Chiêu lừa bán vé máy bay giá rẻ ngày Tết

15:05 | 20/12/2013

3,087 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày giáp Tết, khi nhu cầu đi lại của người dân bằng đường hàng không tăng mạnh thì hàng loạt phương thức bán vé máy bay cũng nở rộ. Không ít người vì ham rẻ đã phải ăn “trái đắng” khi mua vé qua mạng trực tuyến. Thậm chí, có người sau khi ra sân bay mới tá hỏa vì vé không có giá trị.

Tiền thật mua vé ảo!

Những ngày gần đây, không ít người bức xúc về việc bị lừa đảo khi mua vé máy bay giá rẻ qua mạng. Trong đó có cả những hãng hàng không lớn cũng bị nhóm đối tượng lừa đảo bán vé như Vietnam Airlines.

Chị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, do gia đình chồng chị ở trong Đồng Nai nên gần cuối năm hai vợ chồng thường xin nghỉ phép vài ngày để về thăm gia đình chồng. Lo ngại ngày gần Tết vé tăng lại khó mua nên chị lên mạng tìm kiếm các đợt khuyến mãi của một số hãng hàng không uy tín.

Khách hàng đi máy bay được khuyến cáo là nên tự đặt mua vé để tránh lộ thông tin cá nhân tiếp tay cho lừa đảo

Chị Nga cho biết, sau khi tìm hiểu thấy hãng hàng không Vietnam Airlines cho phép người đặt mua hoàn vé trực tuyến thông qua các đại lý cấp hai. Chị đăng ký chọn ngày giờ bay và gửi thông tin theo mẫu của Vietnam Airlines. Khoảng 15 phút sau chị được một nhân viên giới thiệu là đại lý nhận đặt vé báo xác nhận và sẽ gửi lại cụ thể lịch trình và giá chốt. Sau khi đồng ý với những yêu cầu của họ, chị kiểm tra trên website của Vietnam Airlines thấy có họ tên, lịch trình của vợ chồng chị trong chuyến bay tới đây nên an tâm và chuyển tiền vé theo số tài khoản của đại lý cung cấp.

Khi chị Nga cùng chồng ra sân bay và làm thủ tục thì nhận được thông tin, vé bay của vợ chồng chị đã bị người khác hủy. Khi chị hỏi thông tin về người này thì nhận được trả lời: Số tài khoản họ đặt vé nên họ có quyền hủy vé và chấp nhận mất % bồi thường nếu không đi.

Theo nhiều khách hàng thường xuyên đi máy bay thì các hãng như VietJetAir, Jetstar đã mua là không được hoàn, chỉ cho phép đổi tên. Thế nhưng, nhóm lừa đảo vẫn tìm được những kẽ hở khác.

Với VietJetAir và Jetstar, đối tượng lừa đảo cũng có thể bán vé giá rẻ hơn bình thường dù mua vé giá thường khoảng 3 triệu đồng. Sau khi bán vé cho khách, đối tượng sẽ chờ một thời gian ngắn và thực hiện đổi tên vé để bán cho người khác. Mức phí chỉ mất chưa đến 310.000 đồng. Thậm chí chỉ với 1 vé máy bay, đối tượng lừa đảo có thể mua rồi bán lại sau đó đổi tên rồi bán cho nhiều nạn nhân cùng chung thủ đoạn nêu trên.

Ngoài ra, một chiêu thức khác đang ngày một nở rộ là làm tên giả cho hành khách đi máy bay. Lợi dụng tâm lý ham vé rẻ, một số đại lý chi nhánh đã thuyết phục khách chịu “thay tên đổi họ” trong tờ giấy xác nhận nhân thân. Đổi lại, khách mua được vé rẻ mà đại lý đã canh từ trước với họ tên người mua do họ bịa sẵn.

Với hình thức gian lận này, khách không bị thiệt hại gì nếu lên máy bay trót lọt. Tuy nhiên, trên thực tế cơ quan an ninh hàng không đang ngày một siết chặt kiểm tra đối với hành khách đi lại bằng giấy xác nhận nhân thân.

Trong 6 tháng cuối năm, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp dùng tên giả đi máy bay. Khi bị phát hiện, khách chịu phạt một triệu đồng mỗi người.

Khi hãng hàng không cũng ậm ờ!

Do việc xin cấp phép mở đại lý bán vé cấp dưới hiện nay khá dễ dàng, có hiện tượng đến gần Tết số lượng đại lý vé mở ra lại nở rộ rồi đóng lại sau khi mùa Tết kết thúc. Trong số đó, không ít đại lý mở ra chỉ để đi lừa đảo. Ngoài những hình thức trên, các đại lý gian dối còn nhiều chiêu ăn tiền khách hàng.

Ví dụ, đại lý mua vé cho hành khách bằng tài khoản VISA "chùa". Dù vé này là vé thật, nhưng nếu hãng hàng không phát hiện vé mua bằng tài khoản ăn cắp trên mạng sẽ bị hủy. Một số đại lý khác lại giữ chỗ, thu tiền của hành khách rồi không xuất vé, hoặc có xuất vé nhưng không nộp lại tiền cho hãng nên vé bị hủy.

Trao đổi với PV về vấn đề này, một số chuyên gia ngành hàng không cho rằng, để tránh hiện tượng lừa đảo qua mạng, ăn chặn tiền, hành khách nên đến các phòng vé của hãng, hoặc đại lý lớn có uy tín. Ngoài ra, họ cũng cần cảnh giác với các lời chào mời mua vé lẻ trên mạng, chỉ mua khi người bán hoặc đại lý thực sự có uy tín trên cộng đồng.

Một chủ đại lý bán vé máy bay  ở quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: Hiện tượng đại lý máy bay “giả” tự nhận là đại lý của các hãng hàng không nổi tiếng đã từng xuất hiện ở một số địa phương. So với đại lý “rởm”, đại lý chính thức được trang bị bảng hiệu và giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn. Song bảng hiệu có thể làm giả, giấy chứng nhận không phải đại lý nào cũng trưng ra nên người dân rất dễ bị nhầm lẫn. Để tránh mua phải vé giả, người dân nên truy cập vào website của các hãng hàng không để mua vé hoặc kiểm tra danh sách các đại lý chính thức. Hành khách sau khi mua vé điện tử sẽ được phòng vé hoặc đại lý cung cấp tờ hành trình và phiếu thu tiền cước vận chuyển và phí dịch vụ. Phiếu thu này được xem như một chứng từ, nên nếu xảy ra trục trặc, khách hàng có thể dùng giấy tờ này để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Còn chị Hồng, một chi nhánh bán vé hàng không ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Khách hàng nên tự đặt vé thì mới có quyền sở hữu thực sự tấm vé đó. Hiện nay vé của các chuyến bay không phải là khan hiếm như mọi người lầm tưởng”. Chị Hồng cũng cho biết đã nhận được thông tin một số khách hàng sau khi mua vé qua mạng đã bị người giả danh đại lý lừa biến mất... không dấu vết.

“Đối với khách hàng mua vé điện tử qua thẻ tín dụng, các đối tượng phạm tội thường lợi dụng sự chủ quan của khách hàng để ăn cắp thông tin thẻ. Do đó, khách hàng cần bảo mật về các thông tin cá nhân và thẻ tín dụng của mình. Để tránh rủi ro, khách hàng chỉ nên thực hiện mua vé qua mạng ở các đại lý chính hãng có uy tín và trước khi xuất tiền, hãy kiểm tra lại một lần nữa về tư cách pháp nhân cũng như độ tin cậy của các đại lý bán vé máy bay, chớ nên tham rẻ mà mất cả chì lẫn chài...”, chị Hồng nói.

Trước sự việc này, PV cũng đã liên hệ đến một số hãng hàng không để phản ánh. Tuy nhiên hiện chưa một đơn vị nào lên tiếng chính thức về hàng loạt vụ việc lừa đảo xảy ra tại các đại lý “con” bán vé như hiện nay.

 

Thảo Phượng