“Việt Nam đang xử lý nợ xấu đúng hướng!”

07:00 | 30/09/2014

1,108 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là tinh thần chung trong nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Tekehiko Nakao nhân chuyến thăm Việt Nam mới đây. Ngài Nakao có cuộc hội kiến quan trọng với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, qua đó mang đến nhiều gợi ý và phát kiến, cùng chung tay lành mạnh hóa nền kinh tế - tài chính của nước chủ nhà…

Năng lượng Mới số 360

Cải thiện môi trường đầu tư

Tại buổi tiếp chuyện mang tính gợi mở cùng lãnh đạo cấp cao, ngài Nakao tái khẳng định sự hỗ trợ của ADB trong việc đẩy nhanh cải cách cơ cấu và thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Theo đánh giá của ADB, Việt Nam đã từng là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới kể từ năm 1990 và vươn lên thành một quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010. Tuy nhiên, do những bất ổn toàn cầu cùng với tốc độ cải cách diễn ra chưa được như kỳ vọng khiến tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 5,7% trong giai đoạn 2008-2013.

Để đạt được mức tăng trưởng 5,6% trong năm 2014 và mục tiêu 7-8% vào các năm tiếp theo, ông Nakao nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện môi trường đầu tư. FDI có vai trò quan trọng nhưng cốt yếu là phải phát huy tốt việc cải cách doanh nghiệp trong nước thì mới thu hút doanh nghiệp nước ngoài một cách “tự nhiên”. Ý kiến của ADB cũng tương tự ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế thời gian gần đây, tức là thay vì đưa ra ưu đãi “đặc biệt” để thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thì nên tạo môi trường, minh bạch, công bằng, môi trường đầu tư thuận lợi tại Việt Nam trước. Đây là điều quan trọng vì chỉ số cạnh tranh và môi trường đầu tư ở Việt Nam lâu nay vẫn bị đánh giá thấp, nên cần có nhiều cố gắng để cải thiện thủ tục hành chính, quan liêu rườm rà, khó khăn, nút thắt. Chính sự minh bạch và môi trường đầu tư thuận lợi sẽ tạo điều kiện để Việt Nam phát triển cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa thật vững chắc. Nếu không có doanh nghiệp nhỏ, các doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp phụ trợ thì nền kinh tế nước ta cơ bản chỉ là “lắp ráp”, chắc chắn không tận dụng được “sức bật” của FDI.

“Việt Nam đang xử lý nợ xấu đúng hướng!”

Chủ tịch ADB Tekehiko Nakao (trái) trao đổi với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình

Đề cập đến giải pháp nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam, ông Takehiko Nakao nhấn mạnh, việc hội nhập kinh tế khu vực ASEAN làm tăng nhu cầu công nhân có tay nghề bậc trung. Nếu Việt Nam chỉ có tay nghề lao động thấp thì năng suất lao động sẽ thấp cho nên việc đào tạo nguồn nhân lực là cực kỳ quan trọng để Việt Nam tận dụng được lợi thế của việc hội nhập kinh tế khu vực. Đến nay, Ngân hàng Phát triển châu Á đã tập trung hỗ trợ Chính phủ Việt Nam về đào tạo để khai thác tốt lợi thế của việc hội nhập kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên trang bị thêm về kỹ năng, tay nghề cho người lao động phù hợp với nhu cầu của mình.

Nỗ lực của ADB trong hợp tác công - tư

Đầu tiên ADB sẽ  hỗ trợ xây dựng, soạn thảo nghị định, hỗ trợ kinh nghiệm hợp tác công - tư (PPP), chia sẻ rủi ro giữa hai bên, bảo lãnh doanh thu là gánh nặng mất cân bằng cho chính phủ, giảm động lực vươn lên của nhà đầu tư. PPP phải có sự tham gia của Nhà nước, ví dụ dự án phát điện thì Nhà nước phải đảm bảo giá dịch vụ nhất định để có khả năng thu hồi vốn, giá dịch vụ là rất quan trọng. Chia sẻ rủi ro, gánh nặng giữa hai bên là phải xây dựng hợp lý, làm thế nào để xác định trong hợp đồng, đảm bảo cân bằng quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên. Tạo ra khung pháp lý là một việc quan trọng trong việc xây dựng PPP. ADB sẽ dành 20 triệu USD trong Quỹ Phát triển dự án để sàng lọc dự án tốt nhất. ADB thành lập văn phòng PPP để điều phối hoạt động, cung cấp dịch vụ hỗ trợ, hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên, đồng thời lập thời gian biểu trao đổi với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam để có thể hợp tác trong những dự án PPP cụ thể.

Về quan điểm liệu có nên dành cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân đề xuất dự án PPP, đấu thầu cạnh tranh hay không, ADB nên để ngỏ đấu thầu cạnh tranh. Nếu trong trường hợp với lý do nhất định như công nghệ bí quyết thì không thể đấu thầu cạnh tranh. Ngay từ đầu là càng nhiều đấu thầu cạnh tranh càng tốt. Trên thực tế, Chính phủ có thể lựa chọn cách làm cho mình, Nhưng hợp đồng dựa vào hiệu quả kinh tế, chứ không thể trao cho một công ty không có năng lực cạnh tranh, làm cho dự án đắt đỏ. Mục đích của PPP là cung cấp dịch vụ hiệu quả hơn. Mục tiêu cuối cùng là bảo đảm minh bạch. Nguyên tắc là khuyến khích cạnh tranh tối đa.

Xử lý nợ xấu

Riêng với vấn đề nợ xấu của Việt Nam, Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á đã dành trọn một buổi trao đổi với Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình để thống nhất quan điểm xử lý. Theo đó, cả 3 cách NHNN Việt Nam đang tiến hành là (i) thông qua Công ty VMC - tái cơ cấu các khoản nợ xấu các ngân hàng, mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại. Đây là công cụ tốt, không nên để lâu; (ii) là quy định quản lý nghiêm ngặt về quản lý nợ xấu, phân loại tài sản, trích lập dự phòng; và (iii) cuối cùng là khả năng thu hồi nguồn thu từ công ty xử lý nợ xấu thông qua việc phân loại nợ xấu rõ ràng. Có ý kiến cho rằng, nợ xấu thực chất cao hơn con số được báo cáo, nhưng thực tế Ngân hàng Nhà nước đang đi đúng hương. Việt Nam khác Nhật Bản, GDP luôn tăng trưởng, có khả năng kiểm soát nợ xấu. Năm nay ADB có ký kết khoản vay chương trình để hỗ trợ cải cách khu vực ngân hàng, doan nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ - đây là đóng góp của ADB trog vấn đề nợ xấu, mặc dù không trực tiếp.

Đầu tư cơ sở hạ tầng

Nước nào đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng có nhiều cơ hội phát triển hơn, có thể giảm bớt thời gian vận tải hàng, bên cạnh đó là khả năng tiếp cận trường học bệnh viện, đây là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế, gánh nặng của người lao động giảm đi nhiều. Ở Việt Nam đầu tư vào cơ sở hạ tầng được đánh giá khá tốt, tốt hơn một số quốc gia trong khu vực, tỷ lệ GDP đầu tư vào cơ sở hạ tầng Việt Nam  cao hơn ở Philippines, đầu tư vào cơ sở hạ tầng là nền tảng để phát triển. “Về lượng quan trọng, về chất phải quan trọng hơn” ông Nakao nhấn mạnh, Việt Nam cần lưu ý và kiểm soát chặt chẽ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian tới, cho ngành điện vay 1,3 tỉ USD/năm. Đường bộ, quản lý tài nguyên nước, giáo dục và lĩnh vực phát triển con người khác có thể qua viện trợ, hỗ trợ kỹ thuật, hướng vào khu vực chậm phát triển, năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, ADB muốn thúc đẩy khu vực tư nhân, thông qua PPP, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, cụ thể là hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Ngân hàng tư nhân mạnh và hiệu quả thì giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận tín dụng tốt hơn. Chú trọng đến đào tạo, dạy nghề, cải cách doanh nghiệp nhà nước, thủ tục hành chính.

Lê Tùng