Để thoái vốn, bán vốn qua sàn chứng khoán thành công

21:45 | 25/05/2015

771 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK, phóng viên đã ghi lại một số ý kiến của cơ quan quản lý, đại diện các doanh nghiệp xung quanh vấn đề này.

Năng lượng Mới số 419

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng:

Nâng hạng TTCK, đẩy mạnh cải cách để thu hút đầu tư

Thông qua TTCK, năm 2014, các DNNN đã tổ chức đấu giá, thoái vốn thành công trên 11,4 ngàn tỉ đồng, lớn gấp 8 lần so với năm 2013 và gấp 3 lần so với tổng cộng 3 năm trước đó. Sang năm 2015, quý I/2015, chúng ta cũng đã đấu giá, thoái vốn được hơn 1,2 ngàn tỉ đồng, tỷ lệ thành công khoảng 44%.

Để thoái vốn, bán vốn qua sàn chứng khoán thành công

Qua đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp sau CPH, thoái vốn, niêm yết trên TTCK từ năm 2011-2014, chúng tôi nhận thấy rất rõ một điều là hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn trước rất nhiều. Các công ty sau CPH, niêm yết trên TTCK thì tổng tài sản tăng bình quân mỗi năm khoảng 13%; vốn chủ sở hữu tăng bình quân mỗi năm 12%; lợi nhuận tăng bình quân mỗi năm 10%; còn doanh thu thì tăng bình quân 20%.

Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán đã trình Chính phủ sửa Nghị định 58 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có vấn đề thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài tốt hơn theo cam kết WTO và có những cam kết mạnh hơn trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thứ hai là bản thân các cơ chế của TTCK hoạt động bằng chính sách đối với dòng vốn nước ngoài thì chúng tôi cũng đang chủ trương nâng hạng TTCK, đẩy mạnh cải cách để thu hút dòng vốn nước ngoài.

Tại Hội nghị sơ kết công tác CPH 3 tháng đầu năm 2015, rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề đấu giá chọn lô, bán trọn lô chỉ định đã được đưa ra. Đây là vấn đề rất mới và tất cả đều cho rằng, cần phải có chính sách thu hút các đối tác chiến lược để có thay đổi về mặt quản trị, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sau CPH.

Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) Vũ Anh Minh:

Gắn trách nhiệm cá nhân với cổ phần hóa

Chúng tôi thấy rằng, chỉ khi chúng ta huy động được các nguồn lực từ xã hội vào thì mới thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp phát triển, kể cả những tổng công ty rất lớn của Bộ Giao thông Vận tải như Tổng Công ty Hàng không Việt Nam với quy mô vốn trên 11.000 tỉ đồng; Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam vốn trên 20.000 tỉ đồng... Đây đều là những doanh nghiệp lớn, quy mô nhưng nếu còn tiếp tục là DNNN thì vẫn còn có những hạn chế nhất định.

Để thoái vốn, bán vốn qua sàn chứng khoán thành công

Nhận thức rõ điều này và thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ Bộ Giao thông Vận tải, mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề CPH từ năm 2012. Và để cụ thể hóa nhiệm vụ này, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Nghị quyết của Ban Cán sự đảng về CPH và tiến hành triển khai đồng bộ tại tất cả các đơn vị. Nghị quyết nêu rõ nếu như đồng chí lãnh đạo các đơn vị mà không hoàn thành thực hiện cổ phần hóa thì điều chuyển công tác Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc. Ở đây, chúng tôi đã gắn chặt quyền lợi cá nhân với CPH vì nếu không gắn chặt quyền lợi cá nhân thì sẽ khó thực hiện thành công cổ phần hóa.

Cùng với việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp với CPH, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện tối đa cho các lãnh đạo doanh nghiệp dành thời gian, công sức cho công tác CPH, thoái vốn.

Chính nhờ những giải pháp quyết liệt như trên, đặc biệt là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với tinh thần chỉ đạo “lãnh đạo doanh nghiệp nào không hoàn thiện tiến độ CPH theo kế hoạch sẽ bị điều chuyển vị trí công tác”, CPH đã đạt được mục tiêu đề ra. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2013, 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã CPH được 97 doanh nghiệp, trở thành Bộ đi đầu trong việc thực hiện chủ trương CPH của Đảng, Chính phủ. Bước sang năm 2015, ngoài 15 doanh nghiệp được chuyển tiếp từ năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục CPH thêm 29 doanh nghiệp. Như vậy, kết thúc năm 2015, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ còn 16 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, còn lại, toàn bộ những doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa thì phải hoàn thành trong năm.

Phó tổng giám đốc SCIC Hoàng Nguyên Ngọc:

Bán đấu giá cổ phần nên bán trọn lô

SCIC đã thực hiện tiếp nhận vốn tại gần 1.000 doanh nghiệp và đến nay đã bán vốn tại 678 doanh nghiệp, thu được hơn 6.000 tỉ đồng, gấp 2,2 lần giá vốn. Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực như vậy nhưng trong quá trình bán, SCIC cũng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. SCIC đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận cho cơ chế trích ra 30% để bán đấu giá và lấy cái giá đó để bán cho người lao động hoặc bán cho nhà đầu tư chiến lược. Khi có cơ chế giá này, SCIC đã bán vốn, thoái vốn tại các doanh nghiệp rất tốt.

Để thoái vốn, bán vốn qua sàn chứng khoán thành công

Mặc dù cơ chế bán trọn lô chưa được thể hiện, chưa cho phép nhưng chúng tôi thấy cơ chế này rất hiệu quả vì trong quá trình bán vốn, có nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhà đầu tư muốn mua cả lô để sở hữu đến một tỷ lệ nào đó đủ để tham gia vào quá trình quản lý và tham gia vào các quyết định của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, nhà đầu tư thường trả giá rất cao, kể cả ở những công ty đã niêm yết.

Trước đây, khi chúng tôi bán lẻ cổ phần thì nó có chuyện nhà đầu tư đã sở hữu lớn rồi, họ chỉ cần mua thêm 1 vài phần trăm để sở hữu chi phối thôi thì phần còn lại, chúng tôi không bán được. Chính vì vậy, chúng tôi đã kiến nghị bán cả lô. Khi bán cả lô thì bán rất dễ, bán rất nhanh và hiệu quả cao. Nhưng khi đó thì lại phát sinh 2 vấn đề mà chúng tôi phải báo cáo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán cho phép triển khai. Bán cả lô công ty niêm yết, công ty đại chúng thì bắt buộc nhà đầu tư phải chào mua công khai, mà đã đấu giá mà lại ghi rõ giá của mình định mua thì sẽ lộ. Vậy nên, Ủy ban Chứng khoán đã cho phép chúng tôi cứ chào mua như bình thường nhưng riêng giá thì không ghi, đến phiên đấu giá thì mới ghi.

Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Hoàng Văn Thu:

Thay thế người đứng đầu nếu chậm cổ phần hóa

Công tác CPH thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực và tính riêng trong quý I/2015 đã có 27 DNNN thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu và thoái vốn thông qua 2 sở giao dịch chứng khoán, bằng 28% số lượng cả năm 2014. Tổng số lượng cổ phần chào bán trên 137,3 triệu cổ phần (bằng 10,4% cả năm 2014), trong đó số lượng cổ phần đã bán được trên 60,5 triệu cổ phần, chiếm 44% lượng cổ phần chào bán, thu được gần 1.251 tỉ đồng.

Để thoái vốn, bán vốn qua sàn chứng khoán thành công

Theo kế hoạch, năm 2015, cả nước phải tiến hành CPH 289 doanh nghiệp, chiếm 90% số lượng doanh nghiệp phải thực hiện CPH theo kế hoạch năm. Và để đạt được mục tiêu CPH, các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và sắp xếp đổi mới doanh nghiệp; rà soát bổ sung, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi. Ngoài ra, các trường hợp đơn vị cố tình trì hoãn lộ trình kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch thì phải kiên quyết xử lý nghiêm, thay thế người đứng đầu đơn vị.

Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP, ngày 20-7-2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có các quy định tuân thủ WTO, khẩn trương nâng hạng thị trường chứng khoán để thu hút dòng vốn nhiều hơn.

Thanh Ngọc