Lãi suất cho vay không quá 15%: Doanh nghiệp có được hưởng lợi?

16:49 | 24/07/2012

986 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – “Với quy định mức lãi suất cho vay không quá 15% thì ngân hàng sẽ thu hẹp đối tượng cho vay. Những đối tượng như doanh nghiệp nhỏ tưởng được hưởng lợi từ chính sách này nhưng thật chất là bị thiệt hại vì khó được vay vốn” – nhận định của TS Đinh Thế Hiển – Giám đốc Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng trong cuộc trao đổi với phóng viên Petrotimes.

PV: Ngân hàng Nhà nước quy định đối với 4 nhóm ưu tiên thì các ngân hàng phải áp dụng cho vay theo đúng lãi suất từ 13%/năm trở xuống. Ngoài 4 nhóm đó thì ngân hàng và doanh nghiệp tự thỏa thuận nhưng lãi suất cho vay không quá 15%/năm. Chính sách này đã đem lại lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp?

TS Đinh Thế Hiển: Việc giảm lãi suất giúp cho doanh nghiệp được hưởng lợi thì không ai nghi ngờ về tính hợp lý và tính hỗ trợ doanh nghiệp trong chính sách này. Tuy nhiên, trên thực tế việc quy định như vậy vô hình chung là cào bằng mức rủi ro của các doanh nghiệp. Theo nguyên tắc của các ngân hàng khi họ cho vay thì với những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt được cho vay với lãi suất thấp, doanh nghiệp kém an toàn thì ngân hàng cho vay với lãi suất cao hơn, doanh nghiệp vượt qua mức an toàn vốn thì họ không cho vay. Như vậy, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài sản thế chấp yếu, doanh thu còn hạn chế thì với lãi suất hạn mức cho vay là 15% thì rủi ro cho phía ngân hàng rất cao do đó ngân hàng có thể từ chối cho vay và đối tượng chịu thiệt hại chính là doanh nghiệp. Những đối tượng như doanh nghiệp nhỏ tưởng là hưởng lợi từ chính sách này nhưng thật chất là thiệt hại vì càng khó tiếp cận được với nguồn vốn vay.

Thực ra, lãi suất 18% không phải là cao trong thực tiễn của tín dụng Việt Nam vì ngay cả trong thời kỳ lãi suất huy động ổn định ở mức 7 – 8 % thì doanh nghiệp nhỏ vẫn vay với lãi suất 18% là bình thường… Lãi suất 18% chỉ được đánh giá là cao đối với những dự án lớn đầu tư dài hạn của các doanh nghiệp lớn muốn vay vài trăm tỉ đồng và thời gian sử dụng 5 – 10 năm, còn đối với doanh nghiệp vay vốn lưu động ngắn hạn, quy mô nhỏ thì lãi suất 18% không phải là cao.

TS Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện nghiên tin học và kinh tế ứng dụng

PV: Để đẩy mạnh sức mua, giải quyết hàng tồn kho thì nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng nên mở rộng cho vay tiêu dùng để người dân “mạnh dạn” mở hầu bao chi tiêu và khơi thông thị trường hàng hóa. TS đánh giá việc cho vay tiêu dùng ở nước ta hiện nay như thế nào?

TS Đinh Thế Hiển: Hiện nay, các ngân hàng vẫn rất chú ý cho vay tiêu dùng nhưng chỉ tập trung cho vay tiêu dùng có sự bảo đảm như cho vay mua nhà (ngân hàng nắm thế chấp nhà), cho vay với đối tượng là cán bộ công nhân viên của những công ty nhà nước, những công ty có lương thanh toán qua tài khoản... Còn những đối tượng thấp hơn và chiếm số đông đang thiếu thốn rất muốn vay tiêu dùng để cải thiện cuộc sống thì hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam chưa phát triển đến nhóm đối tượng này. Do đó, trong ngắn hạn và cả trong dài hạn thì ngân hàng cần phát triển cho vay tiêu dùng cá nhân, mở rộng đối tượng cho vay. Đó là tiến trình để kết nối người dân, doanh nghiệp, ngân hàng, việc làm, hàng hóa. Hình thức cho vay này rất phổ biến ở các nước trên thế giới và là một biện pháp hữu hiệu để kích cầu tiêu dùng.  

PV: Chủ trương thành lập công ty mua bán nợ xấu thuộc Ngân hàng Nhà nước giúp ngân hàng và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn gặp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Theo TS thì có nên thành lập công ty này hay không?

TS Đinh Thế Hiển: Bản thân việc thành lập công ty mua bán nợ xấu là không sai nhưng người ta chỉ sợ là cách làm không đúng, tức là lấy tiền của nhà nước rồi mua lại nợ với một giá tốt cho con nợ, chủ nợ. Như vậy là lấy tiền Nhà nước đi cứu cho những doanh nghiệp và đối tượng “làm bậy”. Giá cả và chọn món nợ để mua là điều khiến nhiều người lo lắng xung quanh chủ trương thành lập công ty mua bán nợ xấu. Theo tôi, công ty đó có hay không có cũng được. Vì nếu có thì đó là một giải pháp can thiệp mạnh của chính phủ còn không có thì áp dụng giải pháp can thiệp bằng thị trường. Ngoài ra, nếu thành lập công ty này thì chúng ta nên áp dụng theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tức là chỉ chọn mua những món nợ nào mà khi mua xong khơi thông, giải quyết được nhiều vấn đề xung quanh đó chứ không chấp nhận mua tràn lan tất cả các món nợ.

Mai Phương (Thực hiện)