“Cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? (Bài 4)

07:00 | 01/12/2014

919 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tiếng là phải gánh trên vai trọng trách chung tay đảm bảo an ninh năng lượng, là một trong các trụ cột của năng lượng Việt Nam, vậy mà ngành than vẫn lao đao ngay trên sàn đấu được coi là sân nhà.

>> “Cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? (Bài 3)

>> “Cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? (Bài 2)

>> “Cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? (Bài 1)

Năng lượng Mới số 378

Bài 4: Gỡ rào cản cho ngành than như thế nào đây?

Giá, thuế, phí - chuyện không cũ!

Thực ra, giá thành là câu chuyện không của riêng ai, của riêng ngành nghề và của bất cứ nền kinh tế nào. Đã là cơ chế thị trường hoặc được công nhận thị trường, thì hãy để chính thị trường định giá sản phẩm. Thời gian gần đây, khi nền kinh tế của Việt Nam dần được công nhận cơ chế thị trường, Chính phủ đã quyết định năng lượng sẽ là ngành nghề đầu tiên cần thị trường hóa theo quy luật. Động thái đó từng rất được các ngành kinh tế hân hoan đón nhận…

Tuy nhiên, khi thị trường khai thông, hội nhập quốc tế ngày càng gia tăng về không gian và thời, tốc độ triển khai chủ trương đó lại trở thành vấn đề lớn. Có xót xa không khi nhìn thấy một trong những nền công nghiệp có độ tuổi trên dưới trăm năm như ngành than, giờ phải quay quắt giật gấu vá vai để che chắn trước cơ chế thị trường? Giá than, dù đã tăng vào giữa năm 2013, vẫn chưa tiệm cận giá thành sản xuất, trong khi đủ mọi câu chuyện thuế, phí ập xuống đầu mỗi tấn than, từ khi tấn than đó còn chưa ra khỏi kho của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Dự án khai thác giếng đứng dưới mức -50m tại Công ty Than Hà Lầm TKV

Thực tế, câu chuyện làm sao để giá than bán ra bù được giá thành sản xuất, ngoài ra còn dư ít lãi để ngành than - khoáng sản tự tái đầu tư hoàn toàn không khó giải quyết. Với riêng ngành than, lâu nay họ vẫn muốn “thả” để được cạnh tranh sòng phẳng với các nguồn năng lượng khác trong nước, hay thậm chí cả nguồn than trên thế giới. Ai dám chắc giá than mang từ Quảng Ninh vào miền Nam Việt Nam lại rẻ hơn nhập khẩu từ Australia hay Indonesia!? Ngành than sản xuất cả trăm năm nay, họ có thừa kinh nghiệm, kỹ thuật và truyền thống để đưa giá than về mực hợp lý, thỏa mãn cả cho nền kinh tế lẫn xã hội.

Để giải thích cho thắc mắc này, cần có cái nhìn từ hai phía. Từ yếu tố khách quan, lâu nay hai nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là Indonesia và Australia vẫn có chủ trương ưu tiên xuất khẩu than (thuế xuất khẩu 0%) nhằm thu ngoại tệ về phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, để đánh giá giá than trong nước cao hay thấp, trước tiên phải xem xét cơ cấu giá thành than. Hiện tại, giá than được hình thành dựa trên chi phí khai thác + sàng tuyển, vận chuyển + thuế, phí (chi phí khai thác chiếm 80-82%; sàng tuyển, vận chuyển tiêu thụ 5-7%; thuế, phí 13% trong giá thành). Riêng đối với than xuất khẩu, giá thành còn cộng thêm 10% thuế GTGT không khấu trừ. Như vậy, ngoài yếu tố quản trị doanh nghiệp và quản trị kinh doanh, yếu tố thuế, phí đang “góp phần” không nhỏ vào việc đẩy giá than lên cao như hiện tại.

Ngành than Việt Nam đã khai thác trên 100 năm, khác với các nhà máy, xí nghiệp… cụ thể, đặc thù của khai thác mỏ là việc sản xuất kinh doanh không theo dây chuyền, mà chuyển dịch theo không gian và thời gian. Từ dầu khí đến than, khoáng sản… hết mỏ này, các ngành phải tính đến mỏ khác, vùng khai thác khác. Cụ thể, vỉa than Đông Bắc ngày xuống sâu hơn vào trong lòng đất, bóc đất, đào lò, cung độ vận chuyển tăng, áp lực mỏ lớn, khí, nước nhiều... làm cho chi phí thông gió, thoát nước, vận tải tăng cao. Các loại thuế phí trong giá thành hòn than gồm thuế tài nguyên 7-9%; Phí môi trường 10.000 đồng/tấn than nguyên khai, thuế môi trường 20.000 đồng/tấn (chiếm 2,5%; Tiền cấp quyền khai thác: 2%; Các loại thuế phí khác: 0,5%. Cộng than trong nước: 13% thuế trong giá thành; thuế GTGT: 10%. Đối với than xuất khẩu: giá thành còn cộng thêm 10% thuế GTGT đầu vào không khấu trừ thì tổng số thuế trong giá thành là 23% và thuế xuất khẩu than 10%.

Thuế chồng thuế, phí chồng thuế. Đồng ý là chính sách tài chính quốc gia cần thu đúng, thu đủ, thế nhưng chính sách đó cũng cần đảm bảo nuôi được nguồn thu cho ngân sách. Sự bền vững của đóng góp ngân sách (phí môi trường và thuế môi trường - vô lý) là điều cần được tính tới. Nhiều ý kiến cho rằng, riêng với chính sách tài chính, các cơ quan chức năng nên tham khảo thế giới như thế nào, vì đây là thị trường thông thương, xem vào từng thời điểm, họ ứng xử ra sao với công nghiệp khai khoáng nói chung. Nếu có thời điểm cao thì cũng phải có thời điểm thấp, thậm chí miễn hoặc đưa một số chỉ số về bằng 0 để doanh nghiệp còn tích lũy phục vụ tái đầu tư, hay đầu tư dự án mới. Hiện tại, tỷ suất đầu tư cho một mỏ than mới có công suất 1 triệu tấn/năm đã lên tới 200 triệu USD. Nếu ngành than không có tích lũy thì có nghĩa là họ tay trắng trước mỗi 1 dự án và phải đi vay từ đầu. Như vậy, hiệu quả kinh tế sẽ không cao (lãi ngân hàng) và tâm lý toàn ngành cũng không thể thoải mái như khi được tự chủ tài chính.

Cần phân tích thêm, về mặt chủ quan, lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước đang như thế nào, làm được những gì? Công nghệ kém, quản trị doanh nghiệp lạc hậu, quản trị kinh doanh cẩu thả hay sai phạm, tham nhũng… tất cả cần được xem xét cẩn trọng. Những yếu tố đó sẽ quyết định giá thành sản phẩm sau cùng của tấn than.

Có nhà máy cơ khí mà khóc ròng

Theo chiến lược phát triển quốc gia, đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong mục tiêu đó, cơ khí đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nước công nghiệp mà không có cơ khí thì GDP “cõng” cho nhà thầu nước ngoài xài, các doanh nghiệp phụ trợ và dịch vụ kỹ thuật trở thành thầu phụ trên “quê hương” mình. Vậy mà đang có những nghịch lý đang diễn ra ngay xung quanh chúng ta.

Theo Luật Đấu thầu hiện tại, bất cứ dự án nào sử dụng toàn bộ hoặc một phần ngân sách Nhà nước thì đều phải đấu thầu. Đúng là đấu thầu có thể làm giảm tham nhũng, tiêu cực cho đầu tư công… nhưng thực tế cho thấy, 50% các nhà thầu nước ngoài vẫn thông thầu như thường khi cần, thậm chí bỏ thầu thấp và cố tình làm chậm tiến độ để xin điều chỉnh dự án. Cuối cùng, giá trị thật của các công trình lại bị đặt dấu hỏi và trở thành đề tài bàn tán bên lề. Rất bất lợi cho những ngành công nghiệp đang ngày đêm cống hiến cho đất nước này.

Để trúng thầu, các doanh nghiệp dự thầu phải thỏa mãn các tiêu chí của chủ đầu tư, từ năng lực tài chính, kinh nghiệm đến năng lực kỹ thuật, quản lý dự án. Nói nôm na, các ngành kỹ thuật trong nền kinh tế thị trường cũng như thể thao vậy. Phải được cọ xát, phải có đất diễn, phải có cơ hội thi đấu mới. Có lẽ đã đến lúc hệ thống chính trị cần căn chỉnh lại tư duy thống nhất cho các cấp thực hiện - là phải ưu tiên sử dụng dịch vụ trong nước. Cái gì trong nước làm được, không kể tư nhân hay doanh nghiệp Nhà nước làm được thì để trong nước làm. Các cơ quan chức năng phải kiểm soát, nâng đỡ để doanh nghiệp Việt Nam đứng vững ngày trên thị trường nội địa, từ đó đẩy chất lượng lên. Nếu không cho nhà thầu Việt Nam đứng ra đảm nhận các công trình, dự án lớn thì bao giờ họ mới có kinh nghiệm để… dự thầu?

Liên quan đến công tác đấu thầu, nhiều chuyên gia cho rằng, hãy giành quyền đấu thầu hay không đấu thầu cho chủ đầu tư. Phải để cho doanh nghiệp tự làm, tự chịu trách nhiệm. Làm kinh doanh, cái gì có lợi về thuế, phí, về thời gian thì để doanh nghiệp tự làm. Vai trò chủ đầu tư là quan trọng nhất trong quản lý, triển khai dự án. Một số tập đoàn kinh tế hiện tại đều có các đơn vị kỹ thuật, dịch vụ kỹ thuật đầy đủ năng lực làm tổng thầu, lại do công ty mẹ sở hữu 100% hoặc giành quyền chi phối). Tuy nhiên, khi Tập đoàn được giao làm chủ đầu tư thì những doanh nghiệp con kia không được nhận thầu, dù được cấp giấy phép để đảm nhận dịch vụ kỹ thuật đó. Công ty mẹ mở thầu và với kinh nghiệm còn hạn chế, chả mấy công ty con trúng nổi thầu nếu cứ chiểu theo luật định hiện hành.

Đơn cử ngành cơ khí và câu chuyện tháp giếng của mỏ than Mông Dương. Lâu nay, nhiều người nhầm tưởng, giếng đứng Mông Dương vốn do Liên Xô giúp ta xây dựng từ A đến Z (thiết kế, đầu tư thiết bị, thi công…). Thực tế không hoàn toàn như vậy! Toàn bộ các hạng mục công trình dưới hầm lò và trên mặt đất, kể cả tháp giếng - một trong những hạng mục khó khăn phức tạp nhất - khi khôi phục mỏ (thập niên 60, 70 của thế kỷ trước) đều do công nhân Xí nghiệp Xây lắp mỏ Mông Dương đảm nhận. Giếng chính do người Pháp đào và khai thác, bỏ hoang lâu ngày, lúc này ngập nước, cây cối um tùm. Việc khôi phục giếng cực kỳ phức tạp. Ngay cả đoàn cán bộ thực tập sinh sang Liên Xô chỉ thực tập xây dựng mỏ bằng giếng đứng, không thực tập cải tạo giếng cũ như thế này.

Việc đào giếng phụ cũng là công việc mới mẻ và phức tạp. Giếng chính được cải tạo theo các công đoạn bơm nước, cắt, phá bỏ toàn bộ hệ thống thiết bị của giếng cũ, chỉ sử dụng vỏ giếng; lắp đặt lại hệ thống thiết bị mới. Các công đoạn đều rất nguy hiểm, bởi giếng bỏ hoang lâu ngày, nguy cơ khí độc, nổ khí, bục nước v.v... có thể xảy ra. Việc bơm nước, phải sử dụng máy bơm công suất lớn nhưng không thể đặt máy bơm trên miệng giếng để bơm như giếng nước ăn, mà phải bơm nước thông qua lỗ khoan đường kính lớn, song song với giếng chính. Bây giờ, việc khoan những lỗ khoan đường kính lớn không mấy khó khăn, nhưng ngày đó, để khoan lỗ khoan sâu tới -97,5m, là một thành công lớn. Công đoạn cắt bỏ, phá dỡ thiết bị cũ, lắp đặt thiết bị mới trong lòng giếng, lắp đặt tháp giếng cũng rất phức tạp.

Bốc xúc đất đá tại mỏ than Đèo Nai, Cẩm Phả

Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch HĐQT TKV cho rằng, các chủ đầu tư chỉ cần áp dụng Luật Đấu thầu khi cần thiết (mua từng phần của thiết bị chính) chứ dự án lớn hoàn toàn không cần đấu thầu. Rất nhiều doanh nghiệp trong nước có năng lực quản trị dự và họ cần được trao nhiều hơn cơ hội ngay trên đất nước của mình. “Bây giờ chưa làm được vì họ ít cơ hội làm những dự án lớn. Nhưng 5 năm, 10 năm nữa chúng ta sẽ làm được. Quá trình đó cần được nâng đỡ giám sát và tham mưu của các cấp lãnh đạo. Trước đây và bây giờ, chúng ta luôn có đủ công cụ trong tay để kiểm soát tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư. Đó là đơn giá, là dự toán, là thanh giám sát hằng ngày” ông Kiển khẳng định. “Vậy thì chẳng có nghĩa lý gì chúng ta không mạnh dạn trao quyền tổng thầu cho các doanh nghiệp Nhà nước cả. Tùy hạng mục, tùy gói mà chủ đầu tư mở thầu thôi!”.

Gần đây, các doanh nghiệp trong nước cứ “điếng người” vì liên tục nhận trái đắng “thua thiệt” ngay chính trên sân nhà. Việt Nam có tiềm năng vô cùng lớn trên thị trường cung cấp thiết bị cơ khí cho các nhà máy thủy điện, nhiệt điện và nhiều dự án sản xuất công nghiệp… nhưng hầu như mất trắng cho các nhà thầu ngoại đến từ Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Nhưng nhận thức là một chuyện, còn làm gì để cải thiện tình hình lại là chuyện không hề đơn giản. Hiện ngành cơ khí nội địa mới chỉ “được” đáp ứng được 38% nhu cầu về thiết bị cơ khí trong nước; phần còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu dù họ hoàn toàn có đủ năng lực sản xuất. Cùng với những lỏng lẻo trong hợp tác, các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cũng sẽ chỉ là người đi làm thuê cho các ông chủ ngoại nếu như không phấn đấu để có thể tự làm chủ trong khâu thiết kế chế tạo. Đây cũng chính là điểm yếu nhất của ngành cơ khí trong nước hiện nay.

Chia nhỏ mỏ để cấp nhiều giấy phép?

Tại một Hội nghị về khai khoáng được tổ chức quy mô tại Hà Nội mới đây, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương có đặt vấn đề xung quanh hiện tượng cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường và cả một số địa phương. Nếu điều này là có thật thì việc cấp phép đó đang đi ngược lại chủ trương chế biến sâu khoáng sản, cấm xuất khẩu quặng thô của Chính phủ.

TS Doanh chia sẻ, công nghiệp khai khoáng của Việt Nam đang nảy sinh nhiều vấn đề. Ví như số giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp thì ít mà số giấy phép do các tỉnh cấp thì lại quá nhiều, chiếm tới hơn 80% số giấy phép. Có tỉnh cấp tới hơn 200 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng rồi thu ngân sách lại không đủ để nuôi bộ máy quản lý, thanh tra hoạt động khai thác khoáng sản. Còn có tỉnh khác cấp cho doanh nghiệp tư nhân khai thác mỏ, thì doanh nghiệp ấy dùng xe đến 40 tấn, chạy không theo lộ trình nào cả, phá nát tất cả đường sá, gây ô nhiễm môi trường... thu tiền về túi và than phiền là không đủ tiền để mà xây hoàn trả? Đây là điều hết sức phi lý. Một điểm nữa, trong khi nguồn thu từ khai thác khoáng sản (doanh nghiệp tư nhân) còn thấp, nhiều doanh nghiệp nói họ còn phải mất rất nhiều phí mới tiếp cận được đến hồ sơ. Rồi hồ sơ đó có đáng tin cậy hay không, rồi thì nộp lệ phí để được khai thác mỏ... và sau đó là phí tài nguyên môi trường, phí hoàn thổ... Chính vì vậy, trong nhiều trường hợp, khai thác tài nguyên khoáng sản trở thành gánh nặng với dân cư ở nơi đó.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do chúng ta chưa có sự công khai, minh bạch và chưa nghiêm túc trong việc thực thi luật pháp cũng như chưa đảm bảo được việc tài nguyên là tài sản của toàn dân ghi trong Hiến pháp. Trong khi đó, trên thế giới, người ta có sáng kiến về minh bạch trong khai thác khoáng sản. Bạn có quy trình, có tiêu chí, bạn yêu cầu tất cả mọi thông tin phải được công khai. Còn ở Việt Nam, đến bây giờ chúng ta vẫn chưa công khai nên giờ là tự khai, tự nộp và nộp thì lại nộp bằng tiền mặt.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phải xem xét một cách nghiêm túc việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương trong quản lý, khai thác khoáng sản. Ở đây, TS Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải bắt đầu từ khâu đánh giá tài nguyên và quản lý, bởi qua nhiều thông tin, ông biết có hiện tượng địa phương cắt nhỏ các mỏ ra, sau đó lý luận đó là quyền theo phân cấp. Chính vì vậy mới có hiện tượng hết sức đáng nghi ngại là có tỉnh đã cấp tới 200 giấy phép khai thác mỏ. Trong khi đó, năng lực quản lý của các cơ quan ấy lại rất thấp, đặc biệt có khi thu ngân sách từ các mỏ đấy lại không đủ để nuôi bộ máy ấy... chứ đừng nói gì đến chuyện đóng góp cho xây dựng hạ tầng xã hội.

Một chuyên gia về khai khoáng bật mí, để chế biến sâu, doanh nghiệp phải nhận được mỏ đủ trữ lượng, đủ chiều dài dự án. Mỏ mà nhỏ, chủ chỉ cần đầu tư ít và dĩ nhiên họ không quan tâm đến chế biến sâu. Mà nói chính xác, doanh nghiệp nhỏ cũng không có chuyên môn khai khoáng để hoàn thiện một chu trình khép kín như thế… Họ phải xuất khẩu thô để thu tiền về thôi?! Điều đó đi ngược lại quy định của Chính phủ là phải chế biến sâu khoáng sản, cấm xuất khẩu quặng thô.

Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường không cấp phép thăm dò tài nguyên khoáng sản cho một doanh nghiệp quá diện tích 50km2. Việc cấp phép có đi ngược lại chỉ đạo của Chính phủ hay không xin để lại câu hỏi cho các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tham mưu. Chỉ biết rằng, nhiều doanh nghiệp Nhà nước trong công nghiệp khai khoáng đang bị “nện” oan hằng ngày vì những cách thức điều hành oái oăm như thế này.

Tùng Long