Sẵn sàng tiếp nhận Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

08:00 | 08/09/2014

1,327 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 (NMNĐ Vũng Áng 1) đã vận hành đạt công suất thiết kế (600MW), hiện đang thực hiện các công đoạn thử nghiệm hiệu chỉnh còn lại và chuyển sang giai đoạn vận hành tin cậy trước khi cấp chứng chỉ chấp nhận tạm thời (PAC). Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng ban Chuẩn bị sản xuất (CBSX) NMNĐ Vũng Áng 1 về giai đoạn chuẩn bị tiếp nhận nhà máy.

Năng lượng Mới số 354

PV: Công tác trọng điểm của Ban CBSX tại Dự án Nhiệt điện Dầu khí Vũng Áng 1 là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Ban CBSX được giao nhiệm vụ thay mặt Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) thực hiện các công tác chuẩn bị sản xuất để tiếp nhận quản lý vận hành nhà máy bao gồm: Công tác đào tạo và xây dựng lực lượng vận hành và bảo dưỡng chữa; Xây dựng mô hình tổ chức bộ máy quản lý vận hành; Xây dựng hệ thống các quy trình vận hành và bảo dưỡng phục vụ công tác quản lý vận hành nhà máy; Chuẩn bị cơ sở vật chất trang thiết bị ban đầu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy; Tham gia, phối hợp cùng Ban QLDA trong công tác giám sát lắp đặt, chạy thử nghiệm thu của nhà thầu...

Sẵn sàng tiếp nhận Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

Ông Nguyễn Thanh Tùng

Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác đào tạo tại chỗ, sát hạch công nhận các chức danh vận hành, tham gia cùng các nhà thầu E. Energy, Lilama vận hành thử nghiệm hiệu chỉnh tổ máy số 1 và chuẩn bị hòa đồng bộ thử nghiệm tổ máy số 2 NMNĐ Vũng Áng 1. Đối với tổ máy số 1 khi được cấp PAC, đội ngũ vận hành của Ban CBSX/PV Power đã sẵn sàng tiếp nhận, đảm nhiệm công tác vận hành thương mại tổ máy.

PV: Xin ông cho biết sự phối hợp để đẩy nhanh tiến độ vận hành chạy thử Tổ máy số 2?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Chúng tôi đã tham gia cùng với nhà thầu vận hành các hệ thống phụ trợ dùng chung của nhà máy, từ tháng 1-2012 đã hỗ trợ Tổng thầu đảm trách toàn bộ công tác vận hành trạm 220kV NMNĐ Vũng Áng 1 để nhận điện từ lưới điện Quốc gia phục vụ công tác thử nghiệm các tổ máy, tham gia thử nghiệm các hệ thống thiết bị của các tổ máy số 1 và 2.

Đặc biệt sau việc các nhà thầu Trung Quốc rút về nước vào tháng 5-2014, theo đề nghị của Ban QLDA và được sự chỉ đạo của tổng công ty và Tập đoàn, từ ngày 17-5 đến 17-6-2014, lực lượng cán bộ kỹ thuật, kỹ sư và công nhân vận hành của Ban CBSX đã thay thế nhà thầu chạy thử trực tiếp vận hành lò hơi thực hiện thông thổi tổ máy số 2 bao gồm toàn bộ lò hơi và hệ thống các đường ống hơi của tổ máy số 2.

Từ những kinh nghiệm rút ra trong quá trình tham gia vận hành tổ máy 1, đội ngũ vận hành của Ban CBSX đã thực hiện tốt công tác thông thổi tổ máy 2, rút ngắn thời gian được 2 ngày so với kế hoạch dự kiến và hơn 10 ngày so với tổ máy 1. Việc làm này đã được Ban QLDA và tổng thầu đánh giá cao.

Sẵn sàng tiếp nhận Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1

PV: Ông có thể cho biết những kinh nghiệm từ công tác thực hiện CBSX của dự án trong thời gian qua?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Bám sát cùng các chuyên gia của các nhà thầu, tham gia ngay từ giai đoạn lắp đặt thiết bị, thử nghiệm hiệu chỉnh, vận hành không tải đến hòa đồng bộ tổ máy số 1, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Ban CBSX đã rút ra được một số kinh nghiệm thực tế quý báu. Để có thể tiếp nhận quản lý vận hành tốt nhà máy, cần  phải chuẩn bị kỹ càng trong mọi khâu sao cho an toàn và hiệu quả, đảm bảo chắc chắn các mốc tiến độ đề ra, đặc biệt là khâu chuẩn bị, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác vận hành và bảo dưỡng sửa chữa (BDSC).

Mặt khác, hệ thống các quy trình, quy định phục vụ cho công tác vận hành, BDSC từ tổng thể cấp nhà máy cho đến chi tiết các thiết bị cũng cần phải được xây dựng và ban hành đầy đủ trước khi nhà máy đi vào vận hành. Các tài liệu này có thể sử dụng ngay để đào tạo cho lực lượng vận hành và BDSC tại công trường và áp dụng trong quá trình vận hành nhà máy sau này. Chúng tôi luôn nhấn mạnh với anh em vận hành nhà máy phải nằm lòng nguyên tắc “không được phép làm việc theo trí nhớ, tất cả các thao tác vận hành đều phải thực hiện và tuân thủ theo quy trình vận hành” để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình và thiết bị.

Cùng với công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, các công tác khác liên quan đến hoạt động của nhà máy sau này như chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư trong giai đoạn đầu vận hành, công cụ, dụng cụ, máy móc phục vụ công tác vận hành, BDSC, các hợp đồng liên quan đến đầu vào, đầu ra, hợp đồng BDSC nhà máy... cũng cần quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ để đảm bảo sẵn sàng khi nhà máy đi vào vận hành.

PV: Ông có thể nói rõ hơn nét đặc trưng của nhân sự vận hành nhà máy nhiệt điện?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Hiện tại chưa có một trường nghề, cao đẳng hoặc đại học nào có thể cho “ra lò” các trưởng ca, trưởng kíp, kỹ sư vận hành nhà máy điện bởi nhân sự vận hành yêu cầu cần phải có kiến thức khá tổng hợp từ cơ, nhiệt, điện, hóa và trải qua thực tế vận hành. Đặc biệt là phải nắm chắc toàn bộ quy trình vận hành, công nghệ dây chuyền sản xuất của nhà máy. Bởi vậy, sau khi được đào tạo cơ bản tại các trường nghề, nếu được tuyển dụng, các kỹ sư sẽ tiếp tục được đào tạo thêm chương trình riêng về nhà máy điện, sau đó khi về đến nhà máy phải trực tiếp tham gia vào quá trình vận hành, xử lý các sự cố tại nhà máy để nắm bắt thiết bị và tích lũy thêm kinh nghiệm. Quá trình “đào tạo tại chỗ” này là thời gian quan trọng nhất cung cấp những kiến thức tổng hợp và toàn diện nhất cho đội ngũ nhân lực vận hành. Tôi cho rằng trong quá trình đào tạo cần tăng thời lượng thực hành làm công việc thực tế (onjob training) tại các nhà máy tương tự. Đặc biệt đối với lực lượng công nhân vận hành, BDSC phải áp dụng phương pháp “cầm tay chỉ việc”, tạo cơ hội cho họ tiếp xúc qua thực tế mới đảm bảo họ có thể đảm đương được công việc.

PV: Những thử thách đối với đội ngũ CBSX khi tiếp nhận nhà máy là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Đây là thời điểm giai đoạn 1 xây dựng NMNĐ Vũng Áng 1 sắp hoàn thành, còn khá nhiều công việc cần thực hiện. Hiện nay, mô hình của Ban CBSX rất nhỏ gọn, chỉ có hai phòng chức năng đó là Phòng Kỹ thuật - Kế hoạch và Phòng Tổng hợp, để tiếp nhận vận hành thương mại tổ máy số 1 cần phải có đơn vị chính thức quản lý vận hành nhà máy và hoàn thiện các thủ tục pháp lý cũng như các giấy phép cần thiết liên quan đến hoạt động SXKD điện như: Giấy phép hoạt động điện lực, giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, giấy phép xả thải... Bên cạnh đó là các hoạt động chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như bán sản phẩm đầu ra cần phải hoàn tất khi đưa nhà máy vào vận hành.

PV: Anh em trong Ban CBSX đang mong muốn nhất điều gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Tùng: Trong suốt hơn 3 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn, tổng công ty, cũng như sự hỗ trợ Công đoàn, Đoàn Thanh niên Dầu khí Việt Nam, chúng tôi đã cố gắng chăm lo đời sống của của CBCNV và học viên cả về vật chất lẫn tinh thần, động viên CBCNV và học viên vượt qua những khó khăn ban đầu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mong muốn lớn nhất hiện nay của chúng tôi, những người làm công tác CBSX và cũng là mong muốn của gần 500 học viên của dự án đó là tổ máy số 1 sớm hoàn thành thử nghiệm, chính thức đưa vào vận hành thương mại để các học viên của chúng ta được chứng tỏ mình, đóng góp công sức cho PV Power/PVN sau một thời gian dài học tập và được chính thức trở thành CBCNV của PV Power, của ngành Dầu khí.

PV: Xin cảm ơn ông!

Thành Công

 

DMCA.com Protection Status