TS Trần Du Lịch:

Xuất khẩu chạy theo số lượng là tự sát

07:00 | 26/09/2014

745 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa, tiến tới không còn ranh giới giữa thị trường nội địa và thị trường nước ngoài nữa thì doanh nghiệp Việt Nam nên bỏ đi việc sản xuất 2 loại sản phẩm bán trong nước và xuất khẩu. TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội trao đổi với phóng viên Năng lượng Mới.

Giảm lượng - tăng chất

PV: Là một nước có tiếng về xuất khẩu nông sản, nhiều mặt hàng như: gạo, cà phê, cao su... của ta có sản lượng xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, việc xuất khẩu các mặt hàng này thời gian qua rất bấp bênh, thường xuyên bị ép giá. Theo ông, đâu là nguyên nhân dân đến tình trạng này?

TS Trần Du Lịch: Tôi cho rằng nông sản Việt Nam vẫn xuất thô nên chưa khai thác hết thế mạnh của một nền nông nghiệp nhiệt đới trên thị trường thế giới. Nền nông nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng bán cái mà thế giới cần, chủ yếu bán cái mình đang có. Chúng ta phải chuyển sang chế biến thôi chứ cứ xuất thô mãi thì vô phương!

Hơn nữa, lỗi lớn nhất của các doanh nghiệp là tăng số lượng mà không nâng giá trị. Như cà phê, chúng ta xuất khẩu đến mức độ thừa mứa, phá giá cả thị trường thế giới, nhất là cà phê Robusta. Chúng ta thường có tư tưởng “tự sướng” cái này xuất khẩu đứng nhất thế giới, cái kia nhì, ba thế giới... Điều này không quan trọng, vấn đề không phải là số lượng bao nhiêu mà chất lượng, giá trị ra sao. Chúng ta xuất 7 triệu tấn gạo nhưng giá trị không bằng Thái Lan xuất một số lượng ít hơn. Vì vậy, trong chiến lược xuất khẩu phải đi vào giá trị và nâng chất lượng lên, chứ cứ chạy theo số lượng là chúng ta tự sát. Bởi khi cung vượt quá cầu thì chúng ta sẽ chịu rủi ro về giá cả.

Xuất khẩu chạy theo số lượng là tự sát

PV: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn tồn tại việc sản xuất song song 2 sản phẩm, loại bán trong nước chất lượng thấp hơn hàng xuất khẩu... ông nhận định gì về việc này?

TS Trần Du Lịch: Trong thời kỳ hội nhập kinh tế, toàn cầu hóa, tiến tới không còn ranh giới giữa thị trường nội địa và thị trường nước ngoài nữa thì doanh nghiệp Việt Nam nên bỏ đi việc sản xuất 2 loại sản phẩm bán trong nước và xuất khẩu. Bởi nếu chúng ta muốn đặt ra các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm... ở thị trường trong nước để tạo nên một cái tạm gọi là bảo hộ cho hàng hóa của mình thì thách thức của doanh nghiệp là làm sao để hàng tiêu thụ trong nước cũng phải đạt chất lượng giống như hàng xuất khẩu, tức là chỉ có một loại sản phẩm và cạnh tranh trên tất cả thị trường.

PV: Doanh nghiệp FDI đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (70% năm 2013), ông đánh giá như thế nào về năng lực xuất khẩu của FDI và doanh nghiệp trong nước?

TS Trần Du Lịch: Các doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu tương đối ổn định, dựa vào uy tín, thương hiệu của công ty mẹ. Còn phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa có thị trường ổn định, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm đều thấp, xuất khẩu qua trung gian nên hạn chế khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường.

PV: Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như: tôm, phi lê cá basa... thường xuyên gặp trở ngại do bị áp thuế chống bán phá giá, theo ông vì sao như vậy?

TS Trần Du Lịch: Hiện chúng ta có 5 thị trường xuất khẩu chính gồm: EU, Bắc Mỹ, ASIAN, Nhật Bản, Trung Quốc và các thị trường khác, tổng cộng là 90 thị trường. Nhưng dường như sản phẩm chúng ta còn nghèo nàn, chưa đa dạng hóa nên trong nhiều trường hợp tấn công thái quá vào một thị trường, khi đó kích thích tâm lý sử dụng các công cụ bảo hộ phi thuế quan của nước sở tại. Thay vì cũng sản phẩm đó mà chúng ta thay đổi mẫu mã, thay đổi kiểu dáng để cạnh tranh ở phân khúc khác thì có lẽ sẽ tránh được việc này.

Tìm “kẽ hở” để xâm nhập

PV: Gần đây, trong định hướng xuất khẩu, một số doanh nghiệp có ý tìm những thị trường khác để thay thế cho thị trường Trung Quốc, ông đánh giá như thế nào về việc này?

TS Trần Du Lịch: Tôi cho rằng, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nằm cạnh nước ta, là một thị trường rất lớn. Do đó, không nên lơ là trong việc mở rộng thị trường Trung Quốc trước mắt cũng như lâu dài. Không nên vì vấn đề nọ, vấn đề kia mà quên đi thị trường này. Xuất khẩu cũng giống như bóng đá, muốn phòng vệ thì phải tấn công mới thành công được. Nếu chúng ta cứ co thủ, tìm thị trường khác, bỏ thị trường truyền thống là không đúng. Họ xuất sang mình, thì mình phải xuất sang họ, bởi mỗi nơi có một phân khúc thị trường khác nhau. Tôi ví dụ, Trung Quốc là một nước xuất khẩu giày dép nhưng không phải Trung Quốc không nhập khẩu giày dép. Có một thời giày dép Biti’s của ta cũng chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Mỗi nơi đều có kẽ hở thị trường, vấn đề là doanh nghiệp phải tìm ra kẽ hở đó để thâm nhập vào.

PV: Hiện nay, nhiều người nói đến khái niệm xuất khẩu tại chỗ, vậy thưa ông, xuất khẩu tại chỗ là như thế nào?

TS Trần Du Lịch: Xuất khẩu tại chỗ cũng là một vấn đề cần quan tâm với một quốc gia có tiềm năng về du lịch lớn như nước ta. Khách du lịch luôn có 4 nhu cầu là: nghỉ ở đâu; ăn gì, chơi ở đâu và mua gì mang về. Bốn sản phẩm chính của hoạt động du lịch nêu trên chính là thị trường to lớn cho xuất khẩu tại chỗ.

Bên cạnh đó, trong chiến lược xuất khẩu cũng nên nhìn lại thị trường nội địa để dung hòa hai thị trường này. Ví dụ, lĩnh vực chăn nuôi, nếu năm 2013, xuất khẩu gạo của ta đạt giá trị 3,5 tỉ USD thì chúng ta cũng đã phải nhập khẩu 3,7 tỉ USD thức ăn chăn nuôi. Giá như nền nông nghiệp của ta phục vụ cho việc chế biến thức ăn gia súc thì đã không có chuyện phải xuất khẩu gạo giá rẻ mà nhập thức ăn gia súc giá đắt.

PV: Ông đánh giá như thế nào về cơ hội và thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam thời điểm hiện tại?

TS Trần Du Lịch: Cơ hội lớn nhất là sắp tới Việt Nam sẽ kết thúc ký kết hiệp định EU - Việt Nam, chúng ta kỳ vọng thời gian sớm nhất Việt Nam gia nhập TPP và còn khoảng 4-5 hiệp định thương mại tự do nữa sẽ ký kết. Có lẽ từ 2014-2015, Việt Nam hội nhập toàn diện với khu vực và thế giới, hàng rào thuế quan coi như gỡ bỏ, thị trường cho Việt Nam là thị trường cho sản phẩm mà thuế quan còn 0-5%, rất mênh mông. Bên cạnh đó, chúng ta đang thực hiện chính sách tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trường và đang sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và một loạt các sửa đổi khác nữa sẽ tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh.

Về thách thức, trong ngắn hạn (vài ba năm tới) với tính chất của nền công nghiệp gia công, chủ yếu dựa vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu chưa thể thay đổi… làm giảm sức cạnh tranh và mở rộng thị trường của doanh nghiệp. Như cơ hội mở rộng thị trường ở 11 quốc gia (không tính Việt Nam) trong khối TPP sẽ khó khăn do quy định về xuất xứ nguyên liệu.

PV: Ông có định hướng gì cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới?

TS Trần Du Lịch: Xét cho cùng, Việt Nam chỉ có hai lợi thế so sánh quan trọng để phát triển là: nguồn nhân lực và tài nguyên tự nhiên (nông nghiệp, ngư nghiệp, vị trí địa lý). Định hướng xuất khẩu cần dựa vào hai lợi thế trên. Bên cạnh phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử, cơ khí, tôi cho rằng, từ nay đến năm 2030 vẫn phải dựa trên mấy nhóm ngành truyền thống như: nông sản chế biến, thủy hải sản, dệt may, da giày, chế biến gỗ, hàng thủ công mỹ nghệ...

PV: Xin cảm ơn ông!

Mai Phương (thực hiện)