Dệt may được gì trong TPP?

06:57 | 13/05/2015

1,826 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với việc thuế suất hàng hóa giữa các nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giảm hoặc về 0%, TPP được xem là “con đường” rộng nhất để hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường các nước thành viên.

Năng lượng Mới số 421

 Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, nguyên phụ liệu sản xuất hàng hóa phải chứng minh được các điều kiện về nguồn gốc xuất xứ ngặt nghèo. Và điều này thực sự đang là thách thức lớn đối với hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là ngành dệt may khi phần lớn nguyên, phụ liệu dùng trong lĩnh vực này đang được nhập khẩu và trong đó chủ yếu nhập khẩu từ các nước không thuộc TPP.  

Thời cơ vàng

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong những năm gần đây, dệt may là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng, phát triển nhanh nhất, bình quân khoảng 12-13%/năm. Đặc biệt, trong năm 2014, toàn ngành dệt may đã đạt kim ngạch xuất khẩu 24,5 tỉ USD, tăng trên 19% so với năm 2013, là mức tăng lớn nhất trong 3 năm gần đây. Trong khối các nước xuất khẩu dệt may, Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất.

Theo đánh giá được đưa ra trong báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2014, TPP được đánh giá là một hiệp định thương mại kiểu mẫu của thế kỷ XXI, có tính toàn diện và linh hoạt nhất từ trước đến nay. Ví như những lợi ích từ các hiệp định thương mại khác về cắt giảm thuế quan có thể bị vô hiệu hóa thông qua việc gia tăng các hàng rào phi thuế quan trong thương mại (những tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật…) nhằm bảo vệ các ngành sản xuất nội địa, giảm thiểu áp lực cạnh tranh từ bên ngoài. Hay như việc thỏa thuận mở cửa thị trường nhưng lại trợ cấp cho các doanh nghiệp nội địa… Nhưng ở TPP thì khác, việc các bên tham gia đàm phán đồng thời trên nhiều lĩnh vực cốt lõi sẽ giúp hạn chế tối thiểu những “trợ giúp” trên.

det may duoc gi trong tpp

Công nhân kiểm tra chất lượng xơ sợi tại PVTEX

Từ thực tế này, giới chuyên gia nhận định, khi TPP được triển khai, dệt may - một trong số những lĩnh vực cụ thể được các nước tham gia Hiệp định đưa ra đàm phán sẽ có nhiều cơ hội mở rộng, phát triển thị trường. Đặc biệt đối với một số thị trường xuất khẩu chủ chốt như Mỹ, Nhật Bản - những nước tham gia đàm phán TPP và hiện chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu dệt may vào thị trường Mỹ đã chạm mốc 10 tỉ USD vào năm 2014, còn với thị trường Nhật Bản, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may có kim ngạch lớn thứ hai, sau Trung Quốc.

Ông Lê Quốc Ân, cố vấn cao cấp của Hiệp hội Dệt may Việt Nam - Vitas, thành viên tham gia đàm phán TPP, khi trao đổi với báo chí về cơ hội của dệt may trong TPP đã cho rằng, Hiệp định TPP sẽ mang lại cho ngành dệt may Việt Nam cơ hội rất lớn ở các thị trường thuộc khu vực này, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Phân tích cụ thể hơn nhận định này, ông Ân cho hay: Hiện nay, mức thuế suất trung bình của 1.000 dòng thuế nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam vào Mỹ ở mức 17%, trong đó nhiều dòng sản phẩm phải chịu mức thuế cao trên 30%. Nếu được giảm hoặc miễn còn 0% thì dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn trước các nước xuất khẩu khác trong khu vực.

Trong một dẫn chiếu khác, theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên, TPP sẽ là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài và được mua nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước TPP với chi phí thấp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Với thuế suất nhập khẩu vào các nước bình quân hiện nay khoảng 15%... hàng dệt may Việt Nam đang phải nộp 1,8 tỉ USD tiền thuế nhập khẩu mỗi năm. Tuy nhiên, nếu thuế nhập khẩu được giảm về 0% thì các doanh nghiệp dệt may cũng sẽ được “chia” một phần trong giá trị tiền thuế được giảm. Giá trị tăng thêm đó, không những  góp phần cải thiện  hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người lao động mà còn là cơ hội để thị phần hàng dệt may Việt Nam tại các nước này tăng thêm, tạo thêm hàng triệu việc làm cho người lao động trong tương lai.

Nền kinh tế có được  thụ hưởng?

Như đã đề cập ở trên, dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn để mở rộng, phát triển thị trường. Cơ hội đó không chỉ đến từ TPP mà còn đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác như FTA giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan; FTA giữa Việt Nam-EU... tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2014 - Triển vọng 2015”, ông Lê Triệu Dũng - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) khẳng định: Các FTA “thế hệ mới” này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… giúp cho cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu cân bằng hơn và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.

Cơ hội cho dệt may là vậy nhưng theo PCI 2014, dệt may Việt Nam cũng sẽ phải đối diện với không ít thách thức, đặc biệt là câu chuyện lợi ích mà các nhà sản xuất có được. Đề cập tới câu chuyện này, các chuyên gia phân tích của PCI 2014 đặt vấn đề: Liệu các doanh nghiệp dệt may có được hưởng cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ TPP trong khi ngành này đang phụ thuộc vào nguyên liệu của một số nước khác không phải thành viên TPP không?

Thống kê của Vitas cho thấy, trong năm 2014, mặc dù đặt mức tăng trưởng ấn tượng lên tới 19%, đạt mức 24,5 tỉ USD xuất khẩu nhưng dệt may Việt Nam cũng phải nhập khẩu tới 15,5 tỉ USD nguyên, phụ liệu. Nhưng theo nguyên tắc, để được hưởng các ưu đãi thuế từ TPP, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam phải tuân thủ xuất xứ “từ sợi trở đi”, tức là từ sợi, vải, cắt - may tại các nước TPP. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu từ bên ngoài khối TPP như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, với khoảng 90% nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Đỗ Kiên - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần may Parosy, để hàng hóa lọt qua hàng rào kỹ thuật vào các nước là chuyện không hề đơn giản. Ví như Parosy, khi xuất khẩu hàng vào Nhật, sản phẩm bị kiểm định nghiêm ngặt bởi một công ty kiểm định độc lập, chỉ cần bị sót một cây kim trong sản phẩm sẽ bị phạt rất nặng, tới cả trăm ngàn USD, lô hàng còn bị trả về.

Nói như vậy để thấy rằng, dù thuế xuất hàng dệt may trong các nước tham gia TPP có giảm về 0% thì Việt Nam cũng khó được hưởng lợi gì. Vì vậy các doanh nghiệp dệt may cần thay đổi chiến lược kinh doanh, phát triển vùng nguyên liệu, sử dụng nguyên, phụ liệu trong nước như xơ, sợi của Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTEX) chẳng hạn. Đó mới là con đường của sự phát triển ổn định, bền vững và cũng chỉ như thế, những cơ hội từ TPP mới trở thành lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế!

Thanh Ngọc