Ngân hàng Nhà nước đổi mới hoạt động thanh tra, giám sát

10:14 | 24/04/2014

2,180 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước thực trạng rủi ro về mặt kinh doanh ngân hàng và đạo đức nhân viên ngày càng diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác định công tác thanh tra, giám sát là công việc trọng tâm trong thời gian trước mắt...

Cụ thể công tác trên sẽ đổi mới theo hướng thanh tra, giám sát pháp nhân, kết hợp giữa thanh tra, giám sát tuân thủ với thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro. Hoạt động chính là tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro và vi phạm pháp luật.

Một cán bộ Cơ quan Thanh tra, giám sát (NHNN) tiết lộ, từ nửa cuối năm 2011 đến nay, hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng đã tập trung làm rõ những vấn đề nổi cộm, rủi ro, yếu kém và những vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Tăng cường thanh tra, giám sát để giảm rủi ro trong kinh doanh ngân hàng

“Cơ quan NHNN phát hiện nhiều vi phạm pháp luật, yếu kém của TCTD về quản trị, điều hành, kiểm toán, kiểm soát nội bộ; hạch toán kế toán; huy động vốn; hoạt động tín dụng, quy định về sở hữu cổ phần, thu - chi tài chính; an toàn kho quỹ; phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, hoạt động liên ngân hàng, an toàn hoạt động của TCTD”, vị này chia sẻ.

Trong thời gian tới, NHNN tập trung đẩy mạnh triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Nổi bật trong số đó là quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo hướng phản ánh đúng, đầy đủ hơn rủi ro tín dụng, quy định về hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ theo hướng phân định rõ trách nhiệm, bộ máy, quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm nâng cao năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của từng TCTD.

NHNN sẽ sớm ban hành bộ quy định mới về an toàn hoạt động ngân hàng và quy chế quản trị rủi ro tối thiểu. Đây là văn bản quan trọng góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản về an toàn hoạt động ngân hàng của NHNN. Ngoài ra, NHNN nghiên cứu để ban hành các quy định về tổ chức và hoạt động của các loại hình TCTD khác như TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, TCTD là hợp tác xã để tạo lập khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của từng loại hình theo đúng bản chất hoạt động và phục vụ cho quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Một vấn đề lớn khác, đó là công tác hướng dẫn cụ thể các điều kiện cấp phép và tổ chức hoạt động của TCTD, quy định về phát triển mạng lưới của các TCTD theo hướng nâng cao các điều kiện cấp phép và tổ chức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đối với NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng, những vấn đề nổi cộm như uỷ thác và nhận uỷ thác; góp vốn, mua cổ phần... là trọng tâm trong lộ trình làm phù hợp hơn với quy định của pháp luật hiện hành, cũng như tình hình phát triển sản phẩm, dịch vụ của hệ thống TCTD.

Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý hỗ trợ quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD đã được NHNN ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm hỗ trợ cho việc cơ cấu lại các TCTD như quy định về kiểm soát đặc biệt TCTD, góp vốn, mua cổ phần bắt buộc đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD Việt Nam. Ngoài ra, NHNN cũng sẽ trình Chính phủ sửa đổi, thay thế quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo hướng tăng cường trách nhiệm và nghiêm khắc hơn đối với các sai phạm trong hoạt động của TCTD.

P.V