Cải cách doanh nghiệp Nhà nước: Mệnh lệnh cho sự phát triển

07:00 | 17/03/2015

1,271 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo nhận định của giới chuyên gia đưa ra tại hội thảo “Vai trò mới của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế - kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam”, Việt Nam đang đi đúng hướng trên con đường cải cách DNNN nhưng kết quả còn khiêm tốn. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, Việt Nam cần phải đẩy nhanh quá trình này. Cải cách DNNN cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa từ các cấp chính quyền địa phương và phải đi vào thực chất, tránh hình thức.

Năng lượng Mới số 403

Câu chuyện của Bộ trưởng

Tái cấu trúc DNNN là mệnh lệnh cho sự phát triển và điều này đã được khẳng định trong Kết luận Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI khi xác định đây là 1 trong 3 trọng tâm nhằm thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Thông tin tại hội thảo trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, trong 20 năm qua, Việt Nam đã tiến hành cải cách DNNN rất quyết liệt. Số lượng DNNN những năm 90 của thế kỷ XX là 12.000 DN thì nay con số này là 5.600 DN. Trong số này có 800 DN là 100% vốn Nhà nước, còn lại đã tiến hành cổ phần hóa ở các mức độ khác nhau. Mặc dù số lượng DNNN đã giảm nhiều nhưng hiện vẫn đang được giao quản lý một khối lượng tài sản hết sức lớn, trên 3 triệu tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 1,1 triệu đồng. DNNN đã tham gia, chi phối nhiều ngành, nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và dù chỉ chiếm 1% tổng số DN cả nước nhưng lại đóng góp tới 90% dịch vụ viễn thông, 56% dịch vụ tài chính...

DNNN đang có những đóng góp hết sức quan trọng vào nền kinh tế nhưng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiệu quả hoạt động của DNNN, nhất là DN 100% vốn Nhà nước vẫn còn nhiều tranh cãi. Cải cách DNNN tuy được chú trọng nhưng lại chưa đi vào thực chất. Cổ phần hóa nhìn vào số lượng thì thành công nhưng đi sau thì thấy có vấn đề. Tỷ trọng cổ phần hóa cao nhưng tỷ lệ lại thấp, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có khi cổ phần hóa có 5%.

“Nếu chỉ cổ phần hóa vậy đã xem là đã cổ phần thì không có gì thay đổi. Bộ máy xét duyệt như cũ. Vấn đề quản trị DN cũng vậy, cổ phần là để thay đổi quản trị theo hướng hiện đại nhưng 90% cổ phần vẫn là Nhà nước thì không thay đổi gì cả. Nói đổi mới, cổ phần hóa thì phải đi vào thực chất, làm sao có nhiều cổ đông và có vai trò để thay đổi quản trị và chất lượng DN, mới có hiệu quả” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Từ đó, Bộ trưởng đặt vấn đề: Chúng ta nói thay đổi sở hữu Nhà nước trong một số lĩnh vực, lĩnh vực nào chiếm đa số, lĩnh vực nào chiếm dưới 50%, để thu lại vào các lĩnh vực then chốt nhất, mà ở nơi đó thị trường thất bại, cần Nhà nước để nâng cao hiệu quả nhất thì phải xem xét lĩnh vực nào, liều lượng đến đâu. Rồi làm thế nào nâng cao hiệu quả cổ phần hóa, vai trò của Nhà nước đối với các DN này như thế nào. Chính phủ tạo dựng môi trường cho DN và người dân hoạt động theo pháp luật như thế nào…

Trao đổi xung quanh vấn đề này, bà Fale Maly - Văn phòng Tony Blair (OTB) cho rằng, trong thực hiện cổ phần hóa DNNN, điều quan trọng là Việt Nam cần làm rõ các mục tiêu đối với sở hữu Nhà nước và xây dựng lộ trình vững chắc để cải cách khu vực kinh tế Nhà nước, cũng như xây dựng các công cụ và cơ chế thích hợp để thực hiện lộ trình này. Hiện tại, trong một số trường hợp, cổ phần hóa DNNN ở Việt Nam chủ yếu là một phương thức để huy động vốn cho các DN, chứ không phải hướng đến giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước hay thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển.

Còn theo TS Trần Đình Thiên, muốn cải cách DNNN tốt thì phải tạo ra được lực lượng tư nhân tốt. Tất nhiên, cải cách DNNN giúp tạo ra lực lượng tư nhân tốt, nhưng muốn cải cách tốt, thì cũng phải có lực lượng tư nhân đủ mạnh để thay thế. Nếu không, sẽ có thời điểm chúng ta rơi vào khoảng không, hụt hẫng.

Và câu chuyện của ông Tony Blair

Tham dự hội thảo “Vai trò mới của DNNN trong nền kinh tế - kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam” với vai trò đồng chủ trì, cựu Thủ tướng Anh đánh giá cao những kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới nền kinh tế. Đồng thời, với 10 năm kinh nghiệm làm Thủ tướng tại một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, ông đã chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Việt Nam gặp phải trong quá trình đổi mới này. Vấn đề của Việt Nam bây giờ là tiếp tục phát huy đổi mới thế nào để tạo ra thịnh vượng, có nhiều cơ hội hơn nữa trong những năm tới.

“Việt Nam đang hoàn thiện các FTA mới và đây chính là cơ hội để các DN phát triển. Tuy nhiên, để DN tiếp cận tốt nhất những cơ hội này thì kinh nghiệm cho thấy, phải tiến hành đổi mới, cải cách, tư nhân hóa DNNN. Tất nhiên, không phải mọi tư nhân đều hiệu quả, không phải luôn làm vậy là tốt nhất nhưng nhìn chung, nếu học được cách tư nhân hóa tốt nhất sẽ là hiệu quả” - ông Tony Blair đưa quan điểm.

Nói về những khó khăn, thách thức mà nước Anh đã trải qua trong quá trình cải cách, đổi mới DNNN, ông Tony Blair cho hay: Tất cả thay đổi đều khó khăn cả vì khi thay đổi một hệ thống bao giờ cũng có người không thích sự thay đổi đó. Có người tin rằng, nếu họ làm việc cho DNNN sẽ ổn định và yên ổn hơn. Nhưng rồi, qua thời gian, đổi mới đã tạo ra được lợi ích lớn hơn và sự phản kháng bắt đầu thay đổi. Để rồi qua 30 năm cải cách, nước Anh đã thu hút được rất nhiều FDI, nền kinh tế ngày càng phát triển và ổn định. Ngành công nghiệp xe hơi Anh thay đổi không phải do người Anh mà do người Nhật. Nissan mở nhà máy ở Anh và đã làm thay đổi hoàn toàn nền công nghiệp ôtô nước Anh. Họ đưa ý tưởng mới, quản lý mới, cuối cùng người Anh phải học hỏi và giờ lại thành công. Chắc chắn ngành công nghiệp xe hơi Anh không thể thành công như bây giờ nếu người Nhật không vào. DNNN bản thân nó không thể tự tạo ra thay đổi được, phải có PPP, FDI, cả gói đó mới tạo ra thay đổi được. Nhưng quan trọng là vai trò của DNNN vẫn giữ trung tâm.

Nói như vậy để thấy rằng, cải cách, đổi mới DNNN là một trong những yêu cầu tất yếu đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của nền kinh tế, và nó là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường. Điều này cũng được Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: Đổi mới là tất yếu và thường xuyên. Nó giống như một cơ thể thì có tế bào mới sinh ra và tế bào chết đi. Nếu có sự phản biện thì ta đang có đổi mới, chứ đưa ra ai cũng gật thì không có gì thay đổi lớn cho đất nước.

Việt Nam bắt đầu hợp tác với OTB từ năm 2012. Năm 2014, sau quá trình thảo luận, khảo sát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và OTB đã ký kết hợp tác. Theo đó, từ tháng 4-2014 tới 4-2015, OTB sẽ tập trung nghiên cứu 3 mảng chính là hợp tác nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế và đặc thù của Việt Nam trong cải cách DNNN; xây dựng khung pháp lý và mô hình cho đối tác PPP; hợp tác trong nâng cao, cải thiện chất lượng thu hút FDI vào Việt Nam theo kinh nghiệm quốc tế và thực tế Việt Nam.


Thanh Ngọc