ty CPH tiếp tục làm tăng tính cạnh tranh trong nền kinh tế, thúc đẩy tái cơ cấu thị trường chứng khoán, tạo bước đổi mới trong nhận thức, tư duy về quan hệ sản xuất và vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xa hơn, CPH sẽ giúp NSNN có nguồn tài chính cung ứng vốn cho VAMC xử lý nợ xấu, khi mà câu hỏi tiền đâu để xử lý nợ xấu đang là vấn đề đang bế tắc nhất hiện nay của nền kinh tế.

Dự kiến, phương án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu DNNN trực thuộc giai đoạn 2016-2020 sẽ được trình Chính phủ thông qua chậm nhất trong quý III/2015.

Vốn vẫn là nút thắt

Thực tế, qua quá trình tái cơ cấu các DNNN cho thấy, đây không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của các DNNN mà còn phải tăng cường khả năng quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp. Từ đó mới nâng cao “sức khỏe” và vai trò của DNNN trong nền kinh tế, giúp hình thành các DNNN đủ tầm cỡ, sức mạnh khi tham gia vào sân chơi kinh tế thế giới.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, một trong những tồn tại, hạn chế trong quá trình tái cơ cấu các DNNN là công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả.

Nguyên nhân được chỉ ra là bắt nguồn từ cơ chế quản lý nguồn vốn chủ sở hữu tại các DNNN chưa thực sự rõ ràng. Do vậy, hiện tượng tâm lý coi vốn Nhà nước là “tiền chùa” không phải là ít gặp. Vì vậy, cần phân định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN, gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành, các bộ tổng hợp, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và hội đồng thành viên, chủ tịch tập đoàn kinh tế, tổng công ty, DNNN, từ đó các đơn vị liên quan mới có trách nhiệm hơn trong việc quản lý, theo dõi quá trình sử dụng vốn Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, mua bán nợ để thúc đẩy CPH, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Tổng kết việc xử lý nợ của DNNN, khắc phục nợ dây dưa, chiếm dụng vốn. Đánh giá và có biện pháp phát huy công cụ mua, bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp. Khuyến khích các tổ chức kinh tế mua, bán nợ của DNNN. Các doanh nghiệp CPH phải niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán theo quy định của Luật Chứng khoán.

Với những dự án đòi hỏi nguồn vốn lớn như đường cao tốc, tuyến Metro, sân bay, cảng biển hay các công trình trọng điểm quốc gia khác, nguồn vốn từ trong nước vẫn là dấu hỏi lớn của các DNNN khi xây dựng phương án và triển khai. Do vậy, mở rộng thị trường vốn ra quốc tế là một hướng mà các DNNN cần chủ động hơn trong thời gian tới. Với những DNNN có tình hình tài chính lành mạnh, việc vay nợ nước ngoài thời gian tới sẽ dễ dàng hơn rất nhiều với Thông tư 153/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính mới ban hành (hiệu lực từ 4/12/2014) trong đó quy định các điều kiện xem xét, thẩm tra, chấp thuận các khoản vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Theo đó, các DNNN đáp ứng đủ điều kiện quy định sẽ được chủ động hơn với các khoản vay nước ngoài, tự trả dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế, phát hành các công cụ nợ khác, dưới hình thức nhập hàng trả chậm thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về phát hành trái phiếu quốc tế, quản lý ngoại hối và các quy định hiện hành khác của pháp luật có liên quan.

Thành Trung