"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam":

Hãy góp phần tự cường cho Tổ quốc

12:28 | 09/08/2014

1,151 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 5 năm, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với sự tham gia tích cực của Chính phủ, các doanh nghiệp cùng nhân dân cả nước đã thay đổi cơ bản chất và lượng sản phẩm, phương thức kinh doanh của doanh nghiệp, nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Trao đổi với Năng lượng Mới, các cán bộ có trọng trách của cuộc vận động này mong muốn: Mỗi người Việt Nam sử dụng sản phẩm trong nước chính là đang giúp đất nước tự cường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Năng lượng Mới số 345

Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương

Ðến thời điểm giữa năm 2014, Cuộc vận động triển khai được 5 năm đã mang lại những kết quả tích cực, tạo tiền đề để triển khai  hiệu quả Cuộc vận động trong những năm tiếp theo. Một xu hướng đáng mừng là người tiêu dùng Việt Nam nói chung ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam. Tại nhiều địa phương, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng; nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng lựa chọn...

Hiện nay, đã có hơn 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Tại các hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp, hàng hóa sản xuất trong nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn 80-90% như: hệ thống siêu thị Big C có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước, hệ thống siêu thị của Saigon Coop có tới gần 95%, hệ thống siêu thị Vinatex mart 100%). Tại hệ thống các điểm bình ổn thị trường (trên 9.000 điểm) có tới gần 90% là hàng sản xuất trong nước.

Hãy góp phần tự cường cho Tổ quốc

Theo kết quả khảo sát gần đây của Công đoàn ngành Công Thương, kể từ khi phát động Cuộc vận động, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm đầu vào, nguyên  liệu cũng như thiết bị máy móc của các doanh nghiệp tăng bình quân 25%. Tại các vùng nông thôn, người dân đã bắt đầu quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước.

Mặc dù cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt” đã đạt được nhiều thành quả to lớn đáng khích lệ nhưng vẫn còn đó một số mặt hạn chế. Trong đó, việc Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên các sản phẩm được sản xuất trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, việc xây dựng và phát triển mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư khá lớn, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong việc xúc tiến mở rộng thị trường.

Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cùng với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thường xuyên đôn đốc, phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, thông tin triển khai thực hiện cuộc vận động. Tuy nhiên, một số bộ, ngành và địa phương đã chưa thực sự vào cuộc, dẫn đến kết quả triển khai chưa đạt hiệu quả cao, chưa thực sự đột phá.

Hạn chế về truyền thông cho cuộc vận động trên các phương tiện thông tin đang thiếu bài bản, chưa có sự đồng bộ để tạo thành một chiến dịch truyền thông hiệu quả. Vì vậy chưa thực sự tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng. Vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng hiệu nhập khẩu.

Nhìn chung tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các Sở Công Thương đã chủ động xây dựng chương trình hành động riêng cho địa phương mình, nhưng vẫn còn mang tính riêng lẻ, độc lập, chưa gắn kết cho nên chưa phát huy hết sức mạnh của các địa phương lân cận.

Tiến sĩ Ðinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Trong 5 năm qua, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp thành viên thực hiện các hoạt động “Tự hào hàng Việt Nam”. Các hoạt động cụ thể như  tích cực tham gia các hoạt động “Tự hào hàng Việt Nam”. Nghiên cứu, hiểu biết và đáp ứng xu hướng và tâm lý tiêu dùng của người Việt để quảng bá, giới thiệu “Tự hào hàng Việt Nam”. Hoạt động kết nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng hàng Việt. Trong đó, chú trọng đảm bảo giá cả hợp lý, an toàn, phục vụ thân thiện và chu đáo. Tăng hoạt động khuyến mãi  hướng tới việc chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong thời điểm kinh tế khó khăn. Chú trọng “Tự hào hàng Việt Nam” trong  các phương thức bán lẻ “mới”  như sử dụng Internet, bán hàng qua truyền hình, mạng xã hội và điện thoại di động…  Quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp bán lẻ là phát huy lợi thế của hàng Việt khi đáp ứng yêu cầu về môi trường xanh, sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðây chính là trọng điểm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam.

Hãy góp phần tự cường cho Tổ quốc

Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam tổ chức Chương trình vận động doanh nghiệp cam kết 3 tiêu chuẩn cung cấp hàng hóa/ dịch vụ là không có sản phẩm thiếu nguồn gốc xuất xứ; không có sản phẩm là hàng giả, hàng nhái; không có sản phẩm xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ.

Hiệp hội mong muốn sẽ được tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp sản xuất và phân phối - bán lẻ trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như xem xét giảm thuế VAT (30-50%). Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và các thành viên quan tâm đặc biệt và mong muốn tham gia vào một số chương trình của Ðề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020 như chương trình “Tự hào hàng Việt Nam”, tăng khả năng nhận diện hàng Việt Nam, xây dựng mô hình thí điểm về “Ðiểm bán hàng Việt Nam”, Chương trình xây dựng “Kho phân phối hàng Việt Nam” tại địa bàn nông thôn, Chương trình “Tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững”, Chương trình “Hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ năng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh”...

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng, Thường trực Ban Chỉ đạo “Chương trình hành động” của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt dùng hàng Việt”:

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện cuộc vận động vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Một số hoạt động tổ chức hội chợ, triển lãm trên địa bàn các tỉnh còn thể hiện nhiều hạn chế, chưa thu hút được các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh tham gia, chưa kết nối được giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Nhiều hội chợ triển lãm mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực trưng bày, giới thiệu hoặc bán buôn, bán lẻ hàng hóa thuần túy mà chưa gây dựng được thương hiệu Việt trong người tiêu dùng. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn này.

Hãy góp phần tự cường cho Tổ quốc

Năng lực của một số doanh nghiệp nội địa còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước cả về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá cả, chưa cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đặc biệt là vật tư, thiết bị chuyên ngành phục vụ sản xuất. Nhiều nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất còn phục thuộc vào giá nhập khẩu dẫn đến giá thành sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam cao so với khu vực.

Nguồn ngân sách Nhà nước cho hoạt động “Xúc tiến thương mại” còn nhiều hạn chế, không ổn định trong khi nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn, số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều, nhu cầu của người tiêu dùng đối với hàng Việt ngày càng lớn, nhất là tại địa bàn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp...

Vẫn còn một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng, từ đó làm giảm đi ý nghĩa thiết thực của cuộc vận động.

Lực lượng quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn do phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi, đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; nhiều chủ thể bị xâm phạm chưa hợp tác với lực lượng chức năng; trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của Quản lý thị trường, kinh phí giám định, tiêu hủy hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa được đảm bảo.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội       

Ðể tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch của ngành công thương trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới Sở Công Thương Hà Nội tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân thủ đô đối với hàng Việt Nam, tuyên truyền quảng bá “Tự hào hàng Việt Nam”...  Gắn tuyên truyền với phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong chủ động, ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt... Huy động tối đa nguồn lực của Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Hãy góp phần tự cường cho Tổ quốc

Tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố một cách bền vững như xây dựng và tổ chức các chương trình kết nối Cung - Cầu (có tính liên kết vùng miền) giữa nhà sản xuất, kinh doanh với nhà phân phối của các doanh nghiệp Hà Nội với doanh nghiệp cả nước. Ðề xuất với UBND thành phố Hà Nội ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động bán hàng Việt theo hướng bền vững, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nhằm tạo điều kiện mở rộng kênh phân phối hàng Việt Nam tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng tập trung đông dân cư, vùng nông thôn...

Sở Công Thương sẽ tiến hành thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực phân phối hàng Việt Nam. Trong đó, đề xuất với các cấp có thẩm quyền, UBND về cơ chế chính sách phát triển hàng Việt đối với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới bán hàng, xây dựng thương hiệu, phát triển thương mại điện tử... Cuối cùng là đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.     

Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó tổng giám đốc - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội:

Ðể Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng được triển khai có hiệu quả hơn, tổng công ty có một số kiến nghị, đề xuất về việc hỗ trợ tiếp tục triển khai thực hiện cuộc vận động, kích cầu tiêu dùng, bán hàng lưu động, bán hàng nông thôn, phiên chợ hàng Việt. Cụ thể như Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương (Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình hành động Bộ Công Thương hưởng ứng cuộc vận động) tiếp tục giúp đỡ, quan tâm, hỗ trợ công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng lưu động, bán hàng nông thôn, phiên chợ hàng Việt trên địa bàn các huyện, thị xã.

Hãy góp phần tự cường cho Tổ quốc

Chúng tôi mong muốn UBND thành phố Hà Nội tiếp tục tăng cường kinh phí cho việc xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại nội địa, đặc biệt là khu vực thị trường nông thôn. Tạo điều kiện, có ý kiến để chính quyền các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội phối hợp và hỗ trợ tổng công ty trong việc xác định địa điểm bán hàng lưu động, bán hàng nông thôn, phiên chợ hàng Việt và tuyên truyền các chương trình bán hàng của tổng công ty tại địa bàn huyện, thị xã trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường kết nối doanh nghiệp với thị trường tiêu thụ thông qua việc mở rộng hệ thống phân phối. Có chính sách hỗ trợ trong việc kết nối giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối hàng hóa để người tiêu dùng có được mức giá cả phù hợp nhất. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, hàng Việt Nam thông qua các chương trình hỗ trợ, tập huấn và xây dựng thương hiệu. Ðặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát hàng hóa, phòng chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu và gian lận thương mại nhằm bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước.

Ông Ðỗ Hữu Huy - Phó vụ trưởng, Bí thư Ðoàn thanh niên Bộ Công Thương

Năm 2015, đoàn thanh niên Bộ Công Thương sẽ xây dựng chương trình tiếp tục triển khai và phối hợp với Ðoàn Thanh niên Khối các cơ quan Trung ương tổ chức tọa đàm tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Festival “Sáng tạo trẻ” cho khối trường trực thuộc đoàn khối với hơn 45.000 đoàn viên, sinh viên đang học tập tại 6 Học viện, 2 trường đại học, 5 trường cao đẳng và 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Hãy góp phần tự cường cho Tổ quốc

Qua thực tế triển khai đoàn thanh niên Bộ Công Thương đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tại các địa phương đơn vị, để đối tượng là đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên nói riêng và toàn thể nhân dân nói chung nhận thức được sâu sắc của việc tham gia thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất đổi mới công nghệ, đổi mới quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuyên truyền kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất tới các tầng lớp nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước để hiểu rõ và sử dụng các hàng hóa Việt Nam.

Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên xem xét chỉ đạo và phối hợp với Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh để có thể triển khai một cách tổng thể và sâu rộng Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tới toàn thể các thanh thiếu niên trên toàn quốc.

Có hơn 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao.

Các mặt hàng dệt may, da giày Việt Nam có tới 80% người ưa chuộng;

Nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng lựa chọn.

Hệ thống siêu thị như Big C, Saigon Coop, Vinatex… hàng hóa sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn 80-90%.

Hơn 9.000 điểm bán hàng bình ổn thị trường có 90% là sản phẩm sản xuất trong nước.

Từ tháng 7-2009 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra gần 846 nghìn vụ, phát hiện và xử lý gần 419 nghìn vụ sai phạm. Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính là 1.631 tỉ đồng.

Tính từ năm 2009 đến nay, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ hàng năm đều có mức tăng trưởng trên 10%, năm 2013 đạt gần 2.618 nghìn tỷ đồng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI cả nước) giảm mạnh liên tục trong 3 năm qua từ 6,04% - 6,81% , CPI năm 2013 chỉ xấp xỉ 6%, tăng  thấp nhất trong 10 năm.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần giảm tỉ lệ nhập siêu, năm 2010, nhập siêu là 12,3 tỷ USD (so với dự báo là 13,5 tỷ), bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn so với mục tiêu Chính phủ đề ra là không quá 20%; năm 2011, tỷ lệ này là 9,89% thấp hơn chỉ tiêu Chính phủ đề ra là không quá 16%. Ðặc biệt, năm 2012 và năm 2013 cán cân thương mại đã liên tục đạt trạng thái xuất siêu (287 triệu USD và 862 triệu USD).

Thành Công

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps