Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh ngân hàng 2012 có đáng tin cậy?

23:24 | 15/09/2012

3,169 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 8/9/2012 vừa qua, 32 ngân hàng Việt Nam, trong đó có các ngân hàng lớn đã được Công ty Cổ phần Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (CRV) xếp hạng tín nhiệm.

Theo đó, 32 ngân hàng được phân thành 4 nhóm, cụ thể như sau:

Nhóm A (năng lực cạnh tranh tốt nhất thị trường) gồm: ACB, BIDV, DongA Bank, Eximbank, MB, Sacombank, Techcombank, Vietcombank và VietinBank.

Nhóm B (năng lực cạnh tranh khá) gồm: Bac A Bank, HDBank, Maritime Bank, OCB, Saigonbank, Southern Bank, PG Bank, VIB và VietABank.

Nhóm C (năng lực cạnh tranh trung bình) gồm: ABBank, Baoviet Bank, DaiABank, Habubank (vừa sáp nhập vào SHB), Kienlong Bank, MHB, NamABank, Navibank, OceanBank, SHB, VPBank.

Nhóm D (năng lực cạnh tranh hạn chế) gồm: MDB, VietBank và Wesrtern Bank.

Tiêu chí nào để xếp hạng năng lực cạnh tranh ngân hàng?

Căn cứ thông tin công bố của các tổ chức tín dụng (TCTD), tính đến cuối năm 2011 đã có trên 50 TCTD tại Việt Nam xây dựng được hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đánh giá khách hàng, đặc biệt là hệ thống xếp hạng tín nhiệm các TCTD khác làm cơ sở cho cấp hạn mức tín dụng liên ngân hàng (NH).

Nhìn chung, đa phần các TCTD đều xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá dựa trên ý kiến tư vấn của Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (E&Y), trong đó đề cập đến các yếu tố tài chính (hệ số an toàn vốn CAR, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, tỷ lệ nợ xấu, khả năng thanh khoản và các chỉ tiêu lợi nhuận…), các yếu tố phi tài chính và lịch sử giao dịch liên ngân hàng (bao gồm các thông tin về ban lãnh đạo, định hướng phát triển, cơ sở hạ tầng, tầm ảnh hưởng cũng như uy tín trong giao dịch….) với những tỷ lệ phù hợp.

Để thực hiện đánh giá, các TCTD thường mất nhiều công sức để thu thập báo cáo tài chính, thực hiện khảo sát và phỏng vấn nhân sự, thu thập thông tin khác từ nhiều nguồn khác nhau về các TCTD được đánh giá để có được cái nhìn chính xác và khách quan nhất, nhằm xếp hạng tín nhiệm một cách chính xác, làm cơ sở để giao dịch vốn một cách hiệu quả, an toàn.

Chính vì tầm quan trọng của công tác này, các TCTD đều có một bộ phận FI (Financial Institution) chuyên trách làm nhiệm vụ xếp hạng tín nhiệm và cấp hạn mức giao dịch với các TCTD khác. Công tác xếp hạng tín nhiệm thường kéo dài từ 1-4 tháng tùy số lượng khách hàng được thiết lập.

Ngay sau CRV công bố báo cáo của mình, chiều 10/9 thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, nhiều chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe, mức độ cạnh tranh của một TCTD như CAR, nợ xấu, hoạt động liên ngân hàng chỉ có NHNN mới có và NHNN chưa hề cung cấp cho CRV về những chỉ tiêu này.

Nhiều lãnh đạo các NH khi biết mình là đối tượng được đánh giá đã vô cùng ngạc nhiên khi chưa từng tiếp xúc hay trao đổi với CRV về các thông tin hoạt động của đơn vị mình, nhất là trong giai đoạn hệ thống NH đang có rất nhiều tin đồn không chính xác.

Đại diện một NH bị xếp trong nhóm C bức xúc: “Công ty CRV chưa từng trao đổi với chúng tôi về hoạt động của NH, vậy họ căn cứ vào đâu để đánh giá, hay là nghe những tin đồn thất thiệt tràn lan trên mạng Internet để đánh giá. Nếu thế thì thật nực cười!”. Cùng quan điểm đó, nhiều NH bị xếp ở nhóm thấp đều tỏ ra nghi ngờ tính chính xác, khách quan của bảng xếp hạng trên và cho biết sẽ yêu cầu NHNN hủy bỏ kết quả do CRV công bố.

Một chuyên gia trong lĩnh vực xếp hạng tín nhiệm cũng cho biết: Hiện tại, việc đánh giá các TCTD trong nước đang được thực hiện bởi NHNN hoặc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới như Moody, Ficth, S&P… Theo đó, các khách hàng, đối tác thường dựa vào đây để đặt quan hệ giao dịch. Tuy nhiên, không hiểu CRV vốn là công ty nhỏ, lại không có sự hỗ trợ thông tin từ cơ quan quản lý là NHNN, cũng không gặp gỡ trao đổi với đối tượng được đánh giá mà hằng năm lại công bố bảng xếp hạng thì quả là cách làm thiếu chuyên nghiệp, thông tin thu thập chắc chắn sẽ không đầy đủ, chính xác, do vậy kết quả không đáng tin cậy làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và khả năng hoạt động của các TCTD này. Mặt khác, những thông tin về năng lực cạnh tranh này có thể gây hiểu nhầm là đánh giá toàn diện về NH và làm nhiễu loạn thông tin trên thị trường.

Còn nhiều vấn đề cần giải quyết

Trước ý kiến của các bên, đại diện CRV cho biết, bảng công bố kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh các NH năm 2012 đã được tiến hành một cách độc lập, có tham khảo tiêu chuẩn đánh giá của nhiều tổ chức lớn, tuy nhiên, do nguồn thông tin thu thập không đầy đủ, cách nghiên cứu chưa phù hợp với hệ thống NH Việt Nam, chưa đủ thời gian thực hiện trao đổi khảo sát với các TCTD được đánh giá vì vậy các thông tin công bố CRV đã khuyến cáo chỉ mang tính chất tham khảo, chỉ phản ánh năng lực cạnh tranh trên thị trường, vì vậy mong muốn các độc giả có cái nhìn tích cực hơn về vấn đề này.

Tuy vậy, NH là một lĩnh vực khá nhạy cảm, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, vì vậy, mọi thông tin về hệ thống, mức độ tín nhiệm, kể cả mức độ cạnh tranh cần phải được tiến hành một cách thận trọng, trong đó phải tính đến mức độ ảnh hưởng đến thị trường và đối tượng được nghiên cứu. Ngoài ra, CRV cần chỉ rõ các tiêu chí hoặc phương pháp nghiên cứu, mục đích nghiên cứu để độc giả có cái nhìn chính xác hơn.

Còn nhớ, cuối năm 2010, hàng loạt các công ty chứng khoán thường có bản báo cáo dự đoán thị trường trước phiên giao dịch, các báo cáo này mặc dù được coi là “tham khảo” và “công ty không chịu trách nhiệm” nhưng đã khiến không ít nhà đầu tư điêu đứng, thị trường bị chi phối và kết quả là các công ty này đã phải xin lỗi, đồng thời ngừng phát đi thông điệp “định hướng thị trường” kiểu này.

Thực tế cho thấy, để “đụng” vào các thông tin vốn bí mật và nhạy cảm như sức khỏe các TCTD là việc không dễ dàng đối với các tổ chức tư nhân trong nước. Trước đây, VietnamCredit là tổ chức tư nhân độc lập đầu tiên của Việt Nam công bố xếp loại các NH (2009) - tuy nhiên sau đó đã bị phản bác dữ dội và hiện chưa có thêm bản xếp hạng nào.

Ngay cả các ông lớn như S&P, Moody khi đánh giá các NH Việt Nam cũng bị cho là còn nhiều vấn đề chưa hiểu về “đặc thù hoạt động” của NH Việt Nam. Còn với cơ quan chủ quản là NHNN hiện cũng mới đang xây dựng bản dự thảo về các tiêu chí để xếp hạng tín nhiệm các TCTD do E&Y tư vấn và cũng chưa thể tiến hành công bố hệ số tín nhiệm định kỳ hàng năm do nhiều vấn đề khác nhau.

Chính vì vậy, việc mạnh dạn công bố năm thứ 3 liên tiếp về báo cáo xếp hạng tín nhiệm và lần đầu tiêu đánh giá hệ số cạnh tranh của các NHTM cũng là điều đáng khen ngợi, khuyến khích cần làm để có thông tin đa chiều hơn về hệ thống cũng như sức khỏe các TCTD.

Tuy nhiên, để tránh sự phản đối của các TCTD hay sự không công nhận của NHNN, CRV hay các tổ chức độc lập khác cần thiết phải công bố hệ thống các tiêu chí đánh giá, phương pháp nghiên cứu của mình, đồng thời cần thiết phải trao đổi với NHNN để sử dụng các thông tin một cách hợp lý và tiến hành khảo sát, trao đổi cùng các TCTD để báo cáo có đầy đủ thông tin, phản ánh trung thực, khách quan tình trạng hoạt động của TCTD. Nếu thực hiện được như vậy, các báo cáo xếp hạng tín nhiệm sẽ là một kênh tham khảo quan trọng, hữu ích cho không chỉ các nhà đầu tư, các TCTD mà còn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước khi đánh giá về hệ thống các TCTD nước ta.

Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV) được thành lập từ 5/12/2006, hoạt động trong lĩnh vực đánh giá tín nhiệm độc lập, phân tích, đánh giá rủi ro, các nghiên cứu đầu tư và các dữ liệu về doanh nghiệp với khẩu hiệu: “Cùng tiếp cận giá trị thực của thông tin”.

CRV liên tiếp trong 3 năm, từ năm 2010 đến 2012 đã phát hành báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam, đặc biệt năm 2012 bổ sung chỉ số năng lực cạnh tranh các NHTM Việt Nam.

Thành Trung