Việt Nam trước thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do:

“Lách” thế nào để bảo hộ hàng hóa nội địa?

14:22 | 29/05/2015

640 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 28/5 tại Hà Nội, Trung tâm WTO (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) phối hợp cùng ActionAid tổ chức Hội thảo "Không gian chính sách hỗ trợ các ngành kinh tế - Còn lại gì sau các Hiệp định thương mại tự do?".

Trong tiến trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã ký kết 09 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán một loạt các FTA thế hệ mới quan trọng như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam-EU...

Các FTA này đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các ngành kinh tế, đặc biệt là cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi và thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước đối tác. Tuy nhiên, bên cạnh việc mở ra các lợi ích từ tự do thương mại, các FTA cũng sẽ hạn chế quyền, thậm chí là cấm chính phủ được thực hiện các chính sách nhất định để hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước phát triển.

Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể tới tương lai của các ngành kinh tế, bởi vấn đề là làm sao kết hợp hài hòa giữa tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro trong khuôn khổ các FTA.

Các diễn giả tham gia buổi hội thảo 

Đặc biệt, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến cáo đối với DN trong bối cảnh Việt Nam đang và sẽ ký kết thêm các FTA. Đó là, DN cần quan tâm đến vấn đề pháp lý, quy định của các nước đối tác có quan hệ xuất nhập khẩu với mình; nhất là về xuất xứ hàng hóa để chứng minh sự nghiêm túc cũng như quyền được hưởng thuế suất thấp hoặc miễn thuế.

Bên cạnh đó, DN cần nhanh chóng thiết lập bộ phận chuyên trách về pháp lý, sẵn sàng nghiên cứu và có biện pháp đối phó với các vụ kiện và tranh chấp thương mại quốc tế. Đơn cử, thời gian vừa qua, DN Việt Nam phải đối mặt 7 vụ điều tra chống trợ cấp, chủ yếu là các chương trình cho vay từ ngân hàng thương mại nhà nước, hoặc cho vay ưu đãi với ngành thép, chế biến thủy sản… để rút ra bài học kinh nghiệm.

Đại diện Trung tâm WTO - VCCI nhấn mạnh, từ thực tế nói trên, Chính phủ cần có chính sách, biện pháp điều hành và úng phó hợp lý để duy trì và tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển thông qua việc xác lập một không gian chính sách phù hợp và linh hoạt.

Một số diễn giả phát biểu tại Hội thảo cho rằng, càng cam kết thì không gian chính sách càng hẹp lại. Ví dụ như cam kết trong TPP thì mua sắm chính phủ không chỉ ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng về cơ bản không gian kỹ thuật khác như biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) bình luận, chế biến và xuất khẩu thủy sản là một ngành đặc thù phải nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến.

“Hiện nay 80% nguyên liệu của ngành là phải nhập khẩu. Do đó nếu chúng ta đưa ra vấn đề nhập khẩu nhiều là tạo ra nhập siêu thì rất khó cho ngành chế biến thủy sản” - ông Nam nói.

Còn theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Chúng ta có chính sách khuyến công, nông, ngư, nhưng chưa có chính sách khuyến khích thương, đó là một trong những nguyên nhân khiến cho nông sản cứ được mùa rớt giá, không bán được hàng khiến cho có doanh nghiệp phải phá sản.

Lê Tùng - Thanh Ngọc

(Năng lượng Mới)