Vì sao giá xăng tăng vọt 2 phiên liên tiếp?

07:00 | 22/05/2015

1,697 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đúng với dự đoán của các chuyên gia kinh tế, ngay sau chu kỳ điều hành giá xăng dầu trong 15 ngày vừa qua (từ ngày 5- 20/5), giá xăng dầu trong nước đã tăng vọt từ 1.000 - 1.200 đồng/lít. Từ những nguyên nhân khách quan do biến động thị trường xăng dầu thế giới, nguy cơ vỡ Quỹ bình ổn giá nên giá xăng dầu tăng vọt 2 phiên liên tiếp là điều bắt buộc.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương thì nửa tháng qua, tại Singapore, thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của Việt Nam, giá xăng bán ra liên tục trong nhiều phiên giữ trên mức 80 USD/thùng. Mức giá này đều cao hơn giá bình quân của 15 ngày trước đó để tính giá cơ sở và điều chỉnh giá bán lẻ đã điều chỉnh giá xăng dầu trong phiên trước (5/5).

Niêm yết giá xăng mới vào chiều tối 20/5/2015.

Mặt khác, thị trường xăng dầu giao ngay thế giới giá dầu thô cũng liên tục có những đợt tăng xoay quanh mốc 60 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 16/5, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 6/2015 trên sàn Nymex New York ở mốc 59,43 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 6/2015 trên sàn ICE Futures Europe London là 66,27 USD/thùng. Còn giá xăng RBOB giao tháng 6/2015 trên sàn Nymex là 2,0411 USD/gallon, giá dầu diezel giao tháng 6/20151 cũng gần 2.000 USD/gallon.

Với diễn biến về giá nhiên liệu trên thị trường thế giới như vậy, dù được trích quỹ bình ổn gần 1.500 đồng/lít (phiên điều chỉnh ngày 5/5) nhưng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng họ vẫn đang phải bù lỗ từ 300 – 400 đồng/lít xăng dầu.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thì việc giá thế giới tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, giá xăng dầu bán lẻ sẽ phải điều chỉnh tăng trong bối cảnh quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dần cạn kiệt, không cho phép tăng mức trích quỹ bù đắp cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, khả năng liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ tăng giá và hạ bớt việc trích quỹ bình ổn xuống để bảo toàn cho quỹ này.

Thực tế, từ báo cáo của cục quản lý giá (Bộ Tài chính) thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện đang phải bù tới 1.437 đồng/lit xăng. Nếu không có sự bù giá này, giá xăng dầu đợt điều chỉnh hôm 5/5/2015 đã phải tăng lên trên 3.000 đồng/lít thay vì 1.950 đồng/lít.

Tính đến hết quý I/2015, theo công bố của Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn giá xăng dầu còn dư gần 2.844 tỷ đồng. Đáng lưu ý, có tới 9/19 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang có số dư quỹ âm. Như vậy, sẽ vô cùng khó khăn để sử dụng tiếp Quỹ bình ổn giá để giữ giá xăng dầu. Trong số 19 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thì Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn là doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn giá lớn nhất, tiếp đến là Tổng công ty Xăng dầu Quân đội và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)…

Giá xăng tăng 2 phiên liên tiếp.

Ngược lại với ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng liên tiếp hai phiên là việc đương nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, giá xăng dầu vừa tăng tới gần 2.000 đồng/lít thì cơ quan quản lý nhà nước không nên tính chuyện tăng tiếp giá xăng dầu tới đây nữa. Theo ông Thắng, Quỹ bình ổn “âm” chỉ ở các doanh nghiệp nhỏ, còn doanh nghiệp lớn vẫn dư quỹ tới gần 3.000 tỷ đồng. Cơ quan quản lý vẫn có thể lấy từ doanh nghiệp lớn bù sang cho doanh nghiệp nhỏ và hoàn toàn có thể dùng Quỹ bình ổn giá để giữ giá xăng dầu trong kỳ điều hành tới.

Như vậy, giá nhiên liệu trên thế giới liên tục tăng cộng thêm việc quỹ bình ổn giá đang ngày càng “teo tóp”, để tránh khả năng “vỡ” Quỹ bình ổn giá, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu đến tay người tiêu dùng trong nước hai phiên liên tiếp (xăng RON 92 tăng tổng cộng hơn 3.150 đồng lên hơn 20.000 đ/lít) là việc bắt buộc dù đã lường trước những phản ứng trái chiều đối với đời sống người dân.

Tùng Dương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps