Doanh nghiệp Việt thụ động với hội nhập

11:05 | 10/04/2015

800 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang đứng trước những cơ hội phát triển, mở rộng thị trường nhờ các hiệp định thương mại tự do đã và đang được triển khai. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, các DN lại đang rất thụ động với những cơ hội cũng như thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Dây chuyền sản xuất sữa tự động của Vinamilk.

Theo dự kiến, tháng 12-2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)-1 trong 3 trụ cột của tầm nhìn ASEAN 2020-sẽ đi vào vận hành và đây chính là cơ hội rất lớn để các DN xâm nhập thị trường với hơn 600 triệu dân. Đặc biệt, theo TS Nguyễn Minh Phong, đây còn là cơ hội để các DN tiếp cận các thị trường lớn như Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc-những quốc gia đối tác mà ASEAN đã có một số hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, AEC còn là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN…

ACE đang mở ra rất nhiều cơ hội nhưng PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn-Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội thì sự chuẩn bị, sẵn sàng với AEC của DN lại rất hạn chế. Cụ thể, theo một nghiên cứu của Đại học Kinh tế, có tới 60% DN không hiểu biết về AEC.

Thực tế này cũng được ông Lê Vĩnh Sơn-Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội thông tin, có tới 80% DN vừa và nhỏ thờ ơ, không quan tâm đến AEC, thiếu kiến thức hội nhập và khá bị động trước AEC.

Lo ngại hơn, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân-Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển DN, các DN Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng với hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, đôi khi DN biết chính sách rồi nhưng không biết làm thế nào để hấp thụ được. Dẫn chứng về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Mạnh Quân thông tin, trong một đánh giá về chỉ số kinh doanh toàn cầu, về chính sách, trong 70 quốc gia được đánh giá, điểm số của Việt Nam đứng trong top 13 trong khi doanh nhân và DN chỉ xếp thứ 50.

Trong khi các DN đang thờ ơ, mơ hồ, chưa sẵn sàng với hội nhập, nắm bắt cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thì những nguy cơ đối với sự phát triển của các DN cũng không hề nhỏ. Bởi theo phân tích của TS Nguyễn Minh Phong, khi các Hiệp định thương mại tự do được triển khai, các DN sẽ không chỉ phải cạnh tranh với các DN trong nước mà ở cả nước ngoài như các nước ASEAN và đối tác của ASEAN cũng như của Việt Nam…

Cơ hội và thách thức đặt ra cho cộng đồng DN như vậy là rất lớn, và nó là song hành trong quá trình triển khai các Hiệp định tự do. Nhưng như đã nói ở trên, DN Việt vẫn chưa sẵn sàng với hội nhập, và nếu không nhanh chóng thay đổi, nguy cơ thua ngay trên sân nhà là hiện hữu, đặc biệt là khi “nội lực” của các DN là rất yếu.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại Diễn đàn CEO 2015 với chủ đề “Tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng và lành mạnh” đã thẳng thắn thừa nhận rằng, trong 500 DN hiện nay thì số các DN Việt Nam nhỏ và siêu nhỏ. Việt Nam chỉ có khoảng 2% DN lớn và khoảng 2% DN cỡ vừa. Nền kinh tế đang rơi vào hội chứng thiếu DN cỡ vừa. Đây là mắt xích quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam có thể kết nối vào giá trị toàn cầu vì Việt Nam đang thiếu những DN cỡ lớn. Và nếu quá nhỏ thì sẽ không đủ năng lực về vốn, về công nghệ, về quản trị để có thể đạt chuẩn giá trị quốc tế, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ thực tế trên, ông Lộc cho rằng, các DN cần phải chủ động cải thiện trình độ về công nghệ, chuẩn về quản trị bởi chỉ có như vậy DN mới tiếp cận được chuỗi giá trị toàn cầu, mới lớn lên được. Và vì thế, trong thời gian tới, chính sách của Chính phủ không chỉ tạo điều kiện cho sự ra đời của các DN mà còn phải tạo điều kiện, chú trọng đầu tư cho những DN đổi mới, sáng tạo chứ không phải DN tiếp cận công nghệ lạc hậu, trình độ quản trị thấp. Chỉ như vậy, Việt Nam mới có đội ngũ DN đủ lớn, có tầm cao công nghệ, quản trị để kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.

Thanh Ngọc (Tổng hợp)