Giải pháp gia tăng sản lượng khai thác mỏ Sông Đốc

18:07 | 05/09/2014

1,388 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Ngày 5/9 tại Vĩnh Phúc, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP) đã tổ chức hội thảo Giải pháp gia tăng sản lượng khai thác và chương trình thăm dò mở rộng lô 46/13.

Tham dự hội thảo có ông Ngô Sĩ Thọ - Đại điện VP Chính phủ; ông Trần Thanh Tùng - Vụ trưởng Vụ Thăm dò và Khai thác Dầu khí - Bộ Công Thương; Tiến sĩ Hoàng Ngọc Đang - Chủ tịch HĐTV PVEP; Tiến sĩ Ngô Hữu Hải – Phó Tổng giám đốc Thường trực PVEP, lãnh đạo các ban Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng giám đốc PVEP, các chuyên gia về công nghệ mỏ, Tìm kiếm Thăm dò, Phát triển khai thác từ Vietsovpetro và các đơn vị thành viên của PVEP...

Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo, chuyên gia dầu khí

Mỏ Sông Đốc nằm cách mũi Cà Mau khoảng 205 km về phía Nam. Trước đây mỏ được vận hành bởi tổ hợp các nhà thầu, bao gồm: Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) nắm giữ 40%, Petronas Carogali Overseas Sdn.Bhd (Malaysia) nắm giữ 30% và Talisman Vietnam Ltd nắm giữ 30%.

Ngày 24/11/2013, được sự tin tưởng của Chính phủ, Bộ Công Thương và PVN, PVEP đã được chỉ định tiếp nhận vận hành khai thác tận thu mỏ Sông Đốc sau khi các nhà Đầu tư nước ngoài đã bỏ đi do chi phí vận hành quá cao, sản lượng dầu xuống thấp hơn mức khai thác kinh tế hiệu quả. Cho đến nay, Mỏ đã được vận hành tuyệt đối an toàn. Các chứng chỉ được gia hạn, duy trì theo đúng quy định của các cơ quan quản lý nhà nước. PVEP đã tiết kiệm chi phí tối đa, sử dụng toàn bộ nội lực, không thuê chuyên gia nước ngoài. Chi phí vận hành hàng ngày chỉ bằng 85% so với trước đây. PVEP đã xuất bán được 3 lô dầu với khối lượng đạt hơn 751 nghìn thùng, thu về 86,5 triệu USD

Mỏ Sông Đốc đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đó là đến 5/2015, dự báo sản lượng sẽ sụt giảm và nếu cứ tiếp tục khai thác sẽ không hiệu quả kinh tế. Hiện tại khu vực mỏ có 250 tỉ bộ khối khí thu hồi đã có đánh giá trữ lượng, nếu tính các lô xung quanh thì trữ lượng lên tới 600 tỉ bộ khối. Phương án phát triển khả thi nhất cho các trữ lượng khí này là đưa về PM3-CAA xử lý và chuyển về Việt Nam.

Trung tâm Kỹ thuật của PVEP chủ trì (cùng các ban chuyên môn) nghiên cứu và trình bày các kết quả nghiên cứu giải pháp gia tăng sản lượng khai thác và chương trình thăm dò mở rộng lô 46/13 nhằm duy trì và nâng cao sản lượng khai thác hiện nay cũng như hướng tới sớm đưa các phát hiện khí vào khai thác.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Lãnh đạo Tổng công ty, các chuyên gia và khách mời tham gia hội thảo đã trao đổi và phản biện rất tích cực và hiệu quả các kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả. Qua đó đã khẳng định việc duy trì và nâng cao sản lượng khai thác gặp nhiều thách thức, và việc khoan thêm giếng khai thác như Trung tâm Kỹ thuật đề xuất là cần thiết và cần triển khai sớm.

Hội thảo đánh giá cao về các kết quả nghiên cứu ban đầu về chương trình thăm dò mở rộng của nhóm tác giả, và cho rằng lô 46/13 có nhiều tiềm năng dầu khí. Chủ tịch HĐTV PVEP Hoàng Ngọc Đang nhấn mạnh cần đẩy nhanh nghiên cứu và tập trung làm sáng tỏ hệ thống và tiềm năng dầu khí để sớm đề xuất vị trí giếng khoan thăm dò.

Phó tổng giám đốc thường trực PVEP Ngô Hữu Hải nhận định, từ khi PVEP tiếp nhận mỏ Sông Đốc, đội ngũ quản lý và lao động PVEP đã học hỏi được rất nhiều trong việc quản lý dự án, vận hành mỏ, quản lý hợp đồng mua bán. Vì vậy, dù phải thực hiện việc “mót dầu” cũng cần tính toán các giải pháp để đạt tới hiệu quả kinh tế.

Kết luận hội thảo, Phó tổng giám đốc thường trực PVEP Ngô Hữu Hải ghi nhận và đánh giá cao những nghiên cứu của Trung tâm Kỹ thuật trực tiếp làm việc về dự án Sông Đốc, đã có 2 sáng kiến hợp lý hóa sản xuất, đảm bảo an toàn tốt nhất cho dự án. Để tiếp tục duy trì và khai thác mỏ Sông Đốc, PVEP cần nghiên cứu bắn thêm vỉa bổ sung để nâng sản lượng thêm 25%.

Với kết quả nghiên cứu ban đầu của Trung tâm Kỹ thuật, đề nghị Trung tâm nghiên cứu việc khoan giếng 4B-Nam Can. Tiếp tục nghiên cứu tận thăm dò với tư tưởng “bản lĩnh, tự tin, đột phá”. Các phát triển khí cần kết hợp các mỏ khí bên cạnh để có thiết kế riêng, chương trình riêng cho các mỏ khí nhỏ vùng biển Tây Nam Việt Nam.

Đức Chính

DMCA.com Protection Status