Quyền người tiêu dùng: Có luật nhưng khó đòi!

07:00 | 22/04/2015

923 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vi phạm quyền của người tiêu dùng xảy ra rất phổ biến, nhưng trên thực tế người tiêu dùng khó đòi được quyền lợi cho mình trong trường hợp bị xâm phạm.

Năng lượng Mới số 415

Vi phạm nhiều

Vài ngày sau khi mua một chiếc máy massage qua mạng Internet, anh Nguyễn Trần Tâm, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM nhận được cuộc điện thoại báo “Khi mua máy massage anh đã được tham gia quay số trúng thưởng ngẫu nhiên của cửa hàng và anh đã trúng giải là phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng. Để được nhận số tiền thưởng này anh phải mua một sản phẩm khác của cửa hàng và anh sẽ được chiết khấu 5 triệu. Tin tưởng, anh đã đồng ý mua chiếc điện thoại được người bán ra giá 8 triệu đồng. Tuy nhiên, khi anh trả thêm 3 triệu đồng để nhận hàng thì được giao chiếc điện thoại không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng...

Quyền người tiêu dùng: Có luật nhưng khó đòi!

Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm sạch ở siêu thị

Đó là một trong rất nhiều trường hợp khiếu nại từ người tiêu dùng mà Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương tiếp nhận được. Trong quý I/2015, Cục đã tiếp nhận và xử lý hơn 600 trường hợp khiếu nại của người tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là buôn bán thương mại điện tử qua điện thoại, Internet.

Theo ông Phan Thế Thắng, Phó trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Cục Quản lý Cạnh tranh, ngoài tình trạng bị lừa khi mua hàng qua mạng thì việc người dân sử dụng điện thoại di động bị mắc bẫy bởi những tin nhắn quảng cáo, trúng thưởng cũng khá phổ biến, nhất là người dân ở các vùng nông thôn. Bên cạnh những tin nhắn quảng cáo thông thường, có nhiều tin nhắn gửi đến nhằm hướng dẫn người dùng thực hiện theo các yêu cầu trong nội dung tin để thu lợi bất chính, dạng như “Chúc mừng bạn đã trúng thưởng… để xem chi tiết soạn tin… gửi đến số…” hay “Bạn vừa nhận được tiền khuyến mại vào tài khoản trả trước, để kích hoạt tài khoản khuyến mại soạn tin… gửi đến…”. Nếu không tỉnh táo thực hiện theo các hướng dẫn này người tiêu dùng sẽ bị trừ rất nhiều tiền trong tài khoản hoặc bị lừa, còn nếu không thực hiện theo thì người tiêu dùng cũng cảm thấy bị làm phiền vì phải liên tục kiểm tra tin nhắn.

Trong các trường hợp trên, thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị tiết lộ để sử dụng cho mục đích kinh doanh và điều đó đã vi phạm quyền của người tiêu dùng. Tại Điều 6 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, khi thu thập, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân phải thông báo rõ ràng, công khai mục đích của việc thu thập, sử dụng thông tin và phải được người tiêu dùng đồng ý… Vì vậy, việc thông tin của người tiêu dùng bị tiết lộ cho các cá nhân, doanh nghiệp để nhắn tin, gọi điện quảng cáo thu lợi khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng là vi phạm pháp luật.

Ngoài các trường hợp trên, theo Cục Quản lý Cạnh tranh, hiện nay tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng rất nhiều, trong đó nhiều thủ đoạn rất tinh vi mà ngay cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng chưa biết đến để phòng ngừa. Người tiêu dùng bị vi phạm quyền lợi trong nhiều trường hợp như: Mua phải hàng hóa kém chất lượng, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, hàng gian, hàng giả, bị rút ruột sản phẩm, bị lừa bởi quảng cáo sai sự thật…

Vừa qua, Cục Quản lý Cạnh tranh tiếp nhận một số trường hợp người dân phản ánh việc mua bình chứa nước bằng inox, dung tích 1.200 lít nhưng kiểm định thực tế chỉ 1.050 lít; mua phải tôn mỏng hơn so với kích thước công bố; dây điện bị rút bớt lõi đồng bên trong... Những trường hợp này, sau khi kiểm tra trên thực tế, các cơ quan chức năng phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh cố tình “ăn bớt” nguyên vật liệu để giảm chi phí sản xuất nhằm tăng lợi nhuận, nhưng vẫn công bố chất lượng sản phẩm cao để thu hút người mua.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng thường xuyên phát hiện nhiều vụ việc gian lận thương mại, vi phạm đến quyền lợi quyền lợi của người tiêu dùng như: Tháng 1-2015, Công an Hà Nội bắt giữ hơn 10 tấn thực phẩm chức năng có xuất xứ từ Trung Quốc được đưa về Việt Nam và dán nhãn xuất xứ: Mỹ, Nhật, Pháp, Đức… để bán ra thị trường. Hay tại một siêu thị của Hàn Quốc ở Hà Nội phát hiện có sản phẩm nhập khẩu bị thay đổi hạn sử dụng kéo dài hơn so với hạn dùng thật; tôm bị bơm hóa chất để tăng trọng lượng; nội tạng “thối” bị phù phép thành tươi ngon...

Xử lý ít

Có thể thấy, quyền lợi của người tiêu dùng đã bị xâm phạm trên rất nhiều lĩnh vực, bằng nhiều hình thức rất tinh vi. Đây là vấn đề nhức nhối cho xã hội, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Cơ quan quản lý nặng về khuyến cáo. Chẳng hạn, Cục Quản lý Cạnh tranh khuyến cáo người dân “hãy là người tiêu dùng thông thái” bằng cách: Tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trước khi quyết định mua, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm tra sản phẩm trước khi tiếp nhận, lấy đầy đủ hóa đơn chứng từ, hướng dẫn sử dụng và chứng nhận bảo hành (nếu có), thông tin đến cơ quan chức năng khi phát hiện sản phẩm không an toàn, có hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, trong trường hợp mua bán qua mạng, qua điện thoại thì phải yêu cầu doanh nghiệp giới thiệu tên, địa điểm kinh doanh, số điện thoại và các thông tin liên quan đến hàng hóa… để có cơ sở cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý trong trường hợp quyền người tiêu dùng bị xâm phạm.

Hiện nay, hệ thống pháp luật bảo vệ quyền người tiêu dùng ở nước ta đã tương đối hoàn chỉnh, bằng sự ra đời của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng hàng hóa, các văn bản pháp luật liên quan khác và sự thành lập của 51 Hội Bảo vệ người tiêu dùng ở các địa phương trên cả nước.

Tuy nhiên, dù đã có luật nhưng trên thực tế các trường hợp người tiêu dùng khiếu kiện và thu được kết quả còn rất khiêm tốn. Theo các luật sư rất khó để thực thi các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bởi đa số các quy định rất chung chung, chưa đưa ra các biện pháp chế tài cụ thể, khó có căn cứ để xác định mức độ thiệt hại và căn cứ để xử phạt. Do đó, người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm quyền lợi mà ít ai nghĩ đến chuyện khiếu nại để bảo vệ quyền của mình. Và cũng vì thế, chưa đủ sức răn đe những đối tượng vi phạm.

Để quyền người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn, các luật sư khuyến cáo cần phải làm rõ cho người tiêu dùng được biết: Khi bị vi phạm quyền lợi, người tiêu dùng phải khiếu nại đến đâu, ai tiếp nhận giải quyết, trong thời gian bao lâu, bồi thường thiệt hại như thế nào?

Khi bị vi phạm quyền lợi, người tiêu dùng có thể gọi đến Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng: 18006838 của Cục Quản lý Cạnh tranh Bộ Công Thương để được tư vấn và hỗ trợ xử lý.

 

Mai Phương

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps