Petrovietnam đẩy mạnh tái cơ cấu

08:00 | 09/04/2014

1,077 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Nhằm đánh giá tình hình thực hiện tái cơ cấu của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thuộc Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTƯ) giai đoạn 2011-2013 và triển khai công tác năm 2014-2015, đầu tháng 4 vừa qua, Đảng ủy Khối đã tổ chức hội nghị “Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước Khối DNTƯ đến năm 2015”.

Năng lượng Mới số 311

Tại Hội nghị này, đồng chí Phùng Đình Thực, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khối DNTƯ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã báo cáo khái quát về tình hình và kết quả bước đầu đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012-2015 được phê duyệt theo Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 5/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Báo Năng lượng Mới lược trích những nội dung cơ bản của báo cáo này.

Tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được qua hơn 10 năm thực hiện đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp, Tập đoàn đã tích cực triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu giai đoạn 2012-2015 theo đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng chí Phùng Đình Thực báo cáo tại hội nghị

Thực hiện nghiêm túc, chỉ đạo quyết liệt chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và đạt được kết quả cụ thể như: Petrovietnam được hình thành, trong đó Công ty Mẹ - Petrovietnam và các tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con đã có sự thay đổi to lớn về chất, xóa bỏ liên kết hành chính bằng liên kết đầu tư tài chính phù hợp với cơ chế thị trường, cơ cấu tổ chức, hoạt động đang dần hoàn thiện; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm được phát huy xong vẫn đảm bảo quyền chi phối của Công ty Mẹ - Tập đoàn, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Tập đoàn trong việc thực hiện các mục tiêu chung.

Quy mô Tập đoàn được nâng lên rõ rệt, sức cạnh tranh được cải thiện, hoạt động ra nước ngoài mở rộng, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư chiều sâu, áp dụng nhiều công nghệ mới. Tập đoàn đã phát huy vai trò đầu tàu định hướng, mở đường, hỗ trợ giám sát các công ty con hoạt động hiệu quả hơn và là trung tâm kết nối, mở rộng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm dầu khí theo chiến lược chung.

Toàn Tập đoàn đã từng bước tập trung vào các ngành, nghề kinh doanh chính, mũi nhọn để tập trung nguồn lực, tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, đóng góp lớn vào việc đảm bảo cung ứng một số sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng là một trong những trụ cột của nền kinh tế quốc dân, công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng, an sinh xã hội, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia trên biển.

Đến nay, thương hiệu Petrovietnam đã và đang dần được khẳng định trong lĩnh vực dầu khí và khu vực, cùng với đó Văn hóa Dầu khí chung sức, chung lòng, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết định kịp thời, tuân thủ pháp luật đang dần được hình thành hoàn chỉnh, củng cố và phát triển.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Quyết định số 46, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế, Petrovietnam đã đạt được những kết quả cụ thể như: Tập đoàn đã hoàn thành phê duyệt phương án tái cơ cấu của 16/18 đơn vị thành viên; hiện còn 2 đơn vị là PVEP và PVOil đang hoàn thiện phương án tái cơ cấu để phê duyệt. Mô hình tổ chức quản lý gọn nhẹ, hiệu quả hơn. Công ty mẹ thuộc các tổng công ty đã và đang tái cơ cấu để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính và trực tiếp nắm giữ hoạt động sản xuất kinh doanh trọng yếu bên cạnh đầu tư tài chính (PVC, PTSC, PVEIC, DMC, PVPower…); thoái vốn khỏi lĩnh vực không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính.

Một số công ty con đã được sáp nhập vào công ty mẹ để thu gọn đầu mối. Công tác quản trị doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, Công ty Mẹ - Tập đoàn đã được Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động tại Nghị định 149/2013/QD-CP ngày 31/10/2013. Tập đoàn đã và đang sửa đổi, hoàn thiện các định mức kỹ thuật, quy định, quy chế nội bộ. Công tác quản trị phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý điều hành của Công ty Mẹ - Petrovietnam đối với các đơn vị thành viên. Tập đoàn đang hướng dẫn các đơn vị đang sửa đổi Điều lệ Công ty Mẹ, phù hợp với quy định hiện hành và tổ chức ký thỏa thuận khung với Tập đoàn nhằm tăng cường vai trò định hướng, kiểm tra, giám sát, của Công ty Mẹ - Tập đoàn với các đơn vị thành viên. Thực hiện chuyển nhượng, thoái vốn nội bộ nhằm tập trung nguồn lực, hạn chế cạnh tranh, nội bộ, hỗ trợ một số đơn vị giải quyết khó khăn trong quá trình tái cơ cấu.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu của Petrovietnam giai đoạn 2014-2015, Tập đoàn đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản như:

Tiếp tục quán triệt và làm tốt công tác tư tưởng theo các Nghị quyết, Kết luận của Đảng về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà  nước và Quyết định số 929/QĐ-TTg  ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” và Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, chuyển đổi đa dạng hóa sở hữu, rà soát bổ sung những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong giai đoạn 2014-2015, Tập đoàn thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau - PVCFC; Công ty TNHH1TV Lọc - Hóa Dầu Bình Sơn - BSR; Công ty TNHH 1TV Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất - DQS (cổ phần hóa hoặc thoái toàn bộ vốn); Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - PV Power, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PV Oil.

Triển khai quyết liệt tất cả các giải pháp thoái vốn ngoài ngành; thực hiện thoái vốn theo quy định hiện hành, đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, hiệu quả; đảm bảo phù hợp với quyết định phê duyệt phương án tái cơ cấu đã được Hội đồng Thành viên Tập đoàn, cơ quan có thẩm quyền ban hành để thực hiện. Đối với các định chế tài chính, ngân hàng: thoái vốn phù hợp, khả thi theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và Quyết định số 46/QĐ-TTg ngày 5/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ để triển khai thực hiện hoặc đề xuất bán lại cho các NHTM Nhà nước, hoặc chuyển vốn sang NHNN Việt Nam làm đại diện chủ sở hữu như Thông báo số 85/TB-VPCP ngày 28/2/2014 của Văn phòng Chính phủ. Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản hoặc những công ty thua lỗ kéo dài, không thể phục hồi nếu không thể thực hiện thoái vốn sẽ xây dựng phương án giải thể, phá sản trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tập đoàn tiếp tục xây dựng, sửa đổi bổ sung các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Trong năm 2014, tập trung hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản nội bộ phù hợp với Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn, các quy định hiện hành nhằm tiết kiệm cho phí, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trải qua quá trình tái cơ cấu sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong hơn 10 năm qua theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ... tổ chức đảng trong Đảng bộ Tập đoàn đã có sự thay đổi căn bản về loại hình, quy mô, chất lượng hoạt động của tổ chức; đảm bảo phù hợp, đồng bộ với sự thay đổi của mô hình, tổ chức doanh nghiệp. Sự thay đổi về mô hình tổ chức, phát triển về vai trò, vị trí đã nâng cao vị thế và sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong Đảng bộ Tập đoàn, tăng cường việc lãnh đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị với lãnh đạo của tổ chức Đảng trong phạm vi toàn ngành, tạo cơ sở, tiền đề cho hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị; thống nhất trong công tác quản lý cán bộ; lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị xuyên suốt toàn Tập đoàn. Đảng bộ đã lãnh đạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và trong công tác xây dựng Đảng của toàn Đảng bộ; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đoàn kết thống nhất có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao.

P.V

DMCA.com Protection Status