Nguyễn Trí Thiện - thắp lửa đam mê

10:10 | 10/07/2014

758 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đang đảm nhận chức vụ Tổ trưởng Tổ Công nghệ chuyên khu - Phòng Công nghệ sản xuất tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, chuyên gia công nghệ urê Nguyễn Trí Thiện được ban lãnh đạo nhà máy đánh giá rất cao về năng lực chuyên môn, khả năng quản lý và bao quát công việc cũng như tính sáng tạo, tinh thần cầu tiến... Nguyễn Trí Thiện còn là tác giả của nhiều sáng kiến có giá trị, đặc biệt là các nghiên cứu về hạt urê.

Năng lượng Mới số 337

Khi Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ chuẩn bị đưa vào vận hành thì kỹ sư hóa học Nguyễn Trí Thiện cùng nhiều kỹ sư, công nhân được Ban quản lí dự án đưa đi đào tạo lý thuyết vận hành tại Trường cao đẳng Nghề Dầu khí và đi thực tập thực tế tại Nhà máy Đạm Hà Bắc. Sau đó, kỹ sư Thiện cùng một số kỹ sư được Ban Quản lý dự án đưa đi đào tạo về công nghệ sản xuất phân urê của nhà bản quyền, Hãng Snamprogetti (Italy) và thực tập thực tế tại nhà máy có công nghệ tương tự ở Ấn Độ. Sau các khóa đào tạo trong và ngoài nước như thế, kỹ sư Thiện thấy đủ tự tin để tiếp nhận vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Nói về những thành quả hôm nay, kỹ sư Thiện cho biết, may mắn là thời kỳ đầu nhà máy hoạt động có những thế hệ đi trước, trong đó có anh Lê Văn Minh - hiện là Phó giám đốc sản xuất Nhà máy Đạm Phú Mỹ chỉ bảo tận tình. Anh Minh là người có nhiều năm kinh nghiệm vận hành ở Nhà máy Đạm Hà Bắc cùng với đó là tâm huyết truyền nghề cho thế hệ trẻ, hướng dẫn đàn em rất tận tình, chu đáo để anh em sẵn sàng tiếp nhận, vận hành nhà máy an toàn, hiệu quả.

Từ tháng 4/2009 đến nay, với cương vị Tổ trưởng Tổ Công nghệ chuyên khu, kiêm chuyên gia về công nghệ urê, Nguyễn Trí Thiện đảm trách rất nhiều nhiệm vụ khác nhau. Trong công tác quản lý, anh có nhiệm vụ phụ trách các kỹ sư chuyên khu, tổ chức thực hiện giám sát dây chuyền công nghệ của nhà máy và đề xuất các phương án vận hành, xử lý công nghệ nhằm đảm bảo nhà máy được vận hành an toàn, hiệu quả và năng suất cao. Về chuyên môn, hiện là chuyên gia công nghệ urê, Nguyễn Trí Thiện có nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ urê nhằm đưa ra các giải pháp thích hợp cho các vấn đề phát sinh của dây chuyền sản xuất urê trong quá trình vận hành và đề xuất các giải pháp cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả trong vận hành và cải thiện chất lượng sản phẩm urê.

Lợi thế của người lao động ở nhà máy là luôn được các thế hệ lãnh đạo tạo điều kiện để anh em phát huy khả năng rất hiệu quả. Đó chính là chất kích thích để người lao động hăng say cống hiến, đam mê sáng tạo. Còn bản thân mỗi người phải luôn tự trau dồi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp và học hỏi thế hệ đi trước để trở thành những chuyên gia giỏi phục vụ tốt nhất cho công việc. Trong đó làm việc nhóm hiệu quả có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự thành công của nhà máy.

Là một người năng động, chịu khó, thông minh, có trách nhiệm, Nguyễn Trí Thiện luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo giao, luôn chủ động sáng tạo trong công việc và góp phần vào những thành tích chung của đơn vị. Không những thế, anh còn là người tham gia tích cực phong trào phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật. Trong đó, đáng lưu ý là các sáng kiến công nghệ được công nhận vào năm 2013: “Sử dụng nước Raw làm mát cho nước Fresh để vận hành cụm máy nén 40PK5001, giảm thất thoát NH3 từ bồn chứa 40-TK5001” được áp dụng trong đợt bảo dưỡng tổng thể (BDTT) 2013; sáng kiến “Thay đổi phương thức sử dụng tối ưu nguồn cấp điện trong thời gian BDTT 2013”; sáng kiến “Lắp đặt đường mồi bơm và điền dịch đường ống cửa hút bơm 10P3001A/B từ 10P3005” và sáng kiến “Thiết lập lại chế độ quan sát trên màn hình DCS đối với hệ thống băng tải và hệ thống Silo đóng bao tại X.SP”.

Nguyễn Trí Thiện -  thắp lửa đam mê

Phó tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng(phải) trao danh hiệu Người Lao động Dầu khí tiêu biểu cho kỹ sư Nguyễn Trí Thiện

Trong năm 2014, kỹ sư Nguyễn Trí Thiện tiếp tục có nhiều sáng kiến có giá trị khác, như sáng kiến: “Phần mềm tối ưu hóa lợi nhuận cho PVFCCo khi giá sản phẩm NH3 và urê thay đổi” được công nhận vào tháng 3/2014 cấp tổng công ty. Đặc biệt sáng kiến, cải tiến kỹ thuật: “Tăng độ cứng hạt urê và cải tạo hệ thống phun bọc sử dụng hóa chất VHCKK2000 thành hệ thống châm hóa chất UFC85 vào dịch urê nóng chảy” được công nhận vào tháng 2/2014 được công nhận cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Sáng kiến này đem lại nhiều lợi ích trong quá trình sản xuất của nhà máy và tiết kiệm nhiều chi phí. Như khi tận dụng lại hệ thống VHCKK2000 để châm hóa chất UFC85 là  khoảng 15,7 tỉ đồng. Việc tận dụng này còn thúc đẩy tiến độ áp dụng hệ thống mới nhanh hơn khoảng 12 tháng để xây dựng (không tính được thành tiền). Đồng thời, việc tăng độ bền và giảm kết tảng cho sản phẩm hạt urê sẽ làm chất lượng sản phẩm hạt urê đạm Phú Mỹ đến tay người tiêu dùng cải thiện đáng kể và tăng tính cạnh tranh trên thị trường, giảm sản phẩm chất lượng thấp do bụi và tảng. Hiệu quả này cũng khó tính được thành tiền. Sáng kiến này còn giúp giảm rõ rệt lượng mạt, bụi trong môi trường làm việc của người lao động trực tiếp với sản phẩm hạt urê (cụm tạo hạt urê, khu vực lưu trữ urê rời, hệ thống đóng bao, băng tải vận chuyển đạm rời)…

Theo anh Nguyễn Trí Thiện thì những sáng kiến này không riêng một cá nhân mà là sáng kiến của cả một ê-kíp làm việc cùng nhau. Có thể anh hoặc đồng nghiệp lên ý tưởng, sau đó tập thể cùng làm và đó là thành quả của tập thể. Tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ, ở mỗi phân khu làm việc nhóm hiệu quả rất quan trọng, góp phần vào sự thành công của nhà máy. Mỗi phân khu thường xuyên có hội thảo nhỏ, thảo luận nhóm định kỳ. Anh cho rằng, để làm việc nhóm có hiệu quả thì bản thân mỗi người phải chuẩn bị đầy đủ và nghiên cứu kỹ các tài liệu và số liệu liên quan. Người chủ trì sẽ thảo luận vấn đề và tôn trọng ý kiến của từng người. Quan điểm cá nhân, có thể đúng, có thể sai. Cuối cùng nhóm làm việc phân tích cái nào đúng, cái nào chưa phù hợp và đưa ra kết luận khả thi nhất, phù hợp với thực tiễn nhất.

Về công nghệ sản xuất urê hiện nay, anh Nguyễn Trí Thiện cho biết, Nhà máy Đạm Hà Bắc đã xây dựng cách đây khá lâu, có công nghệ khác Nhà máy Đạm Phú Mỹ; còn Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy Đạm Ninh Bình là hai nhà máy có công nghệ gần như tương tự với nhà máy Đạm Phú Mỹ. Riêng Nhà máy Đạm Phú Mỹ tự hào là cái nôi đào tạo nhân lực để chuẩn bị cho việc tiếp nhận vận hành của Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy Đạm Ninh Bình trong thời gian vừa qua. Giữa Nhà máy Đạm Cà Mau và Nhà máy Đạm Phú Mỹ thường xuyên có thảo luận và trao đổi công tác chuyên môn rất hiệu quả. Bản thân anh Nguyễn Trí Thiện thường xuyên được nhà máy cho tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn có công nghệ sản xuất urê tiên tiến trên thế giới như các nhà máy đạm ở Iran, Qatar,... thì anh có cảm nhận, Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc loại hiện đại so với các nhà máy đạm có công nghệ tiên tiến trên thế giới.

Với những thành tích đã đạt được, chuyên gia công nghệ urê Nguyễn Trí Thiện nhận được nhiều bằng khen của tổng công ty, Tập đoàn trao tặng; cùng với đó, hai năm liên tiếp 2013, 2014 anh nhận danh hiệu Người lao động Dầu khí tiêu biểu. Đó là những phần thưởng xứng đáng cho quá trình lao động không mệt mỏi của kỹ sư Nguyễn Trí Thiện do ngành Dầu khí và Công đoàn Dầu khí Việt Nam trao tặng.

Phó giám đốc Nhà máy Đạm Phú Mỹ Nguyễn Đình Hùng đánh giá: Chuyên gia công nghệ urê Nguyễn Trí Thiện là người làm việc có tính bao quát cao, hệ thống, khoa học, chọn lọc, là người rất có tâm và có trách nhiệm trong công việc dù ở bất cứ vị trí nào; và luôn có niềm đam mê sáng tạo, tác giả hoặc đồng tác giả của nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật rất có giá trị, đặc biệt là các nghiên cứu về hạt urê.

Thiên Thanh

DMCA.com Protection Status