Vì sao giá thực phẩm bị “đội” lên cao?

18:48 | 22/07/2013

1,365 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kinh tế khó khăn, đầu vào tăng cao trong khi giá bán thấp hơn so với giá thành sản phẩm khiến nhiều người trực tiếp sản xuất ra lương thực, thực phẩm thua lỗ. Thế nhưng, người tiêu dùng vẫn phải mua những mặt hàng “trượt giá” đó với mức chênh từ 30% thậm chí tới 80% so với giá gốc ban đầu. Quá nhiều tầng nấc trung gian trong khâu phân phối đã tạo ra nghịch lý này.

Thương lái “ăn quá dày”

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), ngành chăn nuôi đang trải qua thời kỳ cực kỳ cam go khi giá thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành sản phẩm cứ leo thang vùn vụt. Trong khi giá đầu ra thấp hơn giá thành sản xuất đẩy người chăn nuôi lâm cảnh lao đao, thua lỗ triền miên, nông dân không thiết tha tái đàn, nhiều nơi rủ nhau bỏ chuồng hàng loạt.

Ai cũng biết việc thao túng giá hàng hóa đã tồn tại từ lâu song bế tắc về giải pháp

Ông Lê Quang Thành, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Thái Dương cho biết, tại các tỉnh miền Bắc từ giữa tháng 6 trở lại đây, giá lợn có nhích lên, như giá lợn cân hơi trước là 39.000 đồng/kg thì nay lên được 41.000 - 42.000 đồng/kg, lợn cân móc hàm từ 50.000 đồng/kg lên 52.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mức tăng không nhiều so với giá thức ăn nên chăn nuôi vẫn phải chịu lỗ. Thế nhưng tại các chợ, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn dao động từ 90.000-110.000 đồng/kg tùy loại. Còn giá gà công nghiệp xuất chuồng hiện nay chỉ bán tại trang trại với giá 20.000-30.000 đồng/kg. Người chăn nuôi thì lỗ nặng nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt gà với giá 47.000-60.000 đồng/kg.

Ông Thành than phiền: Chưa thấy ở đâu, chuỗi giá trị trong chăn nuôi lại dài như ở Việt Nam.Thức ăn chăn nuôi từ nhà máy chế biến phải qua từ 2- 3 đại lý mới đến người chăn nuôi. Lúc này giá thức ăn đã tăng từ 15- 20%. Khi bán gia súc gia cầm phải qua thương lái, đến lò giết mổ, từ đó đưa ra chợ đầu mối, về chợ lẻ, lúc này mới đến tay người tiêu dùng. Một lần nữa giá lại bị đội lên. Như vậy, chuỗi giá trị này đã phải qua từ 7- 8 nấc trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Chính vì vậy, dù giá bán lợn gà xuất chuồng tại các trang trại quá thấp, nhưng đến chợ người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao gấp 2 lần.

Mặt hàng rau quả cũng vậy, giá từ đồng ruộng lên tới chợ đầu mối đã chênh nhau 15-20%, đến chợ bán lẻ khoảng cách này còn tăng mạnh hơn tới 40%.

Với ngành đường, sự chênh lệch giá bán giữa nơi sản xuất gốc với thị trường cũng là biên độ lớn đáng kể. Ông Hà Hữu Phái, Trưởng văn phòng đại  diện Hiệp hội mía đường tại Hà Nội cho biết, năm nay lượng đường tồn kho lớn, giá đường xuống thấp, giá đường kính trắng các đại lý thu mua từ nhà máy chỉ khoảng 13.000-13.500 đồng/kg thế nhưng vào thời điểm này người tiêu dùng vẫn phải mua với giá 22.000- 23.000 đồng/kg.

“Cắt ngắn” chuỗi tiêu thụ từ trang trại đến bàn ăn

 Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp siêu thị Hà Nội cho biết, hiện nay, trong hệ thống siêu thị ở Hà Nội gần như không  thể tiếp cận, mua được đường từ nhà máy nên phải mua thông qua các đại lý cấp 2, cấp 3. Nói cách khác đường phải qua vài cấp đại lý rồi mới đến tay người tiêu dùng với mỗi cấp đại lý tỷ lệ chiết khấu chiếm khoảng 10-15%, như vậy giá đường đến tay người tiêu dùng đã bị đội lên rất nhiều.

Nông thôn là yếu tố chính giúp kiềm chế lạm phát thành công từ đầu năm đến nay. Bởi giá cả nông sản, thực phẩm, lúa gạo liên tục giảm góp phần lớn vào việc giảm áp lực lạm phát.Vậy tại sao người nông dân chưa nhận được những hỗ trợ chính đáng mà vẫn phải chịu hy sinh, thiệt thòi?

Ông Lê Thế Tam - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội mía đường tiết lộ, cả nước có 40 nhà máy sản xuất mía đường nhưng chỉ sản xuất, đến nay chưa có bất kỳ nhà máy đường nào tự xây dựng được hệ thống đại lý tiêu thụ riêng. Từ lâu hình thành một hệ thống đại lý chuyên bao thầu đầu ra cho tất cả nhà máy đường, đồng thời thâu tóm toàn bộ hệ thống tiêu thụ đường trong nước. Tình trạng các thương lái đẩy giá đường lên đã lặp đi lặp lại nhiều năm nay.

Có thể nói, hành trình của mớ rau, con cá từ đồng ruộng của người nuôi trồng, đến chợ đầu mối, về sạp bán lẻ, rồi từ sạp bán lẻ tới bàn ăn là những nấc thang có sự cách biệt lớn về giá cả trong từng công đoạn.

Câu hỏi lớn được đặt ra, vậy phần chênh lệch này chảy vào túi ai? Câu trả lời chung, đối tượng ăn dày nhất chính là đội ngũ thương lái. Một nguyên tắc bất di bất dịch của thương lái là cho dù thị trường có ế ẩm, giá dù lúc rẻ lúc mắc nhưng những người đi thu gom hàng chẳng bao giờ chịu thiệt. Khi thị trường ế ẩm, họ ép giá nông dân, còn lúc khan hàng thì họ lại ép giá tiểu thương ở chợ.      

Theo ông Vũ Vinh Phú, hệ thống phân phối của Việt Nam chưa tốt khiến hàng hóa phải đi lòng vòng qua nhiều khâu trung gian, đẩy chi phí lên cao. Thêm vào đó, chuỗi phân phối hàng hóa còn rời rạc, chia cắt khiến nhà sản xuất không thu được lợi nhuận cao, trong khi người tiêu dùng lại chịu thiệt thòi do phải mua với giá cao một cách bất hợp lý.

Theo Luật cạnh tranh, bất cứ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào cung ứng  30% sản phẩm trên thị trường là phải kiểm soát giá nhưng chúng ta không làm được, khâu bán buôn hiện nay vẫn bị buông lỏng. Quyết định 27/2007/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu đầu nguồn những mặt hàng thiết yếu phải chịu trách nhiệm tới cùng về giá bán lẻ và chất lượng. Thế nhưng hầu hết việc tổ chức sản xuất, phân phối là mua đứt bán đoạn, dẫn tới hệ quả là giá bán lẻ không thể kiểm soát và tạo cơ hội cho hành vi đầu cơ, găm hàng, thao túng giá của một nhóm người, góp phần khiến lạm phát tăng mạnh trong thời gian qua.

Theo đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hệ thống phân phối hàng hóa của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của thị trường nên trong nhiều trường hợp, các kênh phân phối không phù hợp với đặc điểm của hàng hóa, với năng lực và khả năng quản lý của nhà sản xuất. Để khắc phục thực trạng này, các cơ quan chức năng cần phát huy tốt vai trò trong hoạch định chính sách, thông tin dự báo, kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống biến động, tăng giá bất hợp lý cũng như cần phát huy vai trò của các hiệp hội nguồn hàng trong lĩnh vực phân phối bán lẻ, tạo ra một chuỗi vừa quản lý chất lượng và giá cả hàng hóa từ khâu sản xuất cho đến bán lẻ mà không phải qua trung gian. Cần tập trung hỗ trợ xây dựng nhà phân phối lớn tại Việt Nam, tạo ra các đầu tàu và động lực phát triển... theo hướng gắn quy hoạch với phát triển sản xuất.

Minh An