"Vòng kim cô" cho thị trường sữa

06:35 | 08/06/2014

1,583 lượt xem
|
Bộ Tài chính vừa tổ chức họp báo để công bố cách thức tính giá trần đối với các sản phẩm sữa thuộc 25 loại sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi cũng như những loại không nằm trong danh mục này. Có thể nói đây là câu trả lời cho những thắc mắc của một số doanh nghiệp về việc áp giá trần, đặc biệt là những doanh nghiệp bị thanh tra trong thời gian vừa qua do tăng giá bất hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng với công thức tính như vậy thì đó sẽ là “Vòng kim cô” không những ổn định thị trường sữa mà còn hạn chế sự tung hoành của các doanh nghiệp.

Năng lượng Mới số 327

“Dọa” ngừng kinh doanh

Ngay sau khi mức giá trần đối với 25 loại sữa của 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất được Bộ Tài chính công bố thấp hơn so với giá hiện hành, một số doanh nghiệp đã phản ứng trên cơ sở: Nếu thực hiện đúng mức giá trần này, họ sẽ bị lỗ. Như bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamlilk), nơi có 5 sản phẩm bị áp giá trần khẳng định: “Nếu điều chỉnh đúng với giá trần, các mặt hàng của doanh nghiệp phải giảm trung bình khoảng 21%. Như vậy, chắc chắn doanh nghiệp sẽ lỗ nặng, bởi làm gì có mặt hàng nào bây giờ kinh doanh mà lãi tới hơn 20%”.

Còn ông Vũ Quốc Tuấn, Giám đốc đối ngoại của Công ty TNHH Nestle Việt Nam cũng bất đồng tương tự. Bà Gift Samabhandhu, Tổng giám đốc Mead Johnson Nutrition Việt Nam cho rằng: Mức áp trần giá sữa như vậy sẽ tạo ra gánh nặng đáng kể cho những người bán buôn, bán lẻ và siêu thị. Bởi những nhà phân phối ấy đang ôm một lượng hàng lớn với mức giá tại thời điểm chưa áp giá trần. Bây giờ nếu thực hiện chính sách mới, đồng nghĩa với việc họ phải bán lỗ số sản phẩm đã “ôm” đó. Đồng quan điểm với các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu sữa trên đây, nhiều doanh nghiệp sữa khác mặc dù không có sản phẩm nằm trong danh mục bị áp giá trần cũng chưa thống nhất với cách tính giá trần. Thậm chí họ đã có những suy nghĩ cực đoan khi nhận định nếu áp giá trần như Bộ Tài chính quy định đối với 25 sản phẩm nằm trong danh mục, doanh nghiệp sẽ ngưng kinh doanh các mặt hàng đó. Như vậy, những loại sữa không nhập khẩu chính thống sẽ “lên ngôi”.

Tuy nhiên, sự phản ứng của các doanh nghiệp sữa không phải là điều khó lường trước. Phân tích như PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia về giá rằng: “Giảm lợi nhuận của doanh nghiệp thì họ phản ứng là điều đương nhiên”. Song cũng phải hiểu một điều, không phải vô cớ mà cơ quan quản lý buộc áp giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, đặc biệt là sau đợt thanh tra 5 doanh nghiệp sữa lớn nhất thị trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng đã công bố những sai phạm cơ bản của các doanh nghiệp bị thanh tra trên Đài Truyền hình Việt Nam: “Thanh tra trong năm 2013 và 3 tháng đầu năm thì chúng tôi phát hiện những yếu tố bất hợp lý về giá cả, chi phí sản phẩm. Cụ thể như chi phí quảng cáo, khuyến mãi và tiếp thị lên đến gần 400 tỉ đồng”. Và tất nhiên khoản tiền này không “đổ vào đầu” ai  khác ngoài chính người tiêu dùng. Họ phải “gánh” tất cả những khoản chi phí vô lý của các doanh nghiệp bằng việc phải rút hầu bao mua sản phẩm sữa cao gấp nhiều lần so với các quốc gia khác, trong khi Việt Nam lại là nước nghèo. Đó là điều không thể chấp nhận được ở các doanh nghiệp sữa!

Bắt đầu từ tháng 6, thực hiện áp giá trần với sữa

Một biện pháp đúng

PGS.TS Ngô Trí Long phân tích: “Nếu các doanh nghiệp niêm yết giá bán hợp lý thì cơ quan quản lý không cần áp giá trần! Áp giá trần là một biện pháp đúng và rất cần thiết của cơ quan chức năng. Bởi trước đây, việc tăng giá như “đến hẹn lại lên” cứ tăng vùn vụt, thậm chí trong thời gian ngắn, như chỉ riêng năm ngoái tăng tới 7 lần và 30 lần trong 3 năm qua. Mà tăng một cách vô lý chứ không phải dựa trên cơ sở khách quan nên dẫn đến có vô số bất hợp lý trên thị trường sữa. Qua đợt thanh tra vừa rồi, cơ quan quản lý có thể nhận thấy lợi nhuận của doanh nghiệp rất cao, trong khi có nhiều chi phí bất hợp lý, điển hình như tiền quảng cáo, tiếp thị… Đó là những lý do để Bộ Tài chính đưa ra mức giá trần như vậy…”. Ông Long khẳng định tiếp: “Áp mức thấp, buộc doanh nghiệp phải giảm chi phí để hạ giá thành”.

Theo cách tính của Bộ Tài chính thì mức trần của giá sữa được chia thành 2 loại theo hình thức kinh doanh là bán buôn và bán lẻ. Trong đó, giá bán lẻ (tối đa) được xác định trên cơ sở tổng cộng các loại phí gồm: giá bán buôn (tối đa), phí nhập khẩu, cùng một số chi phí khác được Bộ Tài chính quy định rõ ràng. Tuy nhiên, mức giá bán lẻ không được vượt quá 15% giá bán buôn. Tỷ lệ tối đa này cũng chỉ là dành cho trường hợp lưu thông sản phẩm tới địa điểm xa nhất, chi phí phát sinh cao nhất. Trong trường hợp, giá bán lẻ vượt quá mức quy định 15%, doanh nghiệp phải giải trình và xác định lại giá bán lẻ. Nếu không giải trình được (sau 3 lần) hoặc không giải trình thì mức giá bán lẻ tối đa sẽ do cơ quan có thẩm quyền quản lý giá xác định.

Giá bán buôn thì cách tính phức tạp hơn do phải dựa trên danh mục 25 loại sữa được Bộ Tài chính chọn ra trong số các sản phẩm của 5 doanh nghiệp bị thanh tra vừa qua để áp giá trần như: Dielac Alpha 123 HT, Friso Gold 1, Friso Gold 2, Nan Pro 3 LEB047, Lactogen 3, Enfagrow A+1, Abbott Grow 3… Trên cơ sở giá trần này, đối với các sản phẩm sữa còn lại của 5 doanh nghiệp ấy được tính bằng cách: lựa chọn sản phẩm tương đương nhất về mẫu mã, chất lượng (các chỉ số dinh dưỡng), trọng lượng với sản phẩm có trong danh  mục rồi xác định tương quan giá giữa 2 sản phẩm để từ đó tính giá bán buôn tối đa cho sản phẩm cần xác định. Sự tương quan về giá ấy tất nhiên dựa vào thông tin thị trường mà doanh nghiệp theo dõi hoặc các thông tin cần thiết khác (nếu có). Trong trường hợp sản phẩm cần tính giá có thay đổi về trọng lượng so với sản phẩm “chuẩn” trong danh mục thì giá bán buôn lại được tính theo công thức khác mà bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan chức năng.

Đối với các loại sữa của những doanh nghiệp không có sản phẩm thuộc danh mục 25 sản phẩm áp giá trần, cách tính giá bán buôn tối đa cũng thực hiện tương tự, nghĩa là cũng lựa chọn một sản phẩm gần nhất về trọng lượng, chất lượng, phương thức đóng gói… với sản phẩm có trong danh mục rồi lấy đó là sản phẩm chuẩn để không những tính giá bán buôn tối đa cho nó mà còn tính cho các sản phẩm còn lại theo công thức cơ bản: xác định mức độ tương quan về giá giữa các sản phẩm để trên cơ sở đó tính giá riêng cho từng sản phẩm.

Đến trung tuần tháng 6 này, cách thức tính giá bán buôn và bán lẻ trên đây bắt đầu được thực hiện. Theo đánh giá khách quan của các chuyên gia kinh tế thì phương thức bình ổn giá này sẽ đáp ứng đúng mục tiêu nó đề ra nhưng cùng với đó phải là các biện pháp quản lý phối hợp được thực hiện chặt chẽ như: kê khai, đăng ký giá, thanh tra, giám sát… Hy vọng đó thực sự sẽ là “vòng kim cô” đối với thị trường sữa vốn “vô tiền khoáng hậu” bấy lâu nay!

Xuân Bách