Giải pháp để khơi thông "cục máu đông" trong các ngân hàng

10:01 | 25/07/2012

1,114 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thời gian qua câu chuyện nợ xấu ngân hàng (NH) là chủ đề lớn được trao đổi trong báo giới và cả trong giới kinh tế. Nợ xấu là vấn đề thường trực trong hệ thống NH vì hoạt động tín dụng có bản chất cố hữu là gắn liền với rủi ro. Trong quá trình hoạt động của mình, NH luôn phát sinh các khoản nợ xấu. Và đến thời điểm hiện tại, nợ xấu tăng quá nhanh do những lý do khác nhau, đặc biệt là tác động bất lợi từ môi trường kinh doanh, môi trường kinh tế trong nước, thế giới diễn biến xấu đi.

Để đánh giá nợ xấu NH và tìm ra giải pháp khơi thông “cục máu đông” này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có buổi trao đổi với quyền Chánh thanh tra giám sát NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa.

PV: Hiện nay nợ xấu có nhiều con số: 4,47%, 10% tổng dư nợ. Vậy đâu là con số chính xác thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Nếu nói nợ xấu của chúng ta hiện nay là bao nhiêu thì có lẽ phải đặt câu hỏi chúng ta phân loại nợ theo tiêu chuẩn nào. Mỗi khi nhận được số liệu con số nợ xấu thì phải xem nó được phân loại dựa trên hệ thống tiêu chuẩn nào. Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước, rút ra điểm chung, đó là trên thế giới không có chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Điều đó cho chúng ta thấy, chuẩn mực kế toán là chuẩn mực phân loại nợ. Nhưng tôi khẳng định, chuẩn mực kế toán quốc tế không phải là chuẩn mực phân loại nợ mà chỉ đưa ra các nguyên tắc về ghi nhận, giảm giá trị tài sản, dự phòng và công bố thông tin. Nên việc dựa vào chuẩn mực phân loại nợ quốc tế, rất nhiều quốc gia có các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khác nhau. Đặc biệt phân loại nợ có nhóm tiêu chí về định lượng và định tính. Và đã có định tính thì có chủ quan khác nhau.

PV: Liên quan đến một số tổ chức tín dụng có biểu hiện vi phạm trần lãi suất, vậy biện pháp của thanh tra giám sát là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Nếu so với thời điểm cuối năm 2011 thì thanh khoản hệ thống NH đã được cải thiện hơn rất nhiều, trong khi khả năng mở rộng tín dụng của các NH khó khăn nên nhu cầu tiếp theo đẩy mạnh mở rộng huy động vốn của các NH không căng thẳng như trước. Cho nên động cơ để các NH vi phạm đã giảm đi rất nhiều nhưng điều đó không có nghĩa là trên thị trường đã chấm dứt hiện tượng vi phạm này. Các biện pháp thanh tra giám sát triển khai trong những tháng cuối năm của NHNN để hỗ trợ việc thực thi chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho việc các quy định về lãi suất của Thống đốc được thực thi một cách nghiêm minh sẽ được chỉ đạo trong toàn bộ hệ thống thanh tra giám sát. NH trên cơ sở quy định về trần lãi suất, quy định chỉ đạo điều hành trong nội bộ từng NH. Bắt đầu từ sau 15/7, các bộ phận thanh tra giám sát NH tại các tỉnh, thành phố sẽ triển khai đồng bộ trong việc giám sát các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn chấp hành các quy định của Thống đốc. Đây là biện pháp cần thực hiện ngay. Một biện pháp nữa mang tính chất dài hạn, căn cơ hơn đấy là những TCTD vi phạm, xé rào thường là các TCTD yếu kém và đang gặp vấn đề về thanh khoản. Chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt trong cơ cấu một cách nhanh, vững chắc các TCTD mà NHNN đã xác định được và sẽ chỉ đạo các tổ giám sát ở tại các TCTD yếu kém đang thuộc diện cơ cấu lại giám sát chặt chẽ, tham gia thị trường TCTD. Đồng thời sẽ giám sát chặt chẽ việc niêm yết và huy động vốn của tổ chức này.

PV: Ông đánh giá như thế nào về nợ xấu khả năng mất vốn?

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Có thể nói, nợ xấu tại các TCTD được báo cáo là 117.000 tỉ, nhưng trong số nợ xấu đó, nợ có khả năng mất vốn (phân vào nhóm 5) không có nghĩa nợ phân vào nhóm này chắc chắn mất vốn, theo quy định phân loại nợ thì nợ nhóm 5 là nợ có rủi ro cao nhất trong 5 nhóm. Nhóm này chiếm khoảng 40% tổng số nợ xấu. Nhưng lưu ý ở đây là nợ nhóm 5 cũng đã được trích lập dự phòng rủi ro tương đối đầy đủ theo quy định và nợ nhóm 5 cũng có tài sản đảm bảo tương đối cao nên chúng tôi khẳng định lại không có nghĩa xếp vào nhóm 5 là nhóm mất vốn đối với TCTD.

PV: Xin ông cho biết biện pháp xử lý nợ xấu của NHNN trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa: Các biện pháp của NHNN cũng như các ngân hàng hỗ trợ cho DN rất tích cực trong thời gian qua một mặt giúp các DN tiếp cận tốt hơn vốn nhưng mặt khác góp phần để giảm bớt gánh nặng nợ xấu lên các TCTD. Có thể nói, biện pháp đầu tiên đang chỉ đạo riết ráo là các TCTD chủ động phối hợp với khách hàng đánh giá rà soát nợ, để có biện pháp giãn nợ cơ cấu lại các khoản nợ cho khách hàng. Một mặt, giảm bớt khó khăn cho khách hàng vay các tổ chức kinh tế, mặt khác cũng hỗ trợ việc thu hồi nợ trong tương lai. Tất nhiên việc thực hiện giãn nợ, cơ cấu nợ các TCTD, khách hàng phải tính toán đánh giá cụ thể đối với khách hàng vay để quyết định không chuyển nhóm đối với khách hàng không trả nợ đúng hạn theo quy định thỏa thuận theo hợp đồng.

Thứ 2, NHNN chỉ đạo các TCTD tích cực trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định để xử lý khoản nợ xấu hiện nay. Bên cạnh đó, tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu của hệ thống NH cũng đang rất lớn nên một trong biện pháp căn cơ phải làm ngay, đó là tích cực đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm để thu hồi vốn cho các TCTD tạo ra thanh khoản cho hệ thống NH, từ đó đẩy mạnh việc mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.

Ngoài ra, dưới góc độ NHNN thì việc hoàn thiện quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro cũng hết sức quan trọng. Đây là nền tảng quan trọng cho các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh trong quá trình cấp tín dụng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, dự kiến đến tháng 8 tới, Thống đốc sẽ ban hành Thông tư mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; tích cực nghiên cứu quy chế về cấp vốn tín dụng, cho vay... để phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của NH.

Và giải pháp nữa cũng rất quan trọng là tăng cường thanh tra giám sát. Một trong những nguyên nhân chúng tôi thấy là, vai trò của Thông tư giám sát thời gian qua trong cảnh báo ngăn chặn sớm vi phạm cảnh báo rủi ro về đầu tư tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro chưa thực sự có hiệu quả. Vì thế trong thời gian tới, một mặt cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định pháp luật về hoạt động tín dụng, phân loại nợ về trích lập dự phòng để bảo đảm rằng các TCTD có thể phân loại nợ, ghi nhận một cách đầy đủ các khoản nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro… Mặt khác, tăng cường giám sát các hoạt động về cảnh báo rủi ro nguy cơ tiềm ẩn có thể tác động đến hệ thống NH, giúp các TCTD có thể phòng ngừa rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra. Bên cạnh công tác làm thế nào để thúc đẩy hoạt động mua bán nợ trong hệ thống NH và mua bán nợ giữa các NH và tổ chức cá nhân khác thì đây là giải pháp quan trọng để giúp các TCTD cơ cấu lại nợ, bán những tài sản không sinh lời, tạo ra luồng tiền mặt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.

NHNN cần phối hợp với các bộ, ngành chặt chẽ để xử lý nợ xấu, bảo đảm mang tính chất bền vững. Bên cạnh đó, NHNN tích cực làm việc với các bộ, ngành để đánh giá, rà soát hoạt động các bộ, ngành lĩnh vực. Trên cơ sở đó sẽ thiết kế triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ trực tiếp cho các ngành lĩnh vực mà hiện đang có lượng hàng tồn kho, giải tỏa hàng tồn khô, đẩy mạnh tiêu dùng là cách thức tốt giúp các khoản nợ xấu trong hệ thống NH giảm bớt. 1 trong 3 vấn đề lớn trong tái cấu trúc hệ thống NH đó là xử lý nợ xấu là phải tái cơ cấu hệ thống DNNN, lành mạnh hóa tình hình tài chính DNNN tới đây, đảm bảo lượng nợ xấu cũng như chất lượng tín dụng được kiểm soát ở mức độ lành mạnh một cách bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! 

Lê Quân (thực hiện)

(Năng lượng Mới số 140, ra thứ Ba ngày 24/7/2012)