"Đừng bôi trơn ngân hàng để được vay tiền"

15:13 | 20/09/2012

1,023 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để lý giải tiền ngân hàng đổ về đâu khi tốc độ tăng trưởng huy động gấp 10 lần đà tăng của tín dụng, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai, khẳng định những đồng vốn này đang chảy "tá lả" thay vì ưu tiên cho doanh nghiệp vay.

Diễn đàn Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, Cơ hội vốn cuối năm 2012 đang diễn ra ở Hà Nội sáng ngày 20/9. Là người phát biểu đầu tiên, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai - chuyên gia tài chính ngân hàng đặt vấn đề về đường ra của những đồng vốn.

Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai tin chắc ngân hàng không dại gì cất tiền huy động để yên trong két dù không cho doanh nghiệp vay được như hiện nay.

"Không có một ngân hàng nào dại gì huy động rồi lại để tiền nằm im trong két. Tôi khẳng định những đồng vốn huy động này vẫn đi ra nhưng nó chảy vào đâu? Theo tôi, nó đang chảy tá lả đi theo mô hình của một công ty tài chính thay vì cho doanh nghiệp vay", chuyên gia này nói.

Theo ông Nguyễn Đại Lai, các ông chủ nhà băng đang công ty tài chính hóa ngân hàng của mình. Do đó, khả năng thứ nhất là tiền có thể chảy theo các nhóm lợi ích để cho vay. Khả năng thứ hai là để đổ vào các công cụ tài chính như trái phiếu doanh nghiệp. Thứ ba là đồng vốn huy động đang chảy loanh quanh ở thị trường giữa các ngân hàng với nhau. "Khả năng thứ 4 theo tôi có thể là các ngân hàng đang đầu tư vào một số việc khác như một công ty tài chính dù vốn điều lệ gấp hai, ba lần vốn tối thiểu theo quy định", ông Đại Lai cho biết.

Tham dự tại diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cũng thừa nhận: "Hầu hết dư nợ cho vay của các ngân hàng hội viên trong những tháng đầu năm 2012 đều giảm". Theo bà Hạnh, nguyên nhân chính là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp nên các ngân hàng khó khăn trong mở rộng thị phần cung ứng tín dụng. "Với tình hình nợ xấu gia tăng, các ngân hàng siết chặt điều kiện cho vay vì lo ngại nợ xấu. Do đó, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp và cá nhân sẽ khó khăn hơn trước", người đứng đầu Hiệp hội các ngân hàng thương mại Việt Nam thẳng thắn.

Cũng về việc ứng xử với đồng vốn, Thạc sỹ Lê Văn Hinh cho rằng các giải pháp về vốn cho khu vực doanh nghiệp muốn hiệu quả thì trước tiên, các nhà (Nhà nước, nhà băng, nhà doanh nghiệp) phải thay đổi cách ứng xử với đồng vốn xã hội. Đánh giá về doanh nghiệp Việt Nam, ông Hinh cho rằng hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dựa vào vốn và tài nguyên sẵn có nhiều hơn là sự sáng tạo.

"Quan sát hoạt động qua một thời gian dài cho thấy khi khó khăn, dường như doanh nghiệp Việt Nam, rất ít xem xét lại quy trình sản xuất để cắt giảm chi phí. Khi làm ăn phát đạt có nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có chỉ số vay nợ rất cao) cũng có ý định mua máy bay, sưu tập ô-tô đắt tiền", ông Hinh lấy dẫn chứng để cho thấy cách ứng xử với đồng vốn đặc biệt của một số doanh nghiệp.

Về phía góc độ ngân hàng, bản thân bà Trần Thị Hồng Hạnh - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cũng nêu vấn đề nhiều ngân hàng đòi hỏi "bôi trơn" mới cho doanh nghiệp vay tiền. Tuy nhiên, thông điệp bà Hạnh muốn gửi đến các doanh nghiệp là nguồn cung rất lớn nên doanh nghiệp có quyền lựa chọn nơi để vay tiền. "Nếu ngân hàng nào có hiện tượng đòi chi phí bôi trơn thì đề nghị doanh nghiệp giúp đỡ chúng tôi bằng cách nói không với hiện tượng tiêu cực đó", bà Hạnh kêu gọi.

Đại diện cho các doanh nghiệp, ông Đoàn Trọng Lý, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Aprocimex, cho rằng các gói giải pháp hiện nay "vẫn ở trên giấy và chưa vào cuộc sống". Theo ông Lý, các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn và vấp phải tình thế tiến thoái lưỡng nan. "Nhiều dự án rất thảm thương. Có dự án tôi biết giá trị tài sản 130 tỉ đồng nhưng chỉ vay được 30 tỉ. Giờ họ bán không được, cho thuê cũng không xong thì ai dám cho họ vay vốn", ông Lý lấy dẫn chứng.

VNE