VBF 2014 cuối kỳ:

Chính phủ Việt Nam cam kết mạnh mẽ các khâu đột phá

14:00 | 02/12/2014

587 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 2/12 tại Hà Nội, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2014 – VBF 2014 đã chính thức khai mạc với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các hiệp định thương mại mới”. Đồng chủ trì cùng Ban điều hành Chương trình có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Mở đầu phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tái khẳng định, VBF là cơ chế đối thoại liên tục và chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, nhằm cải thiện các điều kiện kinh doanh cần thiết để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân, thuận lợi hóa môi trường đầu tư, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế bền vững.

Bộ trưởng Vinh cho biết, những nỗ lực cố gắng của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp (bao gồm: DNNN, doanh nghiệp FDI và DN tư nhân) đã khiến cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam có những bước cải thiện đáng kể.

“Mục tiêu tăng trưởng 5,8% của năm nay chắc chắn sẽ vượt, mức độ khó khăn của doanh nghiệp đang được phục hồi dần dần, công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế tạo đã có bước phát triển tốt, lạm phát năm nay sẽ dừng ở mức thấp. Năm 2014 sẽ làm một năm kết thúc tốt đẹp của nền kinh tế Việt Nam. Đây sẽ là bước đệm để Việt Nam có bước tiến xa hơn trong năm 2015” – Bộ trưởng Vinh chia sẻ.

Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Tấn Dũng (giữa) đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp 2014

Đại diện Ngân hàng thế giới tại Việt Nam - bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc quốc gia đánh giá cao những cố gắng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua và biểu hiện cụ thể cho việc này là xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đã được tăng trên trường quốc tế.

“Chủ đề của diễn đàn năng nay là các DN hướng đến các Hiệp định tự do nên câu hỏi là Việt Nam sẽ nắm bắt cơ hội từ các cơ hội hội nhập này như thế nào để làm bàn đạp cho bước phát triển trong thời gian tới?!”.

Đồng chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2014, bà Virginia Foote cũng cho rằng, thông qua VBF lần này chúng tôi đặc biệt hy vọng được hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong những vấn đề mà Chính phủ và cộng đồng DN trong và ngoài nước quan tâm:

Thứ nhất, cải cách thị trường tài chính chúng tôi rất mong được tham gia vào các giải pháp đẩy nhanh quá trình cải cách ngân hàng, với việc áp dụng các thông lệ tối ưu quốc tế về ngân hàng, cho vay, xử lý nợ xấu, thị trường tài chính, nợ công.

Thứ hai, hỗ trợ DN tận dụng được các lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam sẽ tham gia ký kết trong thời gian tới.

Thứ ba, phát triển lực lượng lao động - giáo dục đào tạo, tiền lương ngoài giờ và các vấn đề về giấy phép lao động.

Thứ tư, cải cách DNNN đẩy nhanh tiến độ CPH.

Thứ năm, cải cách thủ tục hành chính - có giải pháp hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả thủ tục ở tất cả các ngành lĩnh vực, đặc biệt trong vấn đề cấp phép.

Bà Virginia Foote cũng nhấn mạnh, giới doanh nghiệp mong muốn Chính phủ Việt Nam chú trọng hơn nữa vào vấn đề cải cách hành chính công hướng tới môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam cũng như tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng để các DN hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, phục vụ các ngành công nghiệp hỗ trợ mà Việt Nam đang rất cần.

“Chúng tôi sẽ trao đổi xem, làm thế nào để thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, chẳng hạn như yêu cầu về cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, nguồn điện, giao thông vận tải. Trên đây đều là những vấn đề quan trọng, cần được xem xét để đảm bảo Việt Nam có sự chuẩn bị tốt và tận dụng được một số hiệp định thương mị hiện đang được đàm phán ký kết”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2014 đang có những bước chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Số doanh nghiệp được thành lập mới trong 11 tháng đầu năm 2014 dù giảm về số lượng song tăng về quy mô vốn so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng đầu năm 2014, có khoảng 60.000 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể, hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký tăng khoảng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong trong 11 tháng, cả nước có khoảng 14.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, và con số này cũng đã tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2013.Quá trình thanh lọc, dù đau đớn, diễn ra trong vài năm trở lại đây, đã cho thấy chỉ những doanh nghiệp có năng lực quản trị và công nghệ tốt… mới có thể tồn tại và phát triển.

“Những con số trên cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn trong giai đoạn khó khăn. Tiếp sau những cải thiện tích cực về môi trường pháp lý, thủ tục hành chính, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang kỳ vọng sự đột phá lớn hơn của các cơ quan chính quyền trong thời gian tới”, ông Lộc đặt kỳ vọng lớn vào những động thái thay đổi tích cực.

Tại Diễn đàn này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn trước cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng kế hoạch 5 năm, và theo đó, Việt Nam kiên định nhất quán và quyết tâm xây dựng Việt Nam là đất nước xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập tự chủ, dân giàu nước mạnh, công bằng văn minh. Việt Nam sẽ là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia, đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cam kết, những ý kiến tại Diễn đàn sẽ được Chính phủ tiếp thu hợp lý để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thể chế luật pháp, cơ chế chính sách trong cơ chế quản lý điều hành của Chính phủ, nhằm sát với thực tế hơn, phù hợp hơn với tinh thần tạo mọi điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển, giúp kinh tế Việt Nam phát triển, các hai bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng nghiêm túc nhìn nhận rằng, những kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của Chính phủ cũng như của nhà đầu tư, đối tác. Chính phủ cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế xã hội.

Với tinh thần đó, trong năm 2015, Chính phủ sẽ tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, vững chắc hơn. Theo đó, tỷ giá, lãi suất sẽ được kiểm soát ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức 5%.

Thủ tướng cho biết, riêng trong năm 2014, dự kiến lạm phát Việt Nam sẽ chỉ dừng dưới 3%, song trong năm tới, mức lạm phát sẽ được đẩy lên 5 trong tầm kiểm soát để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách bảo đảm ở mức 5%, giảm từ 5,3% năm 2014.

Nợ công sẽ bảo đảm không vượt trần quy định an toàn và sẽ xử lý hiệu quả hơn, bảo đảm trả nợ đúng hạn, đầy đủ theo kế hoạch.

Trong năm 2014, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt trên 5,9% và sẽ được nâng lên mức 6,2% trong năm 2015 – đây là chỉ số tăng trưởng mà Chính phủ cho là khả thi. Chính phủ cũng đã đưa ra kế hoạch cho 5 năm 2016-2020 sẽ đạt mức tăng trưởng GDP bình quân ở mức 6,5%/năm.

Lê Tùng