Nông dân và nỗi lo phân bón giả

15:00 | 15/12/2011

1,199 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phân bón giả đang là nỗi lo hàng đầu của bà con nông dân và những nhà sản xuất, kinh doanh phân bón có uy tín. Hiện nay, tuy chưa vào cao điểm mùa vụ nhưng tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả đã khá phổ biến.

Phân phối trộn NPK là một trong những loại phân bón dễ bị làm giả

Tại hội thảo về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón được tổ chức tại TP HCM vừa qua. TS Võ Văn Quyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết: Hằng năm, quản lý thị trường xử lý trên 300 vụ vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón. Các vi phạm chủ yếu là: Kinh doanh phân bón kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vi phạm nhãn hàng hóa và niêm yết giá… nhưng nổi cộm là vi phạm về chất lượng, chủ yếu là các loại phân phối trộn NPK vì loại này thông dụng, lượng tiêu thụ lớn và dễ làm giả.

Các vi phạm chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp có quy mô sản xuất nhỏ, chưa có thương hiệu và uy tín trên thị trường, không chú trọng đến thương hiệu và chất lượng sản phẩm, sẵn sàng giải thể để thành lập doanh nghiệp khác. Các doanh nghiệp này chỉ đầu tư vài chục triệu đồng để mua một máy trộn và vài dụng cụ thô sơ là có thể sản xuất phân giả, đem lại lợi nhuận rất lớn. Sản phẩm phân bón giả thường được đưa đi tiêu thụ ở các vùng sâu, vùng xa và thường được tiêu thụ trong các dịp khan hiếm hàng hóa, đẩy giá phân bón lên cao.

Vi phạm về chất lượng phân bón chủ yếu ở một số dạng như: trộn phân bón thật với đất sét và đóng vào vỏ bao của những nhà sản xuất có thương hiệu; trộn các loại phụ gia không có tác dụng, thậm chí các chất độc hại cho đất và cây trồng để sản xuất phân bón giả hoặc sử dụng bao bì của các loại phân bón có thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng để đưa các loại phân bón khác hoặc phân bón giả ra thị trường.

Gần đây, xuất hiện một số nơi làm phân bón giả, nhái bao bì của Công ty CP XNK Hà Anh, Công ty CP Vật tư nông sản, Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ, Công ty CP XNK Vinacam… đã được cơ quan quản lý thị trường và công an thu giữ tang vật và phạt tiền. Đặc biệt, 2 vụ làm giả phân kali, nhái sản phẩm của Công ty CP Vật kỹ thuật nông nghiệp Cần thơ được phát hiện vào ngày 27/4/2011 với 300 bao phân kali loại 50kg/bao và vào ngày 2/8/2011 phát hiện 103 bao phân kali giả cũng nhái sản phẩm của công ty này, khi phân tích thì thành phần chỉ gồm muối ăn và phẩm màu.

Ngoài ra, thời gian qua các cơ quan chức năng cũng phát hiện một số công ty sản xuất phân bón giả ở Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Đà Nẵng… Các loại phân bón giả được đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi, trong đó thị trường trọng yếu là khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và một số tỉnh vùng sâu, vùng xa. Các loại phân bón giả đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Bên cạnh đó, còn làm cho đất bạc màu, hủy diệt các vi sinh vật có lợi cho đất và gây nguy hại trực tiếp cho cây trồng.

Ông Lê Quốc Phong – Tổng Giám đốc Công ty CP phân bón Bình Điền cho biết: Tuy chưa vào cao điểm mùa vụ nhưng trên thị trường, các loại phân kali, NPK giả đã xuất hiện nhiều. Các cơ sở sản xuất phân bón giả chỉ cần mua gạch non về nghiền ra rồi phối trộn với bột đá, muối ăn, phẩm màu… là có được sản phẩm phân kali giả trông như thật. Để bán được hàng hóa, các loại phân bón giả thường được đóng trong bao bì của những nhà sản xuất uy tín, việc này gây ảnh hưởng lớn đến các nhà sản xuất chân chính và thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân. Chỉ xử phạt hành chính từ 10 – 50 triệu đồng như hiện nay đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả thì không đủ sức răn đe vì lợi nhuận của kinh doanh phân bón giả cao gấp nhiều lần so với số tiền phạt.

Bên cạnh việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý tình hình sản xuất kinh doanh phân bón thì điều quan trọng là người nông dân phải nâng cao nhận thức để tự bảo vệ mình. Khi mua sản phẩm cần kiểm tra kỹ các thông tin trên nhãn hàng hóa về tên, địa chỉ, cơ sở sản xuất… Đặc biệt, khi mua hàng cần yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn chứng từ, để khi phát hiện phân bón giả các cơ quan có cơ sở để truy ra được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, bảo vệ quyền lợi cho bà con nông dân.

Mai Phương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps