Muốn ra biển thì phải bơi giỏi

07:00 | 21/02/2015

576 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Đầu tư ra nước ngoài để thăm dò, khai thác dầu khí là một chủ trương có tính chiến lược mà Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang quyết tâm thực hiện. Từ hơn chục năm qua, Petrovietnam đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành một tập đoàn dầu khí quốc tế, với nhiều dự án thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài. Có dự án thành công, có dự án không được như kỳ vọng và có dự án phải dừng, phải chấm dứt… Nhưng không phải ai cũng hiểu rủi ro trong nghề thăm dò, khai thác dầu khí là cao nhất so với các ngành nghề khác… Báo Năng lượng Mới đã có buổi trao đổi với Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) - đơn vị chủ lực của Petrovietnam.

Năng lượng Mới số Xuân 2015

PV: Thưa ông, năm nay chiến lược đầu tư ra nước ngoài có đạt được theo những kỳ vọng của lãnh đạo PVEP và lãnh đạo Tập đoàn không?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đang: Chiến lược đầu tư ra nước ngoài được Petrovietnam định hướng và Chính phủ phê duyệt. Từ đó, Petrovietnam và PVEP đã quyết liệt triển khai các giải pháp để đẩy mạnh hoạt động này. Petrovietnam bắt đầu tìm kiếm cơ hội đầu tư thăm dò khai thác dầu khí ở nước ngoài từ năm 1997 và khởi đầu bằng việc tham gia vào Dự án Tamsaq (Mông Cổ) năm 1999. Tháng 8/2000, PVEP thụ nhượng 4,5% quyền lợi tham gia tại Lô PM304, ngoài khơi Malaysia từ Amerada Hess; bắt đầu quá trình đầu tư các dự án tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài. Năm 2006, PVEP có dòng dầu đầu tiên từ nước ngoài (mỏ Cendor, Lô PM304 - Malaysia) và từ đó đến nay, PVEP đã mở rộng địa bàn và số lượng phát triển dự án dầu khí ở nhiều địa bàn quốc tế. Năm 2014, PVEP đã ký được 1 hợp đồng, đang đàm phán 2 hợp đồng và tính đến thời điểm này, PVEP đang có 17 dự án ở nước ngoài.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đang (Ảnh: Hiền Anh)

Chiến lược phát triển ra nước ngoài của PVEP đang được triển khai rất tốt. Trong mấy năm vừa qua, PVEP đã sàng lọc lại những dự án đang có, trên cơ sở đó xem xét những dự án nào có tiềm năng tốt thì đẩy nhanh tốc độ phát triển mỏ để sớm có dòng dầu, có nguồn thu như Dự án Bir Seba ở Algeria, Lô 67 ở Peru. Những dự án có tiềm năng thấp thì cương quyết đóng dự án hoặc đóng cửa văn phòng để tiết kiệm chi phí. Đối với những dự án tìm kiếm, thăm dò có những rủi ro nhất định thì PVEP tìm cách nhượng bớt cổ phần cho các công ty dầu khí nước ngoài, giữ cổ phần vừa phải để chia sẻ rủi ro. Ví dụ trong năm 2013, Dự án Lô M2 ở Myanmar (PVEP giữ 85%), PVEP đã tìm được nhà đầu tư nước ngoài để chia sẻ rủi ro của dự án.

Nhìn lại bức tranh tổng thể các dự án đầu tư, có thể nói, PVEP đã bước đầu có được những kết quả khả quan mặc dù bên cạnh những dự án thành công cũng có những dự án chưa đạt được như kỳ vọng ban đầu, có những hợp đồng ký với thời gian 1-7 năm nhưng sau thời gian đó, PVEP đã chấm dứt do có triển vọng dầu khí thấp. Việc rủi ro và chấm dứt hợp đồng thăm dò dầu khí là thông lệ thông thường của ngành Dầu khí. Đã có rất nhiều tập đoàn dầu khí lớn của nước ngoài cũng đã rút khỏi Việt Nam sau khi đầu tư với kinh phí khổng lồ mà không tìm được giọt dầu nào như Shell, Total, BHP… Đối với PVEP, qua thực tế triển khai thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí cho thấy Petrovietnam/PVEP luôn phải đối mặt với khó khăn tồn tại như thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều đối thủ là các công ty quốc tế có tiềm lực kinh tế mạnh, có kinh nghiệm. Do là người đi sau nên các hoạt động dầu khí của Petrovietnam/PVEP đa số diễn ra ở các nước có các điều kiện địa lý khó khăn, môi trường đầu tư rủi ro và khác biệt về văn hóa. Trong quá trình đầu tư tại nước ngoài, Petrovietnam/PVEP phải chịu nhiều rủi ro ảnh hưởng đến việc triển khai và hiệu quả của dự án: Rủi ro về kỹ thuật, rủi ro về môi trường pháp lý, môi trường kinh tế, môi trường dịch vụ, rủi ro về văn hóa, an ninh. Các dự án đầu tư dầu khí nói chung và dự án tìm kiếm thăm dò dầu khí nói riêng có rất nhiều đặc thù riêng biệt như mức độ rủi ro cao, vốn đầu tư lớn, thời gian ra quyết định gấp, trong khi hành lang pháp lý của Nhà nước về thủ tục đầu tư, quy trình xây dựng, triển khai và quản lý dự án còn trong quá trình hoàn thiện và chưa đầy đủ.

Từ đó, PVEP đã có những bước đi thận trọng để giảm thiểu, hạn chế tối đa những rủi ro. Trước tiên đó là tìm kiếm các dự án tốt, có nghĩa là môi trường đầu tư tại nước sở tại là môi trường tốt, ổn định chính trị và các dự án nằm trong các bể trầm tích có tiềm năng dầu khí. Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh cho thấy, nhiều khu vực có tiềm năng dầu khí tốt như Bắc Phi và Nam Mỹ nhưng khi có sự biến động về chính trị thì các nhà đầu tư sẽ gặp rủi ro lớn (như tại Iraq, Libi, Arập Xêút...). Thứ hai là khi sàng lọc các dự án, phải lựa chọn, có đủ những con người có trình độ, kinh nghiệm và khả năng để đánh giá hiệu quả dự án. Thứ ba, cân đối về tiềm lực tài chính để lựa chọn được những dự án phù hợp với quy mô của PVEP.

Và một phần thêm vào đó là sự… may mắn!

Thực tế là việc triển khai thực hiện dự án dầu khí ở nước ngoài không hề dễ dàng. Hay nói một cách ví von thì muốn ra biển, phải biết bơi giỏi.

Để thành công ở nước ngoài, cần rất nhiều yếu tố cấu thành và cả một phần may mắn trong công việc. Nhưng quan trọng nhất là môi trường đầu tư, văn hóa và thiện chí của nước chủ nhà cũng như việc lựa chọn đúng dự án hiệu quả. Đây là thách thức lớn nhất vì thông thường thì các nước tổ chức đấu thầu các lô dầu khí hay các công ty bán dự án chỉ giới hạn thời gian tham khảo tài liệu để quyết định trong thời gian ngắn. Trong điều kiện địa chất khác biệt với địa chất trong nước, đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia có đủ kinh nghiệm để có thể xem xét, đánh giá và tư vấn cho lãnh đạo quyết định. Vì vậy, không phải lúc nào PVEP cũng có đủ thời gian và thông tin đầy đủ để có cơ sở xem xét quyết định đầu tư vào một dự án nào đó ở nước ngoài.

Có những năm, PVEP đã sàng lọc trên 50 dự án nhưng không chọn được dự án nào. Dự án Bir Seba ở Algeria là một ví dụ điển hình cho sự khó khăn, vất vả trong triển khai dự án ở nước ngoài, những kỹ sư, chuyên gia của Việt Nam phải đối mặt với môi trường làm việc ở một nơi có những điều kiện khí hậu sa mạc rất khắc nghiệt, điều kiện địa chất khác biệt so với ở Việt Nam, sử dụng dịch vụ, thiết bị khác rất nhiều ở Việt Nam, mọi thủ tục pháp lý lại cần phải tuân thủ luật pháp của nước chủ nhà và Việt Nam. Giải quyết những sự khác biệt ấy như thế nào là vấn đề mà lãnh đạo PVEP luôn phải thấu hiểu để có điều chỉnh cho hài hòa.

Bên cạnh đó, đối với những dự án ở nước ngoài, giá trị gia tăng của các dự án sẽ nâng lên nếu có sự đồng hành của những công ty của Việt Nam như Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling) tại Algeria... Ngoài việc mang lại lợi nhuận, kinh nghiệm, hình ảnh cho các công ty dầu khí của Việt Nam, PVEP cũng có thuận lợi là có đối tác là công ty trong ngành, trong chừng mực nhất định các đối tác, công ty này sẽ cùng vì mục tiêu chung của Petrovietnam, vì “màu cờ sắc áo” của Việt Nam nên sẽ có những sự dễ đồng thuận hơn, làm việc cùng nhau dễ dàng hơn.

Chúng tôi rất mong muốn có được sự đồng hành cùng PVEP của nhiều đơn vị khác trong ngành. Có thể bước đầu sẽ rất gian nan, nhưng chắc chắn là sẽ rất hiệu quả.

PV: Có luồng dư luận cho rằng, nếu đầu tư ra nước ngoài mà lãi suất không bằng lãi suất gửi ngân hàng thì không nên làm. Trong lúc còn khó khăn về ngoại tệ, sao không thăm dò ở những vùng nước sâu trong nước mà lại ra nước ngoài, các dự án này cũng không hiệu quả? Theo ông, trước dư luận như vậy, phải tư duy và hành động như thế nào?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đang: Nhìn chung, hầu hết các quốc gia có tiềm lực kinh tế, ngoài việc tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí trong nước đều mở rộng đầu tư ra nước ngoài như Malaysia, Thái Lan, Indonesia… Bên cạnh đó, không chỉ những nước không có tiềm năng dầu khí như Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí ở nước ngoài mà cả những nước có tiềm năng dầu khí dồi dào như Nga vẫn có chủ trương đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực này. Đối với Petrovietnam/PVEP cũng không nằm ngoài quan điểm và định hướng đó.

Niềm vui khi đón dòng dầu thương mại ở mỏ Piranha Lô 67- Peru

Về bản chất, đầu tư ra nước ngoài là tìm kiếm lợi nhuận. Đối với Việt Nam, tiềm năng dầu khí chủ yếu ở ngoài khơi và một nửa là khu vực nước sâu, các khu vực nước nông thì đã được khảo sát, tìm kiếm thăm dò, phát triển và khai thác hàng chục năm rồi. Về cơ bản, chúng tôi đã nhận dạng, phân vùng triển vọng và định hình được triển vọng ở khu vực nước nông này. Hiện nay, PVEP đang triển khai hoạt động thăm dò khai thác ở những vùng nước sâu, xa bờ bằng cách liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài. PVEP cũng xác định tại các khu vực này, để dự án có hiệu quả phải tìm được những mỏ có trữ lượng lớn tuy nhiên đi kèm theo đó chi phí cho công tác tìm kiếm thăm dò tại những khu vực này là rất lớn. Do đó, việc đầu tư ra nước ngoài đối với PVEP quan trọng nhất là để thực hiện hai mục tiêu: Thứ nhất là để phát triển bản thân và thứ hai là tìm kiếm lợi nhuận. Chính vì vậy, PVEP định hướng không đặt vấn đề tập trung trong nước hay ngoài nước mà khi có dự án tốt ở nước ngoài hiệu quả hơn ở khu vực nước sâu trong nước thì sẽ triển khai ở nước ngoài. Trong thực tế, một số dự án của PVEP ở nước ngoài đã mang lại hiệu quả, lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, đầu tư ở nước ngoài cần phải trường vốn, một dự án từ khi triển khai đến khi khai thác cần có nhiều thời gian, có những dự án tới 10 năm mới có doanh thu nên việc đầu tư không thể có ngay lợi nhuận.

Mặc khác, ngành Dầu khí còn phụ thuộc vào giá dầu, nhưng hiện nay, giá dầu thế giới đang giảm không theo chu kỳ nên hiệu quả đầu tư rất khó xác định một cách chính xác. Tuy nhiên, tính tổng thể cả vòng đời dự án thì PVEP vẫn kỳ vọng việc đầu tư ra nước ngoài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và bù đắp được những chi phí đầu tư đã bỏ ra trong giai đoạn trước đó.

Trong mấy năm vừa qua, cách tìm dự án mới của PVEP đã có những chuyển biến tích cực trên cơ sở rút kinh nghiệm của những năm trước. PVEP tham gia vào dự án với tỷ lệ nhỏ hơn, không đi một mình mà đi chung với các công ty dầu khí nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực như việc đấu thầu chung với Eni (Italia) tại Myanmar và đã trúng thầu 2 lô, tham gia cùng Murphy ở Dự án Lô Urca, Hoa Kỳ và một số lô khác ở vịnh Mexico. Việc làm này mang tính thận trọng hơn trong công tác triển khai đầu tư đối với những vùng, những khu vực mới mà chưa có kinh nghiệm thì nên đi theo để trên cơ sở đó học hỏi, triển khai dự án được tốt hơn, giảm thiểu rủi ro. Những dự án PVEP tham gia 100% như dự án ở Uzbekistan thì vẫn đang được tích cực triển khai theo mức độ đảm bảo hiệu quả dự án và kiểm soát được rủi ro.

PV: Thưa ông, vậy chiến lược PVEP trong thời gian tới như thế nào?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đang: Chiến lược phát triển của PVEP được xây dựng với định hướng đến 2025 là tăng trưởng phát triển bền vững. Trong đó, về gia tăng trữ lượng cần đảm bảo chỉ tiêu cả trong và ngoài nước 10-20 triệu tấn dầu quy đổi (kể cả mua mỏ), nâng sản lượng khai thác từ 100.000 thùng dầu quy đổi ngày lên khoảng 300.000 thùng dầu quy đổi/ngày trong vòng 10 năm. Đây là mục tiêu chiến lược kỳ vọng đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và giải pháp của PVEP từ kỹ thuật, nguồn nhân lực, chính sách, tài chính và sự hỗ trợ, ủng hộ của Petrovietnam, các bộ, ngành liên quan và Chính phủ.

Để thực hiện được chiến lược đã đề ra, PVEP sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò ở trong nước tại những khu vực vẫn còn tiềm năng, mở rộng hoạt động đến những vùng nước sâu xa bờ.

Ở nước ngoài, bên cạnh những thị trường truyền thống, PVEP tiếp tục lựa chọn các khu vực có tiềm năng dầu khí cao, thuận lợi về quan hệ chính trị như ở Trung Đông, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Mỹ, các nước thuộc Liên Xô cũ để tiến hành đầu tư. PVEP sẽ đa dạng hóa các hình thức đầu tư, quan tâm tới các cơ hội rủi ro thấp, trung bình, thời kỳ tìm kiếm thăm dò ngắn, quy mô trữ lượng tiềm năng cao, điều kiện tài chính hợp đồng hấp dẫn, quy mô chi phí rủi ro có thể chấp nhận. Tích cực farm-in vào các hợp đồng có tiềm năng cao trong giai đoạn thăm dò, thẩm lượng. Ưu tiên cho mua trữ lượng, mỏ mới để gia tăng trữ lượng và đảm bảo mục tiêu sản lượng ghi trong chiến lược. Chúng tôi quyết tâm xây dựng PVEP trở thành tổng công ty với nguồn lực mạnh, chuyên nghiệp trong điều hành, tham gia tích cực, hiệu quả các dự án ở trong và ngoài nước, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh với các công ty dầu khí trong khu vực và trên thế giới, có uy tín hợp tác quốc tế.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Chúc PVEP ngày càng xứng đáng là chiếc đầu máy khỏe, kéo đoàn tàu dầu khí.

Như Phong (thực hiện)

 

DMCA.com Protection Status