Những hệ lụy sau khi sáp nhập, hợp nhất các tổ chức tín dụng

08:12 | 18/07/2012

2,656 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáp nhập, hợp nhất và mua lại (M&A) tổ chức tín dụng (TCTD) đang được coi như phương thức hữu hiệu nhất để tổ chức lại toàn bộ hệ thống các TCTD của nước ta hiện nay. Hãy thử cùng nhìn thẳng vào một số mặt trái, mặt tiêu cực có thể xảy ra cũng như hệ lụy của nó tới kinh tế, xã hội của hoạt động này, bởi hậu quả từ một vài thương vụ M&A rất có thể trở thành “mồi lửa giữa cánh rừng khô hạn”, làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế và gây rối loạn đời sống xã hội.

Quyền lợi người gửi tiền có được đảm bảo

Thông tư số 04/2010/TT-NHNN quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD và Dự thảo Thông tư Quy định việc tổ chức lại TCTD đang được NHNN lấy ý kiến cơ quan, tổ chức và cá nhân là “TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, đặc biệt quyền lợi của người gửi tiền tại từng TCTD tham gia sáp nhập, hợp nhất, mua lại”.

Với quy định này, NHNN đã bắt buộc các TCTD khi tiến hành M&A phải xây dựng được phương án đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Chỉ khi đó, NHNN mới chấp thuận chủ trương cho các TCTD tiến hành thương vụ M&A bởi tác động của việc mất thanh khoản do người gửi tiền nhầm lẫn giữa sáp nhập với phá sản một TCTD ồ ạt đến rút tiền là rất khó lường và có nguy cơ gây hiệu ứng domino sụp đổ lên toàn hệ thống.

Thực tế, với những quan ngại về thanh khoản tác động đến quyền lợi của người gửi tiền, trong thương vụ hợp nhất 3 ngân hàng TMCP Sài Gòn, TMCP Đệ Nhất, TMCP Tín Nghĩa hồi cuối năm 2011, BIDV không chỉ hỗ trợ 2.400 tỉ đồng cho 3 ngân hàng hợp nhất mà còn cấp tín dụng qua thị trường liên ngân hàng nhằm đảm bảo thanh khoản và chi trả tiền gửi của dân cư nếu có phát sinh đột biến.

Đối với trường hợp gần đây giữa Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (HBB), đề án sáp nhập cũng chỉ rõ: Toàn bộ quyền lợi của người gửi tiền, các quyền, nghĩa vụ cũng như trách nhiệm của các bên liên quan với HBB sẽ tiếp tục được ngân hàng sáp nhập (trong trường hợp này là SHB) kế thừa và tiếp tục thực hiện.

Với những biện pháp trên, hoạt động tại các ngân hàng trên đã diễn ra bình thường sau hợp nhất, thậm chí lượng khách đến giao dịch còn đông hơn những ngày trước. Đây là tín hiệu rất lạc quan và kinh nghiệm xử lý tốt về khoản tiền gửi của dân cư cho các thương vụ M&A sau này.

Tương lai người lao động?

Đối với quyền lợi của người lao động tại các ngân hàng bị hợp nhất, theo Bộ luật Lao động nêu rõ: Ngân hàng hợp nhất phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với người lao động. Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có thì phải có phương án sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp phải giảm bớt nhân sự, đòi hỏi phải chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động và người lao động được trợ cấp mất việc theo quy định của Bộ luật này, cụ thể: cứ 1 năm làm việc trả 1 tháng lương nhưng thấp nhất cũng phải bằng 2 tháng lương. Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngân hàng hợp nhất, sáp nhập luôn lên tiếng trấn an đảm bảo quyền lợi người lao động của mình.

Tuy nhiên, quy định là vậy, còn thực tế thì có thể khác.

Bộ luật Lao động chỉ quy định nếu mất việc sẽ được hưởng trợ cấp mất việc, tuy nhiên, thực tế con số này chẳng thấm vào đâu so với lương thực tế mà nhân viên ngân hàng đang được hưởng. Đời sống của người lao động mất việc sẽ rất khó khăn, kéo theo nhiều gia đình rơi vào cảnh sống dở chết dở khi chi phí sống đang ngày càng đắt đỏ như hiện nay và nhiều hệ lụy tiêu cực có thể phát sinh từ đây.

Vì vậy, ngay khi rộ lên khả năng sáp nhập, hợp nhất từ nội bộ ngân hàng, đại đa số nhân viên đều không khỏi lo lắng, băn khoăn trước tương lai, nghề nghiệp của mình. Bởi một khi phải sáp nhập, hợp nhất, ngân hàng mới sẽ tái cấu trúc tinh gọn bộ máy hơn, thực hiện cắt giảm chi phí bằng cách giảm lương, cắt giảm nhân sự… và một bộ phận lớn cán bộ quản lý của các ngân hàng sẽ dôi dư do trùng với các vị trí tại ngân hàng mới. Ngoài ra, chưa kể đến chuyện cả một “êkíp” nhân sự sẽ phải thay đổi để phù hợp với môi trường mới. Vì thế, tâm lý tự cứu lấy mình trước khi sáp nhập, hợp nhất đã xảy ra khá nhiều đối với các cán bộ ngân hàng trong các thương vụ M&A kể trên.

Văn hóa và mục tiêu kinh doanh có dung hòa?

Kết hợp hài hòa văn hóa và mục tiêu kinh doanh luôn là bài toán hóc búa cho các TCTD sau hợp nhất, sáp nhập. Khoan hãy nói về văn hóa vùng miền, chỉ tính riêng về hòa nhập văn hóa và thái độ ứng xử mỗi bên mua – bán cũng đã đủ đau đầu các cấp quản lý.

Lựa chọn thương hiệu nào, bỏ thương hiệu nào hay ghép nối các thương hiệu lại với nhau cũng không đơn giản, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như quy mô hoạt động, định vị thương hiệu mà mục tiêu kinh doanh mới… và phải nhận được sự ủng hộ của các chủ thể tham gia.

Thông thường, những người ở tổ chức bị sáp nhập thường có khuynh hướng bảo tồn nét văn hóa riêng của đơn vị mình, trong khi bên mua sẽ luôn tìm cách “thủ tiêu” những văn hóa đối lập. Mâu thuẫn đó nếu không được giải quyết hợp tình, hợp lý sẽ là rào cản cho hoạt động của tổ chức mới sau này.

Bên cạnh đó, mâu thuẫn về mục tiêu và tầm nhìn của các tổ chức trước khi sáp nhập, hợp nhất cũng ngăn cản xây dựng môi trường kinh doanh hiệu quả cho chủ thể mới. Trường hợp điển hình nhất gần đây khi Sacombank bị thôn tính bởi ACB, Eximbank, Phương Nam bank, Kiên Long bank và một nhóm các cổ đông khác… những yêu cầu thay đổi định hướng kinh doanh và kế hoạch kinh doanh được đưa ra từ nhóm cổ đông này luôn mâu thuẫn với ban lãnh đạo của Sacombank khi đó là ông Đặng Văn Thành nắm quyền. Và hiện tại, chúng ta cũng có thể suy đoán văn hóa và mục tiêu kinh doanh của Sacombank sẽ thay đổi như thế nào khi mà một ngân hàng sau hơn 20 năm xây dựng đã thuộc về tay của một nhóm cổ đông khác trong chốc lát?

Với những xung đột về văn hóa, lợi ích có thể xảy ra như trên, hiệu quả hoạt động của các ngân hàng mới sau sáp nhập, hợp nhất như thế nào chỉ có chờ thực tế mới đưa ra câu trả lời chính xác.

Theo các chuyên gia làm trong lĩnh vực ngân hàng khuyến nghị rằng, quá trình tổ chức lại hệ thống TCTD cần phải thực hiện cực kỳ thận trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia, của nền kinh tế trong khi vẫn thực hiện đầy đủ lợi ích của khách hàng và quyền lợi người lao động. Chủ thể mới phải được phát huy các mặt tích cực, đồng thời xây dựng được môi trường hoạt động mới lành mạnh, hiệu quả. Có như thế, nhiệm vụ trọng tâm của quá trình tổ chức lại hệ thống TCTD mới đạt được thành công.

Thành Trung

Năng lượng Mới số 138, ra thứ Ba ngày 17/7/2012